Ngoại giao đoàn: Khu đô thị kiểu mẫu đầy tai tiếng
Từng được kỳ vọng là nơi đáng sống và là điểm nhấn của Thủ đô, thế nhưng dự án Ngoại giao đoàn lại khiến cư dân vỡ mộng do quy hoạch bị điều chỉnh, tiến độ thi công chậm và không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Khu đô thị kiểu mẫu Ngoại giao đoàn đầy sai phạm
Ngoại giao đoàn - khu đô thị kiểu mẫuKhu đô thị Ngoại giao đoàn do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư, được triển khai từ năm 2001, theo Quyết định số 415/QĐ-TTg ngày 11/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án có diện tích hơn 62,8 ha (nằm tại Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm), quy mô dân số khoảng 10.000 người. Trong đó, có 1/3 diện tích (hơn 20ha) dành để xây dựng trụ sở sứ quán, cơ quan đại diện và tổ chức quốc tế; số còn lại để xây dựng nhà cao tầng (hơn 13 ha) và công trình hạ tầng xã hội (hơn 28ha).
Với tổng mức đầu tư lên đến 1.300 tỷ đồng, dự án gồm 23 tòa căn hộ thấp và cao tầng, phân bố hài hòa từ N01 đến N04. Trong đó, khu N01 gồm 8 tòa căn hộ từ T1 – T8; Khu N02 gồm 3 tòa từ T1 – T3 có chiều cao từ 22 – 25 tầng; Khu N03 gồm 8 tòa từ T1 – T8 với chiều cao từ 21 – 31 tầng; Khu N04A gồm 16 lô biệt thự, 2 tòa chung cư 23 tầng; Khu N04B gồm 2 tòa với chiều cao 28 tầng.
Theo phê duyệt quy hoạch năm 2010, khu đô thị Ngoại giao đoàn được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển khu Đoàn ngoại giao, hướng tới một khu đô thị kiểu mẫu, đẳng cấp. Do đó, mật độ xây dựng trung bình toàn khu chỉ khoảng 30%. 70% diện tích còn lại là công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng thấp tầng...
Ngoại giao đoàn được quảng cáo là khu đô thị hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có không gian thoáng đãng và mát mẻ, có tầm nhìn rộng và cảnh quan hài hòa.
Kiểu mẫu, nhưng…
Mặc dù là một khu đô thị kiểu mẫu, thế nhưng liên tục trong thời gian qua, dự án Ngoại giao đoàn lại dính phải nhiều tai tiếng về thi công chậm tiến độ, hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo an toàn.
Cụ thể, hồi năm 2013, cư dân tòa NO3-T1 cho biết, theo hợp đồng mua bán, trước ngày 31/12/2013, chủ đầu tư phải bàn giao căn hộ cho khách hàng. Tuy nhiên, đến giữa tháng 11/2013, dự án vẫn còn ngổn ngang sắt thép. Sau nhiều lần bị cư dân truy vấn quyết liệt, chủ đầu tư mới “thú nhận” dự án chậm tiến độ là do thiếu vốn.
Dự án Ngoại giao đoàn dính phải nhiều tai tiếng về thi công chậm tiến độ
Hay mới đây, cư dân tòa NO4A đã phản ánh về việc chủ đầu tư Hancorp ép họ phải nhận nhà trong khi công trường còn đang thi công; các hạng mục như lối để xe, sảnh tòa nhà vẫn ngổn ngang cát, gạch.
Theo cam kết trong hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư với khách hàng, thời gian nhận bàn giao căn hộ toàn NO4A của các cư dân là vào quý I/2017 và không được phép chậm trễ quá 3 tháng (tức là vào cuối tháng 6/2017 phải hoàn thiện bàn giao) với đầy đủ các hạng mục công trình theo cam kết. Thế nhưng, tận tháng 8, các cư dân mới được nhận nhà.
Ngoài dự án chậm tiến độ, một vấn đề nổi cộm khác của khu Ngoại giao đoàn là an toàn cháy nổ. Chẳng hạn như tại tòa NO2-T2, cư dân đã liên tục phản ánh về việc họ đã chuyển đến sinh sống được một thời gian, nhưng toàn bộ hạ tầng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn thiện.
Đặc biệt, hệ thống thiết bị cảnh báo, phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa được lắp đặt theo yêu cầu. Điều này tiềm ẩn những mối hiểm họa khôn lường, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của hàng trăm con người đang sinh sống nơi đây.
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, trong 8 tòa đã thi công xong tại Ngoại giao đoàn, chỉ có 6 tòa được thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. 2 tòa còn lại chủ đầu tư đã mời cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến kiểm tra nghiệm thu nhưng chưa đạt yêu cầu.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 3 đã có văn bản kiến nghị chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy, không đưa công trình vào hoạt động, đồng thời tham mưu UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành các quyết định xử phạt và đình chỉ hoạt động đối với những công trình vi phạm.
Điều chỉnh quy hoạch, tăng mật độ xây dựng
Sau hàng loạt bất cập trên, thời gian gần đây, khu đô thị Ngoại giao đoàn lại tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý do hoạt động đấu tranh của cư dân nhằm phản đối quyết định điều chỉnh quy hoạch của chủ đầu tư Hancorp.
Chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch, tăng mật độ xây dựng
Theo đó, 4 ô đất ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1 vốn có chức năng đất công cộng, dịch vụ, đất đầu mối kỹ thuật với mật độ xây dựng thấp đã bị điều chỉnh theo hướng tăng mật độ xây dựng lên rất nhiều. Đặc biệt, có ô điều chỉnh mật độ xây dựng từ 20,5% lên 40%, có ô từ 30% tăng lên 41%.
Trước đó 14/10, Hancorp vừa tổ chức cuộc đối thoại với cư dân khu Ngoại giao đoàn liên quan đến vấn đề điều chỉnh quy hoạch trong dự án này.
Đáp lại kiến nghị của cư dân, ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch HĐQT Hancorp khẳng định, dự án Ngoại giao đoàn được điều chỉnh quy hoạch căn cứ theo đúng quy định pháp luật, dựa trên các văn bản quy hoạch phân khu của Hà Nội.
Dù các ý kiến của cư dân đưa ra rõ quy trình lấy ý kiến là hoàn toàn sai luật, nhưng Chủ tịch HĐQT Hancorp vẫn khẳng định làm đúng quy trình.
Cuối cùng, ý kiến chung của nhiều cư dân đề nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi quyết định điều chỉnh quy hoạch và lấy lại ý kiến của cư dân về việc điều chỉnh quy hoạch khu Ngoại giao đoàn. Đồng thời, kiến nghị Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện đối với dự án này.
Ngoài việc chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch làm tăng mật độ xây dựng, tạo sức ép lên hạ tầng, thì một trong những vấn đề khiến cư dân "dở khóc, dở mếu" tại dự án Ngoại giao đoàn là hệ thống giao thông bất cập.
Cụ thể, về đầu nối hạ tầng giao thông dự án Ngoại giao đoàn có 4 hướng tiếp cận ra khu vực xung quanh. Đường ra tuyến Phạm Văn Đồng đã được chủ đầu tư hoàn thành, hiện là tuyến đường chủ yếu của dự án. Ngoài ra, các tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, đường Võ Chí Công thuộc dự án Tây Hồ Tây, đường ra tuyến Xuân La đều trong tình trạng chưa giải phóng, hoàn thành.
Dù những kiến nghị của dân Ngoại giao đoàn đã được chủ đầu tư ghi nhận và cam kết sẽ có giải pháp khắc phục. Thế nhưng, hiện tại cư dân nơi đây vẫn đang tiếp tục chờ và đợi một câu trả lời rõ ràng từ phía chủ đầu tư.
Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu Ngoại giao đoàn phục vụ công tác đối ngoại tại thành phố Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt từ đầu năm 2001 theo Quyết định (QĐ) 415 của Thủ tướng ngày 11/4/2001.
Để thực hiện dự án này, Nhà nước đã đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng về hạ tầng và giao cho Tổng công ty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng, ngày 22/4/2002, UBND thành phố có Quyết định số 2649 về việc thu hồi hơn 587.039 m2 đất tại xã Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) tạm giao cho Tổng công ty Xây dựng Hà Nội để điều tra, lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng khu đất xây dựng cơ sở hạ tầng dự án Ngoại giao đoàn.
Ngày 22/1/2010, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, khu Ngoại giao đoàn.
Đến ngày 22/5/2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2905/QĐ-QHKT về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu Ngoại Giao Đoàn tại các ô đất ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1.
Theo VietnamFinance
http://vietnammoi.vn/ngoai-giao-doan-khu-do-thi-kieu-mau-day-tai-tieng-56230.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét