Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Nhận định của ĐBQH Nhưỡng về CA có cơ sở thực tiễn

Nhận định của ĐBQH Nhưỡng về CA có cơ sở thực tiễn
FB LS Vu Hai Tran - Thụ lý tố giác, tin báo tội phạm theo luật như thế nào? Thực tế có đúng như nội dung mà ông nghị Lưu Bình Nhưỡng công bố không? Chúng ta thấy nhận định của tiến sỹ Luật Lưu Bình Nhưỡng là có cơ sở thực tiễn vì các cơ quan điều tra (và CA Phường) hầu như không thực hiện đúng quy định của BLTTHS về việc tiếp nhận, xử lý tố giác tin báo và cung cấp thông tin cho người tố giác, báo tin về kết quả giải quyết tố giác, tin báo, như phân tích trên. Tôi tin sau khi ông Nghị Lưu Bình Nhưỡng lên tiếng và khẳng định những thông tin nêu trên, báo chí và mạng xã hội phân tích về thực trạng trên, chắc chắn ông Tô Lâm và Bộ Công an sẽ “chỉnh đốn”! Đây là dịp ngành công an lấy lại niềm tin của công dân, xin ông Tô Lâm và Bộ Công an đừng bỏ lỡ cơ hội!

Ông Nhưỡng khi chất vấn Bộ trưởng Công an tại Quốc hội, cho biết, trên cơ sở tính toán những số liệu ông được cung cấp về thực tế thụ lý và xử lý tố giác, tin báo tội phạm: "không thụ lý tin tố giác 94%; chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát 86%; xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%; vi phạm trong tống đạt 100%...”. Nhận định này gây phẫn nộ cho nhiều người trong ngành công an, có ông nghị kiêm sỹ quan công an lớn tiếng đòi tiến sỹ Luật Lưu Bình Nhưỡng phải đình chính, thậm chí có nhiều báo ngành này yêu cầu ông Nhưỡng xin lỗi. Ông Nhưỡng khẳng định mình nhận định đúng, vì ông lấy số liệu từ báo cáo “mật”.



Để các bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này, thực ra cũng rất thiết thân cho mỗi công dân chúng ta, tôi sẽ lấy một ví dụ thường ngày trong cuộc sống, và áp theo luật phải xử lý như thế nào.

1/ Nhà bạn bị mất trộm xe máy. Việc bạn thường làm là trình báo công an phường qua điện thoại hay đến trực tiếp trụ sở CA phường báo. Đây được coi là tố giác, tin báo tội phạm, theo điều 144 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS) 2015, có thể bằng lời nói (như báo qua điện thoại) hay bằng văn bản (đơn trình báo).


2/ Công an phường có trách nhiệm lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra xác minh sợ bộ về tố giác, tin báo tội phạm, theo điều 146 khoản 3 BLTTHS 2015. Như vậy CA Phường có trách nhiệm lấy lời khai ban đầu của người tố giác báo tin, xuống hiện trường kiểm tra, xác minh về vụ mất trộm, kẻ nghi vấn...

3/ Ngay sau khi xác minh, kiểm tra sơ bộ, CA Phường phải chuyển tố giác, tin báo cùng đồ vật, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra Công an Quận cũng theo điều 146 khoản 3 BLTTHS 2015.

4/ Cơ quan điều tra CA quận phải ghi tố giác, tin báo vào sổ tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm (theo điều 146 BLTTHS).

5/ Trong vòng 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm, Cơ quan điều tra CA Quận phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc tiếp nhận đó, theo điều 146 khoản 5 BLTTHS.

6/ Cơ quan điều tra CA Quận có 20 ngày (có thể kéo dài, gia hạn thêm, nhưng không quá 4 tháng) để kiểm tra, xác minh như thu nhập thông tin, tài liệu, đồ vật, khám nghiêm hiện trường, trưng cầu giám định, định giá tài sản, theo điều 147 BLTTHS 2015.

7/ Tuỳ theo diễn biễn, kết quả việc kiểm tra, xác minh (như nêu ở điểm 6 trên), Cơ quan điều tra phải ra một trong các quyết định (trong thời hạn nêu tại điểm 6 trên) i/ quyết định khởi tố vụ án hình sự ii/ quyết định không khởi tố vụ án hình sự iii/ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. 

8/ Theo các điều 56,148, 158 BLTTHS, cơ quan điều tra phải thông báo cho người tố giác, tin báo (là bạn) kết quả giải quyết tố giác, tin báo (như nêu ở điểm 7 trên) và bạn có quyền khiếu nại nếu không đồng ý với quyết định không khởi tố. 

9/ Các quyết định nêu tại điểm 7 nêu trên cũng được thông báo cho VKS cùng cấp theo trong thời hạn 24 giờ (theo các điều 148, 154 và điều 158).

10/ Nếu có quyết định khởi tố vụ án hình sự, sẽ theo các thủ tục và những quy định khác của BLTTHS. Xin chưa bàn trong bài viết này.

Hôm kia, tôi có hỏi các bạn FB về thực tế giải quyết tố giác, tin báo tội phạm mà các bạn trực tiếp biết, kết quả sơ lược như sau:

1/ Khá nhiều bạn bị mất trộm (hay bị giật đồ) không tin vào việc giải quyết của công an nên không tố giác, báo tin tội phạm. Tuy nhiên nếu tài sản bị mất có giá trị, nhiều bạn vẫn báo cho CA Phường, CA Quận hay lực lượng 113 qua điện thoại hay trực tiếp trình báo bằng đơn tại cơ quan công an.

2/ Việc tiếp nhận tố giác, tin báo của CA Phường chưa thực hiện nghiêm túc theo luật. CA Phường yêu cầu phải đến trụ sở CA trình báo. CA Phường có lấy lời khai người báo tin, nhưng phần lớn trường hợp sau khi lấy lời khai ban đầu, không thấy CA Phường xác minh kiểm tra tố giác, tin báo, như xuống hiện trường kiểm tra. 

3/ Hầu hết không thấy CA Phường lẫn CA Quận thông báo về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

4/ Có một số trường hợp thông báo đã tìm (hoặc có thể tìm được tài sản bị mất), nhưng CA đề nghị “thưởng”, nhưng xử lý thế nào đối với kẻ lấy trộm (hoặc gây tội phạm tương tự) không được thông tin.

Như vậy xét theo khía cạnh tuân thủ quy định của BLTTHS, theo nhiều bạn FB, phần lớn CA Phường và Cơ quan điều tra CA Quận không làm đúng theo BLTTHS, cụ thể không thấy có hoạt động xác minh điều tra và không báo thông tin về kết quả giải quyết tố giác, tin báo tội phạm cho người tố giác, báo tin, dẫn đến người bị mất tài sản càng không muốn báo tin cho công an! Thực tế tội phạm và hiệu quả hoạt động của cơ quan công an chống tội phạm không được cập nhật, đánh giá chính xác

Do thông tin thống kê, trao đổi về tố giác, tin báo tội phạm giữa Viện Kiểm sát và Công an không được công bố cụ thể (vì là bí mật?), nhưng chúng ta thấy nhận định của tiến sỹ Luật Lưu Bình Nhưỡng là có cơ sở thực tiễn vì các cơ quan điều tra (và CA Phường) hầu như không thực hiện đúng quy định của BLTTHS về việc tiếp nhận, xử lý tố giác tin báo và cung cấp thông tin cho người tố giác, báo tin về kết quả giải quyết tố giác, tin báo, như phân tích trên.

Để làm rõ hơn nữa vấn đề này, theo tôi chỉ cần một số khảo sát độc lập tại một số phường, quận ở TP Hồ Chí Minh và Hà nội sẽ ra những kết quả “tâm phục, khẩu phục”.

Còn nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên và giải pháp nào để khắc phục tình trạng đó, ngoài phạm vi bài viết này. Nhưng với tư cách một chuyên gia luật có thực tiễn về hình sự (đã làm công tác kiểm sát điều tra một số năm và làm luật sư cho nhiều đương sự trong gia đoạn tiền tố tụng hình sự), tôi sẵn sàng tham gia một cuộc “chỉnh đốn” cơ quan điều tra và công an cấp cơ sở liên quan đến tiếp nhận, thụ lý và xử lý tố giác, tin báo tội phạm!

Tôi tin sau khi ông Nghị Lưu Bình Nhưỡng lên tiếng và khẳng định những thông tin nêu trên, báo chí và mạng xã hội phân tích về thực trạng trên, chắc chắn ông Tô Lâm và Bộ Công an sẽ “chỉnh đốn”! Đây là dịp ngành công an lấy lại niềm tin của công dân, xin ông Tô Lâm và Bộ Công an đừng bỏ lỡ cơ hội!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét