Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018

Bộ Công an có 600 nghìn hay 6,2 triệu nhân viên ?

Theo báo chí nước ngoài, có khoảng 6,2 triệu người đang làm việc cho lực lượng công an, toàn thời gian hay bán thời gian (xem tin lưu trong Blog này). Con số trong bài dưới đây là "khoảng 600.000 người làm việc cho ngành công an". Nếu so với thế giới, một nước như Việt Nam chỉ cần 50-100 nghìn công an thì con số 600 nghìn trên là quá nhiều. Thêm nữa, bổng lộc và quyền lực của công an Việt Nam đang quá lớn. Một trong những tội ác lớn nhất của Nguyễn Tấn Dũng là nuông chiều, thả cho lực lượng công an tự do thoải mái cướp của đánh dân, từ người bơm xe đạp, bán hàng rong cho tới các đại gia được lãnh đạo cấp cao che đỡ, hiếm có người chưa từng bị công an sử dụng quyền lực nhà nước để trấn lột dưới các hình thức khác nhau.

Bộ Công an cải tổ đột phá, giải thể nhiều tổng cục
Bộ Công an Việt Nam tới đây giải thể toàn bộ 6 tổng cục và hạ cấp 2 bộ tư lệnh trong khuôn khổ một cuộc cải tổ vừa được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản phê duyệt, theo các báo trong nước hôm 2/4. Bộ máy công an đã “phình to” trong giai đoạn từ khoảng năm 2009 đến 2014, thời ông Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng. Không có số liệu cho biết Bộ Công an hiện có tổng cộng bao nhiêu người và sẽ cắt giảm được ngần nào từ con số hiện nay. Một số ước tính không chính thức cho rằng hiện tại có khoảng 600.000 người làm việc cho ngành công an.

Bộ Chính trị ĐCS mới phê chuẩn đề án cải tổ Bộ Công an Việt Nam. Tường thuật của các báo cho hay Bộ Chính trị mới ban hành nghị quyết chuẩn thuận đề án của Bộ Công an về sắp xếp lại và làm tinh gọn các lực lượng của bộ. Theo đề án, bộ sẽ “giảm triệt để tầng nấc trung gian”, trong đó, bước đi được chính người trong ngành công an xem là đột phá, theo các báo, là việc “bỏ hẳn cấp tổng cục”.



Đề án cải tổ đã được ngành công an xây dựng trong suốt 2 năm qua, kể từ sau đại hôi đảng lần thứ 12. Mục tiêu của việc cải tổ là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng công an trong “công tác phòng ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm”, theo các báo.

Nhà nước Việt Nam thường dùng khái niệm “thế lực thù địch” để chỉ một diện rộng những người hoặc tổ chức lên tiếng chỉ trích hoặc có hành động chống lại đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam.

Sáu tổng cục của Bộ Công an hiện quản lý các lực lượng an ninh, cảnh sát, tình báo, tuyên truyền, hậu cần và kỹ thuật. Hai bộ tư lệnh được nhắc đến nắm cảnh sát cơ động và cảnh vệ.

Các báo nói việc xóa bỏ các tổng cục và hạ cấp 2 bộ tư lệnh sẽ kéo theo việc giải thể hàng chục đơn vị cấp thấp hơn như các cục tham mưu, hậu cần, và chính trị, vv… Các nguồn tin Bộ Công an cho các báo hay số lượng đơn vị cấp cục và tương đương sẽ giảm hơn một nửa, còn khoảng 60 từ mức 126 hiện nay, sau quá trình giải thể, sáp nhập.

VOA cố gắng liên lạc với Thiếu tướng Lương Tam Quang, phát ngôn viên của Bộ Công an, để tìm hiểu thêm về vấn đề này, nhưng ông không hồi đáp.

Một viên tướng công an đã về hưu không muốn nêu tên nói với VOA rằng cuộc cải cách sắp được thực hiện sẽ “tăng sức mạnh cho các đơn vị chiến đấu trực tiếp và các đơn vị nghiệp vụ”. Vị tướng cũng bình luận thêm rằng cuộc cải cách này “có tính lịch sử” và “có tác động sâu, rộng”.

Báo chí trong nước dẫn các nguồn tin ẩn danh tại Bộ Công an cho hay đối với lượng người “dôi dư” sau quá trình làm tinh gọn bộ máy, bộ có hướng xử lý là sẽ “điều chuyển nhiều cán bộ ở trung ương xuống tỉnh, tăng cường cán bộ tỉnh xuống huyện và chuyển từ huyện xuống xã”.

Việc sắp xếp cán bộ dôi dư sẽ có lộ trình với mốc quan trọng là năm 2021, theo các báo, tuy nhiên họ không nói cụ thể liệu đó có phải là mốc kết thúc việc cải tổ hay không.

Cũng không có số liệu cho biết Bộ Công an hiện có tổng cộng bao nhiêu người và sẽ cắt giảm được ngần nào từ con số hiện nay. Một số ước tính không chính thức cho rằng hiện tại có khoảng 600.000 người làm việc cho ngành công an.

Thông tin trên báo chí trong nước cho thấy bộ máy công an đã “phình to” trong giai đoạn từ khoảng năm 2009 đến 2014, thời ông Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, người nắm quyền lãnh đạo cao nhất theo cơ cấu chính trị Việt Nam, tại các hội nghị khác nhau của đảng đã nhiều lần khẳng định ông cũng ưu tiên làm tinh gọn bộ máy nhà nước không kém gì việc chống tham nhũng.

Các báo cho rằng việc giải thể, sắp xếp lại một diện rộng các đơn vị trong Bộ Công an sẽ “tác động trực tiếp” tới hàng chục sĩ quan cấp tướng giữ vị trí tổng cục trưởng, tổng cục phó, cục trưởng, cũng như rất nhiều sĩ quan cấp tá tại các cục và các phòng.

(VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét