Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

(2) Tạp chí Cộng sản nói về Bauxit LĐ lỗ 3.700 tỷ

Bauxite Lâm Đồng, những góc nhìn khác…
Kỳ 2: Đổi thay và những âu lo
5/5/2017 TCCSĐT - Hơn 1 thập niên kể từ khi Dự án tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng khởi động, đã có rất nhiều đổi thay thấy rõ ở vùng đất cao nguyên khí hậu ôn hòa bốn mùa mát mẻ này, đặc biệt về hạ tầng, sự phát triển kinh tế… Nhưng cho đến nay, vẫn còn những âu lo nhất định, cần được giải quyết triệt để giúp bà con ở gần phạm vi nhà máy yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống…
Ông Phạm Dũng Sỹ Phó Tổng Giám đốc LDA giới thiệu về 
việc trồng keo tại các khu vực đã hoàn thổ - Ảnh: N.T.T

Những đổi thay dễ thấy

Trên khai trường, mỗi khi ô-tô tải nặng nề rầm rầm chạy qua, bụi cuộn đỏ khi con đường chưa được tưới nước. Dọc con đường ồn ĩ tiếng động cơ máy xúc, ô-tô ấy, bên là khai trường, bên là những khu vực khai thác xong. Có những khu trong phạm vi lòng hồ, có những khu đã hoàn thổ để trồng cây. Phó Tổng Giám đốc LDA Phạm Dũng Sỹ chỉ tay giới thiệu, “đến cuối tháng 4-2017, đã hoàn thổ được khoảng 100ha, chủ yếu trồng keo, cây đường viền”, nhằm cải thiện chất lượng môi trường, tạo mỹ quan cho dự án và chống sói lở, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Sỹ cho biết, trước đây, lớp đất phủ bề mặt không đều, có chỗ trơ quặng không loại cây nào sống được, nay cũng lớp đất mặt ấy, nhưng được trải đều khoảng 1-1,5m tại tất cả các khu vực đã khai thác, nên cây cối sinh trưởng tốt. Quả có thế thật, đứng nhìn từ xa, bên cạnh những khu vực lòng hồ quạch đỏ, những khai trường bộn bề đào xới là những vạt xanh non tươi của các loại cây mới trồng. Đó chắc chắn là nguồn điều hòa sinh thái, môi trường hữu ích. Và mai này, khi cho thu hoạch, cũng sẽ là nguồn lợi không nhỏ.


Một đổi thay dễ thấy, nhiều người được hưởng lợi, đó là về kết cấu hạ tầng, là bộ mặt đô thị, là đời sống người dân… ở phạm vi ngoài khu vực dự án. Ông Nguyễn Văn Triệu - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lâm - đúc rút, dự án có nhiều thông tin trái chiều, nhưng cho đến nay đã đi vào hoạt động, tác động rất lớn đến địa phương - một huyện vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước khi có dự án, hạ tầng chưa có gì, đường đất và xấu. Sau khi Tập đoàn TKV góp 174 tỷ đồng, con đường hẹp và xấu trước kia dài 20km nối từ ngã ba Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc vào công ty đã được mở rộng, trải nhựa dễ đi, thuận tiện lưu thông. “Dự án đã tạo cú huých rất lớn đối với địa phương, kết cấu hạ tầng được đầu tư rất nhiều, bên cạnh đó là giáo dục, y tế, văn hoá. Sau khi dự án vào, giá trị đất đai tăng rất cao, gấp vài chục lần, có nơi cao hơn thành phố...”, ông Triệu cho biết. Bên cạnh đó, các ngành “ăn theo” phát triển, như: dịch vụ, cung cấp thực phẩm, cát, đá, tiêu dùng hằng ngày… tạo điều kiện cho một bộ phận người dân tham gia vào, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, khấm khá. Bà Hoàng Thị Cảnh, tổ 23, thị trấn Lộc Thắng quê gốc Hải Dương, vào Bảo Lâm từ năm 1993, gia đình cũng chỉ trồng cà phê, chè, làm ruộng, buôn bán tạp hóa... Nhà bà Cảnh ở sát nhà máy alumin, cách khoang chứa bùn đỏ chỉ một con đường rầm rập xe cộ qua lại. Cơ ngơi gia đình khá khang trang, với chiếc ô tô để ngoài sân, riêng bộ đồ phòng khách, bàn thờ giá cũng cả trăm triệu đồng… Bà Cảnh cho biết, “tác động về kinh tế-xã hội là nổi bật nhất. Ngày trước có ông say rượu hay nói đây là U Minh Thượng, U Minh Hạ; giờ thì điện-đường-trường-trạm thay đổi hẳn”. Nhà bà Cảnh có 2 người con làm ở nhà máy, “hai vợ chồng đi học ở Trung Quốc về, giờ chồng làm quản đốc, lương chắc khá hơn, chắc hơn chục triệu đồng/tháng. Giàu thì khó, nhưng ổn định”, bà Cảnh cho biết.

Và vấn đề lao động chính là một đổi thay rất quan trọng, tác động rất lớn tới kinh tế-xã hội địa phương. Theo bà Hoàng Thị Thu Hà - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Lộc Thắng, “nhiều lao động nông nhàn, trình độ không cao được tham gia, tiếp nhận vào công ty, nhiều cháu được đưa đi đào tạo nghề tại Trung Quốc. Nhờ đó, chi tiêu của cư dân địa phương lớn hơn, thực sự là cú huých cho các ngành sản xuất, dịch vụ”. Trong tổng số 1.669 lao động đang làm việc, có tới 1.260 người là lao động địa phương, 67 lao động là người dân tộc thiểu số và không có lao động nước ngoài. Về trình độ, có tới 968 người có trình độ trung cấp, 130 người là công nhân kỹ thuật, 39 lao động phổ thông… Không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho lao động trong phạm vi nhà máy, kể từ khi dự án hoạt động, còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều doanh nghiệp khác... Ông Sỹ so sánh, “nếu như trước đây cả thị trấn chỉ có 1-2 quán ăn sáng thì bây giờ không đếm nổi”. Và ông Sỹ cũng cho biết, hiện đã có những nghiên cứu về việc bùn đỏ có thể được sử dụng để sản xuất gạch không nung, sắt xốp. Rồi sau này có thể tiến tới luyện nhôm, như cái tên được đặt đã tính xa - Công ty TNHH Một thành viên Nhôm Lâm Đồng - TKV... Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn sẽ có thêm nhiều việc làm mới được tạo ra, kéo theo đó là thu nhập, là việc phát triển các dịch vụ, thương mại… Sự đổi thay khi ấy, chắc sẽ lớn, rõ rệt hơn.

Những âu lo…

Vẫn là câu chuyện bùn đỏ, đặc biệt sau khi sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hung-ga-ri, Bra-xin những năm gần đây gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Thế nên, khi xảy ra sự cố tràn bùn đỏ do vỡ đê tại Công ty LDA vào ngày 8-10-2014 tại khu vực hồ thải quặng đuôi số 5, phân xưởng tuyển khoáng thì âu lo lại lớn hơn. Tuy nhiên, hồ thải quặng có dung tích hơn 2 triệu khối này dùng để chứa bùn, nước trong quá trình rửa quặng; không chứa hóa chất và các loại chất độc hại như bùn đỏ. Và khi bị vỡ, nước mặt chảy ra ngoài cũng chỉ đổ xuống hồ chứa nước Cai Bảng cung cấp cho nhà máy sản xuất alumin Tân Rai (trữ lượng 10 triệu khối, rộng 127ha). Và cũng nhanh chóng, sự cố được khắc phục, không gây thiệt hại về máy móc, thiết bị, con người cũng như vườn tược, hoa màu của nhân dân. Sau sự cố, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các hồ, đập chứa bùn, nước thải… Nhưng đó không phải là khoang chứa bùn đỏ. Sau một vòng tận thấy các công đoạn để cho ra đời sản phẩm alumin đóng bao, chuyển lên xe tải để xuất khẩu, chúng tôi đến khoang chứa bùn đỏ. Ông Sỹ giới thiệu, khoang chứa đầu tiên trong số 8 khoang của giai đoạn 1 đã sắp đầy. Mỗi khoang chứa bùn đỏ đều được thiết kế với hệ thống lọc xương cá, chống thấm ngược, nước lọc được dẫn về nhà máy để tái sử dụng, khi đầy sẽ đóng khoang, phủ đất rồi trồng cây. Đi lại dễ dàng bốn xung quanh khoang chứa bùn đỏ ở những phần đã khô cứng, ông Sỹ cho biết, “Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu và cho biết bùn đỏ có thể dùng để sản xuất sắt xốp, gạch không nung. Nếu thành công sẽ không phải mở rộng các khoang chứa bùn, lại xử lý được bùn đỏ, hiệu quả kinh tế lớn hơn nhiều”.


Tại khoang chứa bùn đỏ Công ty TNHH Một thành viên Nhôm Lâm Đồng - Ảnh: N.T.T

Một âu lo khác, vẫn lại liên quan đến môi trường. Ông Tường Thế Hà - Phó Tổng Giám đốc LDA - cho biết, từ khi đi vào vận hành đến nay, Công ty thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt năm 2010, song song với việc áp dụng các giải pháp sáng tạo kết hợp việc quản trị tốt công nghệ. Trong năm qua, Công ty đã thử nghiệm và đưa vào sử dụng thành công chất trợ lọc, giúp làm giảm độ ẩm hạt hydrat, đồng thời điều chỉnh công nghệ làm thay đổi cỡ hạt hydrat để bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, Công ty cải tạo hệ thống đường ống bơm tuần hoàn dòng đáy tại các bồn lắng rửa, rút ngắn thời gian khi bơm ra hồ bùn đỏ, giảm lượng xút và thời gian tăng tải dây chuyền… Công ty còn đầu tư cải tạo các hệ thống giám sát khí thải và đang phối hợp với Viện Hóa học Việt Nam khảo sát lập phương án khử mùi cho khu vực khí hóa than để giảm tác động đến môi trường trong nhà máy alumin cũng như các khu vực xung quanh…

Chúng tôi hỏi chuyện Nguyễn Khắc Tuân khi anh đang lúi húi làm việc trong xưởng. Tuân sinh năm 1985, đã “làm được 7 năm, trước làm sửa chữa tổng hợp, giờ là đốc công phân xưởng sửa chữa tổng hợp, phụ trách bộ phận đóng bao-cẩu trục-xe nâng”. Tuân cho biết, gia đình anh có 3 thế hệ làm việc tại Tập đoàn TKV, anh ruột Tuân đang làm ở phòng KCS, mỏ tuyển của nhà máy. Khi hỏi nhỏ về vấn đề sức khỏe, Tuân nói, “sức khoẻ bảo đảm, môi trường làm việc chỉ hơi bụi một chút”. Những công nhân khác chúng tôi gặp, từ người lái máy xúc đến công nhân vệ sinh, cũng đều không thấy vấn đề gì về sức khỏe, lại được công ty miễn phí suất ăn ca, suất ăn độc hại, được khám sức khỏe định kỳ, du lịch hằng năm nên đều thấy ổn. Nhưng người dân sống quanh nhà máy thì chưa thật yên tâm. Trước những băn khoăn, lo lắng và đề nghị của các hộ dân sống gần khu vực nhà máy ở tổ 20, 21, thị trấn Lộc Thắng, Công ty đã thống nhất với bà con nhân dân mời Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tiến hành khảo sát và lấy mẫu phân tích các thành phần môi trường từ ngày 9 đến ngày 13-01-2017, dưới sự giám sát của bà con. Tháng 4-2017, kết quả quan trắc môi trường xung quanh nhà máy alumin được công bố, liên quan đến chất lượng mặt nước, chất lượng nước thải, chất lượng nước dưới đất, chất lượng môi trường không khí xung quanh và tiếng ồn. Ông Tường Thế Hà cho biết, nhìn chung các kết quả đều tốt, không vượt ngưỡng cho phép. Về chất lượng môi trường nước mặt ở 2 vị trí quan trắc có chất lượng còn tốt, các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước mặt không đáng kể. Các thông số hữu cơ, dinh dưỡng và chất độc (As, CN, tổng Phenol) đều đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Về chất lượng môi trường nước dưới đất, ở giếng quan trắc số 2 thuộc hồ bùn đỏ, nước có mùi tanh hôi, có hiện tượng thành giếng bị vỡ (do làm bằng thép, lâu ngày bị ô-xy hóa) và bị lối cuốn bùn đất gây ô nhiễm thông số Fe, vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT 2,5 lần. Tuy nhiên, nước dưới đất của hộ ông Nguyễn Viết Động (tổ 21, thị trấn Lộc Thắng) chất lượng tốt, hầu hết các thông số đều đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, ngoại trừ thông số coliform vượt nhẹ so với QCVN và chỉ số pH hơi thấp. Đây là đặc trưng tự nhiên của nước dưới đất trong khu vực. Về chất lượng môi trường tiếng ồn tại 3 vị trí quan trắc đo trong 3 ngày liên tục có giá trị thấp. Hầu hết các giá trị đo đều đạt QCVN 26:2010/ BTNMT (70dBA) và một số thời điểm tiếng ồn vượt nhẹ so với QCVN. Nhìn chung yếu tố gây ô nhiễm tiếng ồn chính là hoạt động vận tải tại thời điểm quan trắc có mật độ hoạt động thấp. Về chất lượng môi trường không khí xung quanh, nhìn chung tại thời điểm quan trắc tại 3 vị trí lấy mẫu có chất lượng khá tốt, hầu hết các thông số ô nhiễm không khí (TSP, SO2, NO2, NH3, H2S) đều đạt giới hạn quy định của QCVN 05:2013/BTNMT…


Bà Hoàng Thị Cảnh ở tổ 23, thị trấn Lộc Thắng cho biết, có ồn, có mùi nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe - Ảnh: N.T.T

Kết quả quan trắc môi trường được công bố kịp thời, rộng rãi. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp còn những băn khoăn nhất định, bởi các thông số được công bố bà con không hiểu. Và những nghi ngại thì không dễ xua tan tức thời. Nhớ lúc chúng tôi bất chợt rẽ vào nhà bà Hoàng Thị Cảnh ở tổ 23, vừa bán tạp hóa, bà Cảnh vừa cởi mở trả lời thẳng băng. Bà Cảnh nói rằng, “thi thoảng ồn ào thì phải chấp nhận, nhưng không đáng kể. Đến xe máy gia đình mình đi nhiều còn dão nữa là nhà máy hoạt động. Tầm này năm ngoái, đang nắng mà mưa là có mùi như xà bông (mùi xút) trong vòng 1 tiếng đồng hồ, giống như mình lau sàn nhà ấy. Còn mưa triền miên, hoặc nắng triền miên là không có mùi. Tôi ở đây trực tiếp bán hàng suốt ngày cảm nhận thế. Còn ô nhiễm không khí thì mình không biết, phải nhà chuyên môn. Về sức khỏe dân làng ra sao mình cũng không biết, nhưng gia đình tôi thì thấy không có vấn đề gì”. Bà Hoàng Thị Thu Hà - Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Lộc Thắng - cho biết, chính quyền địa phương luôn đồng hành, chia sẻ với nhân dân. “Thực tế là có mùi, có ồn, có tai nạn, nhưng ở mức độ cho phép. Thế nên, dù có kết quả quan trắc, nhưng bà con vẫn chưa thật yên tâm. Lãnh đạo địa phương và công ty vẫn đồng hành, tiếp tục giải quyết các yêu cầu chính đáng để bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Còn bùn đỏ giờ cũng cao giá lắm chứ, có nhà đầu tư muốn vào mua để sản xuất gạch không nung, sắt xốp”, bà Hà nói.

Một mối lo khác, thoạt nghe cũng khá “nóng”, ấy là chuyện an ninh trật tự, đặc biệt trước đây có sự hiện diện của lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động phổ thông. Thế nhưng, những người tôi gặp, trò chuyện, dù là nhân dân hay cán bộ, người thị trấn hay trong công ty, đều thấy không có gì thật sự đáng quan ngại, an ninh trật tự được giữ vững, không có gì nổi cộm. Thực tế, khi có dự án, tổ công tác của Công an huyện Bảo Lâm đã được thành lập vào năm 2006. Nhưng cũng không phải giải quyết vấn đề gì lớn. Từ năm 2010, tổ được nâng cấp thành Đồn công an Tân Rai, hiện có 7 cán bộ, chiến sĩ, trụ sở nằm ngay cạnh nhà máy alumin. Đại uý Lưu Đình Thông - Phó đồn công an Tân Rai - cho biết, “nói chung tình hình không có gì nổi cộm, chỉ xảy ra trộm cắp vặt. Người dân với nhà máy cũng gần gũi thôi, có việc hay mời lãnh đạo công ty xuống. Mới đây, công an huyện tăng cường lực lượng xuống xử lý vi phạm về giao thông, xe tải chở quặng, alumin cũng không chạy nhanh nữa. Xe cũng không được lưu thông vào giờ cao điểm khi dân đi làm, học sinh đi học”. Điều này cũng được bà Hà công nhận. “Các vấn đề về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, tệ nạn... nói chung không có điểm nóng, ổn định”, bà Hà khẳng

***

Chúng tôi xin mượn lời của ông Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm Hoàng Trọng Hiền để khép lại bài viết này. Ông Hiền nói: “Kể từ khi có dự án, bộ mặt của thị trấn Lộc Thắng cũng như huyện Bảo Lâm đã thay đổi rất nhiều, tích cực. Nhà máy nộp ngân sách mỗi năm khoảng 300 tỷ đồng, chưa kể phí môi trường, thuế giá trị gia tăng… Tất nhiên, không thể kỳ vọng không ô nhiễm môi trường, nhưng ở mức cho phép và thực sự công ty đã hạn chế tối đa rồi. Công ty có lãi, tỉnh có nguồn ngân sách lớn, thị trấn huyện lỵ muốn được thụ hưởng trở lại bằng các nguồn kinh phí cụ thể để đầu tư cho hạ tầng, môi trường, để thị trấn ổn định, đẹp hơn, xanh hơn, trong lành và đáng sống hơn”.

Phạm Thắng
Dũng Minh
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/kinh-te/2017/44732/Bauxite-Lam-Dong-nhung-goc-nhin-khac.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét