Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

Bài tuyệt hay: Bom mìn hậu chiến: Nỗi đau tột cùng

Bom mìn hậu chiến: Nỗi đau bao giờ dừng lại ?
Ước tính vẫn còn tới 800.000 tấn bom, mìn còn sót lại nằm rải rác trên cả nước, ảnh hưởng đến 6,6 triệu ha đất, chiếm 20% diện tích đất cả nước. Để làm sạch bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí hơn 10 tỉ USD. Và với tốc độ rà phá như hiện nay, khoảng 300 năm nữa Việt Nam mới loại bỏ được hoàn toàn các loại bom, mìn chưa nổ. Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Trị vẫn là tỉnh có tỉ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất nước: khoảng 80% tổng diện tích đất tự nhiên được xác định là ô nhiễm.

TTO - Câu chuyện của các nạn nhân bom mìn hậu chiến vẫn là một nỗi đau dai dẳng cho dù chiến tranh đã đi qua non nửa thế kỷ. Hưởng ứng Ngày thế giới nâng cao nhận thức và hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn năm nay (4-4), một buổi diễu hành đã được tổ chức ở thủ đô Hà Nội với sự tham dự của nhiều người là nạn nhân của bom mìn hậu chiến.

Nhiều đại biểu tham dự sự kiện này không chỉ đến từ Quảng Trị - vốn là vùng có mật độ nạn nhân bom mìn rất cao - như thường thấy, mà đến từ Hà Giang - vùng biên giới phía Bắc, hậu quả của cuộc chiến tranh biên giới kéo dài từ 1979 đến 1989 mới tạm ngưng.

10 năm chiến tranh ấy, Hà Giang có nhiều địa phương giáp biên với Trung Quốc có tỉ lệ người chết và thương tật vì bom mìn cao không kém Quảng Trị.

Dù là Quảng Trị hay Hà Giang, Tây Nguyên hay biên cương phía Bắc, câu chuyện của các nạn nhân bom mìn hậu chiến vẫn là một nỗi đau dai dẳng cho dù chiến tranh đã đi qua non nửa thế kỷ.


Các nhân viên thuộc dự án Peace Tree chuẩn bị hủy quả bom có trọng lượng 1.000 cân Anh (pound), được phát hiện ở xã Thanh (vùng biên giới Việt Lào) rồi vượt qua hơn 100 cây số đến địa điểm hủy

Chỉ là những đứa trẻ đâu biết đến chiến tranh


Khi tìm tư liệu viết bài, tôi đã trở lại phường 4 TP Đông Hà (Quảng Trị) để gặp lại các nhân vật của mình từ gần 30 năm trước. Phường 4 là nơi có "nghề truyền thống" rà tìm phế liệu chiến tranh kể từ năm 1972. Gần nửa thế kỷ qua, đây vẫn là nghề mưu sinh của nhiều người dân trong phường.

Nguyễn Văn Anh, khi tôi gặp gần 30 năm trước là một cậu bé nhỏ thó, gầy gò và đôi mắt gần như mù hẳn sau lần bị trúng bom bi lúc đào phế liệu.

Nếu bi kịch có khái niệm "tận cùng" thì cuộc đời Nguyễn Văn Anh - cu Anh - những ngày tháng đó đã là "tận cùng". Mẹ em, chị Đào Thị Thiện, trong lần sinh nở thứ sáu, vì hậu sản đã mất ngay sau khi sinh.

Vài ngày sau, đứa em mới một tuần tuổi của Anh cũng chết theo mẹ vì khát sữa. Còn lại người bố ốm yếu và 5 anh em. Nguyễn Văn Anh lúc ấy mới 9 tuổi và em út là bé Nguyễn Thị Phương mới gần 2 tuổi. Đó là năm 1986.

Để nuôi đàn con 5 đứa lít nhít mồ côi mẹ, người cha ốm yếu Nguyễn Văn Trong phải ngày ngày lên rừng nhặt các mảnh bom đạn về bán cho các đại lý. Anh Trong đã vài lần bị thương, nhiều người bạn của anh đã chết vì cuốc phải mìn. Nhưng anh Trong không chết vì bom, anh bị sốt rét quật ngã, bỏ lại 5 đứa trẻ.

Mới 13 tuổi, cu Anh đã phải cáng đáng 4 em nhỏ. Cũng không còn nghề nào khác hơn là đi kiếm phế liệu. Nữa năm sau cái chết của cha, cu Anh theo người chú ruột là Nguyễn Văn Hè đến đồi C2, một bãi mìn còn chưa được tháo gỡ của căn cứ Cồn Tiên cũ. Một quả mìn đã nổ, người chú chết ngay tại chỗ, mới 29 tuổi, để lại vợ và 3 con nhỏ. Nguyễn Văn Anh bị thương nặng.

Một thời gian lâu sau cu Anh mới bình phục nhưng hai con mắt đã bị loà. "Lao động chính" của gia đình giờ đã tàn tật. 4 anh em là Nguyễn Văn Chung 14 tuổi, Nguyễn Thị Não 12 tuổi, Nguyễn Văn Thông 10 tuổi và Nguyễn Thị Phương 8 tuổi hàng ngày lại đi nhặt vỏ chai, lon bia sau buổi học để nuôi anh.

Rồi Nguyễn Văn Chung sức vóc yếu ớt lại trở thành "lao động chính", lại đi nhặt mảnh đạn, dù biết rõ chú ruột và anh trai đã bị mìn sát thương như thế nào. Câu chuyện của mấy anh em cu Anh khi ấy được tôi kể lại trên báo, một tổ chức nhân đạo quốc tế đã liên hệ và bảo trợ một khoản tiền nhỏ hàng tháng để trang trải phần nào gạo cơm. Nhưng cả 5 anh em đều thất học.


Nguyễn Văn Anh bên di ảnh em trai Nguyễn Văn Chung

Gần 20 năm trước, khi cưới vợ, Nguyễn Văn Anh có mời tôi tham dự. Tôi mừng cho em vì cuối cùng cũng có gia đình riêng. Bẵng đi từng ấy năm, khi gặp lại nhau ngày hôm qua, cậu bé mù lòa nay đã là ông bố của ba đứa con lớp 10, lớp 6 và lớp 1. Vợ Anh, Phạm Thị Thiệt, bán cá ở chợ, là nguồn thu nhập chính của gia đình 5 miệng ăn vì Anh chỉ có thể quanh quẩn lo việc nhà.

Nghe hỏi thăm về mấy đứa em, từ hốc mắt đã mờ của Anh ứa ra giọt nước: "Cháu cưới vợ được 3 năm thì thằng Chung chết chú ạ, nó cũng chết vì trúng bom!"

Định mệnh ấy đã lơ lửng trên đầu cậu bé từ khi nó thay anh đi kiếm phế liệu nuôi gia đình. Giờ thì Chung chỉ còn trong tấm di ảnh trên bàn thờ, cùng ảnh bố mẹ. Chung chết năm 24 tuổi, chưa vợ con. Hai em gái sau đó đi làm công nhân may ở Sài Gòn, lấy chồng và theo chống về quê ở tận Hòa Bình và Vĩnh Phúc. Một em trai khác cũng đã có gia đình.

Niềm hy vọng của Nguyễn Văn Anh giờ đây là 3 đứa con đang đi học. Hy vọng đời chúng sẽ không cay đắng như đời mình.


Hy vọng của Nguyễn Văn Anh bây giờ là chuyện học hành của những đứa con

Những tưởng sau mấy chục năm hòa bình, bom đã thôi nổ. Vậy mà ở mảnh đất này, mạng sống, tuổi thơ của nhiều em nhỏ vẫn bị cướp đi…

Mới năm trước thôi, tôi gặp ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) một cậu bé bằng tuổi con đầu của Nguyễn Văn Anh. Cậu bé đến lớp với hai bàn tay bị cụt. Để viết bài, em cho phần cụt của tay phải vào ống nhựa, trên ống khoét lỗ để giữ ngòi bút. Nhờ vậy em đã viết, vẽ, bám trường khi ngỡ đã tuyệt vọng.

Em là Phan Trọng Hiếu. Khi "cánh tay ống nhựa" của Hiếu đã được nhắc đến nhiều, năm ngoái một tổ chức khoa học đã tặng em đôi tay giả, tuy chưa hoàn thiện nhưng mở ra nhiều hy vọng cho Hiếu.


Phan Trọng Hiếu những ngày phải dùng "cánh tay ống nhựa" và giờ đây với đôi tay giả tuy chưa hoàn thiện nhưng đem lại nhiều hy vọng…

Máu vẫn đổ trên cánh đồng hòa bình

Ngã xuống vì bom mìn không chỉ là những thường dân vì mưu sinh mà nhận hậu quả, còn rất nhiều lính công binh, nhân viên rà phá.

Tháng 5-2016, đội trưởng Ngô Thiện Khiết (45 tuổi) của đội khảo sát dấu vết bom chùm thuộc dự án RENEW đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Đồng đội khác của anh, Nguyễn Văn Hảo (43 tuổi) bị trọng thương, cấp cứu tại bệnh viện Trung ương Huế.

Sau 15 năm hoạt động, đó là lần đầu tiên RENEW có nhân viên thiệt mạng khi thực hiện nhiệm vụ hồi sinh cho những vùng đất chết vì ảnh hưởng bom mìn hậu chiến ở Quảng Trị.

Trong các chuyến thực địa hiện trường của các đội rà phá bom mìn, các cuộc hủy nổ vật liệu của các đơn vị tham gia công việc này ở Quảng Trị, nguyên tắc của người tham dự là phải được kiểm tra tối đa, không để xảy ra sơ sót. Bởi sơ sót nhỏ nhất cũng có thể phải trả giá bằng sinh mạng.

Chỉ hai tuần trước đó, tôi tham dự một cuộc hủy vật liệu nổ, và trước đó là đi khảo sát hiện trường rà phá bom chùm. Để vào hiện trường, tôi phải trải qua nhiều thủ tục nghiêm ngặt, điền đầy đủ thông số về sức khỏe, nhóm máu vào một bảng biểu của một nhân viên y tế trực. Đó là nguyên tắc bắt buộc để phòng sự cố.


Anh Ngô Thiện Khiết đã hi sinh còn đồng đội Nguyễn Văn Hảo của anh bị thương nặng

Thế nhưng người ngã xuống lại là người đội trưởng giàu kinh nghiệm. Ngô Thiện Khiết đã tham gia đội ngũ của RENEW từ năm 2008, từng dẫn đầu đội xử lý bom mìn lưu động - trực tiếp hủy nổ các vật liệu nguy hiểm - trước khi trở thành đội trưởng đội khảo sát bom chùm. Hầu như tất cả các hình ảnh hiện trường của RENEW đều có bóng dáng của anh.

Khi Khiết hi sinh còn đồng đội Nguyễn Văn Hảo bị thương nặng, tôi được ban biên tập báo Tuổi Trẻ cử đến truy tặng và tặng danh hiệu "Bạn đồng hành quanh tôi" cho các anh. Ở nhà Khiết, tôi gặp mẹ anh, bà Trần Thị Cúc, đã gần 90 tuổi.

Bà có 12 người con
. Trong chiến tranh, người con trai cả Ngô Dũng đã hi sinh vì trúng bom năm 1967. Năm 1974, người con trai thứ bảy là Ngô Thoảng vấp phải bom bi, chết ở tuổi 14 khi cùng cả nhà đi sơ tán ở Cam Lộ (Quảng Trị). Ngỡ như hai lần mất mát đã là quá đau đớn, vậy mà hơn 40 năm sau chiến tranh, bà mất thêm một người con trai nữa.


Đội trưởng Ngô Thiện Khiết dày dạn kinh nghiệm
 của RENEW trong một lần làm nhiệm vụ

300 năm nữa mới bình yên?

Bốn mươi ba năm qua, khó kể hết bao nhiêu tiền của đã đổ vào để khôi phục môi trường đất đai khỏi ô nhiễm bom mìn, bao nhiêu máu xương của người dân, người lính, cán bộ, bao nhiêu viện trợ của nhiều quốc gia, tổ chức nhân đạo quốc tế.

Việt Nam là một trong số những nước có tình trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh nặng nề nhất thế giới. Hàng chục triệu tấn bom, đạn được sử dụng trong các cuộc chiến tranh và xung đột biên giới kéo dài từ năm 1946 đến 1989 đã để lại trong lòng đất một khối lượng bom, mìn, vật nổ khổng lồ.

Ước tính vẫn còn tới 800.000 tấn bom, mìn còn sót lại nằm rải rác trên cả nước, ảnh hưởng đến 6,6 triệu ha đất, chiếm 20% diện tích đất cả nước. Để làm sạch bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí hơn 10 tỉ USD. Và với tốc độ rà phá như hiện nay, khoảng 300 năm nữa Việt Nam mới loại bỏ được hoàn toàn các loại bom, mìn chưa nổ.

Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Trị vẫn là tỉnh có tỉ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất nước: khoảng 80% tổng diện tích đất tự nhiên được xác định là ô nhiễm, so với tỉ lệ trung bình toàn quốc là khoảng 20%. Toàn tỉnh có hơn 7.000 người thương vong do bom mìn kể từ năm 1975, trong đó có 31% là trẻ em.

Nếu mỗi năm Quảng Trị làm sạch được 2.300-2.500 ha đất thì phải… 165 năm nữa mảnh đất này mới hoàn toàn thoát khỏi bom mìn. Từ năm 1996, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước được tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ của quốc tế trong hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo.



Các dự án quốc tế vẫn đang giúp Quảng Trị rà phá bom mìn và vật liệu nổ để làm sạch vùng đất này

BÀI VÀ ẢNH: LÊ ĐỨC DỤC
https://tuoitre.vn/bom-min-hau-chien-noi-dau-bao-gio-dung-lai-20180404122401561.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét