Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

Tha hóa của cán bộ Công an: vì đâu nên nỗi?

Tha hóa của cán bộ Công an: vì đâu nên nỗi?
Minh Hải - Là những người buộc phải mẫu mực về phẩm chất đạo đức để hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, thế nhưng thật đáng tiếc thời gian qua có nhiều cán bộ Công an đã trở thành những đối tượng tội phạm nguy hiểm cho xã hội. Một sự tha hóa từ đâu?...
Ngày 17/04/2018 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Phan Hữu Tuấn (SN1955, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) nguyên Phó Tổng cục trưởng Bộ Công an đã nghỉ hưu và ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an (SN1963, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ , tức Vũ “nhôm” và đồng bọn đã có hành vi “ Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” “Trốn thuế” và “ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trước đó, Trung tướng Công an Phan Văn Vĩnh và Thiếu tướng Công an Nguyễn Thanh Hóa đã bị khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng vì có liên quan đến đường dây rửa tiền, bài bạc xuyên quốc gia do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cần đầu.

Và phải kề thêm vụ án cán bộ Bộ Công an Nguyễn Hoàng Dương vào hôm 16/04/2018, bị Tòa án Sài Gòn tuyên bản án sơ thẩm là 8 năm tù giam với hai tội danh “Gián điệp” và “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 110 và 170 Bộ luật Hình sự 2015 vì lý do đánh bạc nên đã đánh cắp tài liệu mật để bán cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia. 

Trước đó là những vụ án liên quan đến nạn nhục hình và những lời tố cáo của người dân bị bạo hành dẫn đến thương tích hoặc tử vong liên quan đến lực lượng Công an mà báo đài truyền thông phản ánh.

Vì đâu từ những người cán bộ với yêu cầu phải mẫu mực về phẩm chất đạo đức, về nghĩa vụ và trách nhiệm tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh Công an nhân dân, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, trung thực, dũng cảm, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; liên hệ chặt chẽ với Nhân dân; tận tụy phục vụ Nhân dân, kính trọng, lễ phép đối với Nhân dân…. theo luật cán bộ Công an còn phải không được làm những việc như; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, những việc trái với pháp luật, điều lệnh Công an nhân dân và những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Những cán bộ Công an này thậm chí có những người cấp bậc tướng lãnh đạo những Tổng cục như Tổng cục tình báo, Tổng cục phòng chống tội phạm Công nghệ cao tại sao lại tha hóa về mặt đạo đức đến như vậy?

Trao đổi với Việt Nam Thời Báo, nhà báo Võ Văn Tạo ở Khánh Hòa cho rằng những vụ bắt bớ tướng Công an vừa qua là do ở Việt Nam đang có chiến dịch gọi nôm na là chống tham nhũng do Tổng Bí thư Đảng CSVN khởi xướng. Cho nên nó cũng ảnh hưởng từ hệ quả của chiến dịch này, còn hiện tượng những cán bộ công an, sĩ quan cao cấp trong ngành công an hư hỏng, tha hóa thì theo nhà báo Tạo nó xuất hiện từ lâu rồi không phải từ bây giờ mới có.

“Tôi nghĩ đối với hàng ngũ cao cấp không dưới hai, ba năm nay đâu, trở ngược thời gian khoảng gần hai mươi năm về trước thì có ông Bùi Quốc Huy với cấp bậc trung tướng thứ trưởng Bộ Công an ra tòa vì liên quan đến việc bảo kê trùm xã hội đen Năm Cam, bên cạnh ông Huy còn có ông trung tá rồi anh hùng lực lượng vũ trang cũng dính trong vụ án Năm Cam, có nghĩa là nó có từ lâu rồi nhưng mà lâu nay người ta ít để ý đến lực lượng này. Ngay trong bản thân những người lãnh đạo Đảng CSVN cũng nghĩ yên tâm rằng ngành đó anh em cán bộ cấp cao sẽ gương mẫu nhưng thực tế không phải thế.”

Cũng cầm phải nói thêm, hiện nay dư luận Việt Nam có lời truyền miệng với hàm ý không mấy tốt đẹp khi cho rằng lực lượng công an là thanh gươm lá chắn bảo vệ Đảng chỉ biết còn Đảng còn mình. Theo nhà báo Tạo, nếu đúng như lời truyền miệng của dư luận thì quả thật có sự kém cỏi bởi vì:

“Thời chúng tôi ở lứa tuổi học sinh, dưới mái trường XHCN ngày xưa khi vào cấp tiểu học thì đã học rằng; một công dân của xã hội thì phải có lý tưởng vì tổ quốc, vì nhân dân, vì đồng bào đó mới là cái cao nhất đằng này lại vì còn Đảng còn mình, chỉ cần giữ Đảng thôi vì mục tiêu tồn tại tạo sự biến chất của lực lượng công an. Nhiều năm lại đây lực lượng công an bị nhiều ý kiến của dư luận cho là kiêu binh, phát triển số lượng một cách ồ ạt, sinh ra Tổng Cục này Tổng Cục kia rồi phong tướng phong tá quá nhiều. Điều này đã ra tới diễn đàn Quốc hội Việt Nam rồi, nhiều Đại biểu cũng đã nói rồi, đây là hệ quả của một thời gian rất dài…”

Cũng không thể nói là do hoàn cảnh khó khăn nên dẫn đến hiện tượng tha hóa của số cán bộ Công an hoặc là sự tha hóa có nguyên nhân là do lực lượng Cộng an được pháp luật trao quá nhiều quyền lực. Có thể nguyên nhân này chỉ là một phần, nhà báo Tạo nói:

“Việc nói do luật pháp Việt Nam đã ưu ái dành cho Công an quá nhiều quyền lực theo tôi nghĩ nó chỉ đúng một phần thôi. Bởi vì dù thế nào thì pháp luật cũng phải soạn thảo theo hướng cái quy chuẩn của quốc tế nên những điều khoản lộ liễu trong pháp luật về Công an ít khi thể hiện ra. Cái tư tưởng công an trị trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện còn rất nặng…”
Một ví dụ điển hình là hiện tượng Vũ “nhôm” đang là bản tin thời sự “nóng” ở Việt Nam ít nhiều đã cho dư luận quan tâm hiện tình Việt Nam thấy ra điều gì? Nhân vật này được biết chỉ là một người thợ nhôm sắt rồi dần đà làm quen người này người nọ và sau đó được len lỏi vào hàng ngũ công an. Cho đến nay, Vũ “Nhôm” đã bị bắt nhưng thân phận thật sự của nhân vật này có phải là cán bộ Cấp tá tình báo của Bộ Công an hay không thì chưa thấy cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an lên tiếng chính thức. Tuy nhiên, khi chưa bị bắt thì sự xuất hiện của Vũ “nhôm” đến những cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh cũng rất nể nang, thậm chí có người còn bị nhân vật này đe dọa như trường hợp Chủ tịch thành ủy Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ. Đặt trường hợp nếu Vũ “nhôm” là người của lực lượng Công an nhưng tại sao phía cán bộ hành chính phải kiêng nể, thậm chí còn bị Vũ “nhôm” đưa vào đường dây phạm tội. Một giải thích tạm dễ hiểu là chính những cán bộ cấp cao của hệ thống hành chính Việt Nam có vấn đề, có tham nhũng nên đã bị những thế lực như Vũ “nhôm” nắm cán chứ ai đó không có tỳ vết gì thì sợ chuyện gì mà không mạnh tay xử lý tội phạm, bảo vệ kỷ cương pháo luật.

Như vậy thì sự tha hóa của cán bộ công an cũng có một phần phát sinh từ sự tha hóa của những cán bộ hành chính trong hệ thống quản lý hành chính Nhà nước./.

Minh Hải
(VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét