Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

TBT Trọng kiêm chủ tịch nước: Góc nhìn từ TQ và Mỹ

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời báo chí nước ngoài trong buổi họp báo thường kỳ hôm 4/10 rằng việc đề cử ông Trọng là “theo nguyện vọng của cử tri và nhân dân”. Trong khi đó, trong một bài phân tích, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, nhận định rằng việc đó “sẽ làm suy yếu, nếu không nói là làm xói mòn việc kiểm soát quyền lực lẫn nhau đã có kể từ khi thông qua Hiến pháp 1992”.
TBT Trọng kiêm chủ tịch nước: Góc nhìn từ Trung Quốc và Mỹ
04/10/2018 - Một chuyên gia người Mỹ nói rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “đang học theo mô hình” của ông Tập Cận Bình, trong khi một nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng “đảng trưởng” của Việt Nam “không thân” Bắc Kinh và “không có ai khác phù hợp hơn ông Trọng” để đảm nhiệm đồng thời cả hai vị trí đứng đầu đất nước. Đánh giá của hai nhà nghiên cứu kỳ cựu về Việt Nam của Mỹ và Trung Quốc được đưa ra sau khi Hội nghị Trung ương 8 hôm 3/10 “thống nhất 100%”, giới thiệu ông Trọng ra Quốc hội để bầu làm chủ tịch nước, nhất thể hóa hai vị trí trong “tứ trụ”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bên quan tài của cố Chủ tịch Trần Đại Quang hôm 27/9.

Ông Murray Hiebert, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở thủ đô Mỹ, nơi ông Trọng từng tới phát biểu nhân chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ năm 2015, cho rằng đó là một bước đi “đáng chú ý” và “phá vỡ truyền thống”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Mỹ năm 2015.

Khi được hỏi thêm rằng liệu ông Trọng có phải đang thâu tóm quyền lực và ít nhiều đã thành công hay không, ông Murray nói: “Đúng”.

“Việc ông ấy có thể chống trả bất kỳ thách thức nào đối với vị trí tổng bí thư tại kỳ đại hội đảng lần trước [tháng Một năm 2016] đã cho thấy sự nổi trội của ông ấy”, chuyên gia về Đông Nam Á nói.

“Dường như trong những năm gần đây, ông ấy nắm quyền tối thượng và việc ông ấy được giới thiệu kiêm thêm chức chủ tịch nước cho thấy rằng ông ấy đã củng cố quyền lực của mình”.

Về ý kiến của nhiều cư dân mạng của Việt Nam, cho rằng ông Trọng đang “học tập” Trung Quốc, ông Murray nói rằng ông “không biết liệu ông Trọng có theo chân ông Tập Cận Bình hay không, nhưng rõ ràng là ông ấy đang học theo mô hình của ông Tập”.

“Trung Quốc lâu nay đã gộp chức chủ tịch và tổng bí thư làm một. Ông Trọng cũng làm theo ông Tập trên một số mặt trận, đặc biệt là cuộc chiến chống tham nhũng và trấn áp các blogger, các nhà hoạt động nhân quyền và những người chỉ trích các chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam”, chuyên gia Murray nói thêm.

Dù vấp phải chỉ trích của nhiều nước phương Tây và các tổ chức quốc tế, Việt Nam lâu nay vẫn tuyên bố "không tống giam những người bất đồng chính kiến mà chỉ bắt giam những ai vi phạm pháp luật”. Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8 hôm 2/10, ngoài việc nêu các vấn đề "nóng bỏng" của đất nước, ông Trọng nói rằng “các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị tiếp tục chống phá với nhiều phương thức, thủ đoạn mới”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2016.

Trả lời Đài tiếng nói Hoa Kỳ bằng tiếng Việt, Tiến sĩ Phan Kim Nga, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng bà “không ngạc nhiên” về việc Tổng bí thư Trọng kiêm nhiệm chủ tịch nước, vì theo bà, “Việt Nam đã thí điểm nhiều năm ở cơ sở về việc người đứng đầu đảng kiêm thủ trưởng hành chính”.

“Hiện nay là thời cơ thực hiện kết quả thí điểm tốt nhất. Việc này không phải là tiêu chí Việt Nam học tập Trung Quốc. Việt Nam đã học Trung Quốc từ ngày xưa, về đổi mới bắt đầu từ 1986”, bà Nga nói.

“Theo những quy định về người đảm nhiệm chức chủ tịch, cũng như truyền thống về phân bổ quyền lực của Việt Nam, giờ này không có ai khác phù hợp với điều kiện và truyền thống làm chủ tịch ngoài ông Trọng”.

Ông Trọng tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội tháng 11 năm ngoái.

Khi được hỏi về ý kiến cho rằng ông Trọng “thân” Trung Quốc, bà Nga trả lời: “Ông Trọng cũng như tất cả các lãnh đạo Việt Nam, họ chỉ quan tâm về lợi ích của Việt Nam. Sở dĩ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý ông Trọng làm chủ tịch vì mọi người cho rằng điều này phù hợp với lợi ích quốc gia của Việt Nam”.

Theo những quy định về người đảm nhiệm chức chủ tịch, cũng như truyền thống về phân bổ quyền lực của Việt Nam, giờ này không có ai khác phù hợp với điều kiện và truyền thống làm chủ tịch ngoài ông Trọng. Tiến sĩ Nga nói.

Về kinh nghiệm bài học của Trung Quốc, bà Nga cho rằng trên cương vị mới, ông Trọng có thể học nước láng giềng phương bắc “việc quản lý tốt đảng viên và cán bộ, kết hợp chặt chẽ lợi ích của nhân dân với lợi ích của đảng”.

Một ngày sau khi quyết định được công bố, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời báo chí nước ngoài trong buổi họp báo thường kỳ hôm 4/10 rằng việc đề cử ông Trọng là “theo nguyện vọng của cử tri và nhân dân”.

Trong khi đó, trong một bài phân tích, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, nhận định rằng việc đó “sẽ làm suy yếu, nếu không nói là làm xói mòn việc kiểm soát quyền lực lẫn nhau đã có kể từ khi thông qua Hiến pháp 1992”.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-bi-thu-trong-kiem-chu-tich-nuoc-va-goc-nhin-tu-trung-quoc-va-viet-nam/4599412.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét