Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

Hội nghị 8 ‘thay đổi cấu trúc quyền lực’ ở Việt Nam

Thú vị: BBC đưa cái ảnh bác Cả nhắm tịt mắt lúc làm vua.
Hội nghị 8 ‘thay đổi cấu trúc quyền lực’ ở Việt Nam
5 tháng 10 2018- Một quyết định lớn của Hội nghị Trung ương 8 ở Hà Nội "sẽ làm yếu đi" cơ chế kiểm tra, cân bằng trong Đảng Cộng sản Việt Nam, theo ý kiến một người nước ngoài. Hội nghị Trung ương lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thống nhất tuyệt đối (100%) giới thiệu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng, để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quyết định đưa ra sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời đột ngột.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng
 Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng
'Mạng lưới những người trung thành'
Chuyên gia nghiên cứu Việt Nam lâu năm, Carl Thayer, nói với BBC rằng sự kiện này sẽ tác động đến cơ cấu quyền lực của Việt Nam đã tồn tại từ khi Việt Nam bước sang giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh. Ông giải thích rằng Bộ Chính trị Việt Nam lâu nay hoạt động dựa theo "sự đồng thuận". "Dàn trải quyền lực giữa đảng và nhà nước đem lại một chút kiểm tra và cân bằng trong hệ thống độc đoán."

GS Carl Thayer, từ Đại học New South Wales của Úc, nói việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm Chủ tịch nước "sẽ làm yếu đi, nếu không phải là làm xói mòn, hệ thống kiểm tra, cân bằng phi chính thức đã tồn tại từ sau Hiến pháp 1992".

"Tân Tổng Bí thư-Chủ tịch nước sẽ có cơ hội lớn để đưa đệ tử vào các vị trí quan trọng của chính phủ, quân đội, tạo ra mạng lưới những người trung thành."

Có lập luận cho rằng quyền lực Chủ tịch nước vẫn bị kiểm soát vì cần sự chấp thuận của Quốc hội nhưng thực tế thì có đến hơn 90% đại biểu Quốc hội là Đảng viên, ông Thayer viết.

Vì vậy có mối quan ngại rằng không có đủ sự kiểm tra và cân bằng để hạn chế quyền lực của một nhà lãnh đạo, có thể muốn sử dụng tối đa quyền hạn của hai vị trí.

GS Carl Thayer giải thích những người ủng hộ phương án kiêm hai chức cho rằng một nhà lãnh đạo quyền lực sẽ giúp giải quyết tình trạng tham nhũng và yếu kém trong bộ máy nhà nước.

"Ngoài ra, khi kết hợp hai chức Việt Nam sẽ có thể giao thiệp hiệu quả hơn với các đối tác nước ngoài như Trung Quốc."

Nhưng GS Carl Thayer nói thêm, có lo ngại khi đã "nhất thể hóa", sẽ không còn đủ cơ chế kiểm soát người nắm hai chức này.

"Cùng với lo ngại này là hệ thống chính trị Việt Nam sẽ bị thay đổi bởi mạng lưới nhà bảo trợ - khách hàng, hạn chế cơ hội thăng tiến của những người khác."

Cải cách ở Việt Nam thường được cho là đi sau Trung Quốc

Quyền lực 'hạn chế hơn Tập Cận Bình'

Trên mạng xã hội Việt Nam xuất hiện một số bình luận so sánh ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thâu tóm quyền lực tập trung như Chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc.

Tuy vậy, nói với Nikkei Asian Review, bà Lê Thu Hương, một chuyên gia từ Viện Chính sách Chiến lược Úc, chỉ ra rằng vào lúc này không rõ việc kiêm nhiệm chỉ tạm thời với ông Trọng hay sẽ thành cơ chế vĩnh viễn.

Bà dự đoán ông Trọng "không thể đạt được vị thế như ông Tập" ở Trung Quốc.

GS Carl Thayer thì cho rằng ông Trọng không cố gắng tạo ra một sự sùng bái cá nhân vì các đảng viên Việt Nam có vẻ không thích phong cách lãnh đạo của Kim Jong-Il ở Bắc Triều Tiên và lo ngại về một "Chủ tịch mọi thứ" như Tập Cận Bình ở Trung Quốc.

GS Thayer so sánh sự nghiệp của ông Trọng hoàn toàn nằm trong bộ máy đảng, trong khi ông Tập đã từng giữ chức vụ ở chính quyền cấp tỉnh trước khi lên cấp trung ương.

Ông Trọng là một nhà lý luận tư tưởng đảng, còn ông Tập là một người đã có kinh nghiệm ở cấp cơ sở từ thời Cách mạng Văn hóa.

"Vì vị thế nhanh chóng xoay chuyển của Việt Nam, từ thành viên nhóm xã hội chủ nghĩa thành thành viên hội nhập quốc tế, ông Trọng cũng không thể vay mượn chủ đề Bách niên quốc sỉ của Tập."

GS Carl Thayer dự đoán với quyền lực mới, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng.

"Đồng thời, ông sẽ thúc đẩy phát triển 600 cán bộ được coi là sạch và cơ cấu cho khóa sau."

"Nghị trình của ông sẽ vẫn không đổi nhưng
 quy mô, tầm cỡ của chiến dịch chống tham nhũng và xây dựng đảng sẽ tăng lên."

Có những so sánh trong người Việt về ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng

'Chín muồi để thực hiện Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước'

Trong các bài ủng hộ mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, đáng chú ý có việc trang Vov.vn hôm 3/10 đăng lời ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam.

"Tôi rất mừng nếu Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước bởi đây là phương án hợp lòng dân", ông Vũ Mão nói.

"Khi triển khai Điều 4 của Hiến pháp, tôi đã từng kiến nghị cần thiết phải có Luật về sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân mong chờ luật đó. Đảng lãnh đạo nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền. Nếu thực hiện được điều đó, chúng ta sẽ kiểm soát được quyền lực, chống được hiện tượng độc đoán, chuyên quyền", ông Vũ Mão nhấn mạnh.

Trên trang VietNamNet ngày 4/10, ông Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định đã "chín muồi" để người đứng đầu Đảng và người đứng đầu Nhà nước là một.

"Tôi chỉ xin nói gọn một nguyên lý, rằng cái gì vốn đơn giản mà chúng ta làm cho nó càng rối rắm, càng phức tạp thì càng kém hiệu quả, nếu không nói là thất bại."

"Lịch sử đã chuẩn bị, đã mở đường đi cho nó, chỉ có điều chúng ta chưa cảm nhận thấy hết và không hình dung nó nhanh như chúng ta…mong đợi thôi!" ông Nhị Lê nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45761906

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét