Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

Khốn cùng, nghèo đói vì lễ đâm trâu

Khốn cùng, nghèo đói vì lễ đâm trâu
LĐ - 03/05/2017 Cứ vào độ tháng 3, tháng 4 hằng năm, nếu có dịp lên Sơn Tây - huyện miền núi nghèo nhất nhì tỉnh Quảng Ngãi, chúng ta thường bắt gặp lễ đâm trâu (hay còn gọi lễ ăn trâu) của người đồng bào Kadong, khác hẳn với các dân tộc Tây Nguyên đó là mọi chi phí trong lễ hội đâm trâu chỉ do gia đình tự bỏ ra để chiêu đãi làng xóm. Tuy vậy, chi phí cho lễ đâm trâu cũng để lại nợ nần, làm khốn khó nhiều gia đình.
Các thanh niên trai tráng trong làng hào hứng chuẩn bị giáo mác để đâm trâu.
Trên địa bàn huyện Sơn Tây có 3 dân tộc anh em cùng chung sống, đó là tộc người Kadong (thuộc dân tộc Xơ Đăng), dân tộc Kinh và Hrê. Trong cộng đồng 3 dân tộc thì tộc người Kadong là 12.872 người (chiếm tỉ lệ 86,1% trong tổng số dân trong toàn huyện). Địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, bị chia cắt mạnh. Người dân sống chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp.

“Thần chú” Pơ-dâu

Để tận mắt chứng kiến lễ đâm trâu của người đồng bào Kadong, 3 giờ sáng, từ trung tâm TP.Quảng Ngãi, theo QL24B, chúng tôi chạy xe máy phải mất hơn 2 tiếng mới đến huyện Sơn Tây, đoạn đường dài gần 100km với nhiều khúc cua, dốc, đèo nguy hiểm.

Khi màn đêm yếu ớt giăng phủ khắp núi rừng, hơi sương còn lạnh buốt, đứng đầu ngõ nhà anh Đinh Văn Đêm (thôn Tà Vay, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây) đã nghe tiếng cười nói rộn rã. Quanh cây nêu, hàng trăm con người từ nhỏ đến lớn lố nhố đứng chật cứng cả sân từ bao giờ. Cạnh con trâu, ông Pơ-dâu (thầy cúng), anh Đêm cùng các thành viên trong gia đình “rồng rắn” đi vòng quanh con trâu, cây nêu. Đếm đủ 3 vòng, ông Pơ-dâu tay phải cầm đuôi con trâu nâng lên cao, tay trái vẩy vẩy “ra lệnh” cho chủ nhà cùng các thành viên trong gia đình lần lượt chui qua.

Sau nghi thức “mở màn”, ông Pơ-dâu nhổ phọt bã nước trầu đỏ chót xuống đất rồi tiến đến đứng trước mũi con trâu, mặt nghiêm trang, miệng cứ lẩm nhẩm “thần chú” - bằng tiếng đồng bào. Theo một số người dân, câu “thần chú” chỉ có thầy Pơ-dâu biết, họ chỉ hiểu mang máng đó là lời mời thần núi Wang Mun, từ 3 tầng thế giới cùng tổ tiên ông bà về dự lễ đâm trâu cùng gia đình. Để tăng tính “huyền bí” của lời mời, vài tiếng cồng chiêng được vang lên nhưng cách rất yếu ớt bởi dư âm của cuộc rượu đêm trước.

Thời khắc quan trọng đã đến, đúng 6 giờ 30 phút, chủ nhà cầm trong tay một con dao sắc nhọn và đặt chiếc vòng đing ước hẹn lên sừng trâu. Trong tích tắc, anh Đêm dùng con dao chặt đứt vòng đing và đưa mũi dao đâm con trâu làm phép. Sau cú “khai đao” của chủ nhà, hàng chục thanh niên trai tráng đã cầm sẵn giáo mác thay nhau lao đến đâm liên tiếp vào đầu, cổ, bụng… trâu. Chưa đầy 2 phút chống chọi, trâu bắt đầu gục xuống, nằm bất động giữa sân.

Vay tiền để làm lễ… đâm trâu

Lễ đâm trâu kéo dài và phức tạp nhất trong đời sống sinh hoạt của người đồng bào Kadong. Tính từ ngày ủ rượu cần cho đến khi kết thúc lễ là 11 ngày. Ngày thứ nhất cho đến ngày thứ sáu, đàn ông làm nêu, trang trí cầu thang, trong nhà, làm sàn nhà, vào rừng dắt trâu về chăm sóc kỹ lưỡng, cho trâu ăn một loại cỏ đặc biệt. Phụ nữ trong làng đi chặt nứa non, giã gạo, nấu cơm nếp ủ rượu cần. Ngày thứ 7 khi họ hàng khách khứa đến đông đủ, gia đình làm lễ dựng nêu, gồm các nghi thức cúng cây nêu, xỏ mũi trâu, trang trí hoa Riăng klung lên hai sừng trâu… cùng hàng loạt lễ cúng đất, cúng máng nước, cúng ngã ba, cúng bếp...

Với vẻ mặt buồn bã, mệt mỏi sau nhiều đêm thức trắng “hầu” ông Pơ-dâu và hàng trăm khách gần xa, anh Đinh Văn Đêm thật thà, trong năm qua, gia đình thường xảy ra đau ốm, nên ông Pơ-dâu bảo phải cúng trâu thì thần linh mới bảo vệ và đuổi con “ma bệnh” về rừng. Nghe thế tôi mới vay tiền nhà nước 50 triệu, tiền bán keo 45 triệu đồng cùng với số tiền tích góp của gia đình bao nhiêu năm để lo việc. “Ông Pơ-dâu bảo rồi, cúng trâu xong thần linh phù hộ sức khỏe cho gia đình, làm ăn phát đạt” - anh Đêm đầy
hy vọng.

Khi ngồi lại tâm sự với những “nạn nhân” của lễ đâm trâu, họ đều nhận thức được hoàn cảnh éo le, khốn cùng của mình. Nhưng vì hủ tục, vì “tầm ảnh hưởng” của thầy
Pơ-dâu quá lớn nên họ không thể làm khác, vẫn nhất nhất “tuân” theo lời “truyền phán” của ông Pơ-dâu.

Theo ông Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch UBND xã Sơn Long, huyện Sơn Tây - xã có 4 thôn, với 554 hộ. Riêng thôn Tà Vay có tất cả 116 hộ, trong đó có 76 hộ nghèo. Đã nhiều lần chúng tôi cử cán bộ xuống trực tiếp địa bàn để vận động người dân không nên tổ chức lễ đâm trâu, gây tốn kém, nợ nần, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Mỗi khi có đau ốm, người dân cứ tìm đến ông Pơ-dâu để chữa bằng cách cúng tổ tiên, thần linh với nhiều vật hiến tế như trâu, bò, heo,... Nặng nhất là lễ đâm trâu, chi phí lên đến hơn 100 triệu đồng, trong khi thôn Tà Vay có tỉ lệ nghèo cao nhất xã, và sống chủ yếu vào nghề trồng keo. “Không riêng gì Tà Vay, nhiều thôn xã khác ở huyện Sơn Tây cũng có hủ tục đâm trâu như vậy” - ông Vượt ngao ngán.

Kho thóc cứu đói

Để phòng những lúc đói kém, mùa màng thất bát, giúp đỡ những gia đình khó khăn, người dân ở thôn Tà Vay, xã Sơn Long đã có “phát kiến” thành lập ra một kho thóc ở ngay giữa thôn, có người canh giữ, bảo vệ nghiêm ngặt. Cứ mỗi mùa, mỗi gia đình phải cử ra một thành viên cùng lên rẫy của làng cùng tham gia phát, gieo, chăm sóc… thu hoạch được bao nhiêu đều cho vào kho thóc cứu đói.

Bà Đinh Thị Nú - người bảo vệ kho thóc làng - kể, kho thóc cứu đói được thành lập từ năm 2010, trải qua 6 mùa rẫy, kho thóc đã giúp đỡ cho hàng chục lễ đâm trâu, gia đình đói kém, hoạn nạn. Hôm diễn ra lễ đâm trâu, bà Nú hồ hởi khoe, tôi đã mang 5 bao thóc cho nhà anh Đêm để tổ chức lễ.

Khi được hỏi: “Bà có khi nào mang thóc cứu đói cho những hộ sau khi tổ chức lễ đâm trâu không”. Vốn bản chất thật thà, bà nhanh nhảu trả lời: “Có, có chứ!”, Nhưng sau vài giây suy nghĩ, để “chữa cháy” cho câu trả lời bị “hớ”, bà thêm: “Nhưng ít lắm!”.

Đã quá trưa, dưới cái nắng cháy, giữa sân, quanh cây nêu, hàng trăm con người chen chúc nhau, người miếng thịt, kẻ cục xôi, nhồm nhoàm nhai, mặc kệ mỡ loang lổ, bóng loáng ở quanh miệng, trên tóc, tay và cả trên áo, quần. Tiếng cười, nói, mắng chửi lẫn nhau tạo nên một thứ âm thanh hỗn độn. Phía trong nhà, các cụ già, thanh niên quá chén nằm vật vã cạnh bếp, nôn ọe khắp sàn nhà.

Chúng tôi rời thôn Tà Vay cùng với câu hỏi, liệu trong vài năm tới, bà Nú có phải mở kho thóc cứu đói cho gia đình anh Đêm không? Một viễn cảnh đen tối, mù mịt diễn ra trước mắt như chính cái tên anh vậy!

http://laodong.com.vn/phong-su/khon-cung-ngheo-doi-vi-le-dam-trau-660108.bld

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét