Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

(101) Sai lầm của ông Chung: Đá vỉa hè vỡ nát

Cuối năm 2016, thành phố Hà Nội ban hành quy định các dự án, tuyến đường mới, dự án cải tạo hè phố tại 12 quận phải dùng vật liệu là đá tự nhiên, có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm. Nhiều tuyến phố khi được cải tạo đã áp dụng chủ trương trên của thành phố. Chủ trương này rõ ràng là của ông Chung vì ông làm Chủ tịch HN từ hè 2016. Chủ trương này thất bại vì: (i) Cấp trên đoạt quyền cấp dưới, áp đặt cấp dưới "phải dùng vật liệu là đá tự nhiên, có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm"; (ii) Để cấp dưới làm ẩu, thậm chí cố tình làm ẩu vì các mục đích gì chúng ta đều hiểu, nhưng không có biện pháp xử lý, nhất là truy tố ra pháp luật. Ở các nước văn minh, chỉ những chuyện ô uế như thế này cũng buộc Chủ tịch phải từ nhiệm. Ông Chung nghi sao đây ? 
Đá lát vỉa hè “tuổi thọ 70 năm” vỡ nát khi vừa thi công
VÕ HẢI - PHẠM DỰ 25/11/2017 - Mới được lát đá tự nhiên có tuổi thọ 50 - 70 năm chưa lâu song vỉa hè nhiều tuyến phố ở Hà Nội đã bị bong tróc, gãy nát. Theo ông Trần Việt Trung - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, chất lượng đá lát trên vỉa hè phụ thuộc vào lớp bê tông phía dưới, bởi vậy nhiều đoạn đá lát không được đảm bảo.

Đá tự nhiên ở vỉa hè đường Lê Trọng Tấn vỡ vụn. Ảnh: Phạm Dự.
Cuối năm 2016, thành phố Hà Nội ban hành quy định các dự án, tuyến đường mới, dự án cải tạo hè phố tại 12 quận phải dùng vật liệu là đá tự nhiên, có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm. Nhiều tuyến phố khi được cải tạo đã áp dụng chủ trương trên của thành phố. Tuy nhiên, vỉa hè phố Lê Trọng Tấn, Nguyễn Trãi… chỉ sau vài tháng lát gạch đã xuất hiện tình trạng bong tróc, gãy nát.

Khoảng 4 km ở đường Nguyễn Trãi được lát gạch bắt đầu từ tháng 7, song đến tháng 11 đã xuất hiện gần 10 điểm vỡ nát; có điểm hơn 10 viên gạch liền nhau vỡ vụn.

Khoảng một km vỉa hè đường Lê Trọng Tấn có gần 10 điểm vỡ, lún. Đầu ngõ 134, 20 viên gạch vỡ toác thành nhiều mảnh. Phần lớn những viên gạch vỡ xuất hiện xung quanh gốc cây, bốt điện hoặc đầu ngõ; một số điểm xuất hiện vết nứt giữa vỉa hè.



Vỉa hè đường Nguyễn Trãi liên tục xuất hiện vết nứt. Ảnh:Phạm Dự.

UBND quận Thanh Xuân cho biết nguồn kinh phí làm vỉa hè từ ngân sách của quận. Đá lát vỉa hè lại loại đá tự nhiên chống trơn trượt, so với vật liệu khác thì loại đá này đươc cho có khả năng chống thấm, nước tốt hơn, cách nhiệt an toàn, hiệu quả khi sử dụng trong các công trình ngoài trời như vỉa hè.

Tuy nhiên, đá tự nhiên này có hạn chế là độ giòn cao nên khi thi công lát đá phải có lớp bê tông và vữa lót dày khoảng 8-10 cm. Trên đường Nguyễn Trãi, đa số đá được lát vào đêm, đến sáng nhiều phương tiện đi lên khiến một số viên đá bị nứt. Ngoài ra, một số người dân tự ý đục vỉa hè làm lối đi và hiện tượng ôtô đỗ trên vỉa hè tràn lan cũng gây ra hiện tượng nứt.

Theo ông Trần Việt Trung - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, chất lượng đá lát trên vỉa hè phụ thuộc vào lớp bê tông phía dưới, bởi vậy nhiều đoạn đá lát không được đảm bảo.

Ông Trung nhận định nhiều quận huyện có thể “đang hiểu sai ý kiến chỉ đạo từ chủ trương của thành phố, nên lát đá ở những vỉa hè còn tốt”; nhiều vị trí quanh gốc cây, trạm điện,… việc lát đá không đảm bảo mỹ quan, chất lượng.

“Sở Xây dựng đã tham mưu cho thành phố có văn bản yêu cầu các quận, huyện chỉ lát đá tự nhiên ở những tuyến vỉa hè đã xuống cấp. Tuyến đường nào vỉa hè vẫn còn đảm bảo thì phải tiếp tục sử dụng”, ông Trung nói.

Theo VnExpress
http://bizlive.vn/thoi-su/da-lat-via-he-tuoi-tho-70-nam-vo-nat-khi-vua-thi-cong-3422183.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét