Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

‘sổ tay nuôi đại học’ của mẹ và ‘tay sần sùi’ của cha

Tôi nghĩ người mẹ ghi lại các khoản chi tiêu cho con gái học đại học không phải để sau này tính toán công lao với con gái, mà chỉ đơn giản là để kiểm soát được chi tiêu hàng ngày, hàng tháng của mình, trong đó mục chi cho con gái là quan trọng nhất, nhất định phải đảm bảo. Đoạn này hay: Cuốn sổ tay nuôi đại học của mẹ hay bàn tay sần sùi của cha chính là những hy sinh thầm lặng của đấng sinh thành dành cho con cái, gửi gắm vào đó là biết bao hy vọng các con sẽ khôn lớn và có một cuộc đời tốt đẹp hơn. Vậy nên, chúng ta hãy cố gắng học tập thật tốt, trở thành người có ích cho xã hội, và sống thật tốt để không phụ công ơn của mẹ của cha.
Nghẹn ngào khi thấy ‘sổ tay nuôi đại học’ của mẹ và ‘đôi tay sần sùi’ của cha
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”.
Con khóc nghẹn ngào khi thấy ‘sổ tay nuôi đại học’ của mẹ và ‘đôi tay sần sùi’ của cha. Vào tháng 4 này, cô gái Huyền Trân đang dọn dẹp nhà thì vô tình tìm được một cuốn sổ cũ ghi là: "Sổ tay nuôi đại học", thì ra đó là ghi chép của “người mẹ nông dân” của Trân về số tiền đã chắt chiu, dành dụm để gửi cho con gái trong suốt 4 năm đại học, khiến cô “ngồi khóc cả buổi”, vì chưa làm gì được cho cha mẹ mà... lâu lâu còn “bào thêm".


Sổ tay nuôi đại học của mẹ và đôi bàn tay sần sùi của cha. (Ảnh tổng hợp)
‘Sổ tay nuôi đại học’ của mẹ
Mới đây, cô gái Trần Thị Huyền Trân (sinh năm 1994, quê Tiền Giang, sống tại TP HCM) đã đăng một bài viết trên nhóm cộng đồng về câu chuyện của bản thân mình khiến nhiều người xúc động.

Huyền Trân chia sẻ: "Có bạn nào biết cha mẹ nuôi mình đi học đại học tốn bao nhiêu tiền không? Nay dọn nhà tự nhiên phát hiện ra 'Sổ tay nuôi đại học' mà ngồi khóc cả buổi. Tại ra trường 5 năm rồi, thấy chưa có làm gì được cho cha mẹ mà lâu lâu còn ‘bào’ thêm".

Thì ra, vào ngày 21/4, khi Trân đang dọn dẹp nhà thì vô tình tìm được một cuốn sổ cũ với dòng chữ to được tô đậm ở trang đầu, ghi: "Sổ tay nuôi đại học".

Cuốn sổ là những ghi chép của mẹ Trân về số tiền dành dụm để gửi cho con gái trong suốt 4 năm cô theo học Lớp Chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật (CJL) của ĐH Luật TP.HCM. Tổng tất cả các khoản tiền học phí, ăn ở, tiền học thêm tiếng Nhật, tiếng Anh, mua sách của Trân trong khoảng thời gian này là 260.350.000 đồng.

Trân chia sẻ với báo Zing: "Bố mẹ đều là nông dân nhưng vẫn cố gắng cho mình học ngành chất lượng cao để tăng cơ hội tìm được công việc tốt. Dù kinh tế không dư dả, bố mẹ luôn dành cho mình những thứ tốt nhất".

Các khoản chi tiêu trong 4 năm đại học của Trân đều được mẹ cô ghi lại cẩn thận. Nhìn những dòng chữ nắn nót ghi chú từng khoản tiền, mốc thời gian, Trân không kìm được nước mắt.

“Khi đọc những dòng chữ mẹ viết trong cuốn sổ đó, tự hào là cảm giác nhiều nhất. Vì giờ nhìn lại, gia đình mình đã vượt qua nhiều sóng gió, ba mẹ từ hai bàn tay trắng nuôi mình khôn lớn trưởng thành”, Trân nói.

Các khoản chi tiêu trong 4 năm đại học của Trân được mẹ cô ghi lại cẩn thận.

Khi còn là sinh viên, mỗi tháng, Trân được bố mẹ gửi 2 triệu đồng để chi tiêu, số tiền này sau đó tăng dần theo thời giá. Vì quê Trân chỉ cách TP.HCM 70 km nên cô thường tranh thủ cuối tuần về quê “lấy thêm” gạo, rau, thịt lên nấu ăn cho... tiết kiệm.

Suốt 4 năm đại học, bố mẹ Trân không muốn con gái đi làm thêm vì sợ ảnh hưởng đến việc học hành. Bên cạnh đó, chương trình học của Trân cũng khá nặng, việc học “kín cả ngày”, tối đi học thêm tiếng Nhật và tiếng Anh nên cũng không có thời gian nghĩ tới chuyện khác.

"Biết bố mẹ vất vả, mình luôn chăm chỉ học hành và coi việc báo đáp công ơn hai người là động lực để cố gắng", Trân chia sẻ.

Trong 4 năm học, Trân luôn đạt học bổng và tốt nghiệp với tấm bằng giỏi. Trân đã tốt nghiệp Trường đại học Luật được 5 năm, đã tự học lấy chứng chỉ luật sư và mở công ty riêng được 2 năm nay. Hiện cô đã tự chủ tài chính, mua được nhà ở TP.HCM và kinh tế khá vững.

Huyền Trân (thứ 2 từ trái sang) luôn đạt thành tích cao trong 4 năm học và hiện có sự nghiệp ổn định.

Cũng vì đặt mục tiêu có công việc, thu nhập ổn định để chăm lo, đền đáp cha mẹ rồi mới lấy chồng, nên cô và người yêu quen nhau thời gian khá lâu rồi đến tận năm ngoái, Trân và nửa kia mới làm đám cưới.

"Bây giờ mình chỉ mong bố mẹ có thật nhiều sức khỏe để vui vầy bên con cháu, còn mọi việc đã có mình lo", Trân tâm sự.

Đôi bàn tay sần sùi của cha

Mới đây, mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh về bàn tay sần sùi của một người đàn ông, kèm theo đó là dòng trạng thái: “Đôi bàn tay của người cha nuôi con vào đại học”. Nhìn vào ảnh có thể thấy, người đàn ông đang đi làm căn cước công dân và được công an lấy dấu vân tay.(Ảnh chụp màn hình Facebook)

Đó là một người cha vì lao động cực nhọc mà đôi bàn tay đã trở nên sần sùi, chai sạn thành từng mảng, đến nỗi không thể lấy được dấu vân tay.

Khi hình ảnh về “đôi tay sần sùi của cha” được lan truyền trên mạng, nhiều bạn nghẹn ngào bày tỏ "thương bố quá”, bởi lâu nay rất nhiều người trẻ chúng ta “không có thời gian”, hay vô tâm mà không để ý rằng đôi tay cha mẹ đã trở nên sần sùi cùng năm tháng nuôi con lớn lên. Giờ đây, nhiều người nhận ra đôi tay cha mẹ từ lâu đã không còn vân tay nữa…

“Tuy bàn tay không được đẹp, lại sần sùi thô ráp nhưng bàn tay của bố là bàn tay ấm áp nhất trên đời này”, một người cho biết.

Có ai trong chúng ta xem bức ảnh ấy rồi ân hận vì “hở một tí là đòi cái này đòi cái kia cho bằng bạn bằng bè”? Cần biết rằng công sức cha mẹ làm ra đồng tiền để nuôi ta lớn đến tận bây giờ là một đều không dễ dàng...

Nhìn hình ảnh này, rất nhiều cư dân mạng đã không khỏi xúc động khi nghĩ về những hy sinh thầm lặng của cha:

"Hồi đó tới giờ chưa bao giờ nắm tay ba, vì 1 phần tôi là con gái, 1 tuần nay ba bị tai biến, đi đứng khó khăn, tôi phải thường xuyên bóp tay, bóp chân cho ba, tôi mới phát hiện cả bàn tay lẫn bàn chân ba tôi chai sạn gần như mất hết vân tay luôn rồi”.

“Mỗi lần nhìn thấy tay bố sạm đen và thô ráp nước mắt lại trực trào. Chỉ muốn trưởng thành thật nhanh để bố mẹ đỡ vất vả”.

“Nhớ đôi tay chai sần của mẹ cả một đời vất vả lo cho anh em con khôn lớn. Mẹ ơi, giờ các con trưởng thành thì lại không còn cơ hội báo hiếu mẹ nữa rồi”.

Cuốn sổ tay nuôi đại học của mẹ hay bàn tay sần sùi của cha chính là những hy sinh thầm lặng của đấng sinh thành dành cho con cái, gửi gắm vào đó là biết bao hy vọng các con sẽ khôn lớn và có một cuộc đời tốt đẹp hơn. Vậy nên, chúng ta hãy cố gắng học tập thật tốt, trở thành người có ích cho xã hội, và sống thật tốt để không phụ công ơn của mẹ của cha.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét