Luật sư vụ án Đinh La Thăng: Không thể truy tố với những thiệt hại trừu tượng?
14/01/2018 Theo Luật sư Nguyễn Chiến: “Nếu suy luận như vậy, đối với nhiều dự án khác đang chậm tiến độ, đội vốn, như dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, thì liệu những người thực hiện có chịu kết cục thế này hay không?". Nếu dựa vào đó để tính thiệt hại, việc xác định án lệ đối với những vấn đề giám định viên không thực hiện được là vô cùng nguy hiểm. Có thể tất cả các dự án khác cũng sẽ bị truy tố hết".Các dự án đang chậm tiến độ, đội vốn thì sao?
Chiều 13/01, tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó TGĐ PVN, Luật sư Nguyễn Chiến (đang là ĐBQH khóa XIV) kiến nghị HĐXX kiến nghị với cơ quan chức năng về một dự án lớn như dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, việc chậm tiến độ và đội vốn là chuyện… bình thường.
Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội trong bản luận tội đã cho rằng các bị cáo phải có trách nhiệm trọng việc để xảy ra chậm tiến độ của dự án (dự kiến phát điện vào năm 2014) và làm đội vốn dự án.
Theo Luật sư Nguyễn Chiến: “Nếu suy luận như vậy, đối với nhiều dự án khác đang chậm tiến độ, đội vốn, như dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, thì liệu những người thực hiện có chịu kết cục thế này hay không?
Nếu dựa vào đó để tính thiệt hại, việc xác định án lệ đối với những vấn đề giám định viên không thực hiện được là vô cùng nguy hiểm. Có thể tất cả các dự án khác cũng sẽ bị truy tố hết".
“Đây là vụ án quan trọng, là bước khởi đầu cho cải cách tư pháp. Do vậy cần phải có sự chuẩn mực trong nguyên tắc pháp lý. Thiệt hại phải là thực tế tính toán được, chứ không phải là thiệt hại mang tính trừu tượng. Nếu thiệt hại ở thời điểm xét xử này không tính được mà cho rằng sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng trong tương lai không xảy ra thì sao? Về nguyên tắc pháp luật tố tụng không bao giờ buộc các bị cáo phải bồi thường cái gì chưa xảy ra”, Luật sư Nguyễn Chiến nói.
Cũng theo Luật sư Chiến, đối với vụ án lớn như vụ án này, để tránh tình trạng thành án lệ, nguyên tắc quan trọng của tính toán thiệt hại vẫn phải được coi trọng, đó là dựa trên nguyên tắc căn bản của Bộ luật Dân sự về thiệt hại. Trong khi đó, dự án NMNĐ Thái Bình 2 chưa quyết toán nên chưa thể xác định rằng cách tính của cơ quan giám định là chính xác.
“Khi chưa có quyết toán đối với dự án mà lại tính thiệt hại để xác định trách nhiệm thì chúng tôi vẫn thấy băn khoăn. Tài sản của nhà nước bị chiếm đoạt cần thiết phải thu hồi, nhưng qua vụ án này có nhiều điều, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận, tuy nhiên còn có những nhóm hành vi chưa đủ căn cứ pháp lý kết luận theo đúng nguyên tắc tố tụng hình sự, cần thiết xem xét trên cơ sở nguyên tắc suy đoán vô tội”, luật sư Nguyễn Chiến đề nghị.
Nếu không hoãn thi hành BLHS 2015…
Bào chữa về hành vi “Cố ý làm trái”, Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng Bộ luật Hình sự năm 2015 đã chính thức bãi bỏ khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999 về hành vi “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tê gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 bị tạm hoãn thi hành đến 01/01/2018, trong khi Đinh La Thăng và đồng phạm bị khởi tố vào cuối năm 2017, trước thời điểm Luật có hiệu lực.
“Đối với hành vi đã xảy ra hơn 10 năm trước mà BLHS của chúng ta đã không còn coi đây là hành vi phạm tội. Vậy tại sao thân chủ của tôi (bị cáo Nguyễn Quốc Khánh) không tư lợi, không tham nhũng, không được hưởng một đồng lợi nào, lại bị đề nghị mức án quá mức cần thiết đối với hành vi này trong giai đoạn hiện nay?”, Luật sư Nguyễn Chiến đặt câu hỏi với HĐXX khi thân chủ của ông bị VKS đề nghị mức án từ 10-11 năm tù đối với hành vi “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999.
Nhóm các bị cáo bị truy tố về hành vi Cố ý làm trái có 4 hành vi gồm: Tham gia chỉ định thầu đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; Đàm phán ký kết HĐ số 33 để PVC được làm tổng thầu dự án; Chỉ đạo chuyển tiền tạm ứng cho PVC; và hành vi sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích. Nguyễn Quốc Khánh bị cáo buộc đồng phạm với Đinh La Thăng trong chỉ đạo ký HĐ số 33 và chỉ đạo PVN cấp tạm ứng cho PVC.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng thân chủ của ông không có quyền hành lớn như thế dưới "trướng" Đinh La Thăng. “Tại sao Chủ tịch và TGĐ PVN phải nhờ sự giúp đỡ của Nguyễn Khánh mới ký được HĐ số 33? Cáo buộc này không phù hợp về mặt lý luận và mặt thực tiễn. Nguyễn Quốc Khánh phụ trách ban điện thì làm sao phải chịu trách nhiệm về việc tạm ứng?”, Luật sư Chiến đặt câu hỏi.
Trong vụ án này có 2 nhóm tội, đó là tội “Cố ý làm trái” và “Tham ô tài sản”. Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng dư luận đang quan tâm đến vụ án này, trong khi thân chủ của ông “không chiếm đoạt, không tơ hào một đồng nào của Nhà nước” nên cần được công khai minh bạch để nhân dân hiểu được.
Luật sư cho rằng cần xem xét có lợi cho người bị buộc tội khi Nguyễn Quốc Khánh đã giúp cơ quan điều tra sớm kết thúc quá trình điều tra. Với cáo buộc của VKS cho rằng các bị cáo trong vụ án này có biểu hiện của “lợi ích nhóm”, Luật sư Chiến cho rằng việc dùng từ “lợi ích nhóm” nhưng chưa có tài liệu nào chứng minh có lợi ích nhóm ở đây.
http://infonet.vn/luat-su-vu-an-dinh-la-thang-khong-the-truy-to-voi-nhung-thiet-hai-truu-tuong-post251472.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét