Bauxite Lâm Đồng, những góc nhìn khác…
1/5/2017 TCCSĐT - Cứ nhắc đến bauxite, chúng tôi lại hoang mang bởi vô vàn thông tin đầy bất lợi, u ám. Nào là chưa đầu tư đã biết thua lỗ, rồi là “hàng thải” công nghệ, là những nguy cơ ô nhiễm môi trường, mối hiểm hoạ từ hồ chứa bùn đỏ... Cách đây hơn 1 tháng, là thông tin được nhiều cơ quan báo chí đăng tải, rằng tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng lỗ gần 3.700 tỷ đồng chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động… Chúng tôi tìm đến tận nơi, nghe từ nhiều phía, bằng nhiều cách khác nhau...
Ông Phạm Dũng Sỹ - Phó Tổng Giám đốc LDA giới thiệu về Dự án - Ảnh: N.T.T
Kỳ 1: Lỗ thật, lãi cũng thật
Lỗ thật
Thoạt nghe số lỗ khổng lồ ấy chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, rất nhiều người hoảng sợ, âu lo, nghiêng dồn về phía những dự báo đầy tính bất an ngay từ khi dự án được thông qua về chủ trương tại Nghị quyết Đại hội X của Đảng (năm 2006). Ngay cả tại nơi mà dự án “đứng chân” (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), cũng có những băn khoăn, âu lo vì không rõ thực - hư ra sao. Ông Nguyễn Ngọc Nhi - Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Bảo Lâm - cho rằng: “Thua lỗ thì không biết được, cũng hơi lo lắng”. Không lo lắng sao được, khi chỉ ngần ấy thời gian hoạt động mà đã “rước” số lỗ khổng lồ đến như vậy. Không lo lắng sao được, khi dự án mới “lặng” đi thời gian ngắn đã lại ồn lên thông tin đầy bất lợi. Không lo lắng sao được, khi một dự án mới đi vào hoạt động mà mỗi năm đã lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng… Chúng tôi xin được quay trở lại từ cái thuở ban đầu đầy sóng gió ấy…
… Theo Quyết định 1396 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TKV năm 2006, tổng mức đầu tư dự án là 7.787 tỷ đồng, công suất 600.000 tấn alumin/năm, thời gian thực hiện từ năm 2006 đến năm 2009. Đây là một dự án mang tính thử nghiệm, thí điểm, nếu hiệu quả tốt sẽ tiếp tục triển khai. Nhưng trong quá trình thực hiện, dự án đã có 4 lần điều chỉnh vốn. Đến tháng 10-2013, TKV điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 15.414,4 tỷ đồng, công suất 650.000 tấn alumin/năm, thời gian thực hiện từ năm 2006 đến năm 2013. Như vậy, so với phê duyệt lần đầu, dự án bị chậm 4 năm, tổng mức đầu tư tăng gần gấp 2 lần. Nguyên nhân lỗ chủ yếu do thời gian dự án bị kéo dài, phát sinh chi phí đầu tư; kỹ thuật, công nghệ phức tạp, lần đầu thực hiện ở Việt Nam nên thời gian đầu đi vào hoạt động gặp nhiều khó khăn; dây chuyền sản xuất chưa ổn định, phát sinh nhiều chi phí để sửa chữa, khắc phục… Bên cạnh đó, là các nguyên nhân khác: giá alumin, nhôm thế giới sụt giảm, thuế tài nguyên, phí môi trường tăng, phát sinh thêm thuế xuất khẩu alumin... Báo cáo của đoàn thanh tra cũng cho rằng, tính đến cuối năm 2016, dây chuyền sản xuất của dự án đã vận hành ổn định, đạt xấp xỉ công suất thiết kế, giá thành sản xuất giảm, giá alumin, nhôm trên thế giới hồi phục… nên dự kiến năm 2017 sẽ hết lỗ kế hoạch theo đúng “lộ trình”.
Sau khi số lỗ khổng lồ của Tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng được công khai, đại diện TKV cho biết, các khoản thua lỗ đều nằm trong dự kiến và trong năm 2017 dự án sẽ có lãi, đúng theo kế hoạch đề ra khi dự án đã làm chủ được công nghệ và các chỉ tiêu cũng tốt hơn, chất lượng sản phẩm tăng lên, giá thành sản phẩm alumin giảm xuống... Một diễn biến khác, Bộ Công Thương yêu cầu “TKV khẩn trương hoàn thành công tác nghiệm thu, thanh quyết toán công trình, đồng thời có văn bản gửi Bộ Công Thương trước ngày 30-4 đối với dự án tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng…”.
Lãi thật
Dự án tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng được thành lập với mục tiêu khai thác quặng bauxite mỏ Tây Tân Rai tại huyện Bảo Lâm và huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng để sản xuất alumin. Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2006 và báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung năm 2010. Mỏ bauxite Tây Tân Rai được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép vào ngày 21-6-2010, với tổng diện khu vực khai thác là 1.619,5ha và tổng trữ lượng khai thác 119.361.000 tấn quặng. Công suất khai thác trung bình khoảng 4.300.000 tấn/năm (quặng nguyên khai). Công nghệ khai thác đang áp dụng tại mỏ là công nghệ khai thác lộ thiên, công nghệ sản xuất alumin là công nghệ Bayer theo tiêu chuẩn quốc tế bằng phương pháp thủy luyện gồm 5 giai đoạn (nguyên liệu, hòa tách, lắng rửa, kết tinh, nung); sản xuất khoảng 650.000 tấn alumina/năm…
Trước khi đến Công ty TNHH một thành viên Nhôm Lâm Đồng-TKV (LDA) - đơn vị tổ chức quản lý vận hành toàn bộ Dự án tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng (bắt đầu tiếp quản dự án từ ngày 01-10-2013) - chúng tôi có tham khảo ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, lãnh đạo huyện Bảo Lâm... “Điều lạ” là các vị lãnh đạo đều không thấy sự băn khoăn, lo lắng về bauxite, bùn đỏ cũng như tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Triệu - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lâm - còn cho rằng, “dự án có nhiều thông tin trái chiều, nhưng cho đến nay đã đi vào hoạt động, sản xuất đến đâu bán đến đó”.
Sau khi nghe Phó Tổng Giám đốc LDA Phạm Dũng Sỹ giới thiệu khái lược về toàn cảnh dự án trên sa bàn, chúng tôi đi một vòng đến khai trường, nhà máy tuyển quặng, nhà máy alumin, đến những khu vực khai thác xong đã hoàn thổ và trồng cây, giẫm lên cả hố bùn đỏ đã khô cứng bốn xung quanh bể chứa… Dọc đường, khi xe tưới nước chưa phun ướt đường, bụi vẫn quận lên, đỏ quạch mỗi khi xe tải rầm rầm chở quặng đi qua… Ông Sỹ thừa nhận, đây là “dự án nhạy cảm”, cũng như có thời gian dài bị “khủng hoảng truyền thông”. Nhưng dù sao thì đến nay cũng “đã chứng minh là ổn”, dù số lỗ được công bố là có thật, nhưng nó nằm trong kế hoạch. Tại công ty, chủ yếu là tiến hành khai thác lộ thiên, sau khi gạt lớp đất phủ (bình quân 0,5m) là có lớp quặng bauxite dày bình quân 3,5m. Sau đó, quặng được đưa về nhà máy tuyển, rửa, đập với kích cỡ dưới 40mm. Theo tính toán, khoảng 6 tấn quặng nguyên khai sẽ sản xuất được 1 tấn alumin... Ông Sỹ cho biết, ngay sau khi nhà thầu Trung Quốc rút toàn bộ khỏi dự án, việc vận hành dây chuyền sản xuất hết sức khó khăn. Chính vì vậy, việc làm chủ công nghệ, và rồi hạ được giá thành là thành công lớn nhất. Ông Tường Thế Hà - Phó Tổng Giám đốc LDA - khẳng định: “điều thành công lớn nhất là làm chủ được công nghệ, tự mình làm chủ vì chưa có ai đi trước để mà học hỏi. Thời gian tiếp nhận dự án cũng gần như không chủ động, không tiếp nhận được gì. Chỉ chạy thử, rồi thôi, nên chúng tôi tự tìm tòi, mày mò là chính”.
Đặng Trung Kiên, Trưởng phòng Kỹ thuật-Công nghệ của LDA là một trong những người gắn bó từ đầu với công ty. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành luyện kim, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Kiên “đi làm thép ở Hải Phòng”. Sau đó, do người nhà giới thiệu, anh xin chuyển công tác về TKV và được cử đi học nâng cao 3 năm ở Trung Quốc. Kiên nhớ, “sau khi chạy thử theo hợp đồng, nhà thầu rút luôn vào tháng 10-2013, và chúng tôi tự phải vận hành. Dù đã được đào tạo trong quá trình chuyển giao công nghệ, nhưng vẫn còn những bỡ ngỡ. Chúng tôi chạy theo thiết kế, sự cố đến đâu khắc phục đến đó, chủ yếu là sự cố dây chuyền công nghệ và thiết bị... Khi xảy ra sự cố thì tạm đóng cửa nhà máy để sửa chữa, khắc phục”. Cứ như vậy, từng bước, nhiều sáng kiến được áp dụng cho phù hợp với điều kiện sản xuất ở nhiều khâu khác nhau, với tính chất khí hậu của địa phương để bây giờ người Việt đã làm chủ nhà máy, vận hành công nghệ, giúp giảm giá thành đáng kể… Ông Sỹ cho biết, nhờ thu hồi quặng tốt hơn, giảm vật tiêu tiêu hao một số vật liệu chính,... giúp giá thành sản xuất giảm. “Trước đây là 5,7 triệu đồng/tấn đến nay giảm xuống còn khoảng 4 triệu đồng/tấn”.
Một góc khai trường tuyển quặng - Ảnh: N.T.T
Nói thêm về chuyện “lỗ khủng”, ông Sỹ trần tình, “năm 2016 có thời điểm giá alumin xuống thấp nhất là 200USD/tấn trong khi điểm hòa vốn (bằng giá thành) theo tính toán phải ở mức 326 USD/tấn”. Lại thêm những năm đầu phải “gánh” nhiều chi phí trả lãi vay, chi phí khấu hao đều rất lớn, rồi công suất thấp. Nhưng cuối năm 2016, “máy móc hoạt động đạt 95% công suất thiết kế, năm nay phấn đấu đạt 100%”. Và bây giờ, theo ông Sỹ, giá thành sản xuất cạnh tranh ngang bằng với các nhà máy alumin trên thế giới. “Với thực tế vận hành, chi phí như hiện nay, giá hoà vốn khoảng 300USD/tấn. Kể từ quý 3-2016, giá alumin phục hồi, hiện giao động ở mức 320-350USD/tấn (giá xuất tại Cảng Gò Dầu, Đồng Nai), công ty đã có lãi, sớm hơn điểm hoà vốn tính lỗ kế hoạch 1 năm. Quý I-2017, sơ bộ lãi khoảng hơn 20 tỷ đồng”, ông Sỹ cho biết. Nhưng thực tế, theo ông Sỹ, riêng với Công ty LDA hiện chưa được bàn giao tài sản mà chỉ “vận hành thuê, mấy năm rồi năm nào cũng lãi một chút, đóng góp cho ngân sách địa phương không ngừng tăng”. Cụ thể, việc đóng thuế tài nguyên môi trường, phí môi trường và thuế, phí khác kể từ năm 2011 đến năm 2016 lần lượt là: 2.984 - 56.516 -39.172 - 186.179 - 206.822 - 251.977 - 743.650 triệu đồng.
Hiện nay, Công ty LDA sản xuất 4 loại sản phẩm là quặng nguyên khai, quặng tinh, aluminium hydroxide, aluminium oxide. Trong đó, chủ yếu là sản phẩm aluminium oxide (để luyện ra nhôm). Công ty cũng có xí nghiệp sản xuất bao bì phục vụ riêng cho việc đóng bao sản phẩm, chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường các nước, như: Trung Quốc (chiếm khoảng 40%), Ấn Độ, Nhật Bản, thị trường Trung Đông… Trong khi đó, sản phẩm bán trong nước chỉ khoảng 1-2%.
Hồ xử lý nước thải quặng đuôi tại phân xưởng tuyển khoáng Ảnh: N.T.T
Với gần 1.700 lao động (trong đó 250 người thuộc xí nghiệp sản xuất bao bì) có việc làm, mức thu nhập bình quân khoảng 8,1 triệu đồng/tháng (năm 2016), thực sự đã tác động rất lớn tới kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt khi đa số lao động là người ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Điều này thì nhiều người thừa nhận, đồng tình. Bà Hoàng Thị Thu Hà - Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Lộc Thắng, nơi mà bà con đã nhường đất cà phê, chè cho dự án - nói vui rằng, “miền núi sao mà hoành tráng thế”, khi chúng tôi đề nghị bà so sánh về sự đổi thay của Lộc Thắng kể từ khi có dự án đến nay. Bà Hà mới được tăng cường từ huyện xuống trong khoảng 3 năm nay, nhưng đã có 20 năm công tác ở huyện nên nắm khá rõ tình hình của địa phương. “Nói cái khác thì vô cùng, nhưng kinh tế-xã hội phát triển là chắc chắn. Hạ tầng được đầu tư, bộ mặt, diện mạo đô thị khang trang hơn”, bà Hà nhận xét và cho biết thêm, “việc bà con được nhận tiền đền bù lớn, rồi dịch vụ thương mại phát triển theo yêu cầu tất yếu... Một số hộ giàu lên nhờ phục vụ chuyên gia, lao động với các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, thuê trọ...”. (Còn tiếp)
Phạm Thắng, Dũng Minh
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/kinh-te/2017/44678/Bauxite-Lam-Dong-nhung-goc-nhin-khac.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét