Thứ Năm, 15 tháng 7, 2021

CHÍNH QUYỀN HÃY NHÌN VÀO SỰ THẬT ĐỂ HÀNH ĐỘNG

Trong bài này, BS Sơn trách chính quyền "Càng ôm đồm thiệt hại càng lớn, người dân càng hoang mang". Thực ra ôm đồm là phước thức quản lý chính thống của các nhà nước XHCN từ khi ra đời, đặc biệt càng là chủ trương lớn của Đảng, vì phải như vậy mới chứng tỏ Đảng và Nhà nước đang vô cùng tích cực và khẩn trương dập dịch chống dịch; công lao lớn nhất và cuối cùng sẽ thuộc về Đảng và Nhà nước. Dĩ nhiên, khi ôm đồm như vậy thì chính quyền sẽ có quyền yêu cầu người dân đóng thêm tiền và chính quyền cũng thoải mái thu tiêu tiền vì tiêu tiền cho chống dịch thì ai dám phản đối. Ai phản đối thì chắc chắn 100% là phản động, đáng bị tống giam. Do đó, ôm đồm vừa là cách phô trương sự lãnh đạo vừa là phép thử quyền uy và lòng dân. Càng kích động người dân sợ hãi hoảng loạn thì người dân càng phải dựa vào chính quyền và chính quyền càng có cớ để gia tăng quyền lực của mình đối với người dân.
CHÍNH QUYỀN HÃY NHÌN VÀO SỰ THẬT ĐỂ HÀNH ĐỘNG
FB Bs Võ Xuân Sơn - Liên tục mấy ngày nay, nhiều người hỏi tôi về trường hợp của gia đình họ, có người F0, có nhà 2 người, mà chờ hoài chưa thấy đưa đi bệnh viện. Rồi họ hỏi bây giờ sốt, ho thì phải làm sao…
Hôm nay, tôi nhận được một đoạn ghi âm cuộc gọi của gia đình có 2 người F0 mà không có khả năng tự chăm sóc, nhưng bên trả lời (có lẽ là y tế cơ sở) cho biết họ không thể làm gì hơn, vì HCDC không nhận, dù họ đang có tới 8 người F0 cần đưa vào bệnh viện, trong đó có 2 người trên 71 tuổi, vì các bệnh viện dã chiến không còn chỗ. Người trả lời còn nhờ người nhà gọi trực tiếp lên HCDC hoặc trung tâm điều phối phản ánh giùm.

Tôi cũng nhận được lời kêu gọi giúp đỡ của những người F0 từ bên trong một bệnh viện dã chiến, nói rằng điều kiện ở trong bệnh viện rất tệ, chăm sóc y tế kém, thậm chí còn không có nước sinh hoạt. Ngay cả một số nhân viên y tế phục vụ trong bệnh viện dã chiến cũng cho biết, cơm ăn hàng ngày cũng có lúc bị sống, nuốt không nổi. Nói tóm lại, tình hình trong các bệnh viện dã chiến nói chung cũng căng thẳng không kém bên ngoài.

Không căng thẳng sao được. Mỗi ngày ngàn mấy gần 2 ngàn người nhiễm. Bao nhiêu bệnh viện cho đủ. Mà đó là số người nhiễm virus Vũ Hán mới có hơn 31 ngàn ca. Rồi đây, khi con số lên vài trăm ngàn ca thì sao? Đừng có nghĩ rằng phong tỏa, cách li, ngăn sông cấm chợ là số nhiễm không lên. Đừng có nghĩ rằng xét nghiệm là ngăn được người nhiễm.

Vào thời điểm hiện nay, khi con virus Vũ Hán đã nằm đầy trong cộng đồng, không có động thái nào ngăn được nó lây lan. Chúng ta chỉ có thể cố gắng làm chậm tốc độ lây lan được chừng nào hay chừng đó. Chúng ta bắt buộc phải học cách sống chung với con virus Vũ Hán, tìm cách ngăn chặn những thiệt hại mà nó gây ra cho chúng ta.

Chúng ta bắt buộc phải chấp nhận một phần thiệt hại, để hạn chế thiệt hại lan rộng, còn hơn là không chấp nhận thiệt hại nào, để thiệt hại còn lớn hơn nữa.

Theo tôi được biết, Bộ Y tế mới công bố cho phép thí điểm cách li F0 tại nhà ở khu vực TPHCM. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng cho người đã được điều trị ở bệnh viện 10 đến 14 ngày. Tôi cho là làm như vậy chúng ta vẫn bị quá tải. Chúng ta cần mạnh dạn cho F0 cách li tại nhà ngay từ đầu. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có đủ sức xây dựng bệnh viện, và huấn luyện kịp thời đội ngũ y bác sĩ cho các trường hợp nặng.

Đối với các trường hợp F0 cách li tại nhà, giao cho các cơ sở y tế tại địa phương (cả công và tư) kết nối, hướng dẫn từ xa. Tận dụng tất cả các phương tiện thông tin có sẵn như zalo, messenger, e-SMS… để các bác sĩ tại địa phương kết nối, hướng dẫn cho người F0 đang cách li tại nhà. Mỗi đơn vị hành chánh (quận, huyện chẳng hạn), có vài đội lấy mẫu lưu động, đến nhà lấy mẫu cho các F0, F1, và kết nối trực tiếp với các cơ sở y tế địa phương đang chịu trách nhiệm tư vấn cho người F0 tại nhà.

Bộ Y tế cần ban hành hướng dẫn cách theo dõi từ xa cho F0 tại nhà cho cả người bị nhiễm (F0) và thầy thuốc. Những trang thiết bị thiết yếu cần có để theo dõi tại nhà, như dụng cụ đo nhiệt độ, máy đo nồng độ oxy (oxymeter) cũng cần được qui định. Bộ Y tế cũng cần đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể, qui định khi nào thì cần phải nhập viện, khi nào thì tái hòa nhập vào cộng đồng. Hướng dẫn phải thực tế, không đưa ra các điều kiện phi thực tế và ở đâu đó trên trời đến mức không thể thực hiện được, chỉ để né tránh trách nhiệm.

Mỗi người cố gắng một chút. Đặc biệt, chính quyền cần phải nhìn vào thực tế, đừng chỉ dựa vào những lí luận chính trị không ăn nhập gì với việc phòng chống dịch. Chính quyền, nếu không đủ khả năng dự đoán, thì cũng cần phải theo kịp với diễn biến thực tế. Chính quyền cũng phải thực tâm thực hiện khẩu hiệu “mục tiêu kép” mà chính mình đặt ra.

Mọi hành động, làm việc, phải dựa trên khả năng thực tế của mình, đừng duy ý chí nữa. Ông bà ta có câu “liệu cơm gắp mắm” luôn đúng trong những trường hợp như thế này.

Bây giờ là lúc chúng ta phải nghĩ cách làm sao giảm được thiệt hại, làm sao để cuộc sống người dân không quá khó khăn. Nhà nước thì kêu gọi người dân bình tĩnh, thông cảm cho những khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Còn tôi, một người dân, thì kêu gọi chính quyền hãy tỉnh táo, nhìn thẳng vào sự thật, coi cuộc sống của người dân, và sự ổn định xã hội là quan trọng, quyết định mọi việc theo hướng phù hợp với năng lực của xã hội, và ít thiệt hại nhất. Càng ôm đồm thiệt hại càng lớn, người dân càng hoang mang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét