Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt của trẻ Babylift sau 42 năm

Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt của trẻ Babylift sau 42 năm
14/02/2017 - Trở về Việt Nam lần 2 kể từ khi bị đưa rời khỏi quê hương vào năm 1975, anh Vance McElhinney đã được gặp người phụ nữ mà "trái tim tôi bảo rằng đến 90% chính là mẹ tôi". Tấm hình đi kèm với McElhinney trong chiến dịch Không vận Trẻ em cũng là thông tin thưở nhỏ duy nhất của anh. Ảnh: BBC.
'Tôi như chết đi khi thất lạc con trong chiến dịch Babylift' Suốt 42 năm, Lê Thị Anh (Quy Nhơn) luôn dằn vặt bản thân sau khi con trai vô tình bị máy bay Mỹ đưa rời khỏi Việt Nam trong chiến dịch Không vận Trẻ em (Babylift) năm 1975.

Đầu tháng 4/1975, quân đội Mỹ thực hiện chiến dịch Operation Babylift (Không vận Trẻ em) để đưa hàng nghìn người con Việt rời quê hương. Chuyến bay cuối cùng cất cánh ngày 26/4/1975, ba ngày trước khi người Mỹ hoàn toàn sơ tán khỏi Việt Nam. Theo ước tính của Mỹ, các phi cơ đưa gần 2.700 trẻ em rời Việt Nam.

Sau khi tới Mỹ, phần lớn các em được những gia đình ở đây nhận làm con nuôi. Một số khác được đưa đến Australia và các nước châu Âu... Cậu bé có tên trong giấy tờ Van Tan Nguyen (1974) là thành viên trong nhóm 99 trẻ được đưa đến Anh. Sau này, cậu được ông bà Cyril và Liz McElhinney nhận nuôi từ một trại trẻ mồ côi, đặt tên là Vance. Lúc đó, cậu được 18 tháng tuổi.

Bị kỳ thị và gặp mẹ trong mơ

McElhinney và gia đình nuôi sống ở thị trấn Lurgan, vùng Bắc Ireland vốn rất ít người Việt sinh sống. Sự khác biệt với những người xung quanh là cảm nhận chung của nhiều trẻ Babylift mà Zing.vn từng tiếp cận.

Không nhiều người vượt qua điều này dễ dàng trong quá trình trưởng thành, thậm chí bị bắt nạt, bị kỳ thị... và McElhinney là một trong số đó. Dù được bố mẹ nuôi và hai người anh trai rất quan tâm, McElhinney vẫn đối mặt với những ánh mắt dò xét, tẩy chay từ bạn bè ở trường cấp 2.

"Hồi đó, mỗi lần bị hắt hủi thì tôi rất giận mẹ ruột. Lẽ ra tôi đã được ở quê hương, ở Việt Nam, ở với những người cùng màu da", anh McElhinney kể lại.



Tuy nhiên, cũng chính hình ảnh mẹ đẻ là điều vỗ về, an ủi anh trong những giấc mơ. "Những giấc mơ cứ lặp đi lặp lại. Trong mơ, mẹ đến và ôm lấy tôi. Tôi hình dung mẹ có tóc dài, nhưng khi mẹ quay lại thì tôi không thể nhìn thấy khuôn mặt. Bởi cơ bản là tôi cũng không biết mẹ trông thế nào".

Khi trưởng thành, McElhinney tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử chiến tranh ở Việt Nam. "Dần dần tôi không còn những oán giận như xưa nữa. Bởi vì tôi hiểu được hoàn cảnh biến động buộc mẹ phải cho tôi đi. Tôi chấp nhận số phận. Tôi không còn trách mẹ nữa, nhưng tôi vẫn rất muốn biết lý do".

Do cảm nhận sự khác biệt rõ nét nên McElhinney dần thu mình lại. Ngay cả với mẹ nuôi, anh cũng không thể hiện cảm xúc yêu thương như hai người anh thường làm.

"Khi mẹ nuôi đau đớn vì bệnh, tôi cũng không biết phải làm thế nào để an ủi bà. Đó là điều rất khó khăn với tôi. Tôi nghĩ đó là một hậu quả từ việc tôi trở thành con nuôi. Tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi, bị từ chối khi còn nhỏ. Do vậy, tôi phải tự bảo vệ chính mình trước những người khác. Để tôi không còn bị tổn thương nữa".

Năm 2016, sau khi đã sắp xếp công việc chu toàn, vượt qua những cảm xúc sau hai cuộc hôn nhân dang dở và bệnh tình của người mẹ nuôi đã ổn định, McElhinney quyết định trở về Việt Nam lần đầu tiên để tìm mẹ ruột.


Dù được bố mẹ nuôi thương yêu, McElhinney thu mình lại và ít gần gũi mọi người để tránh bị tổn thương. Ảnh: BBC.

Những thông tin duy nhất từ thời nhỏ mà McElhinney có được là một tấm ảnh của cậu với chữ M lớn phía sau, trên đó có dòng chữ Van Tan Nguyen, cùng địa điểm trại trẻ tại Quy Nhơn từng được nuôi dưỡng thưở nhỏ.

Với chút thông tin vô cùng ít ỏi đó, hành trình tìm mẹ của McElhinney không hề dễ dàng vì quá thiếu thông tin. Một thành viên trong nhóm hỗ trợ thậm chí còn báo với McElhinney rằng cái tên “Van Tan Nguyen” là do một nhân viên giữ trẻ viết lên đấy vào ngày sơ tán, chứ không phải do mẹ của anh đặt cho. Nữ quản lý nhà trẻ năm xưa nay đã khoảng 90 tuổi, bà không còn nhớ được những chuyện quá khứ nên cũng không giúp ích được gì cho hành trình của McElhinney.

“Trái tim tôi như bị bóp nghẹt”, McElhinney nói. Anh phải về nước để tiếp tục công việc, nhưng vẫn nuôi hy vọng và lên kế hoạch để trở về Việt Nam lần hai.

“Khi đó, dù không biết chắc cơ hội tìm thấy mẹ là bao nhiêu, tôi vẫn muốn trở về. Tôi cảm thấy sự gắn bó và quen thuộc ở nơi này”. Chỉ vào tấm ảnh cũ chính mình hồi nhỏ và đang cười, McElhinney nói: “Hẳn khi đó cuộc sống của tôi rất hạnh phúc”.
Cầu nối thông tin

Cuộc hành trình đầu tiên này của McElhinney được đoàn phóng viên hãng BBC đi theo và quay phim tài liệu. Bộ phim có tựa đề "A Place to Call Home" (tạm dịch: Nơi để gọi là nhà). Nhiều tờ báo địa phương như Lurgan Mail, Belfast Telegraph… cũng đăng tải câu chuyện cuộc đời McElhinney, sau đó được nhiều tờ báo Việt Nam dịch đăng lại.

Một ngày tháng 3/2016, bà Lê Thị Anh (64 tuổi, Quy Nhơn) bất ngờ được em trai đưa đến một xấp giấy là bài báo in từ trên mạng về câu chuyện của McElhinney được dịch sang tiếng Việt. Điều khiến cả hai chị em ngạc nhiên chính là tấm hình của người đàn ông trong bài viết rất giống với người chồng đã mất của bà Anh.



Thông qua người cháu gái, bà Anh gửi thư điện tử đến địa chỉ của McElhinney nhiều lần nhưng không thấy hồi âm. Vài tháng sau, cô cháu quyết định kết bạn với anh qua Facebook. Họ trao đổi thông tin một cách cẩn thận và chậm rãi. Khi cảm nhận được những thông tin chắc chắn, McElhinney quyết định hẹn gặp trong chuyến trở về Việt Nam lần 2 vào dịp trước Tết âm lịch vừa qua.

McElhinney nói rằng trong số khoảng 50 email mà anh nhận được tự xưng là người thân, bà Anh là người duy nhất cung cấp 3 thông tin khớp nối với câu chuyện của anh: tên người soeur đã chăm sóc anh hồi nhỏ, thời gian anh lưu lại ở Sài Gòn trước khi được đưa lên máy bay rời Việt Nam, và tấm hình người bố khi còn trẻ trông rất giống McElhinney.


McElhinney và hình ảnh được cho là bố ruột của anh thời còn trẻ. Ảnh: NVCC.

“Tôi đã về Việt Nam lần đầu vào năm 2016 để tìm mẹ nhưng không thành công. Trong lần trở về năm nay, tôi nghĩ mình đã tìm được mẹ rồi. Trái tim tôi nói rằng 90% người phụ nữ này là mẹ của tôi”, anh nói với Zing.vn.

Sống đời cô độc để tìm và chờ con

Đối với bà Anh, kể từ khi tình cờ nhìn thấy hình ảnh của McElhinney, bà như được thắp lên niềm hy vọng mạnh mẽ. Xấp giấy in bài báo sau gần một năm đã cũ mèm, rách bươm ở phần góc, một số tờ có vết ố của nước trà. “Đó là do tôi lấy ra đọc mỗi ngày, tôi gần như đọc thuộc từng chữ”, bà nói.

Cuộc sống của bà Anh gần như bị chiến tranh loạn lạc tước hết những điều quý giá. Biệt tăm tin tức với người chồng sau ngày giải phóng, "tôi coi như ông ấy đã chết rồi. Họ hàng bên nội cũng không biết được ai, hồi đó chiến tranh khó khăn nên chỉ có bố và anh trai của chồng vào dự đám cưới rồi chúng tôi cũng không giữ liên lạc với nhau", bà Anh kể.

Bà Anh sinh con vào mùa hè năm 1974. Khi con khoảng 8 tháng tuổi, bà bị thương nặng ở đùi nên phải nằm viện điều trị một thời gian dài. Nghĩ rằng không thể chăm sóc con chu đáo, bà đưa gửi con trai đến trung tâm chăm sóc trẻ ở Ghềnh Ráng, định bụng khi nào lành vết thương sẽ đón con về.

Do vậy, việc con bất ngờ bị đưa rời khỏi Việt Nam trong chiến dịch Không vận Trẻ em trở thành cú sốc lớn. "Tôi chỉ nghĩ là gửi con nhờ họ trông tạm thời. Vậy mà người Mỹ đem nó vào Sài Gòn, đưa lên máy bay rồi đi luôn".



Thất thểu trở về nhà, dù được các anh, chị, em hết lòng khuyên bảo, bà Anh như không thể vượt qua cú sốc và tính đến chuyện tự tử. "Mỗi ngày tôi được phát cho 2 viên thuốc ngủ giúp giảm đau và dễ ngủ. Tôi không có uống mà lén giấu đi. Khi thấy được 40 viên rồi thì tôi quyết định tự vẫn".

Đêm hôm đó, bà Anh đã viết sẵn thư tuyệt mệnh, rồi trốn vào trong chăn giả vờ ngủ. Bà đã uống hết các viên thuốc lén giấu từ lâu. Sự việc may mắn được người nhà phát hiện kịp thời, họ đưa bà đi súc ruột và cứu sống.

Bà Anh bắt đầu đi dò hỏi thông tin từ trại trẻ, rồi cảm thấy yên tâm hơn khi biết con trai không có trong số nhóm trẻ thiệt mạng trong chuyến bay đầu tiên của chiến dịch Babylift. Kể từ ngày đó, người phụ nữ này quyết tâm không đi bước nữa "vì như vậy mình mới có thời gian để dồn công sức tìm con mà không ngại vướng bận hoặc bị ảnh hưởng".


Bà Anh chia sẻ những hình ảnh cũ của con trai trước khi gửi vào trại trẻ. Ảnh: Khương Nha.

Sau hàng chục năm, kỷ vật của người phụ nữ 64 tuổi độc thân là tấm hình duy nhất của chồng còn sót lại và hình của con trai chụp khi 8 tháng tuổi. "Chiến tranh đã cướp đi của tôi nhiều thứ gồm cả chồng và con tôi. Nhiều hình ảnh gia đình cũng không còn, riêng hai bức ảnh này thì tôi đã giữ rất kỹ, qua mấy chục năm rồi".

Khi được gặp McElhinney hồi trước Tết, bà Anh chỉ đứng nhìn từ xa chứ không ra đón ngay từ đầu. “Khi mới nhìn thấy nó trên xe là tôi đã thấy nó giống bố của nó hồi trẻ lắm rồi. Rồi chúng tôi trao đổi thông tin với nhau nhiều hơn. Niềm tin khiến tôi tin chắc 100% đây là đứa con trai thất lạc của tôi”, bà Anh nói.

Một trong những nội dung trò chuyện đầu tiên trong cuộc đoàn tụ này là giải tỏa nỗi lòng của McElhinney, rằng vì sao mẹ lại bỏ rơi con năm xưa. Bà Anh cũng cho biết tên thật của McElhinney là Nguyễn Thanh Châu.

Dù chuyện chia ly xảy ra là điều bất ngờ không ai mong muốn, điều đầu tiên bà Anh nói với McElhinney là câu xin lỗi: "Mẹ xin lỗi con vì mấy chục năm qua đã không thể làm tròn bổn phận của mẹ, không thể chăm sóc được cho con".

Sau những ngày đoàn tụ đầy cảm xúc, McElhinney nói "vẫn còn 10% cuối cùng, nhưng cũng là quan trọng nhất, để tôi tin rằng người phụ nữ này thực sự là mẹ đẻ của tôi, đó chính là kết quả xét nghiệm ADN". Với một tinh thần mạnh mẽ và lý trí sau hàng chục năm tự vươn lên, McElhinney nói anh cần một điều chắc chắn trước khi quyết định hoàn toàn chia sẻ tình cảm và những nỗi niềm đã trải qua trong quá khứ.

Trong khi đó, dù tỏ ra xúc động hơn, bà Anh cho biết nếu kết quả ADN không như ý thì "Tôi sẽ chấp nhận. Tôi đã chuẩn bị tâm lý cho điều này. Hơn 40 năm qua tôi đã gắng gượng sống để chờ con, thì không có gì không thể tiếp tục chờ. Tôi cũng sẵn sàng nhận Vance làm con nuôi nếu cháu mong muốn. Nhưng chắc chắn là tôi sẽ vượt qua được đến khi nào ông Trời cho gặp lại con", bà Anh nói.

http://news.zing.vn/cuoc-doan-tu-dam-nuoc-mat-cua-tre-babylift-sau-42-nam-post720532.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét