Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

Hết thanh niên: Một xã có 2.700 người xuất ngoại

Làng quê vắng bóng thanh niên: Một xã có tới 2.700 người xuất ngoại
Lê Tập 07/12/2019 (Dân Việt) Một số làng quê tại tỉnh Hà Tĩnh đã dần vắng bóng những thanh niên, người đang trong độ tuổi lao động. Lý do họ bỏ quê do việc làm tại chỗ chưa thể đáp ứng với số lượng lớn lao động. Họ mong muốn những người con của mình không phải sống cảnh “tha phương cầu thực”. Lý do con cái của họ phải xa quê là vì tại địa phương thiếu việc làm nên mong muốn lớn nhất của ông là trên quê hương có nhiều công ăn, việc làm cho người dân, để họ không phải bỏ quê đi tìm kế mưu sinh.
Chồng, con đi làm ăn xa, bà Nguyễn Thị Nhỏ (thôn Nam Sơn, xã Cương Gián) phải một mình ra đồng làm việc. (ảnh: Lê Tập). 
Những ngày cuối năm, phóng viên Báo NTNN về xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) - nơi vẫn được mệnh danh là “làng xuất ngoại”. Đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, nhà cửa khang trang, nhưng cuộc sống nơi đây đìu hiu, chỉ thấy bóng người già và trẻ nhỏ. Theo tìm hiểu của phóng viên, những thanh niên trai tráng trong làng đều rời quê đi làm ăn xa, mang theo khát vọng “đổi đời”. Ở làng, chỉ còn lại phần lớn người già, phụ nữ và những đứa trẻ...

Bà Nguyễn Thị Nhỏ (SN 1965, trú tại thôn Nam Sơn, xã Cương Gián), chia sẻ: “Con cái đi làm ăn xa, phụ nữ như tôi cũng phải ra đồng cày bừa như đàn ông, phải làm cho kịp thời vụ. Cả làng toàn phụ nữ ra đồng, không làm thì ai làm cho. Địa phương việc thì không có, gia đình vài ba sào ruộng làm ít bữa là xong, nhà có điều kiện thì cho con đi Tây, không có điều kiện thì vào Nam làm công ty, chứ ở nhà là hư hỏng hết. Cũng mong Nhà nước có giải pháp, giúp con em địa phương có việc làm để khỏi phải tha phương làm ăn”.


Bà Hoàng Thị Mai (SN 1965, trú tại thôn 9, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân) cũng chia sẻ: “Gia đình có 5 đứa con, giờ học hành xong rồi, cũng phải vay phải mượn cho con đi làm ăn. Quanh quẩn ở quê việc làm không có, chi tiêu thì nhiều, con cái cũng phải xa bố mẹ để làm ăn”.

Người dân cho biết, thanh niên tại địa phương, trừ những người đang đi học thì phần lớn đã bỏ làng đi tới các thành phố lớn, các khu công nghiệp để làm việc. Một số lại chọn đi du học, xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hoặc một số nước châu Âu. Những người học giỏi, có chuyên môn cao cũng ly hương để tìm cơ hội phát triển.

Ông Hoàng Huy Công (SN 1968, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân), ở nhà bám đồng ruộng, chăm sóc cháu để vợ chồng người con trai đi xuất khẩu lao động. Họ mong muốn những người con của mình không phải sống cảnh “tha phương cầu thực”. Lý do con cái của họ phải xa quê là vì tại địa phương thiếu việc làm nên mong muốn lớn nhất của ông là trên quê hương có nhiều công ăn, việc làm cho người dân, để họ không phải bỏ quê đi tìm kế mưu sinh.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Cương Gián, cho biết: “Toàn xã có khoảng 2.700 người đi xuất khẩu lao động sang các nước như: Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, một số nước châu Âu”.

Theo ông Thanh, việc con em trong xã đi xuất khẩu lao động, đời sống vật chất được nâng cao. Tuy nhiên, ở làng quê chỉ còn người già và trẻ con, người dân cũng không còn mặn mà với làm nông nghiệp. Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ có phương án cụ thể, kêu gọi con em về đầu tư xây dựng quê hương, kinh doanh dịch vụ, phát triển làng nghề, các mô hình sản nông nghiệp tại địa phương.

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Hà Tĩnh, 8 tháng đầu năm 2019, tại địa phương này có 41.790 người di cư. Thực trạng này đang làm ảnh hưởng tới chất lượng dân số, gây tác động bất lợi đối với việc phát triển kinh tế của các địa phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét