Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

Đất, nước còn thì người ĐBSCL sẽ không phải tha hương

"Đất, nước còn" hay "Đất nước còn" ? "Đất nước còn thì người Việt sẽ không phải tha hương ?" Ông nào tư vấn cho ông Phúc nói được 1 câu rất hay: “phải giữ được đất, giữ được nước, giữ được người ĐBSCL mới gọi là thành công”, chứ không phải câu ông Phúc quen miệng nói "ĐBSCL phải là đầu tầu phát triển của cả nước". Đúng là ông Phúc có tiến bộ. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là tiến bộ trên ngôn từ, còn hành động thì chắc là còn lâu.
Đất, nước còn thì người ĐBSCL sẽ không phải tha hương
Nguyễn Hữu Thiện 24/11/2017, (TBKTSG) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, theo tinh thần Hội nghị “Diên Hồng” về phát triển ĐBSCL tháng 9 vừa qua tại Cần Thơ. Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói “phải giữ được đất, giữ được nước, giữ được người ĐBSCL mới gọi là thành công”.
Cảnh sạt lở ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ảnh: NGUYỄN HỮU THIỆN
Phải giữ được đất, giữ được nước...
Đất, nước và người ĐBSCL bị đe dọa gì mà phải lo giữ và giữ thì phải làm sao? Nói ngắn gọn, đất bị mất do sạt lở, bị lún, và đất còn lại thì bị “rỗng ruột” - tức không còn dinh dưỡng. Nước ngọt thì năm ít, năm nhiều theo thời tiết, khí hậu. Năm nào ít nước ngọt thì nước mặn lấn sâu hơn. Dù sao, đồng bằng này vẫn là một trong những nơi dồi dào nước nhất trên hành tinh, nhưng có nước nhiều cũng như không vì sông ngòi lại ô nhiễm nặng nề, người dân phải chuyển sang xài nước ngầm nên gây sụt lún đất thêm. Nước ngầm cũng vì vậy mà cạn kiệt nhanh. 


Vùng nước biển ven bờ thì bị bỏ quên trong mọi quy hoạch phát triển nên phải gánh đủ thứ từ đất liền đưa ra. Rốt cuộc, người đồng bằng bỏ đi nơi khác, tha phương cầu thực. Trong 20 năm gần đây, gần hai triệu người đã đi khỏi vùng đất gọi là trù phú này, để lại làng quê người già, con nít.

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có thể gom lại thành ba nhóm là biến đổi khí hậu, thủy điện trên sông Mêkông, và những vấn đề do tự mình gây ra. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn ra dần dần có thể thích ứng được nếu chọn đúng cách; thủy điện làm mất phù sa, mất cát thì không có gì thay thế; nhưng nếu nội tại đồng bằng khỏe mạnh thì sẽ đỡ hơn nhiều và vẫn phát triển được.

Trong bối cảnh đó, nghị quyết lần này đã nêu ra chiến lược dài hơi cho đồng bằng theo hướng thích ứng thuận thiên là chính, tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên; chuyển tư duy nông nghiệp từ thuần túy sản xuất sang làm kinh tế nông nghiệp, và quy hoạch tích hợp, tổng thể cho toàn đồng bằng. Tại hội nghị hồi tháng 9, Thủ tướng cũng nói rõ sẽ dứt khoát giảm lúa ba vụ, ưu tiên biện pháp phi công trình, còn đầu tư công trình thì ưu tiên các công trình cấp bách.

Đây có lẽ là cách ứng xử tốt nhất đối với tình hình nhiều thách thức của miền đất này. Vì sao lại tốt nhất?

Tránh can thiệp thô bạo, tránh gây hối tiếc

Can thiệp thô bạo vào tự nhiên, trái quy luật thì trước sau gì cũng phải trả giá đắt. Vậy đối với đồng bằng, những quy luật nào là quan trọng, cần tránh can thiệp thô bạo để không phải hối tiếc?

Nếu làm được Nghị quyết 120 thì ĐBSCL sẽ có sức chống chịu tốt hơn với những thách thức. Đất đai được duy trì, sông được chảy, văn hóa sông nước còn có nền đất, nước để tồn tại thì người đồng bằng sẽ không phải tha hương.

Ở một vùng sông nước như ĐBSCL, ít sự can thiệp vào tự nhiên nào thô bạo hơn là can thiệp vào sông ngòi và quy luật dòng chảy.

Đồng bằng này do chính dòng chảy mang phù sa, cát bồi đắp nên. Thiếu hụt hai thứ này thì sự bồi đắp mở rộng sẽ ngưng, rồi sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra tới khi nào đạt điểm cân bằng mới. Điểm cân bằng mới đó ở đâu, không ai trả lời được. Những nguyên nhân khác gây sạt lở đều là phụ. Vì vậy, không nên nghĩ làm kè hết bờ biển, bờ sông, lấp hố sâu tự nhiên của sông thì sẽ hết sạt lở, mà chỉ nên bảo vệ những nơi nào quan trọng, khẩn cấp. Tốn nhiều tiền mà trái quy luật thì không hiệu quả, gây hối tiếc.

Do ảnh hưởng thủy triều từ biển, sông ngòi ở ĐBSCL chảy hai chiều, có nước lớn, nước ròng hàng ngày; nước rong, nước kém hàng tháng theo con nước rằm, ba mươi âm lịch. Sông chảy hai chiều thì sông ngòi mới sạch, mới có cá tôm, văn hóa sông nước. Ở đồng bằng chưa có nơi nào ngăn mặn mà nước sông rạch dùng được cho sinh hoạt. Hạn mặn cực đoan như năm 2016 lâu lâu mới xảy ra một lần. Thay vì dùng nhiều ngàn tỉ thì dùng vài tỉ ngăn tạm lúc đó, hết thì tháo ra sẽ đỡ hối tiếc hơn, hoặc chuyển sang canh tác mặn ở nơi nào và mùa nào mặn sẽ hiệu quả hơn.

Từ sau đợt hạn mặn năm 2016, ta nghe nói nhiều về chuyện ĐBSCL sẽ thiếu nước do thủy điện, phía trên họ chuyển nước sang lưu vực khác, suy ra ta phải đào ao, phải đắp sông ngăn mặn, trữ nước. Có thật ĐBSCL sẽ thiếu nước ngọt không? Không chắc. Nói ngắn gọn, những năm mưa bình thường, thủy điện không ảnh hưởng lượng nước đến đồng bằng; những năm khô hạn thì thủy điện sẽ tích nước làm khô hạn tồi tệ hơn; những năm nước nhiều, thủy điện sẽ làm lũ tồi tệ hơn, lũ chồng lũ.

Chuyện Thái Lan định làm dự án Khon-Loei-Chi-Mun chuyển 4,5 tỉ mét khối nước từ sông Mêkông qua sông Loei để tưới vùng Đông Bắc có làm ĐBSCL thiếu nước không? Không chắc! Nếu Thái Lan làm được thì có ảnh hưởng, nhưng đâu dễ làm được chuyện này. Vùng Isaan Đông Bắc Thái Lan gồm 19 tỉnh, chiếm một phần ba diện tích nước Thái, lẽ ra là vùng nông nghiệp quan trọng nhưng lâu nay không phát triển nông nghiệp được vì khô hạn. Người dân ở đây sống bằng nghề làm muối hàng trăm nay nay. Nghe thật lạ, nhưng bên dưới 19 tỉnh này là một đĩa muối mỏ khổng lồ, dày đến 200 mét, cách mặt đất 20 mét, có nơi lộ thiên. Các chính trị gia ở Bangkok đã đưa ra nhiều lời hứa hẹn đem nước về, xanh hóa vùng Isaan. Mấy chục năm nay, lời hứa này được đưa ra nhiều lần, nhiều chính trị gia đã thành công, lấy được phiếu, đắc cử, còn chuyện chuyển nước từ sông Mêkông để xanh hóa vùng Isaan xem ra không dễ. Nếu vẫn cố làm thì chính vùng này sẽ xảy ra thảm họa vì muối lan khắp nơi và trồi lên mặt đất. Năm 1989, dự án Khon-Chi-Mun khổng lồ tương tự đã được thực hiện và thất bại ê chề.

Vậy với sự đoán già đoán non, mơ hồ về những chuyện chưa chắc xảy ra ở phía thượng lưu rồi đinh ninh rằng ĐBSCL sẽ thiếu nước, rồi “ra tay trước” với ĐBSCL bằng những công trình nhiều ngàn tỉ, can thiệp thô bạo vào sông ngòi thì khác nào ta khám bệnh sơ sài, đoán rằng mình sẽ bị ung thư rồi đi xạ trị, hóa trị ngay, chắc chắn sẽ gây hối tiếc.

Chuyển từ tăng gia sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, quy hoạch tích hợp

Chuyển tư duy nông nghiệp từ thuần túy sản xuất số lượng sang làm kinh tế nông nghiệp là hướng đi cần thiết hiện nay. Những năm đầu sau chiến tranh, ta bị đói nên tăng gia sản xuất là đúng, nhưng nay đã qua thời đó thì cần phải đổi. Thực tế cho thấy, tăng gia sản xuất lúc đầu thì hết đói, nhưng càng làm nhiều nữa mà chỉ nhắm đến số lượng, thì không thể thoát nghèo. Lúa làm ra nhiều nhưng tiền thì ít, sông ngòi bị hủy hoại, đất đai cạn kiệt độ màu mỡ, sao duy trì tăng gia sản xuất lâu dài được chứ chưa nói làm giàu. Thoát nghèo phải có chiến lược ở tầm cao hơn, nhắm đến giá trị, chất lượng, thị trường, uy tín, tính lời, tính lỗ. Để bền vững thì lời, lỗ phải được tính cả về kinh tế, xã hội, môi trường chứ không thể mãi vắt kiệt đất đai, tài nguyên.

Tại hội nghị hồi tháng 9, Chính Phủ chủ trương sẽ có quy hoạch tổng thể, tích hợp cho ĐBSCL. Hiểu ngắn gọn, quy hoạch tích hợp là kế hoạch phát triển dài hạn có sự tham gia của tất cả các ngành. Nói hình tượng thì quy hoạch tích hợp giống như một phác đồ trị bệnh có hội chẩn của bác sĩ nhiều ngành. Đồng bằng này giống như một cơ thể sống, các bộ phận liên hệ với nhau, can thiệp chỗ này ảnh hưởng chỗ khác. Lâu nay cách chúng ta làm là nhiều “bác sĩ” đưa ra toa trị bệnh riêng cho cùng một bệnh nhân mà không hề có “hội chẩn”. Ngành giao thông quy hoạch riêng, thủy lợi quy hoạch riêng, sử dụng đất quy hoạch riêng, dẫn đến tình trạng đồng bằng có 2.500 bản quy hoạch, “đá nhau” lung tung. Thêm vào đó, mỗi tỉnh lại theo đuổi mục tiêu riêng trong phạm vi của mình, không biết ảnh hưởng đến nơi khác ra sao. Như vậy thì tổng thể của toàn “cơ thể” đồng bằng khó mà khỏe khoắn được.

Có thể nói những kết luận của Thủ tướng tại hội nghị vừa qua là sự chuyển hướng cần thiết, không thể chậm trễ hơn. Dĩ nhiên đó là ở tầm chiến lược, còn việc thực thi thì phải chờ thời gian trả lời. Sự giằng co giữa các ngành do góc nhìn, mối quan tâm riêng, kể cả lợi ích cục bộ, thành tích ngành, vẫn có thể phá vỡ chiến lược chung. Nhưng đây là luồng gió mới trong tư duy phát triển ĐBSCL, rất đáng mừng. Nếu làm được thì ĐBSCL sẽ có sức chống chịu tốt hơn với những thách thức. Đất đai được duy trì, sông được chảy, văn hóa sông nước còn có nền đất, nước để tồn tại thì người đồng bằng sẽ không phải tha hương.
http://www.thesaigontimes.vn/265289/Dat-nuoc-con-thi-nguoi-DBSCL-se-khong-phai-tha-huong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét