Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

Lãnh đạo là 'nhân tài' có khả thi và cần thiết?

Lãnh đạo cấp bộ là 'nhân tài' có khả thi và cần thiết?
RFA 2021-01-04 Hôm 4 tháng 1 năm 2021, Bộ Nội vụ Việt Nam vừa công bố Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài để lấy ý kiến đóng góp... Cụ thể Dự thảo đề ra mục tiêu từ năm 2026 đến 2030, tất cả các các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố phải bảo đảm có từ 2% đến 5% trở lên là ‘nhân tài’ trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; và tỷ lệ ‘nhân tài’ trong cơ cấu cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ là từ 10% đến 15% trở lên.
Cuộc họp của tổ chuyên gia xây dựng đề án thu hút, trọng dụng nhân tài hôm 29/4/2020. moha.gov.vn

Sau đó, từ năm 2030 trở đi, mỗi năm phải tăng thêm ít nhất 1% ‘nhân tài’ với nhóm lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong nhóm chuyên môn, nghiệp vụ.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA hôm 4/1 từ Hà Nội nói:

“Tôi rất là băn khoăn về khái niệm tù mù thế nào là nhân tài, rất đáng tiếc là những người cầm cân nảy mực trong chế độ này có khi họ cũng chẳng hiểu thế nào là nhân tài. Nhưng họ phải dùng những mỹ từ như vậy và thường thì họ gắn với bằng cấp, nào là giáo sư, tiến sĩ... Cách đây hơn 10 năm, tôi từng viết bào đăng trên báo nhà nước là làm công chức không bao giờ cần là giáo sư tiến sĩ cả. Vì những người có chức danh như vậy họ phải hoạt động ở trong trường đại học hay viện nghiên cứu. Còn trong lĩnh vực nhà nước tuyệt nhiên không cần những người như vậy, vì càng nhiều người như vậy, càng chết.”

Quay trở lại thế nào là nhân tài, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A là rất tù mù, và chỉ có xã hội và chuyên ngành đó có thể đánh giá thế nào là nhân tài... Ông đưa ra ví dụ:

“Chẳng hạn nhân tài về toán học thì chỉ có những người am hiểu toán học mới đánh giá được... Hoặc nhân tài về uốn dẻo thì mọi người có thể đánh giá qua một cuộc tranh đua trên trường quốc tế hay trong nước... Không có tranh đua thì một kẻ ngu cũng có thể thành nhân tài và như thế sẽ rất khó để đánh giá. Và tiêu chí từ 2% đến 6% cũng rất là tù mù, nên tôi nghĩ họ mất thời gian để đi vào mấy chuyện vô bổ ấy. Có lẽ người dân cần phải lên tiếng, vì người dân đóng thuế nuôi họ để quản trị đất nước cho tốt thì tôi cho rằng họ là những trò rất vô bổ như thế.”

Từ nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu về việc thu hút nhân tài giúp xây dựng đất nước. Tuy nhiên dù có ra nhiều quyết định nghị quyết được cho là trải thảm đỏ thu hút nhân tài, nhưng những khó khăn gặp phải khi thực hiện mục tiêu này có vẻ như rất khó vượt qua được, khi hầu như năm nào việc hô hào cũng được lập lại.

2909c756-877e-4eb8-9775-edc03a810945.jpg
Ảnh minh họa: Thi tuyển công chức ở Quảng Ngãi. Courtesy quangngai.gov.vn

Mới nhất là vào ngày 28/4/2020, Bộ Nội vụ đã ban hành kế hoạch xây dựng đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Theo kế hoạch đề án này, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành khảo sát tại 5 bộ gồm Bộ Khoa học-Công nghệ, Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Bộ Tư pháp và tại 5 địa phương: Quảng Nam, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.

Bộ Nội vụ cho biết sẽ khảo sát tập trung vào chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao và thực trạng tuyển dụng, sử dụng nhân tài... Đồng thời, đề xuất cơ chế phát hiện bồi dưỡng tài năng cho những học sinh, sinh viên; nhất là các sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc để đào tạo thành nguồn cán bộ cốt cán, nhằm tăng tỷ lệ ‘nhân tài’ trong bộ máy nhà nước.

Khi trả lời RFA hôm 04/01/2021 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:

“Vấn đề không phải tỷ lệ, tỷ lệ là chuyện sau đó... Chuyện trước nhất không hiểu họ định nghĩa thế nào là nhân tài, chẳng hạn nhân tài là có bằng, bằng cấp nào là nhân tài... Mà nếu định nghĩa nhân tài là có bằng thì chỉ Việt Nam định nghĩa như vậy, vấn đề này định nghĩa rất khó khăn. Điểm thứ hai không phải là đưa vô bao nhiêu, kinh nghiệm cho thấy người ta nói trải thảm đón nhân tài, nhưng cuối cùng điều kiện nào cho người tài năng có thể làm được việc? Cái đó quan trọng hơn rất nhiều việc đưa người ta vào. Chứ đưa vào mà làm không được việc, hay tài năng nhưng phải ngu bớt đi để thích hợp được với bộ máy. Những chuyện đó lớn hơn rất nhiều so với lời tuyên bố bao nhiêu phần trăm, cái đó vô nghĩa.”

Không chỉ tìm cách thu hút ‘nhân tài’ trong nước, theo truyền thông nhà nước Bộ Nội vụ trong năm 2020 cũng được nói là đã soạn thảo kế hoạch nhằm nghiên cứu ban hành các chính sách, giải pháp để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật thu hút những người tài giỏi, trong đó có chính sách thu hút người gốc Việt về nước làm việc.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, từng giảng dạy nhiều năm tại đại học Liège, Vương quốc Bỉ. Ông cũng từng hợp tác nhiều chương trình đào tạo cao học với các trường đại học tại Việt Nam. Khi trả lời RFA hôm 4/1 nói:

“Yêu cầu chất xám trong nước là rất lớn và người Việt có điều kiện học hỏi hay đang cộng tác trong các đại học ở Âu Mỹ cũng khá đông, cho nên việc đóng góp chất xám của các Việt kiều là điều rất cần thiết. Nhưng nói cụ thể, tuy nhà nước và đảng cộng sản Việt đã đưa ra rất nhiều quyết định đặc biệt để thu hút chất xám Việt kiều, nhưng thực tế công tác thực hiện chưa thể hiện được cụ thể về cái tầm để xứng đáng với tình hình.”

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam thật sự đã có đủ điều kiện để chuyên gia từ nước ngoài trở về làm việc. Tuy nhiên trên thực tế thì việc kêu gọi của chính quyền được cho là không thực tâm, khi điều kiện đóng góp tại Việt Nam không đủ thông thoáng cho những người muốn trở về để đóng góp.

Ngoài ra theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, những chính sách giáo dục không phù hợp cũng góp phần cản trở, như việc các trường cấp bằng tại chức cử nhân, tiến sĩ trước cho những người có chức quyền, rồi sau đó mới đi học... chưa kể đôi khi cũng có trường hợp gần như không học hành gì nhưng vẫn có bằng.

Vào năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định chính thức công nhận bằng ‘tại chức’ ngang tầm với bằng ‘chính quy’. Quy định này cũng bị dư luận cho là không phù hợp.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-it-possible-that-2-5-percents-of-ministry-leaders-are-talented-01042021121215.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét