Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

CHÚT TÂM TÌNH - Thương nhớ anh Việt Phương

Giữa cung cấm anh chỉ ngồi ghế xép; ghế đầu sai giúp việc; triều đình không có ghế cho thơ... Đọc đoạn này của Nguyễn Duy mình lại nhớ đến thói quen của chú Việt Phương. Tham dự các cuộc họp, chú rất ít khi ngồi, thường đi đi lại lại, hoặc đứng cuối phòng họp. Đôi lúc mình tưởng chú đang bận tâm điều gì không liên quan tới cuộc họp. Hóa ra không phải, vì cuối buổi họp, chú tổng kết nội dung thảo luận rất chi tiết, chia ra làm nhiều loại ý kiến và đánh giá, so sánh các ý kiến rất khoa học, có tính thuyết phục rất cao. Nhân nói tới chuyện không có ghế, lại nhớ khi làm Giám đốc Trung tâm phân tích hệ thống của bọn mình, nhà toán học lỗi lạc Hoàng Tụy không được bố trí phòng làm việc tử tế, nhiều ý kiến của ông không được cấp trên chấp nhận, nên ông cũng đã nhiều lần thốt lên "đến cái bàn cái ghế cũng không có thì làm Giám đốc kiểu gì ?" (chuyện các năm 1983-1985). Cuối cùng năm 1986 Giáo sư đã bỏ chức mà đi. Một số người đã theo GS trở lại Viện toán, nơi GS làm Viện trưởng, nhưng mình không theo.
Displaying IMG_1001.JPG
Ảnh của chủ Blog chụp tại lễ tang 13h25 10/5/2017. Con trai trưởng nhà thơ (anh Trần Trung Thực) phát biểu không cần chuẩn bị trên giấy.
CHÚT TÂM TÌNH
Thương nhớ anh Việt Phương
Truong Huy San NGUYỄN DUY [Trưa nay, từ 11:30 - 13:30, lễ viếng nhà thơ Việt Phương (1928 - 2017) diễn ra tại Hà Nội, từ Sài Gòn, nhà thơ Nguyễn Duy nhờ tôi chuyển bài thơ này như một nén nhang tiễn đưa]
Giữa cung cấm anh chỉ ngồi ghế xép
ghế đầu sai
giúp việc
triều đình không có ghế cho thơ
Đại sự quốc gia tuôn qua tay anh
soạn thư
thảo hịch
ho ra bạc
khạc ra tiền
thét ra lửa
em là bài thơ mà anh là tác giả *
vô danh

Chỉ làm thơ anh mới được là mình
giữa trang thơ anh thành chính chủ
ghế phụ hoá ngai vàng
vua quan làm con chữ
vỡ ra rằng thơ là đấng quyền năng

Vỡ ra rằng khi anh nằm xuống
hơn với thiệt hoả táng
chức với sắc hoả táng
mọi thứ đều danh hư
mộ chí giữa đời một tước hiệu
Nhà Thơ.

(Sài Gòn, 9.5.2017)
- - - - - - - - - - - - - - - - - - -
* Một ý thơ của Viêt Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét