Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Thị trấn biến mất

Thị trấn biến mất
FB Huyền Chiêu - Thuở bé tôi vẫn nhìn về phía núi Vọng Phu để lòng bồi hồi thương cho hai bóng người hóa đá. Bà tôi cũng kể rằng vùng núi ấy có kẻ ngậm ngãi tìm trầm, đi lạc trong rừng mấy mươi năm, khi tìm về được quê nhà thì đã hóa thành con vượn không còn nói được tiếng người.
Có thể là hình ảnh về ngoài trời và văn bản
Thỉnh thoảng, ở chợ Ninh Hòa tôi rất sợ khi nhìn thấy có một vài người da đen thui, tóc quăn tít, đàn ông mặc khố, đàn bà địu con trên lưng. Chắc họ từ núi Vọng Phu xuống, Có người nói họ là người Thượng ở Buôn Sim. Buôn Sim chỉ cách thị trấn Ninh Hòa khoảng 14 km theo hướng quốc lộ 21. Người dân quê tôi không gần gũi với vùng đất này bởi khí hậu nơi ấy vô cùng khắc nghiệt. Nằm trong lòng chảo của nhiều rặng núi, buôn Sim là một vùng khô cằn, sỏi đá, đêm quá lạnh, ngày quá nóng.

Sau hiệp định Genève vài năm, Buôn Sim bỗng biến thành một quân trường khổng lồ gồm ba trung tâm huấn luyện Pháo Binh, Biệt Động, Lam Sơn. Và cái tên Dục Mỹ ra đời.

Khác với thời chống Pháp mà người lính là những “Áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá”, các quân nhân miền Nam được huấn luyện và trang bị rất quy cũ với các doanh trại khang trang, bề thế. Với số lượng quân nhân trong ba trung tâm huấn luyện kèm theo gia đình của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, thị trấn Dục Mỹ mọc lên giữa bốn bề núi non, tuy nhỏ bé nhưng vô cùng nhộn nhịp.

Cũng giống như những thị trấn mới toanh trong phim cowboy miền viễn tây, Dục Mỹ là nơi quy tụ của quá nhiều người tứ xứ về đây mang theo các giọng nói vùng miền. Người có máu làm ăn cũng vội vàng tìm về đất hứa. Chợ Dục Mỹ cung cấp đủ để nấu được các món ăn đặc trưng kiểu Sài Gòn, Bắc, Huế...

“Vợ Lính” thong dong chẳng cần làm việc, chỉ lo cơm nước và nuôi con…

Những chuyến xe lam như con thoi nối liền Ninh Hòa - Dục Mỹ. Người dân Ninh Hòa bây giờ hướng về thị trấn mới như một thị trường hấp dẫn, nơi họ có thể làm giàu nhờ nghề cung cấp thực phẩm. Nhà thờ và nhà chùa đã được xây. Các xe schoolbus được chế biến từ xe GMC của ba quân trường chở con quân nhân xuống Ninh Hòa học ở các trường trung học. Những cô cậu học trò đã từng ngồi trên những chiếc GMC cải tiến này, nay đã trên dưới sáu mươi và tôi tin rằng dầu ở chân trời góc bễ nào họ không bao giờ quên những chuyến xe chở học sinh kỳ lạ nhưng đầy ắp niềm vui một thuở.

Chủ nhật, con phố Dục Mỹ “Đi dăm phút trở về chốn cũ” có bóng dáng của những Thiếu Úy, Trung Úy trẻ trung, quân phục thẳng nếp, thong thả dạo gót rồi ghé vào một tiệm sách có cô bán hàng xinh xinh.

Bên con suối Dục Mỹ vài quán cà phê ra đời có tiếng nhạc hòa trong tiếng ầm ào thác đổ. Người lính miền Nam thuở ấy vẫn còn mang vẻ thư sinh lãng mạn. Ra trận, thay vì nhìn tới trước “nhắm thẳng quân thù mà bắn”, họ quay nhìn lại phía sau “Người đi khu chiến, thương người hậu phương”.

Biến cố 1975 như một cơn động đất dữ dội làm sụp đổ hoàn toàn trung tâm huấn luyện. Toàn bộ cư dân gồm quân nhân từ ba trung tâm huấn luyện cùng gia đình họ đều chạy khỏi Dục Mỹ, tan tác hãi hùng như mãnh vỡ của một trái phá…

Thị trấn bỗng chốc như bị thần đèn mang đi đâu mất. Dục Mỹ trở lại là buôn sim hoang vắng thuở nào. Cũng còn một số người ở lại vì họ không biết đi đâu về đâu và họ trở thành dân của một vùng kinh tế mới mang tên Ninh Sim. Và người dân Ninh Sim đã phải làm gì để tồn tại khi 100% mang trên đầu bản án lý lịch xấu, con cái chắc chắn không được vào đại học, người thân không biết còn sống hay đã chết trong các trại cải tao ?

Nếu người Ninh Hòa khi ấy kiếm sống bằng cách bám vào bến xe đò và ga xe lửa với các chuyến đi buôn lậu gạo, đường, thuốc lá, đạp xe ba gát, làm phu khuân vác… thì người dân Ninh Sim Dục Mỹ kiếm sống bằng cách bám vào núi rừng. Họ lên núi đào khoai mài, cắt tranh, lấy đót. Họ “ngậm ngãi tìm trầm” và có người đã mất xác trong rừng sâu núi thẳm. Họ chặt củi, hái trái rừng, trồng khoai mì, trồng mía. Họ tìm cách sống trong im lặng, chịu đựng mặc cho loa phường ngày ngày vang lên giọng tự hào “chiến thắng giặc Mỹ để toàn dân xây dựng thiên đường Xã Hội Chủ nghĩa”.

Và tượng đá bồng con trên non cao kia chắc đã nhiều lần rơi lệ thương cho cảnh con người bức hại con người.

Năm ngoái, anh Phạm Văn Nhàn trở về Ninh Hòa, rủ vợ chồng tôi đi thăm lại Dục Mỹ, nơi anh có thời gian rất lâu là sĩ quan của quân trường Lam Sơn. Xe ghé lại núi Đeo, nơi vẫn còn tháp huấn luyện của quân trường Biệt Động nằm bên Khu Mưu Sinh. Khu Mưu Sinh được dựng bên một dòng suối đã biến mất nhưng ngôi tháp vẫn còn. Anh Nhàn muốn chụp một tấm hình có người lính già trở về thăm ngọn đồi kỷ niệm.

Qua khỏi Dục Mỹ chúng tôi nhìn thấy những đồng mía bạt ngàn, những đàn bò gầy ốm đang gặm cỏ trên những cánh đống nắng cháy. Đến khoảng cây số 17 anh Nhàn cho dừng xe.

- Hình như trung tâm Lam Sơn hồi trước ở đây mà sao tui không còn nhìn thấy gì hết ?

Rồi anh ghé vào hỏi thăm một cô hàng nước :

- Cô ơi trung tâm Lam Sơn ở đâu hả cô ?

Cô hàng nước mỉm cười, chỉ tay xuống đất :

- Dạ ở ngay đây này !

Anh Nhàn nhìn quanh. Chẳng còn gì là dấu vết của một địa danh lừng lẫy ! Anh bước thêm vài bước, chẳng thấy phố, thấy người chỉ thấy toàn mía là mía.

Dù sao Dục Mỹ cũng là tên rất quen thuộc với thanh niên miền Nam trước 75. Dục Mỹ còn gợi nhớ qua bản nhạc "Giờ này anh ở đâu ?".

Ừ, giờ này họ ở đâu ???

Hơn mười năm tồn tại, Dục Mỹ của ba quân trường bây giờ chỉ là cát bụi thời gian !
----------------------

Dục Mỹ là một vùng đất cách thị trấn Ninh Hòa khoảng mười bốn cây số về hướng Tây, theo quốc lộ hai mươi mốt. Bao bọc bởi những dãy núi cho nên từ trên đèo Hai mươi bốn nhìn xuống Dục Mỹ quả là một thung lũng. Phía Tây giáp quận Khánh Dương, phiá Nam cứ đi theo hướng Hòn Dù có thể đi đến Ðồng Trăng của quận Diên Khánh, phiá Bắc giáp Ðá Bàn và Ðông thì giáp xã Ninh Xuân quận Ninh Hòa.

Dục Mỹ trước kia nằm tại thôn Tân Mỹ, xã Ninh Xuân bây giờ. Sau hiệp định Genève 1954, sư đoàn Mười Lăm Khinh Chiến (Tiền thân của sư đoàn Hai Mươi Ba Bộ Binh sau này) về đóng tại Dục Mỹ, gần một đồn điền cây cao su của người Pháp có vợ là người Việt Nam, bây giờ còn sót lại vài cây cao su ở trường Bồ Ðề Dục Mỹ.

Dục Mỹ được bao bọc bởi hai con suối lớn, một con suối từ suối Nước Nóng chảy qua cầu Buôn Ðun, sau lưng Trung Tâm Huấn Luyện (TTHL) Lam Sơn, đổ về suối Ðá. Ai ở Dục Mỹ đều biết suối Ðá, vì đó là nơi trai gái hẹn hò lý tưởng, (cũng như ở Ninh Hòa có ở phía sau chùa Thiên Bửu (?)), cầu Treo. Một con suối khác phát nguồn từ núi Vọng Phu chảy theo hướng Xạ trường, cầu Ðỏ, sau lưng nhà Thờ, cầu Ông Ngọ, cầu Dục Mỹ rồi hợp cùng với suối cầu Treo chảy về Ninh Hòa. 

Dục Mỹ có xã Ninh Sim bao gồm thôn Tân Khánh và ba buôn Thượng của người Rhade và Giarai. Trong chúng ta có ai thường thấy trên television giống heo Mọi màu đen, lưng gãy, bụng xệ chấm đất được nuôi rất phổ biến trong các gia đình tại Mỹ như là vật nuôi trong nhà (Pet) trong hơn hai mươi năm qua, lại là đặc sản của Dục Mỹ và vùng Khánh Dương.

Mặc dù chỉ cách Ninh Hòa có 14 cây số nhưng Dục Mỹ có thời tiết rất là khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng gió Lào cho nên vào mùa khô, ban ngày nhiệt độ nóng kinh khủng (39/40 độ C= 105/115 độ F), ban đêm vì sương lạnh của núi rừng cho nên rất lạnh. (Có lẽ vì từng sống ở Dục Mỹ cho nên người viết có dịp đi Las Vegas vào năm 2001, cảm thấy khí hậu ở đây nó dễ chịu làm sao đó)

Kinh tế của Dục Mỹ nhờ vào sự buôn bán với quân đội, nói cho đúng hơn là các Trung tâm Huấn luyện, ngoài ra còn có buôn bán với người Thượng về lâm sản cho nên có nguồn thu nhập cao hơn các nơi khác ở Ninh Hòa.

Dục Mỹ có rất nhiều lâm sản quí hiếm như Kỳ Nam, Trầm , Quế chi .v.v.. những danh mộc như Căm xe, Bằng lăng, Cẩm lai. Trắc. Cứ mỗi độ xuân về, Dục Mỹ có Hoa Mai vừa rất đẹp lại vừa hiếm quí nữa. Ngoài ra còn có rất nhiều trái cây như Xay, Da Ðá, Sim để làm thuốc; có trái Sa nhân, trái Ðười ươi để xuất cảng ra ngoại quốc đem về không biết bao nhiêu là tiền bạc.

Là nơi qui tụ dân chúng cả ba miền đãt nước cho nên Dục Mỹ có đầy đủ thức ăn chế biến từ mọi miền của Việt Nam mà Ninh Hòa không có. Như các loại xôi gấc, xôi vò, xôi đậu đen, xôi bắp v. v..., các món ăn như tiết canh vịt, mì Quảng, các món phở Bắc, mặc dù Ninh Hòa cũng có nhưng không làm sao ngon bằng. Ðặc biệt nhất là tiệm bán phở heo bên cạnh tiệm cà phê Hoàng, phở thịt heo này không phải là hủ tiếu của người Tàu. Phở heo ăn với bắp chuối, bắp sú, xà lách cắt mỏng, chứ không ăn chung với rau quế hay rau răm như phở Bắc, mùi vị rất là ngon và độc đáo. Ði khắp mọi miền đất nước, người viết chưa thấy ở đâu có loại phở này.

Dục Mỹ có ba trường tiểu học và một trường trung học Văn Hóa Quân Ðội, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của học sinh trung học, cho nên mỗi ngày vẫn có ba chuyến school bus chở học sinh đi xuống Ninh Hòa đi học ở những trường Trung Học Ðức Linh, Bán Công và Trần Bình Trọng.

Vì không phải làm công việc đồng án cho nên con gái Dục Mỹ thường nổi tiếng vừa trắng lại vừa đẹp. Những hoa khôi rất nhiều, làm ngẩn ngơ không biết bao nhiêu chàng trai tưởng chỉ đến đây vài ba tháng thụ huấn quân sự rồi ra đi, chứ đâu có ngờ những người đẹp Dục Mỹ ngày nào đã làm cho họ không đành lòng bước chân ra đi. Ðầu tiên có chị Nghĩa, chị Trinh sau đến có chị Thu Dung, chị Hoa, cô Trang (Bình Minh), cô Thu Thủy, chị em Tuyết Mai, Tuyết Vân, chị em tiệm sách Tấn Thanh, cô Xeo, cô Yến, Mộng Dung, Dung (tiệm cà phê), phía sau nhà Thờ có Xuân con bác Tơ, Liên, Thu con Bác Cống và nhiều lắm kể không hết. Ở Dục Mỹ có nhiếu người đẹp tên Dung, giống như Ninh Hòa có Nhị Mai, Mai Dương và Mai Trần.

Dục Mỹ không phải là tên hành chánh của quận Ninh Hòa, mà là tên của một đặc khu quân sự nằm trong quận Ninh Hòa. Huấn khu Dục Mỹ khởi đầu là nơi huấn luyện tân binh bổ sung cho Sư Ðoàn 23 Bộ Binh, cùng vào lúc đó vì nhu cầu của chiến trường và chiến tranh cũng gia tăng cho nên Sư Ðoàn 23 phải di chuyển đi Ban mê thuột.

Song song với thời gian đó (khoảng năm 1958-1960) TTHL Lam Sơn, TTHL Bảo An (tiền thân của Ðịa Phương Quân sau này) TTHL Biệt Ðộng Quân, Trường Pháo Binh Việt Nam và văn phòng cố vấn quân sự Hoa Kỳ ( MAC-V) được thành lập.

Cùng với TTHL Quang Trung, TTHL Lam Sơn là nơi huấn luyện cơ bản quân sự cho tất cả tân binh quân dịch, để sau khi mãn khóa về bổ sung cho các sư đoàn bộ binh. Sau năm 1968 Lam Sơn còn huấn luyện cơ bản quân sự cho Hải Quân, Không Quân, Quân sự học đường, Phân chi khu trưởng, một số cán bộ xây dựng nông thôn. Vì nhu cầu chiến tranh, có một thời gian Lam Sơn còn huấn luyện một số Hạ sĩ quan nữa.

TTHL Lam Sơn nằm ở khoảng giữa cây số 16 và 18 trên Quốc Lộ 21, nhưng địa điểm để huấn luyện khóa sinh lại bao gồm cả một chu vi rộng lớn. Có hai liên đoàn khóa sinh, huấn luyện viên, diễn tập, lính cơ hữu được chỉ huy bởi một vị Ðại Tá hoặc Chuẩn Tướng.

Trung Tâm Huấn Luyện Bảo An chỉ đóng tại cây số 15 vài năm, sau đó chuyển về Phan Rang.

TTHL Biệt Ðộng quân trước kia đóng ở Ðồng Ðế với tên là Biệt Ðộng Ðội, vì nhu cầu mở rộng của trường Hạ Sĩ Quan cho nên mới chuyển ra Dục Mỹ và đổi tên là Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Ðộng Quân và ngày một tháng bảy là ngày của binh chủng. Ngoài việc huấn luyện cho tân binh Biệt Ðộng Quân, còn có những khóa đặc biệt như Rừng núi sình lầy, Viễn thám còn gọi là Trinh sát. Tất cả các tiểu đoàn biên phòng đều về đây thụ huấn. TTHL Biệt Ðộng Quân có hai liên đoàn khóa sinh, ngoài ban huấn luyện của TT còn có hai đại đội diễn tập cơ hữu và phân đội 305 Quân Cảnh.

Trường Pháo Binh là nơi đào tạo tất cả các chiến sĩ pháo binh, các sĩ quan 'Ðề Lô' cho chiến trường và đào tạo các tiểu đoàn Pháo Binh Dù.

Văn phòng Cố Vấn Hoa Kỳ MAC-V, có các sĩ quan Cố Vấn cho tất cả TTHL tại Dục Mỹ. Bộ chỉ huy Huấn khu Dục Mỹ luôn luôn được chỉ huy trực tiếp bởi bốn vị Ðại Tá và một vị Chuẩn Tướng.

Sau năm 1975 Trung Tâm Huấn Luyện Ðặc Công ở miền Bắc di chuyển về Dục Mỹ, nhưng vì khí hậu khắc nghiệt cho nên sau vài ba năm phải dời đi nơi khác.

Gần ba mươi năm trôi qua, hình ảnh Dục Mỹ trong tôi như mới ngày nào, cả tuổi thơ, tuổi biết yêu và tuổi lớn khôn của tôi đều mang nhiều kỷ niệm ở Dục Mỹ, mặc dù phải đi học xa ở Nha Trang hay mãi tận Sài Gòn, mỗi lần nghỉ hè hay vào dịp Tết trở về Dục Mỹ, Ninh Hòa là lòng tôi lúc nào cũng bồi hồi xúc động.

http://www.ninh-hoa.com/Ninh-Hoa_PDL_Duc-My-1.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét