Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

Bỏ chuyện 1 giá: ‘Lúng túng’ trong điều hành giá điện?

Trong bài này, GS. Trần Đình Long nói rất nhiều, theo tôi hiểu là nhằm bảo vệ quyền lợi của ngành điện. Tôi rất không tán thành. Tuy nhiên, đoạn cuối GS nói đúng. “Cứ để nó (giá điện) theo thị trường như nguyên liệu đầu vào than, dầu, chi phí trang thiết bị… yêu cầu người ta tính đủ và thành ra giá thành của sản phẩm. Giá thành bao nhiêu thì trả bấy nhiêu đúng theo quy luật thị trường. Không có chuyện mỗi lần thay đổi giá điện thì dư luận xã hội tập trung quá mức vào chuyện đó”. Và tôi đề nghị ngành điện phải công khai toàn bộ thông tin số liệu và phương pháp tính ra giá thành đó để các chuyên gia trong và ngoài nước có ý kiến.
Rút phương án điện một giá: sự ‘lúng túng’ trong điều hành giá điện?
RFA 2020-08-18 - Trong buổi bàn về dự thảo sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sau một thời gian ngắn đưa ra lấy ý kiến do Bộ Công thương tổ chức chiều 18/8, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực đã đề xuất Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét rút phương án 2A và 2B có lựa chọn điện một giá.

Công nhân Tập đoàn điện lực Việt Nam 
Trước đó, trong buổi bàn dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để lấy ý kiến vào chiều 10/8, Bộ Công thương cho biết đã xây dựng đề xuất hai lựa chọn 5 bậc và ‘điện một giá’ với 2 phương án tính giá khác nhau cho cả hai đề xuất. Trong đó, mức giá điện bán lẻ được đề xuất lên đến 2.889 đồng/kWh. Ngay lập tức, nhiều ý kiến trái chiều về biểu giá điện mới được đưa ra rộng rãi trên cả truyền thông trong nước và các diễn đàn, mạng xã hội.

Do đó, Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính cho rằng việc rút lại phương án điện 1 giá là điều dễ hiểu:

“Không phải bất ngờ vì sau khi đưa ra hai phương án đó thì công luận bình luận, cảm thấy không hợp lý. Tất nhiên trước khi xác định một phương án thì người ta phải đưa ra thăm dò. Chứ còn lúng túng ở đây vấn đề trong quá trình xây dựng phương án giá điện thì phải làm sao cho công tâm, khách quan. Đảm bảo sự công bằng giữa nhà đèn cũng như người tiêu dùng.”
Vẫn theo PGS. Ngô Trí Long, nếu áp dụng cùng một lúc cả 2 cách tính giá điện là 5 bậc thang và một giá điện thì người dân sẽ có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, nếu áp dụng một giá điện, người tiêu dùng chưa chắc đã được hưởng nhiều lợi thế hơn so với cách tính giá điện bậc thang.
Từ Hà Nội, Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2022 nhận định:
“Nói chung từ trước đến giờ chuyện điều hành giá điện gọi là không thuận lợi lắm. Theo tôi câu chuyện về giá điện liên quan đến rất nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Mỗi một đối tượng có một quan điểm, một ý kiến, vấn đề là Bộ Công thương làm sao có thể chọn được một lộ trình ghi nhận giá điện sao cho hợp lý. Gần đây nhất Bộ Công thương có đề nghị phương án điện bậc thang gồm 5 bậc. Ví dụ nếu tình hình bình thường, không có dịch bệnh chắc hôm nay đã áp dụng tuy nhiên bây giờ biểu giá cũng là 1 trong những lựa chọn Bộ Công thương đề xuất với người tiêu dùng.”
Vẫn theo GS. Trần Đình Long, trước sau gì Việt Nam cũng phải tiến đến biểu giá điện một bậc vì hiện nay chính phủ đã phê duyệt lộ trình xây dựng điện lực cạnh tranh. Ông giải thích:
“Theo lộ trình đó thì đến năm 2022 chúng ta phải bắt đầu thí điểm chuyện bán lẻ điện cạnh tranh và đến 2024 thì thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ chính thức vận hành. Lúc bấy giờ giá điện phải quay trở về một giá mà không thực hiện theo bậc thang như hiện nay nữa. Nếu lộ trình đó thực hiện đúng theo phê duyệt của chính phủ thì còn khoảng 2-3 năm nữa chúng ta phải tiến đến điện một giá trong mọi thành phần tiêu dùng về điện.”
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ Reuters
Phát biểu tại cuộc họp ngày 18/8, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh rằng điện một giá đang đánh đồng tất cả người tiêu thụ điện, cả người dùng nhiều hay dùng ít như thế vi phạm nguyên tắc xây dựng biểu giá điện, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả. Do đó, ông cho rằng dù thực hiện phương án nào cũng đảm bảo nguyên tắc rất quan trọng là phải đảm bảo giá điện bình quân.
Vẫn theo người đứng đầu Bộ Công thương, dự thảo lần này đã không phù hợp khi cùng đưa ra phương án một giá và 5 bậc thang.
PGS. Ngô Trí Long cho rằng bây giờ đánh giá đồng ý phương án nào thì cũng là hơi vội, võ đoán. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra nhận xét về hai phương án như sau:
“Hai phương án đưa ra vẫn chưa có cơ sở thuyết phục nên chưa đảm bảo tính khách quan theo đúng yêu cầu của Thủ tướng là dựa trên cơ sở giá điện bình quân để xác định, làm căn cứ để tính giá bán lẻ điện sinh hoạt bao nhiêu theo một giá hoặc theo bậc thang lũy tiến. Đấy là về mặt nghiệp vụ, kỹ thuât. Chính vì lý do đó thì phải yêu cầu xem xét lại, xây dựng lại phương án. Yêu cầu của Bộ trưởng là như vậy.”
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành điện lực, GS. Trần Đình Long bày tỏ:
“Đến thời điểm hiện nay tôi thấy việc áp dụng biểu giá 5 bậc như Bộ Công thương đề nghị chưa hợp lý. Có thể tiếp theo một vài năm nữa, từ biểu giá 5 bậc ta có thể tiến đến biểu giá 3 bậc trước khi tiến đến biểu giá một bậc thống nhất trong toàn quốc. Câu chuyện lình xình này chắc vài ba năm là kết thúc khi chúng ta chuyển sang thị trường bán lẻ cạnh tranh hoàn chỉnh.”
Trong dự thảo được đưa ra ngày 10/8, Bộ Công thương trình bày cho rằng với kịch bản 2A, khách hàng có thể chọn điện một giá với mức giá bán bằng 145% so với giá bán lẻ điện bình quân. Hoặc 155% so với giá bán lẻ điện bình quân nếu chọn kịch bản phương án 2B.
Mức giá bán lẻ điện bình quân hiện được Bộ Công thương quy định là 1.864,44 đồng/kWh. Vì vậy nếu được lựa chọn, điện 1 giá sẽ lên tới trên 2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh mà chưa gồm VAT.
Theo quan điểm cá nhân, PGS. Ngô Trí Long cho rằng chính phủ Hà Nội chưa nên thực hiện điện một giá. Ông giải thích:
“Nó không đảm bảo thực hiện chính sách tiết kiệm điện năng và không thực hiện chính sách an sinh xã hội. Mặc dù khi xây dựng biểu giá điện thì người ta đưa ra 5 mục tiêu: đảm bảo cân đối tài chính cho EVN; khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện; giảm bớt thu chéo; phản ánh đúng chi phí thực; an sinh xã hội. Trong đó các mục tiêu cân bằng cho nhà đèn cũng là yêu cầu qua trọng nhưng hai cái không thực hiện được như chính sách an sinh xã hội cũng như tiết kiệm điện. Theo tôi nghĩ không hợp lý phải loại bỏ.”
GS. Trần Đình Long nhận xét rằng dư luận xã hội cũng như người tiêu dùng đã không công bằng với ngành điện lực hiện nay. Theo ông, do người dân quan tâm quá nhiều đến giá điện mà những sản phẩm khác tăng giá như giá gạo hay phí điện thoại di động… lại không bị phản đối, không bị khống chế hay bị chỉ đạo.
“Cứ để nó theo thị trường như nguyên liệu đầu vào than, dầu, chi phí trang thiết bị… yêu cầu người ta tính đủ và thành ra giá thành của sản phẩm. Giá thành bao nhiêu thì trả bấy nhiêu đúng theo quy luật thị trường. Không có chuyện mỗi lần thay đổi giá điện thì dư luận xã hội tập trung quá mức vào chuyện đó.”
Câu chuyện giá điện luôn là vấn đề nóng trong dư luận, đặc biệt mỗi dịp hè về. Người dân vẫn luôn hy vọng nhà nước sẽ có được một biểu giá phù hợp với mức đời sống hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính phủ Hà Nội đến nay vẫn còn ‘lúng túng’ trong điều hành giá điện.
Cục trưởng Cục điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn trong phiên họp ngày 18/8 nhấn mạnh sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét