Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Vô lễ với dân có phải là "Tai nạn nghề nghiệp" ?

Vô lễ với dân có phải là "Tai nạn nghề nghiệp" của công chức?
fb Hoàng Hải Vân - Từ vô lễ với dân dẫn đến hành dân chỉ là một bước rất ngắn. Bởi vậy câu chuyện trên VTV hoàn toàn không phải là một chuyện nhỏ, càng không nên coi là một “tai nạn nghề nghiệp” của công chức. Chừng nào lãnh đạo VTV chưa xin lỗi dân trên sóng truyền hình quốc gia thì chừng đó lãnh đạo VTV vẫn gián tiếp thừa nhận những lời lẽ xúc phạm dân này không trái với quan điểm của mình.

MC Anh Quang vướng không ít chỉ trích vì 'vạ miệng'
trên sóng truyền hình. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Tôi vừa cho ẩn cái tút dẫn clip một biên tập viên VTV gọi bà con bán hàng rong là “ký sinh trùng”, vì có quá nhiều bạn bức xúc suy diễn chửi bới với những lời lẽ không phù hợp làm tổn thương các đồng nghiệp lương thiện của tôi ở VTV nhưng tôi không thể kiểm soát để xóa đi hết được. Chỉ xin lưu ý thêm :

1- Một số bạn nói đây là “tai nạn nghề nghiệp”. Tôi đồng ý, nhưng là tai nạn nghề nghiệp của VTV chứ không phải là tai nạn nghề nghiệp của biên tập viên nói những lời trên. Biên tập viên này có tên tuổi, nhưng lời xin lỗi được cho là của bạn ấy (do một đồng nghiệp của tôi chuyển tới) trên facebook bằng một cái tên hoàn toàn khác, trong lời xin lỗi này bạn ấy còn bảo là do mình nói “nhịu”. Lên sóng nói lời miệt thị dân thì công khai danh tính, còn xin lỗi thì vừa giấu tên vừa không thành khẩn. Đã nói lời vô lễ với dân, lại “xin lỗi” bằng một hành vi vô lễ khác. Nhưng chuyện của bạn này không đáng nói, tôi cũng không bài bác cá nhân. Lời trên chỉ để trả lời các bạn nói về tai nạn nghề nghiệp thôi.

2- Tất nhiên tôi biết đây hoàn toàn không phải quan điểm của VTV. Dù là một tai nạn nghề nghiệp không mong muốn, nhưng đã phát lên sóng quốc gia thì lãnh đạo VTV phải chịu trách nhiệm, thậm chí người đứng đầu nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm, vì VTV là tiếng nói của Nhà nước. Chừng nào lãnh đạo VTV chưa xin lỗi dân trên sóng truyền hình quốc gia thì chừng đó lãnh đạo VTV vẫn gián tiếp thừa nhận những lời lẽ xúc phạm dân này không trái với quan điểm của mình.

3- Liên quan chuyện này tôi bỗng nhớ những nhà lãnh đạo ái dân đã quá cố. Người thứ nhất là Thủ trưởng cũ của tôi ngày trước, ông Võ Văn Đặng. Dù chỉ là một Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách dân vận, nhưng ông rất dị ứng với cụm từ “vận đồng quần chúng”. Ông thường nói với cán bộ, rằng “quần” là sự tụ tập thành bầy, “chúng” là đám đông, “quần chúng” là một bầy đông người, gọi nhân dân như vậy là hỗn xược. Có cán bộ gọi một chức sắc tôn giáo (không ủng hộ chế độ) là “thằng”, ông mắng anh ta là “vô lễ”. Anh này bảo chỉ nói ở cơ quan thôi, chớ ra ngoài ảnh vẫn gọi là “ông” là “ngài” đàng hoàng, ông bảo nói tại đây cũng vô lễ.

Người thứ hai là Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân. Tôi từng có cuộc phỏng vấn ông đăng trên Thanh Niên, ông bảo cán bộ công chức nhà nước phải lễ phép với dân, ông đề nghị thay tất cả các “Đơn xin” bằng “Giấy yêu cầu” khi người dân có việc phải đến cơ quan công quyền. Dân là chủ, chủ chẳng thể nào làm “đơn xin” gửi đầy tớ. Quan điểm trọng dân đó lần đầu tiên được thể hiện ở Luật Doanh nghiệp, từ đạo luật này, người dân muốn kinh doanh chỉ cần “đăng ký” chứ không “xin” nữa. Nhà nước không cấp “giấy phép kinh doanh” mà thay vào đó bằng “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”, dù nhà nước vẫn chưa quán triệt hết tinh thần này nên vẫn cứ hành hạ người dân bằng những “giấy phép” con.

Từ vô lễ với dân dẫn đến hành dân chỉ là một bước rất ngắn. Bởi vậy câu chuyện trên VTV hoàn toàn không phải là một chuyện nhỏ, càng không nên coi là một “tai nạn nghề nghiệp” của công chức.

HOÀNG HẢI VÂN (FB Hoàng Hải Vân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét