Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

Từ chuyện thống kê đến thu thuế người nghèo

Đoạn này hay: thử đặt câu hỏi có cán bộ thuế nào đủ nhẫn tâm chạy theo một anh xe ôm, một chị bán hàng rong hay một em bé hát dạo để bắt đóng thuế khi thu nhập của họ là rất ít ỏi, đẫm mồ hôi và đôi khi là cả nước mắt? Hãy thấu hiểu nỗi nhọc nhằn mưu sinh của những người dân này.
Từ chuyện thống kê đến thu thuế người nghèo
Bùi Trinh, 29/12/2018 (TBKTSG) - Theo kết quả của cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê (TCTK), cả nước có 4,3 triệu hộ kinh doanh. Nếu loại trừ những người hoạt động tự do, không thường xuyên (tự phát, không được cấp phép)... thì còn lại hơn 2,21 triệu hộ kinh doanh. Trong khi đó, con số cơ quan thuế quản lý là khoảng 1,6 triệu hộ, thấp hơn 581.700 hộ.

Thu nhập của những người bán hàng rong cả đời của họ cũng không 
bằng số lẻ của thất thoát lãng phí, tham nhũng... Ảnh: THÀNH HOA
Về nguyên tắc, TCTK thống kê tất cả cá nhân kinh doanh, kể cả những người làm tự do, buôn bán nhỏ, trong khi cơ quan thuế chỉ quản lý thuế với những hộ có địa điểm kinh doanh cố định. Do đối tượng thống kê (đếm) khác nhau, mục đích thống kê khác nhau nên dẫn đến những sai lệch trong số liệu. Việc sai lệch như vậy là... bình thường.

Theo tài liệu hướng dẫn tổng điều tra cơ sở kinh tế năm 2017, cơ quan thống kê khi thống kê đã đưa cả những người kinh doanh hàng rong, xe đẩy, xe cà phê di động, xe ôm hay người kinh doanh thời vụ vào; trong khi đó, tiêu chí để lập bộ và đưa vào danh sách quản lý thuế đối với cơ quan thuế phải là những người kinh doanh ổn định, có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở lên.

Theo TCTK, số liệu điều tra cơ sở kinh tế của TCTK là cơ sở để ngành thuế nắm, từ đó quản lý thuế sát hơn. Trên thực tế cũng có những hộ kinh doanh chưa khai đủ hoặc giấu doanh thu, dẫn đến thất thu thuế và Tổng cục Thuế đã yêu cầu đưa ngay vào diện quản lý thuế những hộ kinh doanh bị sót kể trên.

Còn với những hoạt động tự do, không thường xuyên như nói trên, theo tôi, cơ quan thuế không thể thu thuế và không nên thu thuế. Vấn đề không phải cứ có thu nhập là đánh thuế mà phải xem mức thu nhập là bao nhiêu mới đánh thuế. Những người chạy xe ôm, bán hàng rong, hát rong... là những người cùng khổ của xã hội, thu nhập của những người này cả tháng không bằng một bữa nhậu của các đại gia, thu nhập cả đời của họ cũng không bằng số lẻ của thất thoát lãng phí, tham nhũng...

Cũng không thể loại trừ việc cán bộ thuế “đi đêm” với người kinh doanh. Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu ra con số 63% hộ cá thể “đi đêm” với cán bộ thuế trong năm 2016 và tỷ lệ này tụt xuống còn 31% trong năm 2017, thông qua một cuộc khảo sát. Nhưng thử đặt câu hỏi có cán bộ thuế nào đủ nhẫn tâm chạy theo một anh xe ôm, một chị bán hàng rong hay một em bé hát dạo để bắt đóng thuế khi thu nhập của họ là rất ít ỏi, đẫm mồ hôi và đôi khi là cả nước mắt? Đây có lẽ là nguyên nhân không nhỏ khiến có sự chênh lệch số liệu giữa TCTK và Tổng cục Thuế.

Có chuyên gia cho rằng cần làm rõ xem ai đúng, ai sai giữa cơ quan thống kê và cơ quan thuế. Điều này theo tôi là không cần thiết vì sự đong đếm của hai cơ quan này khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau là bình thường. Ai đúng ai sai để làm gì? Có khi người dân đã khổ còn khổ sở hơn vì sự đúng sai của các cơ quan quản lý. Hãy thấu hiểu nỗi nhọc nhằn mưu sinh của những người dân này. 

https://www.thesaigontimes.vn/283399/tu-chuyen-thong-ke-den-thu-thue-nguoi-ngheo-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét