Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

'Làm ăn kiểu quan hệ phong bì thì khó phát triển'

'Làm ăn kiểu vốn quan hệ, công nghệ phong bì thì khó phát triển'
18/05/2017 - Vấn đề mấu chốt để phát triển kinh tế tư nhân, theo các chuyên gia, là môi trường bình đẳng. Chừng nào mô hình làm ăn vốn quan hệ, công nghệ phong bì thì không có nền kinh tế mạnh. Ấn tượng về cuộc đối thoại Thủ tướng với doanh nghiệp Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh sau một năm nhiệm kỳ của Chính phủ mới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là bước tiến mới, tập trung hơn, công nghệ tốt hơn.

Các khách mời tại cuộc bàn tròn. Ảnh: Hoàng Hà.
Hôm qua, cuộc đối thoại với quy mô lớn nhất giữa các lãnh đạo Chính phủ và doanh nghiệp đã được tổ chức, với sự tham dự của 2.000 người tại Hà Nội và khoảng 100 người cho mỗi điểm cầu tại các tỉnh thành trên cả nước. Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại những cam kết mạnh mẽ về một Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Trong 2 giờ đồng hồ, 3 vị khách mời đã cùng thảo luận về Các giải pháp để khơi thông nguồn lực cho kinh tế tư nhân phát triển.

Ba vị khách mời là:

- TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

- TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch Đầu tư

- LS Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế VCCI, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Chính phủ thiện chí nghe, doanh nghiệp sẵn sàng nói thẳng

- Hôm qua, lần thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Các ông có theo dõi cuộc đối thoại hay không và đánh giá thế nào về cuộc đối thoại này?

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Không theo dõi trực tiếp Hội nghị nhưng qua báo chí tôi thấy tinh thần đối thoại rất cởi mở. Một bên có thiện chí nghe, một bên sẵn sàng nói. Tôi cho rằng đó là tiến bộ quan trọng.

Làm lãnh đạo cao cấp như Thủ tướng, Phó thủ tướng không phải lúc nào cũng được nghe những lời nói thẳng. Doanh nghiệp cũng ngại đụng chạm với các bộ, ngành nên ít nói thật nhưng tại hội nghị hôm qua ấn tượng của buổi đối thoại là các doanh nghiệp đã nói thẳng hơn và không tung hô nhiều.

Tôi rất ấn tượng vì ngay sau đối thoại, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị hạn chế việc kiểm tra thanh tra.

- TS Nguyễn Đình Cung: Tôi có dịp tham dự cả 2 hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm ngoái và năm nay. Theo tôi, khác biệt thứ nhất của hội nghị năm nay là số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều hơn, có cả cầu truyền hình tới 63 tỉnh thành.

Thứ hai, tham dự hội nghị năm nay có đủ mặt các bộ trưởng.

Thứ ba, phản ánh của doanh nghiệp năm nay ít gay gắt hơn so với năm ngoái. Năm 2016, phản ánh là sự dồn nén của nhiều năm nên kiến nghị của doanh nghiệp gay gắt hơn. Có thể năm nay, quá trình chuẩn bị của Chính phủ và một số vấn đề đã được xử lý trước hội nghị.

Khác biệt nữa là về chủ đề tập trung hơn. Nhiều ý kiến của doanh nghiệp phản ánh các vấn đề gặp phải là chi phí cao. Thủ tướng cũng phát biểu kết luận và gọi năm nay là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tôi cho đó là quyết định hoàn toàn đúng đắn.

Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, Hội nghị vừa rồi Chính phủ đã thể hiện thiện chí lắng nghe và doanh nghiệp cũng sẵn sàng nói thẳng. Ảnh: Việt Hùng.

Ngoài chỉ thị về thanh tra, giá như có chỉ thị về giảm chi phí thì đó là quyết định để lại dấu ấn trong chỉ đạo điều hành của Thủ tướng hay dấu ấn của hội nghị.

Theo tôi, dần dần sẽ có cải tiến, cải cách những cuộc họp tương tự thế này: Doanh nghiệp cũng không chỉ đến đấy để kêu khó khăn mà nên hiến kế nhiều hơn.

- LS Trần Hữu Huỳnh: Từng tham gia nhiều cuộc gặp qua các đời thủ tướng, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi có cảm nhận các cuộc gặp được tổ chức cùng với thời gian, theo sự phát triển của công nghệ, cách thức tổ chức tốt hơn.

Có ý kiến cho rằng cuộc gặp năm ngoái gay gắt hơn nhưng chúng ta cần đánh giá đó là sự tích tụ sau thời gian dài. Từ khi Nghị quyết 19 được ban hành và đặc biệt là Nghị quyết 35 của nhiệm kỳ thủ tướng mới, nhiều việc được giải quyết, những bức xúc được tháo gỡ dần ở các địa phương. Chính phủ có cổng thông tin điện tử, địa phương tập hợp ý kiến giải quyết quanh năm. Báo cáo của VCCI cho thấy khoảng 70% ý kiến, các vấn đề bức xúc được giải quyết.

Làm lãnh đạo cao cấp không phải lúc nào cũng được nghe những lời nói thẳng. Doanh nghiệp cũng ngại đụng chạm với các bộ, ngành nên ít nói thật. TS Nguyễn Sỹ Dũng

Tôi thấy rằng có những ý kiến, phản hồi, ví dụ như tại cuộc trao đổi của ông Đệ rằng chính quyền địa phương “bẻ kèo” cam kết với dân, doanh nghiệp. Tiếng nói đó phản ánh đúng thực tế. Những chuyện như vậy phần nào phản ánh mối quan hệ chính quyền với dân.

Tôi nghĩ nếu nhìn sâu hơn vào nội dung Hội nghị thì vừa có phản ánh vừa có hiến kế với cam kết của Chính phủ mới. Cam kết về một Chính phủ kiến tạo và hành động đang đi đúng hướng.

'Bộ trưởng có nhúc nhích, cấp dưới cũng mới động đậy'

- Các cam kết về cải cách, đổi mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân đã được đưa ra nhiều lần. Thế nhưng 20 năm qua, bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn yếu. 95% vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo các ông thì đâu là trở lực?

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Thứ nhất, để cam kết biến thành hiện thực người cam kết phải theo đuổi. Thứ hai, quan trọng hơn đó chính là cải cách thể chế.

Vấn đề lâu dài là cải cách thể chế phải triệt để và đúng chiều. Manh nha về cải cách thể chế đã có như phát triển công cụ đo đếm sự hài lòng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta không nên dừng lại những đánh giá chung chung mà phải có hành động thực tiễn.

Ví dụ trong việc cải cách đăng ký kinh doanh, nếu chỉ số cải thiện thì người chủ trì phải được khen thưởng. Như tại Singapore, GDP tăng khoảng 2% thì 1% có thể cắt lại để chia cho đội ngũ công chức vì nếu doanh nghiệp làm ăn được thì công chức cũng được hưởng. Mình đã làm cái đó chưa? Tôi nghĩ là khó vì không khéo anh nhũng nhiễu lại có thu nhập cao hơn với anh tận tâm phục vụ.

Thứ ba, phải xây dựng vận hành đạo đức công vụ. Mọi công chức phải theo đuổi lòng tin của công chúng. Vì nếu người ta không tin thì anh nói trời, nói thánh thì việc cải cách cũng chỉ nói cho vui. Đạo đức công vụ cũng bao gồm việc chống xung đột lợi ích trong đạo đức công vụ, phải coi trọng lợi ích công, đặt lợi ích công là trên hết.

Thứ tư, phải chống được chủ nghĩa tư bản thân hữu. Hiện các doanh nghiệp đầu tư vào quan hệ rất lớn. Nên anh có giỏi bằng mười mà không có quan hệ với ngành, địa phương thì rất khó khăn.

Tôi nghe nói chưa đại hội mà doanh nghiệp đã đầu tư cho doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia để người đó khi lên quan lên chức lại trả ơn, trả nghĩa.

Vậy, Chính phủ có cam kết có chiến lược để chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu không?

- TS Nguyễn Đình Cung: Theo tôi từ cam kết đến hành động ở Việt Nam là một khoảng cách rất xa. Không chỉ nói, muốn có kết quả thì anh phải thay đổi. Thay đổi về quy định, thể chế, cách thức làm việc, thái độ, cách làm việc của công chức, thay đổi cam kết chính trị, tính nhất quán của người đứng đầu…

Ví dụ như việc thanh tra, kiểm tra. Tôi nghĩ một chỉ thị thì có thể giải quyết được ngắn hạn, được năm sau, năm sau nữa thôi, chứ không thể duy trì áp lực kéo dài, thành áp lực hành chính.


"Bộ trưởng mà nhúc nhích thì quân cũng phải động đậy

" - TS Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Việt Hùng.

Cái chính là cần thay đổi bộ máy thanh tra kiểm tra. Kinh tế thị trường không có bộ máy thanh tra như chúng ta, mà họ làm theo cách khác. Họ để thị trường vận hành. Nhà nước chỉ đóng vai trò là người kiểm soát mà chỉ kiểm soát những lĩnh vực có độc quyền, bảo vệ môi trường, vấn đề phức tạp… Còn lại có các lĩnh vực khác là không cần có thanh tra.

Các nước chủ yếu thực hiện hậu kiểm theo mức độ tuân thủ và rủi ro, chỉ tập trung vào những doanh nghiệp có khả năng vi phạm nhiều, có rủi ro với xã hội. Các nước đã có một hệ thống thông tin về các vấn đề giám sát như qua ngân hàng, công nghệ thông tin…

Nếu các bộ đồng hành cùng doanh nghiệp, coi cái khó của doanh nghiệp là khó của mình, vướng của doanh nghiệp là vướng của mình thì mới khác được. Bộ trưởng mà nhúc nhích thì quân cũng phải động đậy. TS Nguyễn Đình Cung

Tôi lấy ví dụ việc vận chuyển hàng hóa từ Hải Phòng đi Hà Nội đắt hơn từ Trung Quốc về... Chính phủ hoàn toàn có thể cải cách cách thức vận hành đường bộ. Ngoài ra cũng có thể giảm kiểm tra chuyên ngành đang chiếm 30-35% hồ sơ xuất nhập khẩu. Nếu giảm xuống 10-15% thì tiết kiệm cho nền kinh tế hàng tỷ USD. Rất nhiều hồ sơ, giấy tờ kiểm tra, kiểm định, kiểm nghiệm đang có chi phí rất đắt đỏ.

Nếu các bộ đồng hành cùng doanh nghiệp, coi cái khó của doanh nghiệp là khó của mình, vướng của doanh nghiệp là vướng của mình thì mới khác được. Bộ trưởng mà nhúc nhích thì quân cũng phải động đậy.

Không đợi hệ thống thay đổi mới chuyển động

- Các doanh nghiệp vẫn cho rằng, quyết tâm vẫn nằm ở khu vực đầu não chưa thực sự đi xuống tới cơ sở, tới từng hơi thở của người tiếp dân, đón doanh nghiệp, khi mà ông Vũ Tiến Lộc nói "còn hiện tượng trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh"?

TS Nguyễn Đình Cung: Nếu mà nói về nền tảng thì chúng ta thiếu nhiều. Tôi đang thắc mắc tại sao chúng ta là một dân tộc không có khát khao phát triển. Khát khao đó phải nằm đầu tiên ở người lãnh đạo.

Trong bối cảnh hiện nay, một bộ trưởng mà tự nhận thức sự thua kém so với dân tộc khác, coi đó là động lực thúc đẩy người ta hành động để tiến kịp, thu hẹp khoảng cách. Theo tôi, đó là điều phải có trong mỗi con người.


"Cần lật lại vấn đề niềm tin của công chúng và sử dụng nó như thế nào" - LS Trần Hữu Huỳnh nêu quan điểm. Ảnh: Việt Hùng.

Tôi quay lại vấn đề giảm chi phí kiểm tra chuyên ngành. Tôi theo dõi việc giảm chi phí liên quan đến 10 bộ. Chỉ đạo giảm chi phí đã có từ thời nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nếu mình làm được điều này thì môi trường kinh doanh rất thuận lợi, tăng trường cao.

10 bộ có thể chế như nhau, tại sao chỉ có Bộ Tài chính thì hành động nhiều nhất. 9 bộ khác thì sao? Nếu tất cả 9 bộ khác cũng mong muốn thì sẽ thành công. Tại sao việc Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, ý nghĩa như vậy mà các bộ trưởng không vào cuộc, không thực hiện?

Khi bộ trưởng chưa thực sự vào cuộc thì cấp dưới vẫn thờ ơ. Bộ trưởng phải có một tham vọng thay đổi, cải cách phát triển. Bộ trưởng phải là người như thế, khát khao đưa ngành mình thay đổi, đất nước mình thay đổi. Trong bản thân từng con người phải có những động lực như thế, quốc gia mình mới thay đổi.

Từ thay đổi này sẽ dẫn đến nhũng thay đổi khác. Đừng chờ đợi cả hệ thống thay đổi mới thay đổi. Theo tôi phải xuất phát từ cá nhân.
Đo đếm sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

- LS Trần Hữu Huỳnh: Trước đây chúng ta từng nói: “Trên bảo dưới không nghe”, nhưng bây giờ có thêm thuật ngữ: “Trên nóng dưới lạnh”. Như vậy, cần nhìn rộng ra trên nóng chưa, nóng đều ra tất cả hay không ? Tôi cảm giác điều này chưa thực sự đúng.

Kết quả đo đếm niềm tin là phần thưởng người dân với lãnh đạo địa phương hay bộ nào đó. Nếu không sẽ khó có kết quả. LS Trần Hữu Huỳnh

Tuy nhiên, vì sao Chính phủ chưa thực hiện đầy đủ cam kết? Tôi nghĩ phía dưới thực sự “lạnh” chưa đều. Khảo sát VCCI cho thấy các công cụ đo đếm gây sức ép lên chính quyền địa phương và việc quy trách nhiệm từng cấp đã có chuyển động.

Dưới sức ép chỉ số VCCI ngoài đạo đức, liêm chính, chính trị, người đứng đầu chính quyền địa phương còn cảm thấy xấu hổ, không hài lòng. Nhưng mức độ này về tới chính quyền xã, phường thì “nguội dần, lạnh dần”.

Tôi nghĩ cần lật lại vấn đề niềm tin của công chúng và sử dụng nó như thế nào. Ở các nước, người dân bỏ phiếu để thể hiện niềm tin với chính phủ. Nhưng ở Việt Nam, đó còn là câu hỏi. Kết quả đo đếm niềm tin là phần thưởng người dân với lãnh đạo địa phương hay bộ nào đó, nhưng tôi thấy chưa rõ ràng. Nếu không sử dụng công cụ đo đếm thì đồng nghĩa với việc không có kết quả.

Cần có các công cụ đo lường, sự tác động của truyền thông để đem lại hiệu quả tốt hơn.

Bên cạnh đó, cần phát huy nhân tố tích cực, hạn chế tiêu cực, bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế để vận hành cơ chế hoàn hảo, toàn diện hơn.

Chúng ta cần thu thập sự đánh giá của người dân, tránh hô hào biểu trưng, nhằm đề cao trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương . Ảnh: Việt Hùng.

Tôi nghĩ rằng điều này phụ thuộc vào vị trí của người đứng đầu. Ví dụ ở chính quyền địa phương, bí thư tỉnh mang trách nhiệm chính trị, nhưng chủ tịch tỉnh còn mang trách nhiệm hành chính trước Chính phủ. Bài toán nằm ở đó.

Ở các cấp thấp hơn, trách nhiệm hành chính là chủ yếu, ngoài đạo đức công vụ. Người lãnh đạo đương nhiên phải có khao khát, ý thức để ngồi vào vị trí đó. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sự đánh giá của những người thụ hưởng, cụ thể là nhân dân. Chúng ta cần thu thập sự đánh giá của người dân, tránh hô hào biểu trưng, nhằm đề cao trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương

Nghị quyết 35 cho rằng mọi ý kiến phản ánh của doanh nghiệp được đăng tải trên cổng thông tin điện tử Chính phủ. Chính quyền địa phương muốn sử dụng nó như một công cụ thể hiện tiếng nói thường trực của người dân thì họ sẽ tìm mọi cách, tạo điều kiện thuận lợi cao nhất. Khảo sát VCCI cho thấy tiếng nói phản ánh của doanh nghiệp ngày càng gia tăng.

Có nhiều hình thức để người dân thể hiện tiếng nói của mình như đường dây nóng, cổng thông tin điện tử. Đó là nhu cầu để chính quyền tự “bắt bệnh” và sửa chữa.Nếu chính quyền không sửa, áp lực về hành chính có thể “xử” anh. Cần tiếng nói dân chủ của người dân, coi đó là hình thức để chính quyền củng cố sức mạnh, phát triển phồn thịnh.

Người sử dụng nhân sự không có quyền cách chức người dưới quyền, thì vẫn còn cảnh “trên bảo dưới không nghe”.

Khi tiếng nói của doanh nghiệp, người dân không được lắng nghe, họ sẽ sử dụng đến quyền tư pháp, khởi kiện. Nếu chúng ta không hoàn chỉnh phần còn lại của thể chế, thì điều này phụ thuộc vào ý chí người cầm quyền. Như vậy thì độ rủi ro rất cao. Tòa án cần độc lập, minh bạch bởi người dân thường sử dụng quyền này.

- TS Nguyễn Sỹ Dũng: Trong nền hành chính, nếu cấp trên giao cho anh việc cải thiện cấp phép kinh doanh, nếu không đạt thì anh bị cách chức. Nhưng nền hành chính của ta lại sử dụng bằng phẩm chất chính trị.

Chúng ta còn nhớ khi ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị cách chức Giám đốc Sở giao thông vận tải TP Hải Phòng lên Chủ tịch TP. Hải Phòng, nhưng chính Chủ tịch TP. Hải Phòng cũng không cách chức được. Người sử dụng nhân sự không có quyền cách chức người dưới quyền, vì vậy dẫn tới việc “trên bảo dưới không nghe”.

Vấn đề khác của chúng ta là quyết định nhân sự đi theo chính trị chứ không phải hành chính. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là trách nhiệm chính trị. Tuy nhiên trong nền hành chính của chúng ta, những cán bộ có thể nhũng nhiễu lại là người bỏ phiếu tín nhiệm cho cấp trên. Vì vậy nếu cấp trên làm không khéo đến hạn tái bổ nhiệm lại không được phiếu tín nhiệm nào.

Trong nền hành chính, nếu cấp trên giao cho anh việc cải thiện cấp phép kinh doanh, nếu không đạt thì anh bị cách chức. Nhưng nền hành chính của ta lại sử dụng bằng phẩm chất chính trị. Đó là nguyên nhân trên bảo dưới không nghe.

Thứ ba, trong hệ thống của chúng ta không phân biệt rạch ròi đâu là việc của Chính phủ. Chính phủ vẫn là nơi làm chính sách, vì vậy không thể vào một việc mà bỏ một chính sách liên quan tới hàng triệu người.
Hãy để tập đoàn kinh tế tư nhân hình thành tự nhiên, theo quy luật thị trường

- Ở thời điểm hiện tại, theo TS Vũ Thành Tự Anh, hệ sinh thái doanh nghiệp Việt Nam rất không lành mạnh. Thứ nhất là các doanh nghiệp Nhà nước được hưởng lợi nhờ độc quyền; thứ hai là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trải thảm đỏ ưu đãi, là công dân hạng cao; thứ ba là doanh nghiệp tư nhân với nhiều tầng: doanh nghiệp thân hữu có tài sản hàng tỷ đôla, doanh nghiệp nhỏ… “Nếu tạo ra hệ sinh thái phân tầng có phân biệt đối xử như thế này thì doanh nghiệp tư nhân nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không bao giờ phát triển được”, ông nói. Các ông đánh giá sao về nhận xét này?

TS Nguyễn Đình Cung: Tôi nghĩ mình phải đi sâu xa hơn là tìm kiếm nguyên nhân. Trước chúng ta có bàn đến nhưng chưa bàn sâu xa. Cơ chế phân bổ nguồn lực và mức độ phát triển thị trường là những điều cần phải bàn.

Thứ nhất, nguồn lực đang phân bổ theo hành chính xin - cho. Đã là cơ chế xin - cho thì người nào biết xin thì được, và thành công của doanh nghiệp phụ thuộc vào năng lực đi xin, không phụ thuộc vào tài năng, sáng kiến, mức độ cạnh tranh.

Doanh nghiệp có khả năng phát triển thì nguồn lực lại không có. Người đáng cần thì lại không làm được việc đó. Hệ quả tất yếu là nguồn lực chia mảnh ra, xuất hiện thân hữu. Đó là điểm quan trọng nhất. Để phát triển thị trường, nhất thiết phải bỏ cơ chế xin - cho.

Theo tôi, thị trường phải đóng vai trò chủ yếu phân bổ nguồn lực. Thị trường mà tôi nói là đất đai, vốn, lao động, khoa học, công nghệ… Trong đó hai thị trường quan trọng nhất là đất đai và vốn. Nếu hai thị trường này chưa phát triển thì nguồn lực vẫn phân bổ kiểu hành chính.

Cải cách 2 cái này thì vô cùng khó.

- LS Trần Hữu Huỳnh: Tôi quay trở lại ý kiến Việt Nam có nhiều tầng cấp doanh nghiệp, tồn tại tình trạng phân biệt đối xử, mỗi cấp có những lợi thế nhất định. Đó không phải là kết quả của quá trình cạnh tranh thị trường.

Kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân mới là kinh tế thị trường. Doanh nghiệp nhà nước là cần thiết song cần lấy kinh tế tư nhân làm trọng tâm. Đó là quá trình chuyển biến về việc nhận thức: ai mới là động lực thực sự của nền kinh tế.

Qua các lần sửa đổi Hiến pháp, tôi thấy sự dịch chuyển rất chậm, về phân bổ thị trường, về nhận thức kinh tế tư nhân chưa rõ ràng. Trước đây, chúng ta thống kê có 5 thành phần sở hữu. Hiến pháp 1992 nhấn mạnh kinh tế Nhà nước là chủ đạo, xuất hiện kinh tế tư nhân.

Bây giờ, sau 30 năm, chúng ta vẫn lấy nền kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Đây là vấn đề ý thức trong toàn bộ hệ thống chính tri và công quyền, nên có chuyện lạm dụng, xin - cho nguồn lực..

Tôi cho rằng sự nhận thức của cả một quá trình đang quá chậm và chưa rõ ràng, nên mới xuất hiện tình trạng như vậy.

- Có ý kiến cho rằng một quốc gia giàu mạnh cần có những tập đoàn kinh tế tư nhân giàu mạnh, nhưng con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giải pháp nuôi dưỡng và khai thác các tập đoàn này thế nào?

LS Trần Hữu Huỳnh: Bây giờ Việt Nam có các tập đoàn theo kiểu định hình hành chính, tập đoàn Nhà nước kiểu như vậy thì sẽ thất bại. Quyết định hành chính không phù hợp với thị trường cạnh tranh.

Về lý thuyết, "bụi tre" Việt Nam giống như mô hình tập đoàn, cần giống tốt, đất đai, thời tiết phù hợp thì tre già măng mới mọc. Như vậy, yếu tố tự nhiên và môi trường là rất quan trọng. Nếu ép uổng ghép tre này với chuối kia thì thành “tập đoàn tre - chuối” là thất bại.

Muốn phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân cần thành tập đoàn theo quy luật tự nhiên.

Nhìn từ góc độ Nhà nước, cần môi trường. Như ông Cung nói, doanh nghiệp cần được làm bất kỳ gì luật pháp không cấm, và nếu có cấm thì nói rõ. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là nên hạn chế tối đa việc cấm. Các quy định cần được minh bạch và áp dụng nghiêm túc từ phía Nhà nước, để doanh nghiệp tư nhân hoạch định rõ. Doanh nghiệp cũng được tự do trong mở rộng ngành nghề, địa bàn, quy mô, quan hệ giao lưu quốc tế.

Thứ hai là cạnh tranh có 2 yếu tố gồm duy trì môi trường cạnh tranh và tránh chủ nghĩa thân hữu - bóp chết tự do cạnh tranh. Thị trường hiện nay chủ yếu dùng quan hệ, phong bì để xin - cho, như người ta nói chua chát là vốn - quan hệ và công nghệ - phong bì thì không nói chuyện phát triển tập đoàn làm gì.

Chừng nào các doanh nghiệp nhà nước làm nhiệm vu chủ chốt, trọng điểm thì làm sao có cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân.

Thứ ba, phát triển tập đoàn là cả quá trình đảm bảo quyền sở hữu tư nhân, quyền được Nhà nước bảo vệ trong trường hợp tranh chấp. Trên cơ sở đó, tôi nghĩ các doanh nghiệp đó cần phát triển cơ sở tập đoàn đa ngành, phát triển bền vững.

Như ý kiến anh Nguyễn Sỹ Dũng, chúng ta đã có những con khủng long kinh tế tư nhân rồi và những con khủng long đó đang có cơ hội vươn ra các ngành nghề khác nhau, kể cả đầu tư công nghệ cao.

- TS Nguyễn Đình Cung: Tôi lại cho rằng nền kinh tế không nên phụ thuộc vào một vài tập đoàn. Một nền kinh tế không thể lớn mạnh và phát triển bền vững khi đã nhắm trước anh thắng cuộc. Một quốc gia hùng mạnh có nhiều yếu tố cấu tạo nên, trong đó cộng đồng doanh nghiệp năng động, có năng lực cạnh tranh hơn là phụ thuộc vào nhóm doanh nghiệp nào đó.


"Hãy để các doanh nghiệp tự nhiên phát triển" - TS Nguyễn Đình Cung đề nghị. Ảnh: Việt Hùng.

Chúng ta không có lý do gì để nhắm vào thành lập một vài tập đoàn tư nhân. Hãy để các doanh nghiệp tự nhiên phát triển.

Nếu chúng ta tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh thì nguồn lực sẽ phân bố vào người sử dụng tốt nhất, dự án có hiệu quả nhất. Tự nhiên doanh nghiệp sẽ hình thành theo hình chóp này.
Không cần những con gà công nghiệp

- Vấn đề mấu chốt để tạo đột phá trong phát triển kinh tế tư nhân hiện nay là gì?

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi cho rằng điều quan trọng nhất để cho kinh tế tư nhân phát triển là hãy tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng.

Vì động lực phát triển có trong khu vực tư nhân. Ngay cả khi bị cấm đoán, cải tạo, thì kinh tế tư nhân vẫn tồn tại. Khi có điều kiện được cạnh tranh thật, được bình đẳng thì kinh tế tư nhân sẽ phát triển.

Mặt khác, Nhà nước không nên tạo ra những “con gà công nghiệp” dù là gà công nghiệp của Nhà nước hay tư nhân. Trong sự cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp nào có tiềm lực phát triển và ngược lại chứ không cần sự o bế. Ngay thời bao cấp, dù bị o ép, doanh nghiệp tư nhân vẫn tồn tại.

Mặt khác, để chủ nghĩa tư bản thân hữu bùng phát sẽ tạo ra bất công lớn, có thể tạo ra bất ổn. Vì vậy môi trường kinh doanh phải chống được chủ nghĩa tư bản thân hữu, phải tạo được cạnh tranh lành mạnh, chính sách pháp luật phải minh bạch và có tính dự đoán.

Muốn tạo ra thị trường cạnh tranh phải cải cách thể chế. Nhưng thể chế không chỉ ngồi bàn giấy mà quyết được. Còn làm luật mà ý chí của người cầm quyền thì làm càng nhiều luật càng gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

- LS Trần Hữu Huỳnh: Cách đây 15 năm, Hội nghị Trung ương đã ra nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân. Dù có nghị quyết, tình hình phát triển kinh tế tư nhân thậm chí còn kém hơn.

Thứ nhất, chúng ta cần làm rõ doanh nghiệp tư nhân cần những gì, đó là việc bảo đảm sự bình đẳng. Không thể nói chung chung kinh tế nhà nước là chủ đạo, cần làm rõ chủ đạo làm gì. Những gì doanh nghiệp tư nhân không làm được, Nhà nước cần đứng ra đi đầu thực hiện. Doanh nghiệp tư nhân cần được tiếp cận một cách bình đẳng.

Thứ hai, điều này cần trở thành quyết tâm chính trị, ứng xử thường ngày trong hệ thống chính trị, hệ thống hành chính… Dựa theo nguyên tắc như vậy, cần rà soát các chính sách và quá trình thực thi nó.

Thứ ba, tôi đặc biệt đồng ý với quan điểm chống chủ nghĩa tư bản thân hữu, đó là yếu tố triệt tiêu khả năng phát triển.

- TS Nguyễn Đình Cung: Tôi chia sẻ thêm, để cạnh tranh phải phát triển thị trường. Việt Nam là thị trường còn nhỏ lắm, nhiều thứ phi thị trường, vậy nên phải thị trường hóa nó.

Chủ nghĩa thân hữu cũng vậy, phải thị trường hóa nó. Cần nâng cao hiệu quả quản trị, như đo lường 6 chỉ số của Ngân hàng Thế giới (WB). Phải có thị trường mới có lành mạnh, giảm thân hữu. Tôi thì luôn nghĩ còn dư địa rất nhiều ở Việt Nam để phiển sau nhiều năm định hướng kinh tế thị trường.

Zing.vn
http://news.zing.vn/lam-an-kieu-von-quan-he-cong-nghe-phong-bi-thi-kho-phat-trien-post747293.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét