Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Người ta đã giết chết gang thép TN như thế nào

Người ta đã giết chết gang thép Thái nguyên như thế nào
Tran Uy Vu <Tranuyvu@protonmail.com>, Dec 19, 2019 - Còn nhớ năm 2007 việc hai Bộ khổng lồ là Bộ công nghiệp và bộ Thương mại được sát nhập thành Bộ công thương được coi là bước tái cơ cấu mạnh mẽ. Chắc những ai còn nhớ thời bao cấp rồi mở cửa, Nghị quyết của Quốc hội ngày 30 tháng 9 năm 1992 quyết nghị thành lập Bộ Thương mại; Bộ Công nghiệp nặng; Bộ Công nghiệp nhẹ; Bộ Năng lượng; Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Đến năm 1995, Bộ công nghiệp thành lập trên cơ sở hợp nhất bộ Công nghiệp nặng, bộ Năng lượng, bộ Công nghiệp nhẹ cho thấy bộ này quản lý hầu hết ngành sản xuất, khai khoáng, từ than, mỏ, hóa chất cho đến bia rượu, xà phòng...Đây là Bộ rất lớn vì phạm vi quản lý rộng, nắm hầu hết thiết yếu của quốc phòng, kinh tế đất nước, Đảng cộng sản Việt Nam lúc đó đặt ra nhiệm vụ đưa tỷ trọng công nghiệp trong GDP lên hơn 50%.
Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng và cụ Tổng Chủ
Nhưng từ sau 2007, việc Vũ Huy Hoàng làm bộ trưởng kéo theo sự đi xuống của Bộ công thương nhất là mảng công nghiệp do việc tùy tiện bố trí, bổ nhiệm, ăn tiền của Vũ Huy Hoàng và vợ (bà Huyền) mới nảy nòi ra Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy...rồi Trương Quang Hoài Nam...nhưng đau xót hơn là bắt đầu bóp chết công nghiệp sản xuất của đất nước, các ngành công nghiệp lớn chủ lực đã không làm được như kỳ vọng trở thành quả đấm thép.

Lãnh đạo bộ yếu kém, phe phái, nâng đỡ vì tiền, dân thương mại với kỹ năng thương nghiệp (thời bao cấp, lấy vợ cửa hàng trưởng là oách) lấn lát , chạy chọt tốt dần nắm quyền và cũng bởi vì quá trình hội nhập kinh tế đang là xu hướng. Cái chân thương mại đã làm được thành quả cho hội nhập như tham gia WTO, AFTA...nhưng cái chân công nghiệp không có hiểu biết điều hành (đưa người thương mại chạy chọt tốt lên nắm quyền điều hành mảng công nghiệp, không tin kiểm tra tổng số vụ cục đơn vị bộ công thương hiện nay, dân công nghiệp nắm bao nhiêu phần trăm, chắc không quá 20%) dẫn đến một chân bị liệt, bước đi què quặt. Vụ việc gang thép Thái nguyên là một điển hình cho thấy Bộ Công thương đã giết chết ngành thép như thế nào.

Hàng loạt vấn đề liên quan đến hồ sơ Dự án giai đoạn 2 Thép Thái Nguyên đã bị lãnh đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) thời bấy giờ và Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) che giấu khi trình lên các cấp lãnh đạo, để được phê duyệt. Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trong vụ đại án TISCO 2, hàng loạt vi phạm nghiêm trọng đã được các lãnh đạo TISCO che giấu để dự án được thông qua. Đáng chú ý nhất là việc TISCO lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi không đầy đủ, cốt để dự án được thông qua khi trình VNS, Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Thậm chí, các lãnh đạo TISCO còn lập Ban Quản lý dự án không đủ năng lực, dẫn đến tự ý điều chỉnh thiết kế cơ sở không đúng quy định.

Khả năng quản lý yếu kém của lãnh đạo Bộ Công thương đã không thể nhìn ra những chiêu lừa của cấp dưới đặc biệt thuộc thẩm quyền trách nhiệm của Tổng công ty thép. Sự gian dối và vượt thẩm quyền không bị phát hiện đã dẫn đến Bộ Công thương trình Chính phủ, lấy ý kiến đồng thuận của các Bộ ngành, Chính phủ thời kỳ đó, thậm chí Thường trực Chính phủ đã thống nhất ban hành nghị quyết 64/NQ-CP chỉ đạo tháo gỡ khó khăn của gang thép Thái nguyên với mong muốn cứu con chim đầu đàn của ngành thép Việt Nam, biểu tượng của thời kỳ sản xuất xây dựng Chủ nghĩa Xã hội miền Bắc Việt Nam.

Hồ sơ phê duyệt dự án cho thấy, lãnh đạo gang thép Thái nguyên và Tổng công ty Thép đã giấu, không trình các cơ quan chức năng theo quy định cả danh sách các nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật theo quy định. TISCO còn ký nhiều nội dung trong hợp đồng EPC không chặt chẽ với tổng thầu Trung Quốc và cũng không quy định cụ thể về tiến độ thực hiện hợp đồng, dẫn đến việc thi công bị dây dưa mà không có chế tài xử lý. Ngay cả quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan nhà cung cấp, quy trình mua sắm thiết bị, việc ký các hợp đồng xây lắp ba bên, giám sát chất lượng máy móc, thiết bị và tự ý thanh toán cho nhà thầu phụ sau quy định của Luật Đầu thầu…. bị TISCO bỏ lơ trong suốt thời gian dài mà không ai biết hay có động thái can thiệp.

Vẫn biết việc quyết định tăng vốn điều lệ (kêu gọi vốn, hội đồng quản trị quyết, hoặc phát hành thêm cổ phiếu...), việc ký hợp đồng với thầu phụ, thầu chính, làm ăn kinh doanh là thẩm quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp, là hai pháp nhân được luật pháp công nhận ký hợp đồng kinh tế với nhau.

Vẫn biết, làm ăn cũng có lúc thắng lúc thua, có giai đoạn, thua lỗ hay thắng lợi là chuyện bình thường, thậm chí dự án còn hoạt động hiệu quả nếu tái khởi động lại, làm ăn phải nhìn xa...

Vẫn biết, doanh nghiệp được quyền làm tất cả những gì luật pháp không cấm nhưng với công ty gang thép Thái nguyên là doanh nghiệp do Tổng công ty Thép quản lý trực tiếp, toàn diện, quản lý phần vốn nhà nước, Bộ công thương là cơ quan quản lý nhà nước, thay mặt Chính phủ quản lý chỉ đạo nhưng đã không quản lý nổi một sếp gang thép Thái nguyên xây lâu đài trong khi công nhân ngày đêm đỏ lửa, vất vả sản xuất, không biết được những sai phạm của gang thép Thái nguyên, của Tổng công ty thép để dẫn đến hậu quả như ngày nay.

Cái tên gang thép Thái nguyên - cái nôi ngành luyện kim Việt Nam có thể sẽ chết khi nó vừa tròn 60 tuổi và thật đáng tiếc nó chết vào đúng thời gian chào mừng 90 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/2020).

Nguyên nhân chính là vì sự quản lý yếu kém của Bộ Công Thương, cá nhân Vũ Huy Hoàng, sự gian dối, vượt thẩm quyền của Tổng công ty Thép và những kẻ trực tiếp phá hoại gang thép Thái nguyên đã bị bắt như Mai Văn Tinh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam; Đậu Văn Hùng - nguyên Tổng Gíam đốc Tổng Cty Thép Việt Nam Trần Trọng Mừng - nguyên Tổng Giám đốc Cty TISCO; Trần Văn Khâm - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TISCO và Ngô Sỹ Hán - nguyên Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty TISCO.

fb Trần Uy Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét