Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

THUẾ VIỆT NAM: Dân chạy đâu cho thoát ?

Tôi đồng tình với ý kiến trong bài là "dư luận phản ứng với thuế không phải họ không sẵn sàng nộp thuế mà do họ không tin rằng tiền thuế của họ được sử dụng đúng mục đích", nhưng đây không phải là lý do chính. Lý do chính là dân quá nghèo, tiền ăn không đủ trong khi nhà nước cứ vẽ ra tòan những dự án khổng lồ để bắt dân đóng thuế; làm sao dân đóng được. Không thể chấp nhận được những dự án xây bảo tàng và nghĩa trang cho mấy ông lãnh đạo, xây tượng đài ngàn tỷ, nuôi gần 4 triệu đảng viên Đảng cộng sản và các tổ chức chính trị do Đảng lập ra, nuôi các doanh nghiệp nhà nước...
THUẾ VIỆT NAM
FB Huỳnh Minh Mẫn - Mấy ngày qua, dân tình bàn luận xôn xao về thuế. Tôi cũng muốn góp một vài ý kiến để làm rõ hơn về vấn đề mọi người quan tâm. Tôi nghĩ rằng lý do dư luận phản ứng với thuế không phải họ không sẵn sàng nộp thuế mà do họ không tin rằng tiền thuế của họ được sử dụng đúng mục đích. Vậy vấn đề cần làm bây giờ là Bộ Tài chính hợp tác với bên tuyên giáo lên kế hoạch truyên truyền cho dân chúng tin rằng tiền thuế của họ đã, đang và sẽ được sử dụng đúng và hiệu quả.

Thuế là nguồn thu chủ yếu của bọn tham nhũng
🔴 CÁC SẮC THUẾ.
Hiện tại, Việt Nam có 9 sắc thuế đang được Nhà nước áp dụng và là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, bao gồm:
1. Thuế GTGT
2. Thuế TNCN
3. Thuế TNDN
4. Thuế tiêu thụ đặc biệt
5. Thuế bảo vệ môi trường
6. Thuế tài nguyên
7. Thuế xuất nhập khẩu
8. Thuế sử dụng đất nông nghiệp
9. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
Sắc thuế thứ 10 còn đang là dự thảo: Thuế tài sản

🔴 AI QUYẾT ĐỊNH ĐẶT RA MỘT SẮC THUẾ MỚI?
Đó chính là Nhân Dân. Trong một nhà nước dân chủ thì thuế phải do cơ quan quyền lực cao nhất quyết định, ở nước ta đó là Quốc hội. Mà Quốc hội là do Nhân dân bầu ra với 500 anh em đại diện cho mình. Mỗi một sắc thuế tồn tại dưới một đạo luật được Quốc hội thông qua.
Tóm lại, đặt ra một sắc thuế mới là do Nhân dân chứ không phải Chính phủ hay một bộ (hoặc ông bộ trưởng nào cả). Mấy ngày nay đồng bào nặng lời với ông bộ trưởng là bậy rồi. Xin lỗi đi nhá.
Nếu đồng bào nói không tin Quốc hội thì cũng nên xem lại trách nhiệm công dân của mình khi bỏ phiếu mà không suy nghĩ.
🔴 DỰ THẢO THUẾ TÀI SẢN CÓ TỪ KHI NÀO?
Cuối mùa đông năm Kỷ Sửu (20/01/2010), Quốc hội khoá XII, Bộ Tài Chính dưới thời Thượng thư Vũ Văn Ninh đã cho ra đời một dự luật thuế nhà đất. Đây là tiền thân của dự thảo Luật thuế tài sản mà bà con bàn luận mấy ngày qua. Dự thảo Luật thuế nhà đất đã không được thông qua suốt 2 nhiệm kỳ Quốc hội. Nay trước nhiệm vụ cấp thiết của nước nhà, Đinh bộ trưởng chế tác lại dự luật mang tên mới là Luật thuế tài sản và đưa thêm đối tượng chịu thuế là ô tô.
Cuối năm 2017, các đại biểu quốc hội cũng đã bàn thảo để cân nhắc việc cho áp dụng thí điểm Luật thuế tài sản tại TP. HCM.
Vậy bà con mình đang ở đâu và làm gì trong thời điểm năm 2010 mà không lên tiếng như những ngày qua. Hay lúc đó chúng ta sẵn sàng nộp thuế còn hôm nay thì không do nghi ngờ tiền thuế của mình được sử dụng sai mục đích.
🔴 CHÚNG TA NỘP THUẾ NHƯ THẾ NÀO?
Về mặt học thuật, thuế được phân loại là thuế gián thu và thuế trực thu. Theo ngôn ngữ bình dân, tôi phân loại là nộp thuế khi làm ra tiền và nộp thuế khi tiêu tiền.
Khi làm ra tiền (có thu nhập) chúng ta nộp thuế thì dễ hiểu. Đó là thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Khi tiêu tiền, chúng ta cũng phải nộp thuế. Tiền thuế này “ẩn” trong giá hàng hoá nên đôi khi chúng ta khó nhận ra, nhiều khi chúng ta nộp thuế mà hoàn toàn không hay biết. Trước đây, ít ai biết trong giá xăng dầu có bao nhiêu loại thuế. Thời gian qua, truyền thông đã cởi mở hơn khi phân tích yếu tố thuế cấu thành nên giá xăng dầu. Đó là trong giá xăng dầu đã bao gồm 4 loại thuế: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Điều này giúp cho người dân hiểu rõ hơn về sự đóng góp của mình với Nhà nước.
Vậy làm ra tiền đã nộp thuế, cầm tiền đi mua hàng tiếp tục nộp thuế. Có người sợ nộp thuế nên không dám tiêu tiền và tích luỹ mua đất. Bộ Tài chính mới đề xuất một đạo luật để đánh thuế trên tài sản tích luỹ. Thế là không chạy đâu cho thoát, Nhân dân ơi.
🔴 TIỀN THUẾ ĐƯỢC SỬ DỤNG RA SAO?
Luật Ngân sách Nhà nước 2015 quy định về chi ngân sách nhà nước tại Khoản 2 Điều 5 của Luật này. Tôi chỉ nêu một vài thông tin để chúng ta biết thêm tiền thuế của mình dùng vào những việc gì.
Gần đây, chúng ta đọc rất nhiều thông tin về tượng đài ngàn tỷ. Chúng ta vẫn nghe thông tin thất thoát, lãng phí, tham nhũng hàng chục ngàn tỷ. Tiền thuế của chúng ta đó.
Chúng ta có biết mọi hoạt động của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam đều sử dụng ngân sách nhà nước?
Chúng ta có biết có 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước?
Chúng ta có biết mọi hoạt động của Đảng CSVN không phải từ đảng phí mà là từ ngân sách nhà nước?
Chúng ta có biết dự án đổi mới sách giáo khoa với yêu cầu 34 ngàn tỷ sau đó giảm còn 400 tỷ?
🔴 TẠI SAO NHÂN DÂN PHẢN ỨNG KHI BIẾT SẼ PHẢI NỘP THÊM THUẾ
Tôi nghĩ rằng lý do dư luận phản ứng với thuế không phải họ không sẵn sàng nộp thuế mà do họ không tin rằng tiền thuế của họ được sử dụng đúng mục đích.
Vậy vấn đề cần làm bây giờ là Bộ Tài chính hợp tác với bên tuyên giáo lên kế hoạch truyên truyền cho dân chúng tin rằng tiền thuế của họ đã, đang và sẽ được sử dụng đúng và hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét