Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Ngân sách thời ‘Đời sống của anh em đã cùng cực rồi!’

Ngân sách thời ‘Đời sống của anh em đã cùng cực rồi!’
Lại vừa hiển lộ những dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngân sách Việt Nam đang rơi vào bi kịch. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã lao vào năm suy thoái thứ chín liên tiếp, con giun xéo lắm cũng phải quằn. Dự báo không bao lâu nữa, dự trữ trong những tầng lớp dân chúng nghèo nhất sẽ hầu như cạn và sẽ không một ai trong số họ muốn bỏ thêm một đồng nào để nuôi dưỡng một bộ máy gần 3 triệu công chức viên chức đảng và chính quyền với cung cách “hành là chính,” cùng 30% trong đó “không làm gì cả.”
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bán hết!
(SCIC) đang dự kiến sẽ bán hết 137 doanh nghiệp nhà nước từ nay đến năm 2020.
 
Vào cuối năm 2015, giai đoạn mà thủ tướng khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng sắp “rớt đài” tại đại hội 12 của đảng cầm quyền, chính phủ đã phải đôn đáo thúc đẩy việc thoái vốn ở 10 doanh nghiệp, kể cả “con bò sữa” Vinamilk, để thu về khoảng $7 tỷ cho ngân sách. Đó cũng là khoảng thời gian mà ngân sách phải trả nợ nước ngoài cao chưa từng thấy: $20 tỷ trong năm 2015.

Cũng từ cuối năm 2015, một số thông tin cho biết chính phủ Việt Nam đã phải trù tính đến việc bán vốn tại hàng trăm doanh nghiệp nhà nước để có thể thu về hơn $400 tỷ – theo một dự tính lạc quan.

Con số hơn $400 tỷ này hai lần GDP hàng năm của Việt Nam và sẽ giúp “ổn định kinh tế xã hội,” qua đó kéo dài tuổi thọ của chế độ cầm quyền ở Việt Nam thêm ít năm nữa, trong khung cảnh hầu như toàn bộ các nguồn “ngoại viện” – từ các chủ nợ lớn nhất như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, cho đến nguồn kiều hối của hơn 4 triệu “kiều bào ta” ở hải ngoại – đều hoặc ngưng trệ hẳn, hoặc giảm sút thê thảm.

Nhưng trong thực tế, SCIC có bán được vốn nhà nước để cứu vãn ngân sách đang có nhiều dấu hiệu cạn kiệt?

Ngay trước mắt, SCIC chỉ có thể bán được 37 trong tổng số 137 doanh nghiệp muốn tống táng. Số doanh nghiệp còn lại – gọi là doanh nghiệp hạng C – là không bán được. Thậm chí, một số doanh nghiệp cấp địa phương dù được chào mời đến lần thứ ba, vẫn không bán được.

Cần nhắc lại, kế hoạch thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước khỏi các thị trường bất động sản, chứng khoán đã được chính phủ phát động từ năm 2013 và dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2015. Nhưng cho đến nay, các doanh nghiệp nhà nước mới chỉ thoái vốn được hơn 50% số cần thoái vốn. Mà như vậy, làm sao các doanh nghiệp này thu đủ tiền để chuyển trả lại ngân sách Bộ Tài Chính một khi SCIC muốn bán sạch vốn nhà nước?

Công ích cũng khốn đốn!

Công ty thủy nông Sông Tích trên địa bàn Hà Nội nằm trong khối doanh nghiệp công ích ở Việt Nam là một minh họa cho sự khốn đốn. Theo “thông lệ” phân bổ ngân sách địa phương, khối doanh nghiệp công ích vẫn thường được hưởng chế độ ưu tiên hơn so với nhiều doanh nghiệp kinh doanh, tức ngân sách cấp cho doanh nghiệp công ích thường phải bảo đảm ổn định, hoặc có giảm thì cũng không giảm nhiều.

Từ Tháng Giêng đến Tháng Mười, 2016, công ty Sông Tích chỉ tạm ứng lương cho cán bộ công nhân viên với mức bình quân 3.5 triệu đồng/người/tháng. Nhưng từ Tháng Mười Một, 2016, mọi chế độ tiền lương, phúc lợi xã hội của người lao động trong công ty không được chi trả một đồng một cắc, họ cũng không được tạm ứng. Công ty không còn tiền để trả cho người lao động.

Vào năm 2015, công ty này còn được ngân sách cấp 130 tỷ đồng cho “sự nghiệp công ích.” Nhưng đến năm 2016 thì chỉ còn được cấp 60 tỷ đồng, bằng khoảng 40% kinh phí của năm 2015.

Chưa bao giờ số phận của hơn 3,700 cán bộ, công nhân viên, và người lao động tại doanh nghiệp này lại khốn đốn như lúc này. Thậm chí, một số giám đốc các công ty phải đau xót thừa nhận rằng: “Đời sống của anh em đã cùng cực rồi! Họ chán chường và tuyệt vọng.”

“Cánh tay nối dài” chỉ còn một nửa

Vào năm 2016, nhiều thông tin cho biết nhiều hội đoàn nhà nước, kể cả những hội đoàn “cánh tay nối dài của đảng” đã bị cắt giảm nguồn cấp ngân sách đến 50%. Đến đầu năm 2017, “chủ” của một trong những “cánh tay nối dài” ấy – Hội Nhà Văn Việt Nam – xác nhận sự sụt giảm mạnh mẽ này. Thậm chí, chủ tịch hội đoàn này là “chính khách” Hữu Thỉnh, còn phải than thở là nếu không có ngân sách thì Hội Nhà Văn Việt Nam có thể phải giải tán vì không biết kiếm đâu ra tiền để “nuôi” ban chấp hành và hàng ngàn hội viên.

Có thể hình dung rằng mức độ giảm ngân sách bình quân cấp cho các hội đoàn nhà nước và khối doanh nghiệp công ích trong năm 2016 là từ 40 – 50%. Đây là mức giảm đột ngột và rất lớn.

Có thông tin cho biết trong năm 2017, ngân sách cấp cho khối hội đoàn sẽ tiếp tục sụt giảm khoảng 30%, để tính chung trong hai năm 2016 và 2017 thì khối hội đoàn nhà nước bị cắt giảm khoảng 60% ngân sách.

“Chi tiêu như thế thì chỉ có chết”

Tại kỳ họp giữa Tháng Ba, 2016 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, Bộ Trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng phải góp thêm tán thán để đời: “Chi tiêu như thế thì chỉ có chết.”

Trước ông Đinh Tiến Dũng, Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ cũng trở thành nhân vật than thở nhiều về gánh nặng ngân sách và nạn bội chi.

Còn cho đến giờ, ông Đinh Tiến Dũng mới thừa nhận một thực tế phũ phàng: “Năm 2016 dự báo giá trị thực tế GDP là 5.1 triệu tỷ đồng nhưng thực hiện chỉ được 4.6 triệu tỷ đồng.”

Tình hình ngày càng bi đát…

Thực ra, bi đát đã từ lâu. Thoạt đầu là việc lần đầu tiên “kiến trúc sư” Nguyễn Tấn Dũng phải ra trước Quốc Hội xin nâng trần bội chi ngân sách từ 4.7% lên 5.3% tại kỳ họp đầu năm 2014 – một thái độ chấp nhận chẳng đặng đừng về trần bội chi Việt Nam vượt trên mức nguy hiểm 5% theo thông lệ quốc tế.

Tuy thế, trần bội chi lý thuyết trên vẫn chưa là gì khi xuất hiện con số bội chi ngân sách nhà nước chỉ riêng năm 2013 đã là 6.6%.

Trong bối cảnh ngay cả khối công ích còn bị cắt giảm ngân sách, một bất công rất lớn lại vẫn xảy ra: Bội chi ngân sách năm 2015 và năm 2016 không hề giảm, thậm chí còn có chiều hướng tăng. Nếu năm 2013 được xem là “đỉnh” của bội chi ngân sách là 6.6% GDP, thì những năm gần đây tỷ lệ bội chi cũng tròm trèm 6% GDP.

Ngay vào đầu năm 2016, con số xin ngân sách mà các địa phương trình lên trung ương vượt gấp 20 lần khả năng chi của ngân sách trung ương. Trong khi đó, rất nhiều dự án kinh tế và xã hội đang bị đình đốn vì không biết lấy đâu ra tiền. Nợ công tăng vọt với mức 20% một năm và trong thực tế đã bằng cả GDP nguyên năm.

Riêng năm 2016 vẫn bội chi ít nhất 250 ngàn tỷ đồng.

Bội chi là thế, nhưng thu ngày càng giảm. Việc phát hành “trái phiếu chính phủ” mà những năm trước vẫn thường “vắt” được của giới ngân hàng thương mại đến 280 ngàn tỷ đồng, nhưng năm 2017 đã phải giảm chi tiêu này xuống còn 180 ngàn tỷ đồng, tức sụt đến hơn 30%.

Hơn 30% cũng là tỷ lệ sụt giảm của lượng kiều hối của “kiều bào ta” gửi về quê nhà trong năm 2016 so với năm 2015.

Với tình trạng bội chi bất chấp như thế, một số chuyên gia độc lập đã dự liệu rằng ngân sách trung ương sẽ không thể “kéo” qua được hết năm 2018.

Nghĩa là Việt Nam rất có thể rơi vào tình trạng giống như Argentina trong hai lần vỡ nợ vào năm 2001 và năm 2014.

Đầu năm 2017, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bất chợt phải bật ra cảnh báo về tương lai “sụp đổ tài khóa quốc gia.” Cần đặc tả là lời tán thán này là có cơ sở, bởi vì ông Phúc đã nhiều năm nắm “tay hòm chìa khóa” của chính phủ.

Trước Thủ Tướng Phúc, chưa có bất kỳ một quan chức cao cấp hay trung cấp nào dám nói về “sụp đổ” – một từ ngữ bị đảng coi là đặc biệt nhạy cảm.

Vậy trong khi tiền chi cho khối công ích giảm mạnh, số bội chi đi vào túi ai?

Theo báo cáo chi ngân sách của Bộ Tài Chính, số phân bổ được xem là “ổn định” nhất vẫn là ngân sách chi lương cho khối hành chính sự nghiệp và khối đảng – một nét tương đồng với phát biểu “tham nhũng vẫn ổn định” của ông Huỳnh Phong Tranh thời còn là tổng thanh tra chính phủ.

Đáng chú ý là mục chi phát triển sự nghiệp kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính vẫn luôn “đạt kế hoạch.” Có thể hiểu là làm gì thì làm, nguồn thu ra sao không biết, nhưng phần chi lương cho hành chính bị phản ánh có đến 30% công chức không làm gì cả vẫn phải giữ nguyên.

Đất nước cũng bởi thế nghèo đi là phải!

Dân tình cũng bởi thế ngày càng nheo nhóc cùng đôi vai quằn trĩu do sưu cao thuế nặng cho một chế độ xa dân đến mức khó còn đường quay lùi!

“Khôn nhà dại chợ”

Một xu hướng “khôn nhà dại chợ” là phần thu nội địa ngày một tăng lên, đang gây áp lực lớn về gánh nặng thuế, phí đặt lên vai người dân và doanh nghiệp. Trong khi thu từ thuế xuất nhập khẩu và dầu thô giảm mạnh, thì thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách. Từ mức 59% giai đoạn 2006-2010, tăng lên 68% trong giai đoạn 2011-2015, đặc biệt năm 2015 thu nội địa đã chiếm 74.4% tổng thu ngân sách.

Năm 2016, chính phủ đặt ra mục tiêu thu ngân sách khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với dự toán và 14% dự trù thực hiện của năm 2015. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách của Việt Nam đặt ra kế hoạch vượt con số 1 triệu tỷ đồng, tương đương 20% GDP dự báo của năm 2016.

Các nguồn thu nội địa được Bộ Tài Chính nhắm tới là bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Hiện vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp ước vào khoảng 1.3 triệu tỷ đồng, nhưng mới thoái thu được 5%.

Với xăng dầu, thời gian qua, khi thuế nhập cảng giảm thì Bộ Tài Chính đã ngay lập tức tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này lên tới 300%.

Các số liệu thống kê gần đây về tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức bình quân khoảng 20%, cao hơn hẳn so Thái Lan 16.1%, Philippines 13.5%, Indonesia 12.4%, Malaisia 14.3%…

Thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực, nhưng tỷ lệ thu cao hơn hẳn, khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế, phí/GDP gấp từ 1.4 -3 lần so với các nước.

Theo báo cáo môi trường kinh doanh 2016, Ngân Hàng Thế Giới công bố tỷ lệ huy động thuế phí đối với doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 39.4% lợi nhuận. Tức là làm được 10 đồng, nộp thuế gần 4 đồng.

Dân phản kháng

Tăng giá và thuế là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Sự tồn vong của đảng cầm quyền cũng lệ thuộc không khác hơn, nếu xét trên phương diện những thiệt hại về chính trị trên trường quốc tế và ngay trong lòng dân.

Xã hội và người nghèo cũng vì thế càng bị điêu đứng do các cuộc tranh giành bất tận của các nhóm quyền lực, cuộc chiến thao túng hoành hành không có giới hạn của những kẻ lắm tiền nhưng vẫn muốn có nhiều tiền hơn nữa.

Mọi thứ đều có giới hạn của nó. Cơ chế bổ lệ phí vào đầu dân theo kiểu dựng lên càng nhiều càng tốt trạm thu phí BOT, rốt cuộc đã khiến chính người dân thấp cổ bé họng phải phản ứng. Vào Tháng Ba năm nay, dân rùng rùng kéo chặn trước trạm thu phí Tam Nông ở tỉnh Phú Thọ và trạm Bến Thủy ở tỉnh Hà Tĩnh để phản đối việc thu phí.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã lao vào năm suy thoái thứ chín liên tiếp, con giun xéo lắm cũng phải quằn. Dự báo không bao lâu nữa, dự trữ trong những tầng lớp dân chúng nghèo nhất sẽ hầu như cạn và sẽ không một ai trong số họ muốn bỏ thêm một đồng nào để nuôi dưỡng một bộ máy gần 3 triệu công chức viên chức đảng và chính quyền với cung cách “hành là chính,” cùng 30% trong đó “không làm gì cả.”

Phạm Chí Dũng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét