Cục diện thế giới phải chăng đang thay đổi?
Phạm Hưng Quốc
Chúng tôi những người đang cổ súy cho các thiết chế tự do, dân chủ nhân quyền muốn đưa ra những nhận định của riêng mình về sự thay đổi của cục diện thế giới hiện nay để tạo một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai có chung quan điểm giống chúng tôi. Thế giới đang đối mặt với một sự thay đổi lớn lao theo xu hướng không có lợi cho các thiết chế tự do, dân chủ, nhân quyền.
Rõ ràng rằng sự trỗi dậy của hai cường quốc là Nga và Trung Quốc đã đang và sẽ tạo ra những thách thức trực diện và rất mạnh mẽ cho các thiết chế dân chủ trên toàn thế giới.
1. Với Trung Quốc
Trung Quốc bốn thập kỷ trở lại đây đã lột xác hoàn toàn: chính tri, quân sự, trình độ khoa hoc kỹ thuật và đặc biệt là tầm ảnh hưởng về kinh tế. Với xu thế này Trung Quốc sẽ sớm thay thế cường quốc kinh tế số một hiện nay là Hoa Kỳ. Tuy Trung Quốc luôn tuyên bố công khai họ là quốc gia Xã hội Chủ nghĩa và do Đảng cộng sản lãnh đạo nhưng thực chất là gì? Thực tế có phải như vậy hay không?
Dường như phần còn lại của thế giới chưa thực sự quan tâm tìm hiểu kỹ điều này và luôn lười biếng và hời hợt đánh đồng chế độ chính trị của Trung Quốc hiện nay cũng giống như thời Mao Trạch Đông. Nếu không thấu hiểu cặn kẽ và chính xác thì làm sao có thể ganh đua chưa nói tới đối chọi lại được với con hổ này! Các biện pháp cứng và mềm hiện nay của Tổng thống Trump đang và sẽ tác động thế nào với Trung Quốc? có làm chậm lại hay ngược lại, gián tiếp thúc đẩy sự soán ngôi của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ diễn ra mau chóng? Chỉ xin nêu ra hai thí dụ điển hình:
Một là sự kiện Biển Đông.
Thật là chua xót và đau đớn khi phải thừa nhận rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đã giành chiến thắng rõ ràng trước phần còn lại của thế giới tại khu vực Biển Đông. Trước năm 1974 điểm cực nam của Trung Quốc mới chỉ là đảo Hải Nam. Biển Đông là vùng biển quốc tế và các vùng nội hải thì thuộc chủ quyền của các nước Đông Nam Á. Đặc biệt hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam đã án ngữ sự bành chướng của Trung Quốc sang vùng biển phía nam. Lợi dụng hoàn cảnh chính trị của khu vực lúc bấy giờ năm 1974 Trung Quốc đã đem quân chiếm Hoàng Sa và năm 1988 chiếm một số hòn đảo tại quần đảo Trường Sa mà hầu như không phải đổ máu. Và cũng rất tiếc là sự chiếm đóng trắng trợn này lại được phần còn lại của thế giới cho qua. Ngược lại một bộ phận không nhỏ của thế giới lại còn hả hê khi nhìn thấy hai quốc gia mang danh cộng sản, Xã hội Chủ nghĩa “anh em” chém giết nhau. Không dừng lại ở đây Trung Quốc đã một mặt dùng tiềm lực kinh tế và kỹ thuật của mình xây dựng và củng cố các đảo thuộc Hoàng Sa và biến những bãi san hô lúc nổi lúc chìm theo thủy triều tại Trường Sa trở thành những căn cứ quân sự thực thụ làm nền tảng sức mạnh cho các tuyên bố chủ quyền ngang ngược của họ về Biển Đông cũng như những hành động quân sự hung hăng đối với các quốc gia Đông Nam Á tại vùng biển này. Phần còn lại của thế giới đã phản ứng rất thụ động, yếu ớt và rất thiếu đoàn kết, nhất quán nên đã dần biến Trung Quốc từ một quốc gia “ không có gì” tại đây, nhưng nay họ đã tạo được những chỗ đứng khá vững chắc tại vùng biển này để làm cho phần còn lại của thế giới rất lúng túng cả về măt chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế. Dù thế giới có thừa nhận hay không nhưng Trung Quốc đã tạo ra sự việc đã rồi mà cho đến nay không ai dám đảo ngược. Chắc chắn từ nay họ là một tiếng nói rất quan trọng trong mọi vấn đề có liên quan tới Biển Đông. Đó là chưa nói đến họ sẽ là một bên quyết định chiến tranh hay hòa bình tại khu vực này. Xét về mặt lợi ích quốc gia trước mắt, Trung Quốc đã thắng, còn phần còn lại của thế giới đã thua.
Bây giờ người ta chỉ còn xem xem những diễn biến sắp tới có làm cho Trung Quốc thắng hoàn toàn và triệt để hay không mà thôi. Để tránh sự thất bại hoàn toàn và đau đớn thì phần còn lại của thế giới phải có một đối sách khác với trước đây …
Hai là sự kiện Bắc Triều tiên:
Với Bắc Triều Tiên, Mỹ và các nước phương tây đang gặp phải những thách thức và cả những nhạo báng chưa từng thấy từ khi kết thúc đại chiến thế giới thứ hai đến nay. Điều này đang hủy hoại một cách mạnh mẽ hình ảnh của sức mạnh răn đe về quân sự của Hoa Kỳ cũng như các chính sách ngoại giao, chính trị, quốc phong của siêu cường quốc số một thế giới này. Tại sao một quốc gia nhỏ bé, èo uột về kinh tế, đói kém triền miên và gần như bị cô lập hoàn toàn cả về mặt chính trị, ngoại giao với phần còn lại của thế giới trong một thời gian dài như vậy mà lại dám thách thức theo kiểu bằng vai phải lứa với cường quốc số một thế giới. Tại sao vậy? Chắc chắn câu trả lời đã rất rõ nhưng chẳng có ai dám nói ra. Hoa Kỳ đang bị dồn tới chân tường:
Hoặc chấp nhận mất mặt để tìm giải pháp hòa giải với Bắc Triều Tiên, hoặc tiến hành chiến tranh. Chắc chắn Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã bàn bạc rất kỹ đến phương án thứ hai. Ngoài việc tính toán những sự được, mất khi nổ ra chiến tranh Hoa kỳ và Đồng minh cũng đau đầu trong việc đối phó với những thách thức thời hậu chiến nếu có. Nếu chiến tranh nổ ra thì ai được hưởng lợi? Ai phải chịu thiệt hại? Trước thế giới Trung Quốc đã rất thành công trong việc chứng minh rằng họ luôn đứng về “phe chính nghĩa là ủng hộ việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”. Hơn thế nữa Trung Quốc còn “giúp Mỹ trong việc gây sức ép mạnh mẽ lên Triều Tiên” nhiều lần Tổng thống Donald Trump đã công khai cám ơn. Nếu chiến tranh nổ ra nhà độc tài Kim Jong Un bị lật đổ, có thể hai miền Triều Tiên sẽ được thống nhất nhanh chóng. Nhưng ngay cả trong tình huống này thì Hoa Kỳ được lợi hay Trung Quốcđược lợi. Với những tính toán thực tiễn thì có thể khẳng định Hoa Kỳ lợi một, Trung Quốc lợi năm còn phần còn lại của thế giới là 4.
Nhưng ngược lại, các thách thức thời hậu chiến khiến Hoa Kỳ phải gánh chịu gần như tất cả. Chẳng có ai dám chắc là một nhà nước Triều Tiên thời hậu Kim Jong Un lại thân Hoa Kỳ và phương tây như Hàn Quốc hiện nay. Rất nhiều khả năng họ còn thân Trung Quốc hơn Mỹ, thật là “cốc mò cò xơi”. Theo các thông tin tình báo của Hàn Quốc, ngay tại Hàn Quốc hiện nay các Đảng phái chính trị cũng bị ảnh hưởng it nhiều bởi yếu tố Trung Quốc. Các nhà chuyên môn nhận định là nếu chiến tranh nổ ra thì “giấc mơ Trung Hoa” sẽ càng sớm thành hiện thực và “khẩu hiệu nước Mỹ trên hết” sẽ nhanh chóng tan thành mây khói.
Tóm lại cả trên hai mặt trận nóng bỏng: Biển Đông và Bắc Triều Tiên, thì Hoa Kỳ và các nước đồng minh đang ở thế yếu, thế bị động.
Trên phương diện kinh tế, tài chính, thương mại cũng vậy. Trung Quốc ngày nay rất khác với Trung Quốc cách đây hai mươi năm và hoàn toàn khác với Trung Quốc thời Mao. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn đang nắm những con át chủ bài về kinh tế, thương mại trên toàn cầu, nhưng đã từ lâu Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ để vô hiệu hóa những con chủ bài này. Do vậy việc phía Hoa Kỳ muốn ra đòn có hiệu quả sẽ không phải là một bài toán đơn giản và càng không thể mang lại hiệu quả nhanh chóng được. Chắc chắn một cuộc chiến tranh thương mại sẽ gây ra những thiệt hai lớn cho các bên. Vấn đề chỉ còn ở chỗ bên nào chịu đựng giỏi hơn thì bên ấy sẽ chiếm phần thắng. Để giành phần thắng trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc nước Mỹ cần đoàn kết thực sự. Giữa các Đảng phái hiện nay trong nội bộ nước Mỹ phải có những thỏa hiệp để cùng đưa ra những đối sách hữu hiệu.
Liệu điều này có quá viển vông trong hoàn cảnh hiện nay? Khi mà chính tổng thống Mỹ bất cứ lúc nào cũng có thể bị luận tội? Liệu Nhà Trắng và Lưỡng viện Quốc hội có thể đưa ra được một hệ thống các chính sách ngắn, trung và dài hạn để giúp nước Mỹ luôn đứng ở vị trí số một trên thế giới? Chắc chắn rằng các biện pháp kinh tế đơn lẻ nhất thời sẽ không có tác dụng với Trung Quốc mà còn ngược lại. Tất nhiên đối vói Trung Quốc để thực hiện được “giấc mơ Trung Hoa” rất cần phải giữ được hòa khí với nước Mỹ, nên trước mắt họ sẽ phải sử dụng chiến thuật mà họ là bậc thầy: giả vờ lo sợ, giả vờ phẫn nộ, giả vờ nhún nhường…v.v và vì họ biết thóp được cá tính của Tổng thống Trump nên họ cũng sẽ không ngần ngại tạo ra “chiến thắng” nào đó cho Tổng thống để chiều Tổng thống và để massage cho dư luận Quốc tế. Họ có cả một seri các giải pháp để tận dụng triệt để lợi thế của sự lãnh đạo “tập trung” của hoàng đế Tập Cận Bình nhằm đưa ngài Tổng thống amateur đang bị các thế lực chính trị trong nước đánh cho tơi tả tự động đi vào quỹ đạo mà họ Tập đã hoạch định! Cuộc chiến thật không cân sức. Trung Quốc đang nắm chắc phần thắng. Chiến thuật lúc cương lúc nhu đã trở thành bản năng của người Trung Quốc từ hàng nghìn năm nay. Nhất là khi họ biết rằng họ đang ở trên thế mạnh, thế thắng. Họ sẽ tận dụng triệt để những điểm yếu mà các thể chế dân chủ tạo ra cho hệ thống chính trị của đất nước mình. Nước Mỹ và thế giới cần hiểu kỹ thông điệp của sự kiện họ Tâp sửa đổi hiến pháp Trung Quốc về nhiệm kỳ của Chủ tịch nước. Đó là quyết tâm chính trị rõ ràng nhất của một đất nước với gần 1,5 tỷ dân nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”.
2. Về nước Nga.
Có thể nói quyết định của sự đoàn kết hiếm thấy giữa Mỹ và các nước phương tây trong việc trừng phạt nước Nga trong vụ đầu độc Skripal là một việc làm hớ hênh cẩu thả. Cứ cho dù là nước Nga đúng là thủ phạm của vụ đầu độc này thì nước Anh và thế giới cũng không nên hành động nếu thiếu căn cứ rõ ràng và minh bạch. Tương quan lực lượng trên thế giới không cho phép làm như vậy. Đặc tính của người Nga là lòng tự hào dân tộc, họ luôn tự coi họ là một dân tộc lớn trên thế giới do vậy họ không chấp nhận sự áp đặt bất công. Việc chụp mũ cho họ là thủ phạm mà thiếu căn cứ sẽ chỉ có tác dụng ngược với nước Nga và làm hủy hoại hình ảnh Văn minh vốn được đặc định cho các quốc gia theo thể chế dân chủ tự do. Nếu nước Nga chứng minh được họ không phải là thủ phạm thì sẽ là thảm họa về uy tín đối với phương tây. Hãy nhìn lại lịch sử nước Nga sau chiến tranh thế giới II: hoàn toàn kiệt quệ về kinh tế và con người do hậu quả chiến tranh, nhưng rất nhanh chóng họ vẫn trở thành một siêu cường. Sự sụp đổ của họ vào những thập niên 90 chủ yếu là các vấn đề nội tại của chính họ chứ không phải do sức ép từ bên ngoài. Thật ngây thơ và khôi hài nếu nghĩ rằng người Nga vì thiếu táo Pháp, rượu Ý hay thịt bò thịt gà, sữa nhập từ châu Âu sẽ gây sức ép lên chính phủ của họ đòi thay đổi chính sách với Crưm và Ucraina. Rõ rằng rằng Putin đã tìm ra giải pháp rất hữu hiệu để duy trì sự độc tài của mình mà vẫn được người dân ủng hộ.
3. Mỹ và các nước Châu Âu
Họ đang phải đối mặt với một tình trạng phân hóa cao độ. Sự kiện Brexit đã và đang hủy hoại sự đoàn kết của Châu Âu. Việc tổng thống Trump thắng cử đang làm phân hóa nước Mỹ. Các vấn đề nhập cư, các tư tưởng cực đoan đòi độc lập đã đặt các quốc gia dân chủ Châu âu trước những thách thức chưa từng có. Châu Âu và Mỹ không thể lấy sự trừng phạt nước Nga trong vụ Skripal để thể hiện sự đoàn kết nhất trí của các quốc gia dân chủ. Điều này chỉ nói lên sự yếu kém,vụng về và lúng túng của các chính trị gia tại chính các quốc gia này. Nếu ai đó nghĩ rằng các hành động mang tính cảm xúc sẽ có tác dụng trong thời điểm khó khăn này thì đã mắc sai lầm nghiêm trọng. Cần phải ý thức được rằng sự ưu việt của các thể chế dân chủ chỉ phát huy được khi nó tôn trọng tuyêt đối các giá trị văn minh và luật pháp. Rõ ràng trong nhưng tình huống khó khăn phức tạp hiện nay trên thế giới thì chính các thể chế độc tài đang có lợi thế vượt trội so với các thể chế dân chủ. Đó là sự thống nhất và nhất quán trong việc lèo lái con tầu trong bão tố. Thế giới cần ý thức được rằng vị thế của Nga và Trung Quốc cả về tiềm lực quân sự, kinh tế và khoa học kỹ thuật ngày nay đã khác hẳn hai thập kỷ trước đây. Rõ ràng trong thời điểm hiện nay lợi thế không thuộc về các quốc gia dân chủ khi xảy ra các cuộc xung đột về quân sự, thương mại, tài chính tiền tệ.
Phạm Hưng Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét