Bộ Công an “lấn sân” Bộ GTVT về qui định biển báo đường bộ?
Diễm Thi, RFA 2020-08-18 - Dư luận cho rằng, khi công an nắm nhiều quyền hành trong tay thì dễ dẫn đến lạm quyền nếu quyền lực không được kiểm soát. Với việc Bộ Công an muốn thay Bộ Giao thông- Vận tải quy định về báo hiệu đường bộ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu nhận xét: “Khi mà họ làm được việc có quyền đặt biển báo, thì giới lái xe ở Việt Nam mới thấy có rất nhiều cái động lực, cảnh sát giao thông có nguồn thu rất quan trọng, đấy là phạt. Phạt không vào kho bạc nhà nước mà vào túi của họ. Đó là chuyện nhan nhản ở Việt Nam.”
Một cảnh sát giao thông đang điều tiết giao thông tại Hà Nội.
Cuối tháng 7 năm 2020, Bộ Giao thông - Vận tải Việt Nam trình Chính phủ dự thảo Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi do bộ này soạn thảo với nhiều điểm mới. Sau đó, Bộ Công an cũng trình Chính phủ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do bộ này soạn thảo. Hai dự thảo luật này có sự chồng chéo khi hai bộ đều muốn được quy định nội dung hệ thống báo hiệu đường bộ.Bộ Công an lý giải rằng, hệ thống thông tin tín hiệu an toàn là sự cụ thể hóa các quy tắc giao thông, liên quan chặt chẽ đến trật tự, an toàn giao thông. Bộ trưởng Bộ Giao thông -Vận tải Nguyễn Văn Thể lại cho rằng, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu đường bộ, đinh phản quang, tiêu phản quang, dải phân cách... đều thuộc công trình đường bộ và tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo ông Thể, các chỉ tiêu kỹ thuật của bảng báo hiệu đường bộ phải đồng bộ, thống nhất với các chỉ tiêu kỹ thuật khác của công trình đường bộ, đồng thời được quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành công trình giao thông đường bộ.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh giải thích về quy trình soạn thảo luật:
“Khi ra luật giao thông đường bộ thì bộ quản lý ngành đó là Bộ Giao thông- Vận tải. Bộ Công an thì quản lý về an ninh trật tự. Bộ Giao thông - Vận tải là người chấp bút để soạn luật rồi trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội. Nhưng khi soạn thảo thì có những vấn đề bị lỗi từ lúc soạn thảo. Khi soạn thảo thì luật đó phải đưa ra cho công chúng hoặc các cơ quan chức năng góp ý.
Có nghĩa họ chỉ soạn thảo nhưng khi có những phản biện của các tổ chức chính trị xã hội hoặc các bộ, ngành để bổ sung cho luật. Trong quá trình soạn thảo có nhiều ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Dần dần những văn bản quy phạm pháp luật nó hoàn chỉnh hơn vì có giám sát và phản biện của công chúng, của những tổ chức xã hội hoặc những tổ chức chính trị xã hội.”
Do có nhiều ý kiến trái chiều, văn phòng Chính phủ đã phát phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Đến ngày 11 tháng 8, có 19/26 thành viên cho ý kiến về vấn đề này. Trong đó, 14 thành viên đồng ý Luật Giao thông đường bộ sẽ quy định hệ thống báo hiệu giao thông và do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý. Chỉ có 5 thành viên đồng ý phương án quy định tại Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu nhận định về việc Bộ Công an, vốn chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, lại muốn được quy định nội dung hệ thống báo hiệu đường bộ:
“Theo tôi, Việt Nam là một nước công an trị và cái đảng này cũng là đảng công an trị. Vì thế cho nên công an muốn bành trướng quyền lực ra mọi nơi. Việc họ muốn làm thay Bộ GTVT cũng là tham vọng bành trướng của họ. Họ nắm được càng nhiều lĩnh vực, quản lý thêm cái gì thì quyền của nó lớn hơn. Đấy là cái động lực rất là tự nhiên của bất kể một cái tổ chức ham muốn quyền lực nào. Và chỉ có cái lòng tham quyền lực mới đụng đến những cái mà luật và hiến pháp đã quy định không được đụng đến. Thế thôi!”
Ngành công an được cho là thanh bảo kiếm sắc bén của đảng. Điều này được Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm tuyên bố tại buổi hội thảo kỷ niệm 75 năm lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam hôm 30 tháng 7 năm nay rằng: “Lực lượng công an luôn nêu phương châm ‘Chỉ biết còn đảng thì còn mình’, xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy, “thanh bảo kiếm” sắc bén của đảng, của chế độ. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân luôn ghi nhớ, khắc sâu trong trái tim về hoài bão ý tưởng cao đẹp “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi”, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui của mình.”
Cũng thuộc ngành công an, lực lượng Cảnh sát giao thông lâu nay bị cáo buộc luôn nhũng nhiễu, lạm quyền, vòi tiền người tham gia giao thông ngay cả khi họ không vi phạm lỗi gì. Điều này được phơi bày rõ ràng qua rất nhiều video clip người dân quay lại và tung lên mạng xã hội.
Từ năm 2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng. Báo cáo cho biết “Tham nhũng tăng lên trong hai năm qua, trong đó cảnh sát vẫn là lĩnh vực có mức độ tham nhũng nhiều nhất”.
Dư luận cho rằng, khi công an nắm nhiều quyền hành trong tay thì dễ dẫn đến lạm quyền nếu quyền lực không được kiểm soát. Với việc Bộ Công an muốn thay Bộ Giao thông- Vận tải quy định về báo hiệu đường bộ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu nhận xét:
“Khi mà họ làm được việc có quyền đặt biển báo, thì giới lái xe ở Việt Nam mới thấy có rất nhiều cái động lực, cảnh sát giao thông có nguồn thu rất quan trọng, đấy là phạt. Phạt không vào kho bạc nhà nước mà vào túi của họ. Đó là chuyện nhan nhản ở Việt Nam.”
Thông tư số 89/2007/TT-BTC do Bộ Tài chánh Việt Nam ban hành ngày 25 tháng 7 năm 2007 có quy định trích 70% tiền thu phạt vi phạm hành chính cho lực lượng Công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tức cảnh sát giao thông.
Hôm 12 tháng 8, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, tổ chức thực thi, việc quản lý hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo là hợp lý, trừ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Với cái nhìn về khía cạnh luật pháp, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu quan điểm của ông:
“Thông thường khi một bộ ban hành luật thì họ chỉ mang cái lợi ích cho bộ của họ, nhưng khi đưa ra phản biện thì họ tiếp thu và sửa lại những quy định mang tính chất chủ quan. Khi một bộ ban hành quy định do bộ đó quản lý thì phải được tất cả các bộ ngành khác phản biện, góp ý dưới góc độ quản lý chuyên ngành.
Ví dụ Bộ GTVT ban hành quy định về biển báo nhưng ngành công an có CSGT là những người thường xuyên đứng trên đường, họ thấy những bảng hiệu đó nó vô lý thì họ cho ý kiến. Đó là sự phản biện lại để bộ GTVT điều chỉnh lại cho đúng hơn.”
Theo kết luận của vị luật sư thì việc Bộ Công an ra dự thảo luật có sự chồng chéo không phải là đối nghịch mà là phản biện, góp ý để điểu chỉnh lại cho hợp lý, để luật đi vào cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét