Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2020

D. Trump, người kiên cường nhất cho nước Mỹ tự do!

Bài này của anh Vân rất hay. Hôm qua trong một bài viết, mình đã nhận xét "Hầu như toàn bộ hệ thống thông tin đại chúng Mỹ nằm trong tay Đảng Dân chủ và quanh năm suốt tháng tìm mọi cách bôi xấu Tổng thống D. Trump để lừa bịp nhân dân Mỹ, làm nhân dân Mỹ đọc mãi, nghe mãi về những chuyện xấu của ngài Tổng thống, rồi thành tin và đã bỏ phiếu bất tin nhiệm ông cho nhiệm kỳ 2. Ngược lại, đã bầu một kẻ yếu ớt, bạc nhược, lúc nhớ lúc quên, và đã có 8 năm làm phó Tổng thống ê chề, nhục nhã với Trung Quốc... lên làm Tổng thống. Kết quả bầu cử hôm nay chính là hệ quả của tuyên truyền tẩy não người dân của Đảng Dân chủ trong thời gian 4 năm qua. Có thể thấy, điều khủng khiếp nhất của truyền thông độc quyền cánh tả ở Mỹ hiện nay là nó có thể tùy ý lèo lái tư tưởng của cả một dân tộc theo chiều hướng có chủ đích và người dân hoàn toàn thụ động tiếp nhận điều đó. Với vị thế độc quyền, Đảng Dân chủ đã tuyên truyền để biến một một người tốt (ông Trump) thành kẻ xấu, trong khi biến một kẻ xấu (Biden) thành người tốt.
Donald Trump, người kiên cường nhất trong nỗ lực khôi phục tự do cho nước Mỹ !
Hoàng Hải Vân - Đến giờ này, với việc đếm tiếp những lá phiếu bầu qua thư rất nhiều mờ ám, ông Trump còn quá ít khả năng được tái cử. Nhưng với những gì đã làm được sau 4 năm cầm quyền, Trump là vị tổng thống có nhiều kẻ thù nhất, vì ông là vị tổng thống kiên cường nhất trong nỗ lực khôi phục tự do cho nước Mỹ.
Đọc lại cuốn sách “Capitalism And Freedom” của Milton Friedman. Cuốn sách này chính là một trong những “nền tảng tư tưởng” của giới tinh hoa bảo vệ bản Hiến pháp tự do đứng đằng sau ông Trump. Sau đây là nội dung cái tút tôi đã viết đầu năm ngoái khi đọc cuốn sách :

“Mở đầu cuốn sách “Capitalism and Freedom”, nhà kinh tế học Mỹ lừng danh đoạt giải Nobel Milton Friedman dẫn câu nói của Tổng thống Kenedy : “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn đã làm gì cho Tổ Quốc” (Ask not what your country can do for you – ask what you can do for your country).

Câu nói quen thuộc đó người Việt nam thế hệ chúng ta ít nhất từng một lần nghe, từ một người khác, và chúng ta vẫn tuân theo, chẳng một ai thắc mắc. Câu nói đó cũng đã ảnh hưởng rất sâu rộng ở Mỹ, nhưng đã gây nhiều tranh cãi, nhiều người tán thành và nhiều người không, đứng đầu trong những người “không” là Milton Friedman.

Friedman cho rằng không có một nửa nào trong câu nói đó phù hợp với tư tưởng của một người tự do trong một xã hội tự do. “Tổ quốc đã làm gì cho bạn”, hàm ý rằng chính phủ là một ông bầu, còn các công dân là những người được bảo trợ, quan niệm này là kỳ quặc với niềm tin về trách nhiệm của người tự do về vận mệnh của mình. Còn “bạn đã làm gì cho Tổ quốc” thì hàm ý coi chính phủ là ông chủ hay một vị thần linh còn công dân là một người hầu hay một kẻ sùng tín.

Đối với người tự do, Tổ quốc (hay đất nước, dân tộc) chỉ là tập hợp của những cá nhân tạo nên, chẳng có gì cao xa huyền bí. Ta tự hào về truyền thống, về phong tục của đất nước, nhưng các mục tiêu quốc gia là không tồn tại, ngoại trừ những mục tiêu do các công dân tự nguyện hơp tác thực hiện.

Theo ông, một người tự do không hỏi Tổ quốc đã làm gì cho mình, cũng không hỏi mình làm gì cho Tổ quốc, thay vào đó họ sẽ hỏi, liệu tôi và đồng bào của tôi có thể làm gì thông qua chính phủ để thực hiện trách nhiệm công dân, và trên hết là để bảo vệ quyền tự do của chúng tôi. Và ta phải làm như thế nào để ngăn chặn chính phủ mà ta tạo ra không trở thành kẻ phá hủy nền tự do của ta.

Tự do như một cái cây quý và mong manh. Đe dọa lớn nhất đối với nó chính là sự tập trung quyền lực. Chinh phủ vốn được sinh ra để duy trì tự do, là công cụ cho ta thực thi quyền tự do, nhưng một khi quyền lực tập trung vào một nhóm người lạm dụng nó, sẽ là mối nguy hại cho tự do. Những người tốt khó bị quyền lực làm tha hóa nhưng khi nắm quyền lực cũng có thể biến thành một người khác.

Để khai thác được lợi ích chính phủ mang lại mà không để nó xâm hại đến tự do cá nhân, theo Friedman, có 2 nguyên tắc được thể hiện trong Hiến pháp Hoa Kỳ, là giới hạn phạm vi ảnh hưởng của chinh phủ và phân tán quyền lực. Nhưng các nguyên tắc này vẫn có thể bị xâm phạm trong thực tế, nên ông cho rằng nền tảng để bảo đảm các nguyên tắc này không bị xâm phạm là một nền kinh tế thị trường tự do. Thị trường tự do là phương tiện hữu hiệu để kiểm soát và cân bằng quyền lực, nó cũng là lá chắn tốt nhất bảo vệ tự do tư tưởng, ngôn luận và tín ngưỡng.



Những thành tựu tiến bộ của nhân loại trên mọi lãnh vực, dù trên lãnh vực kiến trúc hay mỹ thuật, trong khoa học hay văn chương, trong công nghiệp hay nông nghiệp, không bao giờ là những thành tựu được tạo ra từ các chính phủ. Dù được một chút tài trợ, nhưng Colombus không tìm ra con đường đến Trung Hoa hay châu Mỹ theo chỉ đạo của chính phủ. Newton hay Lebnitz, Einstein hay Bohr, Shakespeare hay Pasternak, Edison hay Ford…, không một ai trong số họ mở ra các chân trời sáng tạo theo chỉ đạo của chính phủ.

Cuốn “Captitalism and Freedom” chứa một hàm lượng trí tuệ đáng kinh ngạc về con đường dẫn đến tự do (rất tiếc ở Việt Nam chưa có bản dịch được phát hành). Đọc nó, những tri thức về xã hội chúng ta được dạy dỗ trong nhà trường và bị nhồi sọ từ truyền thông (cả truyền thông Việt Nam và truyền thông Mỹ) đã biến thành định kiến, sẽ vỡ ra từng mảng.

Cùng vơi F.A. Hayek (tác giả cuốn “Đường về nô lệ”), M. Friedman là người có ảnh hưởng lớn nhất trong quá trình khôi phục lại chủ nghĩa tự do truyền thống và hồi sinh kinh tế thị trường trên toàn thế giới. Nước Mỹ bắt đầu từ Reagan, nước Anh bắt đầu từ Thatcher, cuộc cải cách của Trung Quốc, sự trỗi dậy của kinh tế thị trường ở Đông Âu và khắp nơi trên hành tinh chúng ta, kể cả công cuộc Đổi Mới của Việt Nam, đều chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của ông, với những hàm lượng khác nhau, dù có tuyên bố hay không. Sự triệt để của ông trong nỗ lực bảo vệ tự do cá nhân và kinh tế thị trường đã gây nhiều tranh cãi, ông đã bị giới nghiên cứu và truyền thông tả khuynh trên toàn thế giới, nhất là báo chí Hoa Kỳ bài bác gay gắt.

Sau Reagan, Tổng thống Trump ngày nay là vị tổng thống kiên định nhất đi theo “lập trường” của Milton Friedman và đang bị các chính khách trong Đảng Dân chủ Mỹ tìm mọi cách vùi dập, thậm chí dùng các thủ đoạn đánh “dưới thắt lưng” để triệt hạ ông. Triệt hạ Trump để gián tiếp đẩy lùi một tư tưởng”. (viết ngày 11-3-2019)

P/s : Phái tả ở Mỹ đã dùng những thủ đoạn hèn hạ và dối trá, tập hợp một đám đông to mồm đạo đức giả ngụy quân tử để tiến hành thành công một “cuộc cách mạng” triệt hạ Trump. Họ thông qua thiết chế dân chủ để đẩy lùi tự do. Nhưng các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã dự liệu trước, nên đã ngăn chặn các nguy cơ xâm phạm tự do bằng một bản Hiến pháp tự do mẫu mực, không thể dùng quyền lực hay đám đông để sửa đổi. Bản Hiến pháp tự do và truyền thống tự do bám rễ sâu trong lòng xã hội đã tạo cho nước Mỹ khả năng tự điều chỉnh để sửa sai. Tự do tạm thời bị đẩy lùi khỏi chính phủ (trong Quốc hội thì chưa chắc), nhưng sẽ trỗi dậy trong tương lai. Bởi vậy mà đám tả Mỹ không có khả năng đưa đối thủ lên đoạn đầu đài như cách mạng Pháp, không có cơ hội làm “cách mạng văn hóa” máu chảy đầu rơi hay đưa những người tự do vào trại tập trung, bọn họ chỉ có khả năng tăng thuế, tước đoạt tài sản của những người sáng tạo và lao động chân chính để phình to chính phủ, tự gánh vác sứ mệnh ban phát hạnh phúc cho người dân, nhưng thực chất là đang lùa người dân vào “Đường về nô lệ” như F. A. Hayek từng cảnh báo.

HOÀNG HẢI VÂN
(FB Hoàng Hải Vân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét