Bi kịch của những người nghèo bỗng chốc có cả "bao tải" tiền
Dân trí - Được nhận cả "bao tiền" đền bù nên nhiều người dân vùng cao bỗng chốc trở thành tỷ phú. Thế nhưng, không ít người trong số đó lại lâm vào cảnh nợ nần vì quá tin tưởng những chủ nợ "tốt bụng"... ông Hoàng Như Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: người dân và chủ nợ chỉ thỏa thuận ngầm với nhau rồi cứ thế cầm tiền tiêu xài mà không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh mức lãi suất là bao nhiêu.
Anh Hồ Văn Khánh ngẩn ngơ với số nợ 400 triệu đồng
Muốn gì có đó...Dự án hồ chứa nước Nước Trong được triển khai trên địa bàn huyện Sơn Hà và Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) với 450 hộ dân được đền bù, hỗ trợ. Kinh phí bồi thường của dự án lên đến 342 tỷ đồng, đợt chi trả mới nhất được thực hiện vào tháng 9/2017 với số tiền 58 tỷ đồng. Vì vậy, người dân được đền bù, hỗ trợ ít nhất khoảng 50 triệu đồng, nhiều người nhận được cả tỷ đồng.
Tại huyện Tây Trà có 4 xã nằm trong vùng dự án, riêng xã Trà Thọ đã có 158 hộ dân được nhận tiền bồi thường. Nhận được cả "bao tải tiền" đền bù thế nhưng nhiều người dân xã Trà Thọ lại nhanh chóng trắng tay với những chủ nợ "tốt bụng".
Bó gối trong căn nhà trống hoác, anh Hồ Văn Khánh (thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà) vẫn còn tiếc ngẩn ngơ vì chiếc xe máy mới mua vừa bị siết nợ.
Anh Hồ Văn Khánh cho biết, khi biết tin đất của gia đình nằm trong diện được đền bù, nhiều người lạ đã đến đưa tiền cho anh tiêu xài. Họ nói cứ xài thoải mái, muốn lấy bao nhiêu cũng có nên anh Khánh chẳng nhớ mình mượn bao nhiêu tiền. Chỉ đến khi được nhận tiền đền bù, anh Hồ Văn Khánh mới biết mình nợ cả vốn lẫn lãi lên đến 400 triệu đồng.
"Cứ cần là họ đưa, họ bảo cứ xài đi. Lấy tiền cũng không cần giấy tờ gì nên mình cứ lấy. Ai ngờ nhận đền bù xong thì họ đòi 400 triệu, mới xin tiền trả được 40 triệu thôi. Không đủ tiền trả nên họ siết đồ. Giờ phải bán thêm 2 ha đất rừng để trả chứ không là khó sống", anh Hồ Văn Khánh nuối tiếc.
Thê thảm hơn anh Khánh, 600 triệu đồng của ông Hồ Văn Tập (trú thôn Tre, xã Trà Thọ) nhận được từ dự án cũng đội nón ra đi khiến ông trắng tay.
"Vay bao nhiêu tiền không biết, bao nhiêu lần cũng không nhớ. Chỉ biết là nhận tiền đền bù xong thì họ nói nợ gần 600 triệu. Nhận tiền xong vừa đủ trả, hết tiền rồi", ông Tập nói nhẹ tênh.
"Ngửi" được mùi tiền đền bù, chủ nợ đã nhanh chóng lân la đến làm quen và đưa tiền cho ông Tập xài thoải mái, muốn bao nhiêu cũng có.
Vì sự tốt bụng đó, ông Khánh đã mượn tạm để xây nhà sàn, mua xe, chi tiêu "lặt vặt". Để rồi, vừa nhận được số tiền lớn đã phải sang tay cho chủ nợ.
Nhẹ nhàng lãi suất... 50%
Ngoài việc cho mượn tiền với lãi suất "nhẹ nhàng" là 50%, nhiều đối tượng còn mang cả xe, điện thoại và nhiều vật dụng đắt tiền khác đến cho người dân vùng dự án sử dụng. Để rồi sau đó, chủ nợ tha hồ đòi tiền với mức lãi suất cắt cổ khiến người dân vùng dự án lại trắng tay.
Ông Hồ Tấn Vũ - Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, xác nhận: xã Trà Thọ có 158 hộ nằm trong diện được đền bù, hỗ trợ thì có đến 70% trong số đó có vay tiền với lãi suất cao.
Nghe tin người dân nghèo sắp nhận tiền đền bù, một số đối tượng cho vay nặng lãi đã lân la làm quen, gạ gẫm cho người dân mượn tiền với lãi suất lên đến 50%.
Vài tháng trước, nhiều khu tái định cư dự án hồ chứa nước Nước Trong dập dìu những chủ nợ "tốt bụng"
Người đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức còn thấp, vì vậy khi nghe lời ngon ngọt đã xiêu lòng mượn tiền tiêu xài phung phí. Điều đáng nói là chủ nợ và người dân chỉ thỏa thuận miệng mà không có bất cứ giấy tờ gì, vì vậy chính quyền đành bất lực.
“Cứ đến ngày người dân nhận tiền là chủ nợ chờ sẵn ngoài cổng UBND xã để thu nợ. Biết vậy nhưng họ cam kết miệng với nhau nên chính quyền không thể can thiệp. Người dân đã mượn tiền tiêu xài rồi nên chủ nợ họ làm căng thì đành phải trả", ông Vũ cho biết.
Về phía UBND huyện Tây Trà, ông Hoàng Như Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: người dân và chủ nợ chỉ thỏa thuận ngầm với nhau rồi cứ thế cầm tiền tiêu xài mà không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh mức lãi suất là bao nhiêu.
"Chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng Công an huyện tìm hiểu, xác minh và đề xuất hướng xử lý vụ việc", ông Lâm nói.
Sự hấp dẫn của "mùi" tiền cùng nhận thức còn quá hạn chế của người dân là điều kiện thuận lợi để những chiếc vòi của tín dụng đen hoành hành nơi rẻo cao. Và chắc chắn rằng, câu chuyện này không chỉ dừng lại ở vùng dự án xã Trà Thọ.
Quốc Triều
http://dantri.com.vn/xa-hoi/bi-kich-cua-nhung-nguoi-ngheo-bong-choc-duoc-nhan-ca-bao-tai-tien-20171123153401996.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét