Bauxite Tây Nguyên: Cảnh báo mười năm trước vẫn nguyên giá trị!
04/04/2018 Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo gởi Bộ Công Thương cảnh báo về các nguy cơ tiềm ẩn về môi trường và sự cố môi trường của hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ (do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư vượt 32.000 tỉ đồng). Trong đó có cảnh báo đến vấn đề chất lượng công trình, hệ thống xử lý môi trường của hai dự án đã xuống cấp...
Tổ hợp bauxite Tân Rai tại Tây nguyên.
Ảnh: Trùng Dương - Báo Thanh Niên
Báo cáo này nằm trong bối cảnh cuối năm vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp 11 bộ ngành và địa phương đánh giá lại toàn bộ Chương trình bauxite Tây Nguyên sau hơn 9 năm triển khai thí điểm. Tuy nhiên, có thể nói, thực tế thời gian qua cho thấy, những cảnh báo trước đây của các nhà khoa học và chuyên gia về các nguy cơ tiềm ẩn của hai dự án bauxite Tây Nguyên đã được thực tế chứng minh là đúng. Người Đô Thị trao đổi với các chuyên gia và nhà khoa học nhằm phân tích rõ hơn vấn đề này.
TS. Phạm Quang Tú, chuyên gia Oxfam tại Việt Nam:
Cần có đánh giá độc lập đối chiếu với đánh giá của nhà nước
Từng trong vai trò Phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển, ngay thời gian đầu, ông và các cộng sự đã có nhiều nghiên cứu sâu về mặt khoa học và cảnh báo những nguy cơ, hiểm họa lớn của các dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ. Nhìn lại, những cảnh báo trước đây của nhóm nghiên cứu có còn thời sự?
Có ba vấn đề lớn trong chương trình bauxite Tây Nguyên đã được cảnh báo và ngày càng đang bộc lộ rõ:
Môi trường. Một là, khác với các nhà máy bauxite khác trên thế giới thường được đặt ở vùng bằng phẳng, gần biển để hạn chế ảnh hưởng nếu có vấn đề về môi trường, hai nhà máy thí điểm bauxite Tây Nguyên lại được đặt tại vùng thượng nguồn của các dòng sông. Bất kỳ sự cố nào cũng sẽ ảnh hưởng toàn bộ đến khu vực hạ lưu, rất nguy hiểm.
TS. Phạm Quang Tú. |
Hai là, về bùn đỏ, các hồ chứa bùn đỏ ở Tân Rai và Nhân Cơ dù đã được các cơ quan chức năng và Tập đoàn TKV rất quan tâm đầu tư xây dựng khá kiên cố, tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố rò rỉ sút. Đặc biệt, các hồ bùn đỏ đã lấp đầy rất nhanh, dẫn đến đòi hỏi xây dựng thêm các hồ bùn đỏ ngày càng lớn, khiến kinh phí càng cao.
Ba là, bùn thải quặng đuôi. Dù không độc hại như bùn đỏ nhưng khi phát tán ra môi trường, nó gây ô nhiễm nguồn nước, ruộng vườn và cây trồng của người dân. Thời gian qua cho thấy các hồ chứa bùn thải quặng đuôi không được quan tâm và đầu tư đúng mức về cả diện tích và độ an toàn. Hiện nay, các hồ bùn thải quặng đuôi này đã đầy và có một số trường hợp bị vỡ thân đập tràn ra ngoài. Đây là vấn đề cấp bách nhất trong bối cảnh hiện nay.
Thứ tư là vấn đề hoàn thổ. Hàng năm, mỗi nhà máy bauxite ở Nhân Cơ và Tân Rai đều khai thác trên khoảng diện tích 100ha. Nhưng hiện việc hoàn thổ, phục hồi môi trường và tái tạo cây trồng sau khai thác khoáng sản chưa được giải quyết triệt để, thấu đáo như chủ đầu tư đã hứa: “lớp đất mặt được lấp lên sẽ được bồi bổ các chất dinh dưỡng, các phân vi sinh mới để khi trồng cây công nghiệp mới sẽ tốt hơn trước khi có khai thác bauxite”. Sau khai thác bauxite, đất có sử dụng được không, sử dụng cho mục đích gì, và có thể trồng lại các cây công nghiệp hay không... đều đang bị để ngỏ.
Hiệu quả kinh tế. Dù hiện nay Bộ Công Thương và TKV khẳng định hai nhà máy bauxite Nhân Cơ và Tân Rai đang có lãi, tuy nhiên thực tế số liệu giữa Bộ, TKV và thanh tra của Bộ Tài chính không khớp nhau (tháng 3.2017, Bộ Tài chính công bố Tân Rai sau ba năm vận hành lỗ 3.696 tỉ đồng; đồng thời qua 4 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư cho dự án đã tăng vọt từ 7.800 tỉ đồng lên 15.400 tỉ đồng - PV). Vậy chính xác lỗ hay lãi, tới đâu, mức độ nào; con số lỗ lãi TKV đưa ra được hạch toán ra sao, các chi phí khấu hao, vấn đề tiền lãi vay ngân hàng, huy động vốn tự có của TKV... tất cả đến nay đang rất mập mờ và cần sự làm rõ của chủ đầu tư. Gần đây, giá nhôm trên thế giới tăng lên, kéo giá alumina tăng nhưng để nói lạc quan về kinh tế công nghiệp sản xuất alumina và nhôm này thì hoàn toàn chưa, cần tính toán kỹ hơn nữa. Ngoài ra, cần tính đến chi phí ảnh hưởng về môi trường và xã hội trong bài toán hiệu quả kinh tế.
Cuối cùng là chất lượng công trình. Hai nhà máy sản xuất alumina này đều nhập công nghệ của Trung Quốc. Chúng ta không đánh giá thấp công nghệ Trung Quốc vì thực tế có những nơi Trung Quốc làm tốt và đạt đẳng cấp G7. Tuy nhiên, nó tùy thuộc vào từng đối tác. Hiện nay, phần lớn các công trình, công nghệ Trung Quốc làm ở Việt Nam thường không đạt chất lượng. Còn với hai công trình nhà máy bauxite Tây nguyên, các đường ống, trang thiết bị bắt đầu hoen rỉ, xuống cấp, tạo nên sự e ngại cho dư luận xã hội. Rất cần Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện đánh giá lại chất lượng công trình Trung Quốc đã đưa sang Việt Nam.
“Chương trình bauxite đã triển khai được 9 - 10 năm, hai nhà máy thí điểm đều đã đi vào vận hành, vì thế đây chính là thời điểm tốt nhất để đánh giá lại toàn bộ quá trình thí điểm của bauxite, làm cơ sở cho những quyết định tiếp theo đối với Chương trình bauxite Tây Nguyên” - TS. Phạm Quang Tú
Ngoài ra, khi làm thí điểm hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ, chúng ta chỉ chọn một công nghệ của một tập đoàn Trung Quốc. Nếu thí điểm thì chỉ nên làm một để rút kinh nghiệm, vì đầu tư một nhà máy rất lớn, khoảng 16-17 ngàn tỉ đồng, tức gần 1 tỉ USD. Còn nếu thí điểm hai nhà máy thì phải hai công nghệ khác nhau để có điều kiện đối chiếu rút kinh nghiệm. Rất tiếc, chúng ta đã làm ngược.
Tôi xin nhắc lại là tất cả những vấn đề trên đều đã được các nhà khoa học và dư luận xã hội cảnh báo; và những khó khăn hiện nay cũng đang cho thấy nó đúng như cảnh báo trước đây.
Đã có nhiều ý kiến về việc đánh giá trữ lượng bauxite ở Tây nguyên là chưa chính xác. Đánh giá của ông?
Như nhiều loại khoáng sản khác, hiện người ta vẫn đang cố tình mập mờ và đánh tráo khái niệm “tài nguyên” (chỉ là cấp dự tính, dự báo, thậm chí sai số đến 100%) với “trữ lượng” (đã được đánh giá về tính khả thi, hiệu quả kinh tế để khai thác sản xuất có lãi) của bauxite. Việt Nam có 8 - 10 tỷ tấn bauxite, nhưng con số này nằm trong tài nguyên dự báo, con số về trữ lượng hiện chưa được xác định (chắc chắn sẽ thấp hơn so với tài nguyên). Việc ngộ nhận và ảo tưởng rằng chúng ta rất giàu bauxite dẫn đến những quy hoạch, kế hoạch không sát với thực tế.
Được biết cả hai nhà máy bauxite liên tiếp xin giảm thuế, miễn thuế từ thuế môi trường, đất đai... Đây có phải là những ưu đãi cần thiết với doanh nghiệp?
Chúng ta đang lấy tài nguyên của đất nước, tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân lên thì không có lý do gì lại có các ưu đãi về thuế. Nếu tài nguyên khai thác chưa có hiệu quả kinh tế, chúng ta hoàn toàn có thể giữ lại cho con cháu về sau, không nhất thiết phải đào bới lấy ngay, vừa ô nhiễm môi trường, vừa thất thu cho nhà nước. Việc đề nghị ưu đãi thuế đối với các ngành kinh tế khai thác tài nguyên thể hiện tư duy “bóc ngắn cắn dài”, vẫn bị phụ thuộc vào tài nguyên quá nhiều, trong khi những tính toán về vấn đề phát triển bền vững lâu dài là chưa ổn.
Từ hơn chục năm trước, các trí thức, nhân sĩ và người dân đã có rất nhiều kiến nghị Chính phủ không nên thực hiện dự án bauxite Tây Nguyên, không chỉ vì hiểm họa môi trường mà còn liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia tại “nóc nhà” Đông Dương. Cùng với thực tế hiện nay, nhìn nhận lại, theo ông, tiếp tục giám sát và hỗ trợ nó như hiện nay hay dừng? Tại sao?
Hiện nay Chương trình bauxite đã triển khai được 9 - 10 năm kể từ khi có Nghị quyết 245 của Bộ Chính trị về vấn đề này. Hai nhà máy thí điểm đều đã đi vào vận hành, cơ bản ổn định về công suất, vì thế đây chính là thời điểm tốt nhất để đánh giá lại toàn bộ quá trình thí điểm của bauxite, làm cơ sở cho những quyết định tiếp theo đối với Chương trình bauxite Tây Nguyên. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp 11 bộ ngành và địa phương đánh giá lại. Đây là việc làm đáng hoan nghênh. Tuy nhiên việc đánh giá của nội bộ Chính phủ như hiện nay là chưa đủ, có thể sẽ không đưa ra được một bức tranh đầy đủ, khách quan về thực trạng của các dự án này. Vì thế, cần có một đánh giá độc lập với đánh giá của Chính phủ và cần có cơ chế cho các tổ chức tham gia đánh giá độc lập.
Để việc đánh giá độc lập hiệu quả, Chính phủ cần yêu cầu các cơ quan chức năng, đặc biệt TKV cung cấp, công khai minh bạch đầy đủ thông tin, hồ sơ cho đoàn đánh giá độc lập có đủ cơ sở thực hiện. Trên cơ sở đó, đối chiếu đánh giá của cơ quan nhà nước với cơ quan đánh giá độc lập, để tìm ra kết quả đánh giá phản ánh tốt nhất thực trạng khai thác bauxite. Qua đó có những kiến nghị cho Đảng và Nhà nước, quyết định phù hợp nhất với Chương trình bauxite Tây Nguyên.
TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược và Khoa học công nghệ Tập đoàn TKV:
Dự án không bao giờ có lãi!
Tôi cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ là vấn đề hồ chứa “bùn đỏ” và hồ chứa “bùn đỏ quặng đuôi”. Nếu so sánh hai bức ảnh chụp từ vệ tinh khu vực triển khai dự án alumina Tân Rai từ năm 2008 và hiện nay sẽ thấy rõ mức độ nguy hại về môi trường của dự án. Tự thân hai dự án này, kể cả khi chưa có sự cố, đã làm thay đổi cơ bản môi trường đất và môi trường nước trong khu vực. Các sự cố xảy ra thời gian qua, tuy có quy mô nhỏ, nhưng tính chất lại rất nguy hiểm vì nó đã xảy ra ngay từ khi dự án mới đi vào hoạt động.
Cho đến nay, việc tiếp cận hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu của các dự án alumina vẫn rất khó khăn do việc công khai và minh bạch chưa thành thói quen của TKV. Tuy mới chỉ thông qua nội dung phụ lục trong hợp đồng EPC (thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công) ký giữa TKV và nhà thầu Chalieco năm 2008 của dự án Tân Rai, đã thấy rất nhiều vấn đề.
Tôi ví dụ, mức tiêu hao quặng để sản xuất alumina bình quân trên thế giới là dưới 2 tấn quặng làm được 1 tấn alumina, còn mức cam kết của nhà thầu là 2,7 tấn quặng làm 1 tấn alumina. Một tấn alumina trên thế giới chỉ tiêu hao 1 - 2m3 nước, nhưng bauxite Việt Nam tiêu hao đến 7m3... Chỉ mới xét theo 4 tiêu chuẩn cam kết chính gồm mức tiêu hao năng lượng, tiêu hao quặng bauxite tinh, công suất thiết kế, hệ số huy động công suất, tính toán cho thấy tổng giá trị các chênh lệch trong hồ sơ dự thầu của Chalieco đã lên tới 344 triệu USD (thực tế có thể cao hơn nhiều).
Hay, để triển khai dự án nhôm kim loại Nhân Cơ, nhà đầu tư yêu cầu Chính phủ cam kết cho mua điện với giá 5cent/kWh trong vòng 10 năm. Nếu tính theo giá điện từ năm 2015, tất cả người dân Việt Nam dùng điện sẽ phải bù lỗ cho dự án nhôm kim loại hàng năm bình quân khoảng 145 triệu USD. Công suất nhôm kim loại càng cao, bù lỗ càng lớn, dự án nhôm kim loại càng triển khai nhanh, càng sớm phải bù lỗ...
Tôi khẳng định, với các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật như nhà thầu EPC công bố, cả hai dự án này không bao giờ có lãi được vì tiêu hao quặng, nước, than, sút, vôi, nhiệt... rất lớn, tổn thất quặng rất cao so với mức bình quân.
“Tự thân hai dự án này, kể cả khi chưa có sự cố, đã làm thay đổi cơ bản môi trường đất và môi trường nước trong khu vực. Các sự cố xảy ra thời gian qua, tuy có quy mô nhỏ, nhưng tính chất lại rất nguy hiểm vì nó đã xảy ra ngay từ khi dự án mới đi vào hoạt động” - TS. Nguyễn Thành Sơn
Hiện nay cả hai dự án đều do TKV làm chủ đầu tư, với tổng đầu tư vượt 32.000 tỉ đồng. Tôi được biết, khoảng 7.000 tỉ đồng là vốn tự có của chủ đầu tư, còn lại là đi vay ngân hàng. Tuy nhiên, vốn tự có này lại lấy tiền từ ngành than ra đưa sang đầu tư vào hai dự án bauxite Tây Nguyên. Ngành than cũng đang “chết giấc” nhưng còn phải gánh thêm bauxite Tây Nguyên. Vậy tiền đầu tư này, chủ đầu tư trả lại như thế nào cho ngành than?
Ngoài báo cáo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây, tôi hy vọng các bộ và các địa phương khác cũng sẽ công khai báo cáo của mình về hai dự án bauxite. Ngoài ra, cần nhìn nhận trách nhiệm của Bộ Công Thương về hai dự án này rất lớn. Cho đến nay, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục lẩn tránh trách nhiệm về việc đã phê duyệt những giải pháp kỹ thuật rất kém hiệu quả.
TS. Nguyễn Đức Hiệp, Bộ Môi trường và Di sản tiểu bang New South Wales - Úc:
Cần một tòa án môi trường chuyên biệt
Nếu hiện còn tranh cãi về vấn đề công nghệ xử lý ướt bùn đỏ hay xử lý khô bùn đỏ với hai dự án bauxite Tây Nguyên, tôi nghĩ là nói về phương diện kinh tế hơn là môi trường. Công nghệ xử lý khô bùn đỏ giải quyết được những bất cập trong rủi ro, tai nạn môi trường hơn so với công nghệ ướt, do hồ chứa bùn đỏ có thể gây ra như nước thải chất sút alkali thấm qua màng lót dưới đáy hồ, sự cố vỡ hồ chứa hay nước mưa đầy làm tràn hồ.
TS. Nguyễn Đức Hiệp. |
Điều này đã được chứng minh qua các kinh nghiệm ở nhiều nhà máy alumina trên thế giới. Hiện nay hầu hết các nhà máy alumina ở Úc dùng công nghệ khô để xử lý bùn đỏ. Đây là công nghệ được cho là tốt nhất hiện nay và đã được áp dụng thay thế cho công nghệ ướt ở nhiều nơi. Dù phải đầu tư nhiều hơn so với công nghệ ướt nhưng có ưu điểm về lâu dài như dung tích thải ít hơn, dùng ít diện tích chứa chất thải và tránh sự cố vỡ hồ, hay chất thải có độ pH cao thấm vào nguồn nước ngầm. Tùy thuộc vào chế độ khí hậu mỗi vùng (vũ lượng, mùa khô, mùa mưa, nguồn nước) và xác suất rủi ro môi trường do địa hình, bài toán giảm thiểu tác động môi trường và hiệu quả kinh tế sẽ cho ta biết công nghệ nào thích hợp nhất ở địa phương đó.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem xét, chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ
này và các bộ ngành liên quan trong quản lý, khai thác khoáng sản, bauxite. Tôi ngạc nhiên đến nay vẫn chưa có cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Công Thương trong quản lý bảo vệ môi trường với hai dự án khai thác bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, dưới sự quản lý của Bộ Công Thương.
Theo tôi, khó khăn lớn nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không hoàn toàn độc lập trong công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường của các dự án luyện alumina ở Tây Nguyên, tham vấn cộng đồng, quan trắc và xử lý các vi phạm nếu có của chủ đầu tư. Vì đây là công trình của Nhà nước và có sự chỉ đạo từ trên cao nên việc thẩm định, giám định và thi hành luật môi trường bị giới hạn. Suốt quá trình đưa ra đề án, hồ sơ đánh giá môi trường, tham vấn cộng đồng, thẩm định, xây dựng, vận hành nhà máy và quan trắc đã không đạt được.
Như tôi từng đề nghị cách đây 9 năm là Việt Nam cần có một tòa án môi trường chuyên biệt để thực thi luật môi trường, tới nay, dĩ nhiên Việt Nam vẫn cần một trọng tài độc lập làm việc dựa theo luật môi trường như vậy. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, để tránh xung đột lợi ích hay tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, một trọng tài môi trường (tương tự như tòa án thương mại xử lý các vụ tranh chấp thương mại) chuyên về luật môi trường sẽ tránh những trường hợp gây xáo trộn xung đột trong cộng đồng và giải quyết vấn đề ổn thỏa với sự đồng thuận cao.
Lê Quỳnh thực hiện
http://nguoidothi.net.vn/chuong-trinh-bauxite-tay-nguyen-canh-bao-muoi-nam-truoc-van-nguyen-gia-tri-13000.html
Phai cho ke nao bat chap nhung loi khuyen cua ca nha khoa hoc co tinh trien khai du an nay phai ra vanh mong ngua!
Trả lờiXóa