Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Mẹ Cường Đôla quyết định cãi lý với thành ủy TP.HCM

Mẹ Cường Đôla nói thẳng vụ chuyển nhượng đất thần tốc
Tổng giá trị khu đất này là 632 tỷ chứ không phải 419 tỷ, cũng không có chuyện thương vụ chuyển nhượng thực hiện trong vài ngày. Ảnh: Bà Nguyễn Thị Như Loan cho rằng lô đất gần 33 ha tại Phước Kiển không phải là đất công và đã mua đúng giá thị trường. Ảnh Zing
Thành ủy TP.HCM đồng ý
Sau khi có thông báo của Văn phòng Thành ủy TP.HCM về việc chuyển nhượng khu đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè không theo đúng quy định, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG) khẳng định: "Tất cả lô đất này tôi mua từ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận hoàn toàn không phải là đất công.

Hai bên đều là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và có pháp nhân rõ ràng. Khi tôi mua cũng được HĐQT đồng ý cho mua, bên Tân Thuận cũng thế, Thành ủy TP.HCM đồng ý.

Nếu nói Tân Thuận có vốn 100% của Thành ủy thì lô đất được bán là tài sản công là không hợp lý. Điều này đồng nghĩa với việc bán căn hộ cũng là tài sản công, phân lô bán nền cũng là bán tài sản công, dư luận đang hiểu khập khiễng.

Tôi nói rõ hơn, lô đất hơn 32 ha này không phải được Nhà nước giao cho Tân Thuận quản lý rồi mang đi bán. Lô đất này hình thành từ vốn sản xuất kinh doanh của Tân Thuận.


Công ty này cũng đang đền bù cho người dân và đã báo cáo tồn kho này vào tài khoản 154 là hàng hóa tồn kho của công ty. Hơn nữa, nguồn thu chuyển nhượng này được điều chuyển bổ sung vào vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh - dịch vụ, tạo nguồn thu cho ngân sách Đảng bộ thành phố.

Tôi đã tìm hiểu rất kỹ mới thực hiện giao dịch và cũng hiểu mua đất công phải qua đấu giá. Tôi là Chủ tịch HĐQT, nếu quyết định không đúng, tôi sẽ làm thất thoát tiền của hơn 2.000 cổ đông. Đây là điều không thể quyết định vội vàng".

Trước thông tin cho rằng quá trình đàm phán và thực hiện giao dịch với lô đất này rất nhanh và QCG đang được ưu ái, bà Loan phủ nhận.

Theo giải thích của bà Loan, trong năm 2016, bà đến Công ty Tân Thuận đàm phán phải mất đến hơn 10 tháng mới đi đến ký kết hợp đồng.

Ngay sau khi đàm phán, Tân Thuận đã thuê định giá và trình lên Thành ủy, thời gian này cũng hết 3-4 tháng. Sau khi trình và được đồng ý thì mới thực hiện.

"Tôi không hiểu căn cứ nào nói thương vụ này được quyết định trong vòng vài ngày", bà Loan đặt câu hỏi.

Mua theo đúng giá thị trường

Về giá thành khi mua khu đất trên, theo Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai, giá bán các phụ lục hợp đồng và đúng với giá thị trường.

Cụ thể, sau khi ký hợp đồng và thanh toán xong, đến tháng 12/2017 thì Tân Thuận phát hành công văn ngưng hợp đồng theo văn bản chỉ đạo của Thành ủy. Bản thân bà Loan rất bất ngờ về chuyện này. Tiền giao rồi, đất đang san ủi không có lý do gì để ngưng hợp đồng.

Khu đất công sản mà Công ty Tân Thuận bán cho đối tác với giá rẻ bèo

Đến tháng 2/2018, Công ty Tân Thuận và QCGL ký lại phụ lục hợp đồng số 3 điều chỉnh đơn giá theo thuyết minh kết quả của Sở TN-MT.

Tổng số tiền tăng thêm là 155 tỷ đồng sẽ được QCG thanh toán 70% chậm nhất vào cuối năm 2018, phần còn lại thì thanh toán trong quý I/2019. Tất cả việc điều chỉnh này đều được đánh giá kỹ từ các cơ quan chức năng.

"Ban đầu chúng tôi không đồng ý với phương án trên. Tuy nhiên, do giá đất bồi thường (tức số tiền chủ đầu tư đã trả để có được khu đất hoặc trực tiếp giải tỏa bồi thường) sẽ được khấu trừ vào tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất không ảnh hưởng tới cổ đông, nên công ty đồng ý trả thêm.

Với điều kiện chúng tôi được nợ lại đến cuối năm 2018 mới thanh toán 70% như trên.

Như vậy, tổng giá trị khu đất này là 632 tỷ đồng chứ không phải 419 tỷ đồng như báo chí đăng tải. Tôi thấy mình mua đúng theo giá thị trường nhưng không hiểu sao dư luận vẫn gán cho chúng tôi là mua được rẻ", bà Loan giải thích.

Cũng theo bà Lan, nếu trong trường hợp xấu nhất bị thu hồi dự án thì chúng tôi cũng xem xét trả lại, và bên bán có thể thỏa thuận đền bù hợp lý.

Bồi thường cho dân là nhân đạo, giống như đi làm từ thiện

Trong một diễn biến liên quan, trước đó, khi trả lời báo chí về việc đền bù cho người dân, bà Loan cho rằng: “Công ty muốn sớm đền bù cho họ để triển khai dự án, nhưng dân đòi giá quá cao.

Có người sở hữu vài chục m2, có người vài trăm đến vài nghìn m2. Công ty chỉ đền bù được giá 10 triệu đồng/m2 đối với nhà, đất có diện tích dưới 100 m2; trên 100 m2, công ty chỉ đền 5 triệu đồng/m2 (đất thổ cư); 3 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp”.

Cũng theo bà Loan, việc giải tỏa là trách nhiệm của chính quyền, nhưng phía Cty Quốc Cường đứng ra làm nhân đạo để người dân đủ tiền mua nhà nơi khác.

“Bản thân tôi đi làm từ thiện nhiều nơi. Thay vì đi làm từ thiện ở nơi khác thì tôi về khu dân cư Phước Kiểng làm từ thiện”, bà nói.

Sơn Ca (Tổng hợp)
http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/me-cuong-dola-noi-thang-vu-chuyen-nhuong-dat-than-toc-3356821/

1 nhận xét: