Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Lạm phát lấy lại “phong độ”?

Lạm phát lấy lại “phong độ”?
Thành Nam 11/2/2017, (TBKTSG) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2017 tăng 0,46% - mức tăng cao nhất so với tháng 1 cùng kỳ của cả ba năm trở lại đây. Theo Tổng cục Thống kê, lý do chính khiến CPI lên cao như vậy là vì CPI của nhóm giao thông vận tải tăng tới 3,21%. Ngoài ra, việc TPHCM điều chỉnh giá dịch vụ y tế và một số tỉnh thành điều chỉnh học phí đã hỗ trợ cho CPI.
Ba đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 12-2016 và tháng 1-2017 đã đóng những dấu cộng cho lạm phát. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Không nghi ngờ gì việc ba đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 12-2016 và tháng 1-2017 đã đóng những dấu cộng cho lạm phát. Giờ đây ngay cả những nhà dự báo kinh tế lạc quan cũng phải nhìn về hướng biến động của giá hàng hóa nguyên liệu trên thị trường quốc tế, đặc biệt là giá dầu thô. Trong sáu tháng gần đây, giá dầu thô chỉ có hai lần chạm mốc dưới 46 đô la Mỹ/thùng, còn lại nó trụ vững trên ngưỡng 50 đô la Mỹ/thùng. Trong khi nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô của ngân sách nhà nước chưa có tín hiệu khả quan, đóng góp của giá bán lẻ xăng dầu vào CPI đã rất rõ ràng.

Giới quan sát có cơ sở để băn khoăn hơn khi đề xuất của Bộ Tài chính tăng mức trần của khung thuế môi trường lên 8.000 đồng tính vào giá bán lẻ xăng dầu - vẫn treo lơ lửng. Theo đó, có thể mức tăng thêm không phải tới 8.000 đồng/lít và việc tăng sẽ theo lộ trình, không phải làm ngay một lần. Số thu ngân sách theo Tổng cục Thống kê, trong 15 ngày đầu tháng 1-2017 chỉ đạt 18.400 tỉ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ, trong khi chi ngân sách cùng thời gian trên 37.100 tỉ đồng. Tăng phí môi trường là con đường nhanh và an toàn để tăng ngân sách.

Hãy thử hình dung nếu giá dầu thô quốc tế tăng khoảng 15-20% từ mức giá hiện tại (điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi các nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới duy trì việc cắt giảm sản lượng để ổn định giá) và thuế môi trường tăng, giả sử, một nửa mức đề xuất, liệu CPI sẽ chịu tác động thế nào? Chưa hết, câu chuyện điều chỉnh phí dịch vụ y tế và giáo dục năm nào cũng diễn ra. Một số địa phương lùi thời điểm điều chỉnh, và sẽ còn điều chỉnh trong tương lai gần.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ngay lập tức chuyển tải ra thị trường thông điệp theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát. Còn quá sớm để nói về một ý định nào đó hay một sự chuẩn bị nào đó cho sự thay đổi lãi suất tiền đồng. Nhưng trong trường hợp lạm phát của tháng 2 và tháng 3-2017 giữ nguyên tốc độ như tháng vừa qua, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ có thể buộc phải nhìn về hướng đi hẹp hơn cho việc bơm tiền ra cũng như các giải pháp kéo mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn hiện tại.

Không chỉ ngân hàng, hầu hết các công ty tài chính và các quỹ đầu tư, những nhà môi giới chứng khoán, công ty bảo hiểm đều chú ý đến việc NHNN, ngay trong “Định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 2017” đăng tải trên trang web của mình ngày 2-2-2017, đã nhấn mạnh cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai quyết liệt, đồng bộ xử lý nợ xấu. Cụ thể NHNN lên tiếng “Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng; kiên quyết xử lý những ngân hàng không thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật. NHNN không xem xét, chấp thuận mở mới chi nhánh, phòng giao dịch, máy rút tiền tự động, văn phòng đại diện, hạn chế tạm ứng, chia cổ tức, lợi nhuận cho các cổ đông, thành viên góp vốn và áp dụng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với TCTD chưa phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật, không thực hiện đúng kế hoạch xử lý nợ xấu”.

Có những ngôn từ nên được đưa vào tầm ngắm, như “kiên quyết xử lý những ngân hàng không thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ”. Thời gian qua, có những ngân hàng chưa trích lập dự phòng 20% theo quy định đối với trái phiếu VAMC. Có thời gian, một số TCTD do hoàn cảnh đặc biệt được phép trích lập thấp hơn mức quy định, hoặc những khoản nợ lẽ ra đã phải nằm trong nhóm 4 và 5 nhưng vẫn đang được xếp vào nhóm 1 hoặc 2. Việc trích lập dự phòng đầy đủ, nhìn từ phía các ngân hàng yếu kém, sẽ là vấn đề trầm trọng nếu chu kỳ thay đổi của lãi suất diễn ra quá nhanh, tức lạm phát biến động mạnh.

Những nhà phân tích chuyên sâu đã nhìn thấy một ẩn ý trong chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam trong tháng 1-2017. Đó là lạm phát đi lên làm chi phí đầu vào tăng, nâng giá sản phẩm đầu ra tăng tháng thứ 5 liên tiếp. Đây không phải là tin tốt cho sự cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu cũng như kích thích tiêu dùng trong nước. Cùng với giá dầu thô quốc tế, giá cao su thiên nhiên đã tiệm cận mức 2.800 đô la Mỹ/tấn, tăng gần gấp đôi so với vùng đáy. Không sớm thì muộn, giá các hàng hóa nguyên liệu khác cũng sẽ chuyển biến theo. Hàng hóa sản xuất cho thị trường nội địa và xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng nhập khẩu cao, nên giá thành sẽ bị đẩy lên, dẫn đến giá bán ra tăng. Lạm phát chịu ảnh hưởng không nhỏ từ chu trình giá thành hàng hóa này.

http://www.thesaigontimes.vn/156685/Lam-phat-lay-lai-phong-do.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét