Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Vì sao tiêu thụ 'vải thiều' thành công trong 'bão' Covid-19 ?

"Tiêu thụ tốt cả trong nước và xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp là kết quả ngoài sức tưởng tượng", ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nói về việc giải tỏa nhanh chóng 160 nghìn tấn vải thiều chỉ trong 3 tuần vừa qua. Đúng là ngoài sức tưởng tượng thật vì năm nay sản lượng vải thiều tăng vọt so với năm trước nhưng tiến độ tiêu thụ nhanh hơn nhiều. Theo tôi một trong những nguyên nhân quan trọng không được chính quyền tỉnh Bắc Giang nhắc tới là sự giúp đỡ hết lòng của các cơ quan nhà nước liên quan và của toàn thể nhân dân. Không có sản phẩm nào được nhà nước hỗ trợ tiêu thụ mạnh mẽ như vải thiều, từ giúp đỡ tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, kể cả dùng máy bay chở vào Nam, cho tới giúp đỡ tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc và các nước công nghiệp phát triển như Nhật, Pháp, Bỉ... Cũng không có sản phẩm nào được người dân tích cực tiêu thụ giúp như vải thiều vì người dân thấy nhà nước quan tâm, tuyên truyền rất nhiều cho việc này, nên họ tự nhiên quan tâm tiêu thụ giúp. Ngay cả nhà tôi chỉ có 3 người song ngày nào cũng tiêu thụ hàng kg vải thiều. Do đó việc chính quyền tỉnh Bắc Giang quên mất vai trò giúp đỡ của nhà nước và nhân dân là không hợp lý, nhất là khi họ cao giọng bác bỏ cụm từ "giải cứu". Hành động khẩn trương giúp đỡ của nhà nước và nhân dân vừa qua không phải là "giải cứu" thì là gì ? Điều tôi lo lắng nhất là sự giúp đỡ này sẽ sinh ra bất công và làm biến dạng cơ chế thị trường ở VN. Tại sao nhà nước chỉ quan tâm tới giải cứu vải thiều mà không quan tâm tới giải cứu nhiều loại nông sản khác ? Việc can thiệp của nhà nước vào thị trường vải thiều như vậy có làm méo mó cơ chế thị trường ở nước ta không ? Nếu như được nhà nước và nhân dân quyết liệt "giải cứu" như thế này thì liệu sang năm tỉnh Bắc Giang có tiếp tục nâng cao sản lượng vải thiều và lại cần nhà nước và nhân dân phải giải cứu nhiều hơn không ?... Tôi cho rằng việc huy động cả bộ máy nhà nước giúp đỡ nông dân tiêu thụ vải là sai lầm. Nhà nước nên khách quan đứng bên ngoài, chỉ tập trung xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh chung cho tất cả các sản phẩm, còn việc tiêu thụ vải thiều nên để cho cơ chế thị trường tự quyết định. Các cơ sở sản xuất vải thiều cần tự hợp tác với nhau để tìm cách tiêu thụ sản phẩm, có thể thông qua các hội, đoàn tự quản của mình... Nếu không tiêu thụ hết thì phải giảm sản xuất vải thiều, chuyển một phần nguồn lực sang sản xuất mặt hàng khác. Như thế mới là cạnh tranh bình đẳng giữa các sản phẩm và qua đó thị trường mới phân bổ các nguồn lực của nền kinh tế có hiệu quả nhất được.
Vì sao tiêu thụ 'vải thiều' thành công trong 'bão' Covid-19 ?
Xuất khẩu đường bộ thuận lợi, mở rộng thị trường phía Nam, đổi mới kênh bán hàng... đã giúp Bắc Giang tiêu thụ gần 90% tổng sản lượng vải thiều. Trong đại dịch, quả vải vẫn được phân phối hầu như khắp tỉnh, thành là cơ sở để tỉnh định hướng cho những năm sau này, nhất là thị trường miền Nam. Ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nói: "Xuất khẩu vẫn là hướng quan trọng. Song việc tiêu thụ tốt trong nội địa sẽ là bước đệm bảo vệ cho xuất khẩu, để quả vải không phải chịu nhiều sức ép hay bị phụ thuộc quá lớn vào thị trường nước ngoài".

Nông dân Bắc Giang chở vải đi cân, tháng 6/2021. Ảnh: Giang Huy
Hết ngày 23/6, Bắc Giang đã bán được hơn 165.000 tấn vải thiều, đạt 87% tổng sản lượng trong khi thời gian thu hoạch cuối tháng 7 mới kết thúc. Bình quân mỗi ngày toàn tỉnh tiêu thụ trên 7.000 tấn, giá bán dao động 11.000 đồng - 24.000 đồng một kg, tương đương những năm trước khi xuất hiện dịch Covid-19.

Vụ mùa năm ngoái, tổng sản lượng vải thiều Bắc Giang đạt 160.000 tấn và kết thúc thu hoạch vào ngày 20/7/2020. Năm nay vải được mùa nên con số thực tế cao hơn vài chục nghìn tấn so với tính toán ban đầu, khoảng 180.000 tấn.

Sản lượng tăng cao nhưng tốc độ tiêu thụ vải thiều nhanh hơn khoảng 10 ngày so với năm ngoái, trong bối cảnh Bắc Giang bùng phát dịch với số ca nhiễm hơn 5.500, đứng đầu cả nước. Chính quyền chưa thống kê, nhưng dự báo tổng doanh thu từ tiền vải và các dịch vụ phụ trợ không kém so với năm 2020, gần 7.000 tỷ đồng.

"Tiêu thụ tốt cả trong nước và xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp là kết quả ngoài sức tưởng tượng", ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nói.

Toàn tỉnh còn hơn 20.000 tấn vải chính vụ, dự kiến một tuần nữa sẽ tiêu thụ xong nếu không có trở ngại phát sinh. Dù thủ phủ vải thiều Lục Ngạn xuất hiện cụm dịch ở thôn Bằng Công, xã Kiên Thành, song đây là những nơi trồng vải chín sớm, cơ bản thu hoạch xong trước khi bùng dịch.

Vải thiều tiêu thụ thuận lợi cả trong nước và xuất khẩu, đúng kịch bản xây dựng của Bắc Giang vì nhiều lý do. Khác với Hải Dương, nông sản phải qua cảng Hải Phòng để đi quốc tế, vải thiều Bắc Giang năm nay xuất khẩu gần một nửa tổng sản lượng, chủ yếu qua biên giới đường bộ sang Trung Quốc.

Quả vải thông quan qua hai cửa khẩu chính tại các tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai. Xe chở vải từ Bắc Giang lên cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) chỉ gần 100 km; hướng còn lại theo Quốc lộ 18 qua cao tốc Nội Bài - Lào Cai tới cửa khẩu Kim Thành, tỉnh Lào Cai, mất 6 tiếng khi đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ phòng dịch. Lạng Sơn và Lào Cai là hai địa bàn ghi nhận ít ca nhiễm, kiểm soát tốt dịch, tạo thuận lợi cho nông sản Bắc Giang lưu thông.

Hơn một nửa sản lượng vải còn lại được tiêu thụ trong nước. Xác định khi dịch bùng phát dễ phát sinh rào cản lưu thông hàng hóa, lãnh đạo Bắc Giang nhiều lần kiến nghị Chính phủ gỡ vướng mắc, bộ ngành vào cuộc giải tỏa "ngăn sông cấm chợ" và các địa phương ưu tiên "luồng xanh" cho vải thiều qua chốt kiểm soát.


Vải tươi Việt Nam được bán trên kệ siêu thị Nhật, giá 1.650 yen một kg, tương đương 350.000 đồng. Ảnh: Thế Phương.

Cùng với việc xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải trong đại dịch, Bắc Giang chủ động thay đổi chiến lược, chuyển hướng tiêu thụ 60% nội địa và 40% xuất khẩu thay vì tỷ lệ ngược lại như mọi năm. Con số tiêu thụ thực tế trong nước đạt 98.000 tấn và hơn 67.000 tấn xuất khẩu đã chứng minh hướng đi này đúng.

Thị trường trong nước cũng được tính toán lại, ngoài TP HCM còn mở rộng thêm các tỉnh Tây Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên thay vì chú trọng Hà Nội, các tỉnh miền Bắc như những năm trước.

Xuất khẩu sang Trung Quốc dù vẫn chiếm phần lớn, song gần 100 tấn vải thiều Bắc Giang đã có mặt trong các kệ hàng một số nước châu Âu, Australia, Nhật Bản, Singapore. "Con số bán ở các thị trường mới này chưa lớn, song tạo thương hiệu để nâng giá trị quả vải đã là thành công bước đầu. Chúng tôi tin tưởng vải thiều vào được Nhật Bản thì cũng sẽ chinh phục các thị trường khó tính khác", ông Phan Thế Tuấn nói.

Cách thức vận chuyển, phân phối qua các kênh bán hàng cũng có đổi mới so với trước đây. Năm nay, các hệ thống phân phối lớn liên kết cùng sàn thương mại điện tử tổ chức bán vải thiều cho Bắc Giang. Các sàn thương mại điện tử tăng tần suất hỗ trợ tiêu thụ nông sản lên 1,5 - 3 lần so với mọi khi. Vải thiều tăng đơn bán ra trên 7 sàn thương mại điện tử thay vì chỉ hướng tới siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh. Riêng huyện Lục Ngạn đã bán được hơn 5.300 tấn vải trên nền tảng này, tính đến hết 23/6.

Cái khó không bó được cái khôn, nông dân Bắc Giang thay vì đợi thương lái đến tận vườn mua cũng đã tự lên mạng bán hàng chỉ với chiếc smartphone. Hôm 6/6, chị Vân, một nông dân Lục Ngạn đã đưa gần 20.000 người xem "tham quan" vườn vải thiều qua buổi "phát sóng trực tiếp" trên trang cá nhân. Sau 40 phút livestream, chị "chốt đơn" tổng cộng 8 tấn vải thiều.

Chiều 8/6, chiếc Boing 787-9 khởi hành từ sân bay Nội Bài vào Tân Sơn Nhất (TP HCM), thay vì chở khách như thường lệ, đã đóng khoang 40 tấn vải thiều Bắc Giang. Lần đầu tiên, quả vải được "ngồi" máy bay thân rộng vào miền Nam. Trong ngày hôm ấy, gần 100 tấn vải thiều đã được vận chuyển qua đường hàng không trên hành trình 1.700 km, chỉ hai giờ bay, thay vì mất gần hai ngày nếu lưu thông qua đường bộ.

Trước đó vào đầu tháng 6, Bắc Giang đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các hãng hàng không trong nước hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh phân phối vải thiều từ Bắc Giang vào các tỉnh phía Nam với mức giá ưu đãi trong thời gian thu hoạch chính vụ.

Theo ông Phan Thế Tuấn, đạt được kết quả tiêu thụ vải hiện nay ngoài sự nỗ lực của Bắc Giang, "còn là sự hỗ trợ của Trung ương, các bộ ngành, tỉnh thành và sự ủng hộ tích cực của người dân cả nước".

Lãnh đạo Bắc Giang cho hay gần 60% tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước cũng là cơ hội để địa phương tính toán, nhìn nhận lại thị trường tiềm năng gần 100 triệu dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét