Khi Mỹ vẽ lại lịch sử chiến tranh VN để tiếp tục phản bội
Lữ Giang - Hôm 14.9.2018, một cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam lại được tổ chức tại Cơ quan Văn khố Quốc gia Mỹ với đề tài “The Vietnam War Revisited” (Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam) do Tập hợp vì Dân chủ cho Việt Nam (ADVN)thực hiện. Có 15 diễn giả được mời thuyết trình. Qua các bài thuyết trình, chúng ta có thể thấy rất rõ Mỹ đang tiếp tục vẽ lại lịch sử chiến tranh Việt Nam để thực hiện mục tiêu mới như họ đã làm trong những năm gần đây, đó là đạp VNCH xuống sâu hơn và nâng CHXHCNVN lên cao hơn, với mục tiêu biến CSVN thành "Tiền đồn chống Trung quốc ở Đông Nam Á" thay VNCH trước đây. Mặc dầu vậy, ngoài hai đài RFA và VOA tiếng Việt, không cơ quan truyền thông hay đấu tranh nào của người Việt lên tiếng. Cũng như trước 1975, họ là những người đấu tranh không cần biết Đồng Minh và Địch đang làm gì cho đến khi bỏ chạy.
Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ ở Washington DC
Trước khi trình bày những ngụy biện của các diễn giả chính trong buổi hội thảo nói trên, chúng tôi xin tóm lược lại các tài liệu lịch sử đã được công bố, diễn biến của cuộc chiến và thủ đoạn vẽ lại lịch sử để đánh lừa dư luận của chính phủ Hoa Kỳ.
VÀI NÉT VỀ TÀI LIỆU LỊCH SỬ
Từ khi rút khỏi Miền Nam VN đến nay, chính phủ Hoa Kỳ đã cho giải mã và công bố lần lần các tài liệu mật liên quan đến chiến tranh Việt Nam, khởi đầu là "The Pentagon Papers" (Tài liệu Ngũ Giác Đài) do Bộ Quốc Phòng biên soạn và Daniel Ellsberg đem phổ biến lần đầu tiên trên New York Times năm 1971 và các văn bản sau đó. Tiếp theo là bộ "Foreign Relations of the United States" (Quan hệ Đối ngoại của Hoa Kỳ, gọi tắt là FRUS) gồm nhiều tập, mỗi tập khoảng 700 trang, do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xuất bản, khởi đầu từ năm 1952. Đây là bộ tài liệu được sắp xếp có hệ thống, rất dễ tham khảo. Sau đó là những tài liệu được giải mã tiếp theo qua nhiều năm, được phổ biến rải rác dưới hình thức băng ghi âm hay từng văn kiện. Tính chung, đã có hơn 90% tài liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam đã được giải mã (khoảng 300.000 trang).
Chúng tôi đã bỏ ra hơn 10 năm để đọc những văn kiện chính và quan trọng. Mặc dầu các tài liệu này còn nằm đờ sờ ra đó, từ năm 2010 đến nay, cứ hai năm một lần, Hoa Kỳ lại cho thực hiện các cuốn phim và các cuộc hội thảo với mục tiêu vẽ lại lịch sử chiến tranh Việt Nam một cách trắng trợn.
Tài liệu cho biết, năm 1954 khi chiến tranh Việt Nam sắp chấm dứt, Quốc Trưởng Bảo Đại đã tìm cách đưa ông Ngô Đình Diệm về để "giữ vững ngôi báu" của nhà Nguyễn, nhưng Hoa Kỳ lại nhảy vào và đưa ra những kế hoạch thay thế Pháp ở Đông Dương để thực hiện các mục tiêu của Hoa Kỳ. Quốc Trưởng Bảo Đại, ông Diệm và ông Nhu không hay biết gì cả.
Ông Diệm mới chấp chánh ngày 7.7.1954 thì ngày 20.8.1954, tức chỉ 43 ngày sau, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã họp và ban hành nghị quyết nói về chính sách của Hoa Kỳ sau Hiệp định Genève (US policies toward post-Geneva Vietnam), đồng thời phái Trung Tá Lansdale thuộc cơ quan OSS (tiền thân của CIA) đến hướng dẫn ông Diệm thi hành.
Nghị Quyết số NSC 5429/2 ngày 20.8.1954 và Nghị Quyết số NSC 5429/3 ngày 19.11.1954 nhận định rằng Pháp đã mất ý chí chiến đấu tại Việt Nam và Mỹ phải đưa ra kế hoạch để đảm đương vai trò của Pháp trên đất nước này. Ngoài phần nhận định, sau đây là những điểm chính của hai Nghị Quyết:
(1) Pháp phải trao trả hoàn toàn độc lập cho Việt Nam
(2) Truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp (legally dethrone Bao Dai)
(3) Diệm phải mở rộng căn bản chính phủ, bầu cử quốc hội và soạn thảo hiến pháp.
(4) Thành lập một chính phủ bản xứ mạnh (a strong indigenous government).
(5) Kết hợp việc cải cách ruộng đất với việc định cư người tỵ nạn.
(6) Xây dựng những lực lượng quân sự có thể bảo đảm an ninh quốc nội.
(FRUS 1952–1954, East Asia and the Pacific, Vol. XII, Part 1. p. 769 – 976)
Căn cứ vào các nghị quyết này, chính phủ Hoa Kỳ sẽ đẩy chính phủ Ngô Đình Diệm đi.
Chỉ với những câu viết vắn gọn như vậy, khi được triển khai, nó trở thành những biến cố lớn. Rõ ràng là Trung Tá Lansdale, ông Diệm, ông Nhu và các tổ chức chính trị tại miền Nam không hay biết các nghị quyết này. Họ bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lái đi qua Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nên khi thi hành đã gặp nhiều rắc rối. Một thí dụ cụ thể là phải truất phế Bảo Đại đến hai lần: lần thứ nhất do các đảng phái và giáo phái thực hiện hôm 29.4.1955, nhưng Tướng Joshep Lowton Collin, Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền của Mỹ bác bỏ. Ông Diệm phải tổ chức trưng cầu dân ý để truất phế Bảo Đại lần thứ hai vào ngày 23.10.1955, được gọi là "legally dethrone" như nghị quyết của HĐ ANQG Hoa Kỳ!
MỞ ĐƯỜNG ĐI VÀO CUỘC CHIẾN
Với sự giúp đỡ của Trung Tá Lansdale, ông Diệm đã dẹp được các phiến quân, ổn định tình hình và ông Nhu đã thành lập "một chính phủ bản xứ mạnh" (a strong indigenous government) dưới hình thức một chế độ độc đảng mạnh như Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Đài Loan "để loại bỏ cộng sản khỏi đất nước" (to rid the country of communists) đúng như khuyến cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và gọi là Cần Lao Nhân Vị Đảng.
Tuy nhiên, kể từ đó Hoa Kỳ nhận thấy ông Diệm là người muốn bảo vệ một chính quyền độc lập và không muốn đi theo sự chỉ đạo của Hoa Kỳ, ngày 14.3.1957, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã bổ nhiệm ông Elbridge Durbrow đến làm Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Kinh nghiện cho thấy khi nào Mỹ muốn phá bỏ một chế độ nào, công việc đầu tiên là đòi hỏi thực hiện dân chủ và thành lập "xã hội dân sự". Ông Durbrow cũng đã làm như thế khi đến Việt Nam. Ông đòi hỏi phải hủy bỏ chế độ độc đảng mà Mỹ bắt lập trước đó, và kêu gọi “thực hiện dân chủ để được lòng dân và thắng cộng sản”. Sau đó, một tổ chức "xã hội dân sự" được thành lập, lấy tên là "Khối Tự Do Tiến Bộ", thường được gọi lànhóm Caravelle, do ông Phan Khắc Sửu làm Trưởng Khối, để đối kháng với chính phủ Ngô Đình Diệm. Khối này gồm các chính khách và đảng phái đã bị ông Diệm loại bỏ khi hình thành một chế độc độc đảng. Tướng Lansdale đã viết giác thư đề ngày 20.9.1960 phân tích những sai lầm của Đại Sứ Durbrow. Nhưng Washington im lặng.
Nhóm Caravelle đã thực hiện cuộc đảo chánh ngày 11.11.1960 nhưng thất bại. Mỹ liền quyết định dùng lá bài Phật Giáo và cử ông Henry Cabot Lodge đến làm Đại sứ tại Sài Gòn để tổ chức lật đổ và giết ông Diệm và ông Nhu. Cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 được giao cho hai người được ông Diệm tin cậy nhất, dó là Tướng Trần Thiện Khiêm đang là Tham Mưu Trưởng Liên Quân, và Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5. Ông Diệm không hề biết đó là nhân viên CIA. Cựu Tổng Thống Johnson đã mô tả cuộc đảo chánh này như sau: “Lúc đầu họ nói với tôi về ông Diệm. Ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau và xử dụng một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa để hạ sát ông ta..."
Sau cuộc đảo chánh, Miền Nam rối loạn, Phật Giáo lộng hành và âm mưu cướp chính quyền. Không cần xin phép ai, lúc 9 giờ sáng ngày 8.3.1965, Lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến Mỹ đã đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, mở màn cho sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam. Lúc đó Thủ Tướng Phan Huy Quát chẳng hay biết gì. Nhưng rồi một thông cáo "chúc mừng" đã được đưa ra!
Đến 19.6.1965 Mỹ yểm trợ các tướng Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Hữu Có và Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan làm đảo chánh, loại bỏ chính quyền dân sự và thành lập một chính quyền quân sự, dep tan nạn Phật Giáo, rồi sau đó đưa tên CIA Trần Thiện Khiêm và cộng tác viên của CIA Nguyễn Văn Thiệu, tức hai tên đã thực hiện cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, lên nắm chính quyền và hành động theo sự chỉ đạo của Mỹ.
THỰC HIÊN CUỘC CHIẾN
Trước hết, Mỹ tạo ra vụ tấn công của hải quân Bắc Việt vào hai tàu khu trục USS Maddox và USS Turner Joy của Hải quân Mỹ vào các ngày 2 và 4/8/1964 ở vịnh Bắc Bộ rồi ra lệnh oanh tạc miền Bắc. Nhưng năm 2005, Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã giải mật báo cáo Spartans in Darkness trong đó khẳng định Hải quân Bắc Việt không hề tấn công tàu chiến Hoa Kỳ trong đêm 4.8.1964
Mỹ đã thực hiện cuộc chiến một cách tàn bạo. Tướng Curtis LeMay, Tư lệnh Không quân Mỹ tuyên bố: “Chúng tôi sẽ ném bom chúng để đưa về Thời kỳ Đồ đá” (We're going to bomb them back into the Stone Age). Cuộc chiến chỉ kéo dài trong 3 năm, từ 1965 đến 1967. Mỹ đã thả bom xuống những mục tiêu chỉ định không cần biết dưới đất có gì.
Theo tài liệu của Bộ Quốc Phòng Mỹ, trong cuộc chiến Việt Nam, Hoa Kỳ đã thực hiện tất cả 1.899.688 phi vụ, ném xuống Đông Dương 6.727.084 tấn bom, so với 2.700.000 tấn đã ném xuống Đức trong Đại Chiến Thứ II. Tổng số chi phí là 352 tỷ USD (giá thời đó). Có 5 tỉnh của Việt Nam có tỷ lệ bom mìn nặng nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên. Việt Nam ước tính khoảng 6,6 triệu ha đất đang bị ô nhiễm bom mìn. Theo sự ước tính của Mỹ, nếu muốn rà phá toàn bộ bom mìn này phải mất 320 năm. Nạn nhân của cuộc chiến được ước tính là 5.773.190 người, trong đó có khoảng 2.122.700 người bị chết. Có 58.169 quân nhân Mỹ bị giết, 153.303 bị thương và 1.643 bị mất tích. Miền Nam có 440.357 quân nhân bị chết và khoảng 499.000 bị thương.
RÚT RA KHỎI VN BẰNG MỌI GIÁ
Sau khi đã xử dụng hết số bom đạn còn tồn động lại từ sau Đại Chiến II và thí nghiệm các vũ khí mới, Hoa Kỳ đã lập kế hoạch để rút quân ra. Kế hoạch này được Kissinger gọi là “MỘT KHOẢNG CÁCH VỪA PHẢI” (Decent Interval), làm thế nào để sau khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam khoảng 2 năm, Miền Nam mất là vừa, lúc đó dư luận sẽ không đổ lỗi việc Miền Nam mất là do sự phản bội của Mỹ, mà do sự bất tài (incompetence) của người Miền Nam.
Trước hết, các phong trào phản chiến được tạo dựng lên. Ngày 2.6.1966, Thiền sư Nhất Hạnh đang ở Pháp được đưa qua Mỹ, vào trình bày trước Thượng Viện. Tại đây ông đã đọc một bài diễn văn dài gióng những lời tuyên bố của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ông tố cáo những thảm họa mà quân đội Hoa Kỳ và VNCH đã gây ra tại Việt Nam và đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam. Trong khi đó, tại Việt Nam, Asia Foundation của Mỹ (ở sau Quốc Hội VNCH) đã thuê Trịnh Công Sơn sáng tác những bản nhạc phản chiến, đồng thời cho George Washnis làm cuốn phim phản chiến có tên là “Land of Sorrow” (Đất Khổ) do Hà Thúc Cần làm đạo diễn và Trịnh Công Sơn đóng vai chính. Trung úy John Kerry đã từng được trao thưởng ngôi sao đồng, ngôi sao bạc và ba huân chương Purple Heart. Nhưng sau đó ông trở thành một nhà phản chiến nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Năm 1971 ông xuất hiện trong một phiên điều trần trước Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Mỹ và tuyên bố cuộc chiến tranh Việt Nam là “man rợ”.
Ngày 20.6.1972 Kissinger đến Bắc Kinh gặp Thủ Tướng Chu Ân Lai và giao Miền Nam cho Trung Quốc. Kissinger nói “Tôi tin rằng tương lai quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh quan trọng đối với Á châu hơn là những gì có thể xẩy ra tại Phnom penh, Hà Nội hay Sài gòn.”
THỦ ĐOẠN VẼ LẠI LICH SỬ
Trước hết, Mỹ dùng các bộ phim để giàn dựng lại cuộc chiến, chẳng hạn như cuốn “Vietnam The Ten Thousand Day War” của Michael Maclear hay cuốn “The Vietnam War” (Cuộc chiến Việt Nam) của Ken Burnes và Lynn Novick, v.v. Xem những cuốn phim này, những người đã từng tham gia cuộc chiến thường cảm thấy mình bị bôi nhọ.
Ngoài dùng phim ảnh, Mỹ còn tổ chức các cuộc hội thảo để vẽ lại cuộc chiến Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, cứ 2 năm một lần, có một cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam. Đề tài 2010: “Kinh nghiệm Hoa Kỳ tại Đông Nam Á, 1946-1975”; 2012: "Hồi tưởng về nền Đệ Nhị Cộng hòa của Nam Việt Nam (1967-75)"; 2014: Cựu chiến binh tranh luận về chiến tranh Việt nam, v.v.
Gấn như buổi hội thảo nào cũng có ba phần:
Phần 1: Cho các thành phần phản chiến, thường là một sử gia hay một giáo sư về sử học của Mỹ, lên diễn đàn lên án cuộc chiến tranh, đạp VNCH xuống và đưa CSVN lên.
Phần 2: Cho các thành phần của VNCH cũ lên trình bày về sự chiến đấu của VNCH và lên án cộng sản...
Phần 3: Tranh luận và đưa ra những lý do giải thích tại sao Mỹ thua và CSVN thắng, ca tụng CSVN.
Có lẽ cuộc hội thảo năm 2102 đã gây ra những phản ứng nặng về phía người Việt tỵ nạn, nên năm 2014 Mỹ cho các cựu chiến binh Mỹ mở cuộc hội thảo nói về công trạng của các cựu chiến binh Mỹ và VNCH, và sự phản bội của Mỹ.
Tiến sĩ Robert Turner của Đại Học Virginia đi đến kết luận rằng sự bỏ rơi miền Nam Việt nam của Hoa kỳ là một sự xấu hổ trong lịch sử.
KHI MỸ BIẾN ĐỊCH THÀNH "ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN"
Trong cuộc hội thảo ngày 14.9.2018 về đề tài "Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam" tuy có đến 15 diễn giả, nhưng chỉ có 3 diễn giả chính là Pierre Asselin, Giáo sư Sử học thuộc Đại học San Diego; Vũ Tường, Giáo sư chính trị tại Đại học Oregon và Robert Turner, Giáo sư Trường Luật Đại học Virginia. Những người còn lại chỉ đóng vai trang trí hay vuốt đuôi như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Đình Thắng, Kieu‑Linh Valverde, Nguyễn Thanh Tùng, Neil Nay, Tạ Đức Trí, v.v.
Với chủ đề "Tư tưởng, Cách mạng Cộng sản Việt Nam và Nguồn gốc của Chiến tranh Hoa Kỳ tại Việt Nam", Giáo sưPierre Asselin cho rằng chiến dịch đấu tranh ngoại giao ‘hết sức quyết liệt và hiệu quả’ của chính quyền Hà Nội trên trường quốc tế là ‘một trong những chìa khóa’ giúp miền Bắc giành chiến thắng chung cuộc bên cạnh chiến dịch quân sự ở miền nam và “Chung cuộc, Hà Nội đã có thể cô lập cả người Mỹ và miền Nam Việt Nam về ngoại giao.” Theo ông,“Sài Gòn đã thất bại thảm hại trong việc thể hiện tính hợp pháp của mình ngay cả với dư luận trong nước.”
Giáo sư Vũ Tường với chủ đề "Xây dựng quốc gia trong chiến tranh: Kinh nghiệm của VNCH 1955-1975", xác định rằng về lý tưởng dân tộc thì miền Nam cũng mong muốn Việt Nam ‘trở thành một quốc gia thống nhất, không bị lệ thuộc vào ngoại bang. Ông nói: “Tổng thống Ngô Đình Diệm từng nhấn mạnh rằng sự can thiệp quân sự của người Mỹ là đi ngược lại lý tưởng dân tộc,”
Về vấn đề huy động quần chúng, ông Tường giải thích: “Chế độ độc tài có thể huy động quân lính, huy động lương thực, huy động tài nguyên cho chiến tranh dễ hơn chế độ dân chủ vốn phải qua nhiều cuộc thảo luận mới có thể quyết định.” Ông cho biết ở miền Bắc những ai bất đồng chính kiến thì bị bỏ tù ngay lập tức trong khi ở miền Nam thì không thể làm thế vì người dân có quyền biểu tình, có quyền thể hiện chính kiến của mình.” Ông đi đến kết luận: “Việt Nam Cộng hòa vẫn trung thành với lý tưởng của mình cho dù họ có thua trong cuộc chiến đi nữa.”
Trong khi đó, trong đề tài "Rút lui: Tại sao Nam Việt Nam bị mất" Giáo sư Robert Turner chỉ lặp lại luận điệu củaGiáo sư Pierre Asselin. Ông cho rằng “Chúng ta tham chiến với sự ủng hộ áp đảo của người dân Mỹ.” Thời Tổng Thống Johnson đã có 58% ủng hộ và khi ông ra lệnh dùng vũ lực đối với miền Bắc, đã có 99,6% Quốc Hội ủng hộ. Nhưng Bắc Việt "đã giành được khối óc và trái tim của người dân Việt Nam" và họ cũng đã "chiếm được tình cảm và suy nghĩ của người dân Mỹ" nên họ đã thắng.
Rõ ràng là cuộc hội thảo lần này có mục đích lèo lái công luận tin rằng Cộng Sản VN đã thắng là do vận động chính trị giỏi ở trong cũng như ngoài nước và chứng minh cuộc chiến của họ có chính nghĩa, còn VNCH vận động chính trị yếu kém và không có chính nghĩa.
Nguyễn Đình Thắng nói về "Vai trò của người Việt di cư trong giải cứu, Bảo vệ và tái định cư người Việt tị nạn" và Tạ Đức Trí trình bày về "Triển vọng của các thế hệ trẻ ở nước ngoài và quan điểm của họ về dân chủ ở Việt Nam" chỉ với mục đích làm giảm bớt sự căng thẳng khi nghe các giáo sư Mỹ ngụy biện để bênh vực cho sự trở mặt của Mỹ. Đạo Luật SB 895 về giáo dục cho học sinh về lịch sử chiến tranh Viêt Nam và lịch sử của người Việt tỵ nạn do Thượng Nghị Sĩ Cali là Janet Nguyễn đề xuất cũng nằm trong mục tiêu đó.
SỰ THẬT LỊCH SỬ NHƯ THẾ NÀO?
Sau khi đọc tài liệu lịch sử do cả hai bên công bố, chúng tôi thấy có hai lý do chính khiến VNCH đã thua và CSVN đã thắng:
1.- Trung Quốc đã viện trợ cho CSVN tối đa cả về quân sự lẫn kinh tế để chiến thắng.
Tài liệu chính chức của cả Trung Quốc lẫn CSVN công bố cho thấy viện trợ của Nga và Trung Quốc cho CSVN gấp 5 lần viện trợ của Mỹ cho VNCH. Khi bộ đội CSVN có AK-47, Quân lực VNCH vẫn còn phải xài loại súng bắn phát một là Grant và Carbine M1 và M2. Khi Mỹ ra đi có để lại cho Hải Quân VNCH một số chiến hạm nhưng lại tháo giàn radar đi nên không thể bắn tầm xa được. v.v.
Chính Lê Duẩn, Tổng Bí Thư uy quyền nhất của Đảng CSVN đã xác nhận: “Một điều rõ ràng và dễ thấy là không có Trung Quốc làm cách mạng thành công thì không thể có Việt Nam ngày hôm nay. Đó là lô-gích lịch sử” (Tạp chí “Nghiên cứu vấn đề quốc tế”, Trung Quốc, số 2/1981).
Nếu Mao Trạch Đông không chiếm được Trung Quốc và đuổi Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan năm 1949, Đảng CSVN đã ...................
2.- Hoa Kỳ chỉ coi Miền Nam như một công cụ, xài xong rồi bỏ.
Mỹ đã nhảy vào chiến trường Việt Nam và gây ra nhiều biến loạn là vì Mỹ coi Việt Nam là thị trường tiêu thụ vũ khí tồn động của Mỹ và sáng chế các vũ khí mới. Sau khi đạt mục tiêu, Mỹ đã đem Miền Nam bán cho Trung Quốc để đổi lấy quan hệ thương mại với Trung Quốc. Chủ trương này được thể hiện qua lời nói của Kissinger khi đến gặp Chu Ân Lai tại Bắc Kinh ngày 20.6.1972: "Tôi tin rằng tương lai quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh quan trọng đối với Á châu hơn là những gì có thể xẩy ra tại Phnom penh, Hà Nội hay Sài gòn.”
Đó là một sự thật phũ phàng. Còn tệ hơn nữa, ngày nay Mỹ đang biến VNCH thành BAD GAY (tên xấu xa), Mỹ là URGLY GAY (tên dơ dáy) còn CSVN là GOOD GAY (tên tốt lành) để giải thích việc Mỹ tiến tới "đối tác toàn diện" với CSVN và dùng CSVN làm "Tiền đồn chống Trung Quốc ở Đông Nam Á". Nói cách khác, Mỹ đang phản bội lần thứ hai. Trong khi đó, đa số những người Việt ở hải ngoại đang đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ và phú cường, không hay biết gì về chủ trương của Mỹ, phó thác cả "linh hồn và xác" cho Mỹ, đang bị Mỹ biến thành một công cụ cho những kế hoạch mới của Mỹ.
Đảng CSVN đã trở thành tên "đẻ bọc diều", bắt cá ba tay, vừa Tàu, vừa Nga và vừa Mỹ, để làm cho thế đúng của chế độ vững mạnh hơn. Tuy nhiên, Đảng CSVN không bao giờ tin Mỹ như VNCH trước đây và VNCH nối dài hiện nay, nên Mỹ không thể lừa đảng này được. Khi nào Mỹ bắt đầu trở mặt, Đảng này lại quay về với Trung Quốc. Còn VNCH trước đây và ngày nay không có nơi nào để quay về, vì luôn tin rằng "con đường một chiều" là con đường duy nhất để chiến thắng. Nhưng đó là con đường đã đưa tới mất Miền Nam!
Ngày 3.10.2018
Lữ Giang
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét