Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

Bản án Đinh La Thăng và hệ thống tư pháp VN

Bản án của Đinh La Thăng và hệ thống tư pháp Việt Nam
Một khi tòa án là công cụ của đảng cộng sản thì chuyện người dân luôn bị những bản án bất công là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó là việc tuyên các bản án dựa trên hồ sơ chứ không phải trên kết quả thẩm định, thẩm tra tại tòa theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam.
Ông Đinh La Thăng tại Tòa án Nhân dân Hà Nội hôm 29/3/2018.
Phiên tòa xử các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh là một trong những phiên tòa đầu tiên được áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự mới có hiệu lực từ 1/1/2018, đó là chú trọng, đảm bảo tối đa quyền tranh tụng của những người tham gia tố tụng. Phiên tòa này cũng không có vành móng ngựa. Thế nhưng phần tự bào chữa của các bị cáo lại khiến dư luận đặt dấu hỏi về hệ thống tư pháp hiện nay ở Việt Nam.

Quan điểm án tại hồ sơ

Sau 5 ngày xét xử, sáng 29/3/2018, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN bị tuyên mức án 18 năm tù và phải bồi thường 600 tỷ đồng về tội Cố ý làm trái trong vụ án gây thiệt hại 800 tỉ đồng của PVN đầu tư vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).

Trước đó một tuần, trong phần tự bào chữa trước tòa sau khi Viện Kiểm Sát (VKS) công bố bản luận tội sáng 22/3/2018, ông Đinh La Thăng phủ nhận cáo trạng của VKS về việc ông đã có hành vi che giấu sai phạm trong việc PVN góp vốn vào OceanBank. Ông Thăng nói thêm rằng chỉ khi Thủ tướng đồng ý rồi thì PVN mới thực hiện đầu tư và ông đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét kỹ việc OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng, vì đây là căn nguyên dẫn đến sự việc hiện nay.

Trong một phiên tòa khác diễn ra vào tháng 1/2018, ông Thăng khai rằng những quyết định của ông khi còn đứng đầu Tập đoàn dầu khí Việt Nam là do đường lối của Bộ Chính trị, trong đó có quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Thế như ng tòa án không triệu tập ông Nguyễn Tấn Dũng để đối chất.


Nhà nghiên cứu chính trị, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định:

Trước đây người ta cũng đưa ra văn bản viết rất rõ là ông Thủ tướng đồng ý cho làm thì việc ông Thăng bỏ 800 tỷ vô ngân hàng kia (Ocean Bank) là không sai. Rất tiếc họ tuyên án 18 năm tù. Đấy là cái mình nhìn từ bên ngoài vào thấy nó không ổn đâu. Bảo là Thủ tướng đồng ý cho làm thì lúc nào ổng chả đồng ý, nhưng cài thêm câu làm cho đúng pháp luật thì làm cũng chết mà không làm cũng chết. Hôm nay xử ông Thăng 18 năm tù và bồi thường 600 tỷ. Cá nhân tôi nói rõ là không đúng.

Còn theo quan điểm của luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông tại TPHCM thì ông thấy điều đó không đúng vì luật quy định rất rõ là tất cả những chứng cứ hoặc yêu cầu vừa gỡ tội vừa buộc tội của các bên phải được áp dụng một cách bình đẳng.

Ông cho biết chức năng của VKS là truy tố, buộc tội thì khi họ đề nghị những thành phần nào ra tòa thì hầu như tòa chấp nhận ngay. Vậy nên khi luật sư hoặc của chính bị cáo muốn yêu cầu ai ra tòa đối chất để chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ tội thì lẽ ra tòa án nên chấp nhận. Thí dụ ông Thăng khai có sự đồng ý của Thủ tướng chính phủ, thậm chí chủ trương của Bộ chính trị thì cần phải có sự đối chất tại tòa. Mọi việc phải được giải quyết tại tòa. Ông nói thêm:

Luật có quy định rất rõ rằng bản án tại tòa phải căn cứ vào quá trình thẩm tra toàn bộ đầy đủ các chứng cứ tại tòa chứ không phải tại hồ sơThông thường trong trường hợp tòa từ chối thì tòa sẽ nói đã có chứng cứ về việc đó hoặc đã có lời khai của thủ tướng, thí dụ vậy, cho nên không cần triệu tập ông thủ tướng nữa. Thật ra điều đó không đúng. Quan điểm đó là quan điểm án tại hồ sơ. Trong khi quy định của Bộ luật tố tụng hình sự là tất cả mọi thứ phải thẩm định, thẩm tra tại tòa và án thì căn cứ vào kết quả của quá trình đó mà tuyên, cho nên tôi thấy yêu cầu của ông Thăng là chính đáng và tòa không chấp nhận thì tôi cho là đáng tiếc. Và điều đó nó sẽ đưa đến hậu quả là bản án tòa tuyên người ta sẽ không tâm phục khẩu phục.


Khác với ông Đinh La Thăng, ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức cao cấp dầu khí Việt Nam, trong phần tự bào chữa trước tòa hôm 25/1/2018 đã rất kiệm lời và chỉ nói vắn tắt rằng “Có bào chữa cũng bằng không”. Luật sư Mạnh nhận định về điều này:

Ông Thanh là người từ chế độ mà ra. Trước khi ra tòa ông từng leo lên chức Phó chủ tịch của một tỉnh cho nên ổng rất hiểu cái sinh hoạt của tư pháp Việt Nam, của tòa án Việt Nam. Do đó ông biết rằng việc tự bào chữa tại tòa có giá trị tới mức độ nào. Ông rất hiểu nên ông phát biểu dựa trên sự hiểu biết của ông. 

Hệ thống tư pháp và yếu tố chính trị

Điều 2, Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” nên “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Do đó, mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền ở Việt Nam không phải và không thể “Tam quyền phân lập”.

Vì không chấp nhận tam quyền phân lập nên dư luận cho rằng có yếu tố chính trị trong các vụ án xử các quan chức cao cấp. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận xét về hệ thống tư pháp ở Việt Nam hiện nay:

Theo tôi biết thì hệ thống tòa án ở Việt Nam nó không rõ. Những công bố từ tòa ra, hồ sơ điều tra và cả quá trình điều tra không ai biết cả. Một hệ thống tư pháp mà không độc lập với chính trị thì nó xảy ra những chuyện như vậy. 

Phiên xử các quan chức cao cấp là chuyện không thường thấy ở Việt Nam trước đây. Nhà báo Nate Fischler từng nhận định trên trang web Asia Times ngay sau phiên xử ông Đinh La Thăng từ hôm 22/1/2018 rằng “xét đến chức vụ cao của ông Thăng thì việc kết án ông thật đáng ngạc nhiên vì các cựu ủy viên Bộ Chính Trị trước đây dù có tham nhũng đều được bỏ qua, không có ai bị đưa ra tòa.”

Dư luận cho rằng có yếu tố chính trị trong các phiên xử này, rằng đảng cộng sản xử chứ không phải tòa án xử vì Việt Nam hiện vẫn không chấp nhận thể chế “Tam quyền phân lập”. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói:

Bây giờ thanh trừng lẫn nhau thì nhìn đã thấy, thế nhưng ẩn đằng sau trị người này mà không trị người kia thì không rõ lắm bởi vì bản thân cái hệ thống tư pháp đã không rõ. Tham nhũng thì tràn lan và bây giờ người ta sờ vào đâu cũng thấy nhưng việc bắt thì lại không rõ, xử lại không rõ nên xử lý kiểu gì nó cũng vướng. Rồi liên quan đến chính trị. Người ta đem một cái thứ chính trị nào đó ra mà nó không đúng thì người ta lại xử lý hình sự một người nào đó. Nhìn vào là thấy ngay thôi à. Cái đó là cái mà bao nhiêu cải cách pháp luật Việt Nam chưa làm được cho tốt hơn. 

Một khi tòa án là công cụ của đảng cộng sản thì chuyện người dân luôn bị những bản án bất công là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó là việc tuyên các bản án dựa trên hồ sơ chứ không phải trên kết quả thẩm định, thẩm tra tại tòa theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam.

Diễm Thi
(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét