Lào trao quyền kiểm soát lưới điện quốc gia cho TQ trong 25 năm ra sao?
Trong bối cảnh Trung Quốc đã là chủ nợ của các khoản tiền khác nhau, chiếm 45% GDP của Lào, theo một nghiên cứu của Viện Lowy, Úc, thì hợp đồng "nhận điều hành mạng điện quốc gia Lào trong 24 năm" sẽ chỉ làm sâu nặng thêm sự dính líu của Trung Quốc và kế hoạch dài hạn của chính phủ Lào muốn biến thành "cục pin của Đông Nam Á". Những thỏa thuận của Lào với TQ có nguy cơ biến 'cục pin Đông Nam Á' thành 'cục pin của Trung Quốc' (the battery of China)…". Nhưng có vẻ như Lào nay không có nhiều lựa chọn, nên việc trao mạng điện cho công ty nước ngoài là hệ quả tất yếu của một quá trình đã bắt đầu nhiều năm trước.Công nhân TQ xây đường dẫn điện
Tại lễ ký kết quyền chuyển nhượng (concession agreement) trong tháng 3/2021, đại diện chính phủ Lào đã đồng ý để một công ty điện TQ điều hành mạng điện toàn quốc trong 25 năm. Ông Sonexay Siphandone, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào, và Đại sứ Trung Quốc, Khương Tái Đông (Jiang Zaidong) có mặt tại buổi lễ với những phát biểu ca ngợi thỏa thuận này.Từ tháng 9/2020, khi tin tức về việc Trung Quốc giành quyền điều hành lưới điện quốc gia của Lào được tiết lộ ra, hãng tin Reuters cho hay công ty nhà nước Electricite du Laos (EdL) và Tập đoàn Điện phương Nam TQ (China Southern Power Grid Co) ký hợp đồng mà ba người biết nội dung cho hay "công ty TQ sẽ nắm cổ phần đa số, kiểm soát công ty trách nhiệm hữu hạn vừa lập ra", tức Electricite du Laos Transmission Company Limited (EDLT).
Đã có nhiều cảnh báo... từ bên ngoài
Các báo khu vực đã chú ý đến hoạt động của Tập đoàn Điện lực phương Nam (CSG) của Trung Quốc tại Lào từ nhiều tháng trước.
Đầu tháng 9/2020, tờ Bangkok Post của Thái Lan đăng bài do tác giả Keith Zhai (Reuters) nhận định Lào phải ký kết thỏa thuận về điện lực với Trung Quốc vì 'nợ công lên cao' và nguy cơ vỡ nợ xuất hiện.
Sau đó, cũng trong tháng 9/2020, trang AseanToday có bài nói Lào "nhận cái lợi trước mắt mà quên đi rủi ro trong tương lai".
Bài "New Chinese power deal sees Laos risk its future for quick gains" không thể nào nói thẳng hơn về nguy cơ mất chủ quyền năng lượng của Lào:
"Thỏa thuận mới này cho TQ kiểm soát toàn bộ mạng lưới điện của Lào, khi mà nước này đang đối mặt với cảnh nợ nần từ việc xây các công trình đập thủy điện và những dự án phát triển khác. Nhưng thỏa thuận có nguy cơ biến 'cục pin Đông Nam Á' thành 'cục pin của Trung Quốc' (the battery of China)…"
Như thế, việc trao quyền kiểm soát, khai thác mạng điện quốc gia của Lào cho một công ty TQ không diễn ra một ngày, mà là kết quả một quá trình, từ các công trình thủy điện gây tranh cãi.
Ngay từ tháng 7/2018, BBC News có bài đánh giá các vấn đề từ hàng chục đập thủy điện tại Lào.
Các vấn đề môi trường, nguồn nước và di dân để đắp hồ thuỷ điện đã xảy ra từ đầu thập niên, và các vụ việc năm 2010, 2012 được báo chí khu vực nêu ra nhưng chính phủ Lào vẫn tự tin với tham vọng đạt công suất 28 nghìn megawatts vào năm 2020, với đa số từ các đập thủy điện.
BBC News khi đó trích thông tấn nhà nước Lào nói cho tới 2017, nước này đã xây xong 46 trạm thủy điện, và 54 công trình khác đang được xúc tiến.
Không phải ai khác, mà chính các tập đoàn Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc xây các đập thủy điện ở Lào, theo một bài của Sebastian Strangjo trên The Diplomat (17/03/2021).
Ảnh giới thiệu một công trình thủy điện ở Lào với đầu tư của Tập đoàn Điện lực Phương Nam từ TQ
"Các công ty TQ đã dính líu vào việc chi tiền và xây dựng đập thủy điện tại Lào," tác giả này nêu ý kiến.
Trong bối cảnh Trung Quốc đã là chủ nợ của các khoản tiền khác nhau, chiếm 45% GDP của Lào, theo một nghiên cứu của Viện Lowy, Úc, thì hợp đồng "nhận điều hành mạng điện quốc gia Lào trong 24 năm" sẽ chỉ làm sâu nặng thêm sự dính líu của Trung Quốc và kế hoạch dài hạn của chính phủ Lào muốn biến thành "cục pin của Đông Nam Á", ông Strangjo viết.
Các số liệu của Viện Lowy về nợ mà Lào, Campuchia và các đảo quốc ở Thái Bình Dương đang mắc ở ông chủ nợ Trung Quốc được công bố tại đây.
Trung Quốc nói gì?
Trang Tân Hoa Xã ngày 12/03 nói rằng thỏa thuận này, "có sự giám sát của chính phủ Lào, công ty (liên doanh) sẽ phụ trách dịch vụ như nhà điều hành mạng điện quốc gia của Lào, đầu tư, thiết kết và vận hành lưới điện 230kV-và cao hơn của Lào, cũng như thực hiện các dự án kết nối mạng lưới điện lực của Lào với các quốc gia láng giềng."
Mục tiêu của hoạt động liên doanh này là "phát triển, cải thiện đời sống của người dân qua việc cấp nguồn điện ổn định, bền vững, an toàn, nhằm tăng việc khai thái thủy điện và chuyển nguồn nước thành lợi ích kinh tế, giúp việc đưa Lào thành một nền kinh tế của Đông Nam Á, theo nội dung thỏa thuận chuyển nhượng mà Tân Hoa Xã trích thuật.
Bài báo cũng trích lời đại sứ Trung Quốc ca ngợi năm 2021 là "Năm Hữu nghị Trung - Lào", và bằng thỏa thuận này, hai bên đóng góp vào quá trình "kiến tạo cộng đồng Trung Quốc - Lào với tương lai chung" (China-Laos community with a shared future).
Thỏa thuận tháng 3/2021 là kết quả của việc ký kết thành lập công ty hợp doanh vào tháng 9/2020.
Tháng 5/2021, Tân Hoa Xã loan tin công ty liên doanh Trung Quốc - Lào đã hoàn tất toàn bộ 67 tháp truyền thông dọc đường sắt Trung Quốc - Lào, dự án nhiều tỷ USD.
Trong phương thức tương tự như ngành điện, hai nước lập ra một công ty chung, có tên là Công ty trách nhiệm hữu hạn Đường sắt Lào - Trung Quốc (Laos-China Railway Co., Ltd.) để thực hiện dự án 400 km nối Vientianne với Boten ở cửa khẩu biên giới Trung Quốc.
Công trình này dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12/2021.
Trung Quốc đầu tư vào ngành năng lượng châu Á
Dù nhiều báo tiếng Anh trong khu vực coi việc "Trung Quốc điều hành mạng điện quốc gia Lào" như một động thái bất thường, các nghiên cứu dài hạn cho thấy các tổng công ty của Trung Quốc đã là "nhà đầu tư hàng đầu" vào khai thác, phân phối năng lượng, từ nhiệt điện, thủy điện đến khai khoáng ở châu Á.
Tài liệu của IEA công bố tháng 4/2019 đánh giá giai đoạn như sau:
"Tại các nền kinh tế mới nổi lên ở châu Á, đa số các dự án năng lượng do Trung Quốc xây là ở Nam Á (53%) và Đông Nam Á (42%), sau đó là đến Trung Á và Bắc Á. Pakistan đi đầu trong việc nhận hợp đồng của Trung Quốc, rồi tới Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ."
Trong giai đoạn 2013-17, IEA nêu ra con số 10,5 tỷ USD tiền đầu tư của Trung Quốc vào các công trình liên quan đến năng lượng.
Đánh giá về động cơ của Trung Quốc, IEA cho rằng ngoài mục tiêu tìm cơ hội kinh doanh trong khuôn khổ sáng kiến 'Vành đai & Con đường", các công ty Trung Quốc còn muốn tăng độ an ninh năng lượng cho nước họ khi đầu tư ra bên ngoài.
Hiện TQ vẫn phải nhập khẩu dầu từ bên ngoài châu Á rất nhiều, và nguồn dầu từ châu Á mới chỉ chiếm 3,7% lượng dầu TQ nhập về.
Năm 2016, Úc ngăn không cho các công ty điện của TQ và Hong Kong mua cổ phần kiểm soát mạng lưới điện quốc gia Ausgrid, khiến Bắc Kinh bực bội.
Một bài trên BBC News cùng thời gian của phóng viên kinh doanh Karishma Vaswani về câu chuyện tại Úc nhắc rằng các quốc gia cần tiền đầu tư từ Trung Quốc cũng phải cân nhắc giữa an ninh quốc gia và quyền lợi kinh tế, thương mại.
Nhưng có vẻ như Lào nay không có nhiều lựa chọn, nên việc trao mạng điện cho công ty nước ngoài là hệ quả tất yếu của một quá trình đã bắt đầu nhiều năm trước.
Bài do BBC News Tiếng Việt tổng hợp.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-57567719
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét