Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Đừng lôi Đảng vào, lỗi không do Đảng

Đừng lôi Đảng vào, lỗi không do Đảng
Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Phương: Đảng chỉ quyết định ở chủ trương chính sách như hiến định, hoặc Đảng vẫn tiếp tục làm như hiện nay, nhưng luật phải quy định được cấp ký nào chịu trách nhiệm pháp nhân (nếu sai bị chế tài) với đích danh mà họ ký. Với 2 cách trên, sẽ đạt được ý nghĩa như cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trước đây từng lên tiếng trước phiên họp Quốc hội “Đừng lôi Đảng vào"; tránh cho Đảng bị ảnh hưởng tới uy tín khi xảy ra tuyển dụng đề bạt sai, vốn thuộc lĩnh vực hành chính, công vụ cụ thể; người ra quyết định đó phải chịu trách nhiệm pháp lý chứ không phải Đảng chung chung.
Việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng làm Phó vụ trưởng Vụ kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đang gây xôn xao dư luận. (Ảnh: Báo Đất Việt)
(GDVN) LTS: Trên thế giới, câu chuyện về việc bổ nhiệm cán bộ trẻ nắm giữ các chức vụ quan trọng đã có không ít trường hợp. Vậy tại sao ở Việt Nam, việc ông Vũ Minh Hoàng (26 tuổi) được bổ nhiệm làm Phó vụ trưởng Vụ kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ lại gây xôn xao dư luận đến vậy?
Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Phương tại Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ phân tích của mình về vấn đề này. Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Trường hợp cán bộ trẻ Vũ Minh Hoàng 26 tuổi có tiếng học giỏi được bổ nhiệm Vụ phó lẽ thường sẽ được công luận thán phục, hưởng ứng, tuy nhiên hiện lại gây xôn xao công luận tới mức cơ quan đảng và nhà nước phải vào cuộc.
Vậy mấu chốt vấn đề nằm ở đâu cả về thực tế lẫn nguyên lý, để làm căn cứ cho quyết sách thích ứng?
*Tài năng trẻ

Ông Vũ Minh Hoàng sinh ngày 22/8/1990 tại Lương Tài, Bắc Ninh, được cho là cháu của một cán bộ từng là nguyên cán bộ cấp cao ở nơi ông Hoàng được bổ nhiệm.
Cha là chủ doanh nghiệp. Ông Hoàng tốt nghiệp Thạc sĩ loại giỏi chuyên ngành chính trị quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Tổng hợp Kent Anh Quốc.
Ông tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành phát triển quốc tế tại ĐH Tổng hợp Kent Bỉ và cũng vậy chuyên ngành hành chính công tại Trường ĐH Thanh Hoa Trung Quốc.
Đang nghiên cứu sinh tại Nhật, sẽ lấy bằng tiến sỹ ở tuổi 27, vị cán bộ trẻ này thành thạo 5 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản. Đó là một tài năng trẻ đang trong quá trình đào tạo.
*Được bổ nhiệm theo chủ trương
Theo Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Sơn Minh Thắng, chủ trương bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng hàm vụ phó là hợp lý: “Nếu cán bộ giỏi thực sự thì tiếp nhận (1), bổ nhiệm là hợp lý vì biên chế còn".
Động cơ bổ nhiệm “thực dụng": “Để giữ chân ông tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và tạo điều kiện thuận lợi trong quan hệ, phối hợp với các đối tác" (2). 
*Tuần tự đúng quy trình
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thực hiện tuần tự, theo tin tổng hợp từ báo giới, khởi đầu ngày 19/5/2014 ra quyết định 54 thành lập Hội đồng xét tuyển công chức ông Vũ Minh Hoàng; Hội đồng họp thông qua biên bản số 34; gửi công văn 3037 lên Ban Tổ chức Trung ương báo cáo xét tuyển không qua thi cử.
Sau 13 ngày, 2/6/2014, chiểu theo Nghị định Chính phủ 24/2010, Thông tư 13/2010 của Bộ Nội vụ, Phó ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Hoàng Việt ký công văn 6799 đồng ý. (3)
Với văn bản pháp lý trên, 2 ngày sau, 4/6/2014, ông Vũ Minh Hoàng đang học ở Trung Quốc được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tuyển vào làm việc, hưởng 85% lương theo ngạch chuyên viên với thời hạn tập sự 12 tháng đến 31/7/2015.
Tuy nhiên, thực tế ông Hoàng chỉ tập sự 2 tháng, đến ngày 8/9/2014 được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chấp thuận cho đi nghiên cứu sinh tự túc 3 năm đến 9/2017, tới thời hạn hết tập sự, ngày 1/9/2015 được công nhận hoàn tất.
Ba tháng tiếp, vẫn đang nghiên cứu sinh, chưa ra trường, ngày 15/1/2016 ông Hoàng được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Kinh tế. (4
Quyết định trên, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng theo đúng trình tự: Trước tiên, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thống nhất chủ trương bổ nhiệm.
Tiếp đến, ngày 14/1/2016, Chi ủy Văn phòng Ban tổ chức họp lấy ý kiến, gửi tờ trình Đảng ủy cơ quan, được coi như thống nhất từ cơ sở (3.1). Một ngày sau ra quyết định.

Có hàm vụ, ngày 17/2/2016, ông Hoàng được UBND TP Cần Thơ đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ điều động cho họ và 9 ngày sau 26/2/2016 được bổ nhiệm chức Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ thời hạn 5 năm.
Sau khi về nước nhận quyết định, ông Hoàng trở lại tiếp tục chương trình nghiên cứu sinh (5). 
*Căn cứ pháp lý
Quy trình bổ nhiệm vụ phó trên được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thực hiện chiểu theo kết luận 86, 24/10/2014 của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ, công văn số 577 ngày 18/12/2015 của Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ thuộc Ban Tổ chức Trung ương. (3.2)
*Vấn đề nằm ở đâu?
Từ chủ trương, quy trình thực hiện, đến căn cứ pháp lý nêu ra đều theo đúng các văn bản pháp lý hiện hành, vậy tại sao công luận lại xôn xao?
Tới mức Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ kiểm tra, báo cáo.
Thậm chí, ngày 10/12, ông Sơn Minh Thắng ký thông báo thu hồi báo cáo nhanh số 84 do Phó ban Nguyễn Quốc Việt ký ngày 9/12 khẳng định bổ nhiệm đúng quy trình.
Để trả lời câu hỏi trên, có thể dựa vào phép biện chứng, “một khi thực tế sai (tức không đạt mục đích đề ra) thì phải trở lại xem xét chính nguyên lý đã đẻ ra nó – Lê Nin".
Nghĩa là một khi chủ trương, quy trình, căn cứ pháp lý đều được thực hiện đúng, mà kết quả sai, thì phải xem trở lại chính nó:
1- Nội hàm "cán bộ giỏi thực sự" cần được quy phạm hóa
Theo chủ trương (1) của ông Sơn Minh Thắng, cán bộ “giỏi thật sự“ thì tiếp nhận. Thế nào là giỏi thực sự? Ở đây tuyển dụng, bổ nhiệm để làm việc, nên phải được hiểu “làm việc giỏi“.
Nhưng khi Zing.vn đặt câu hỏi không thể bác bỏ về khoa học:
Đang du học, chưa làm việc thực thụ ngày nào vẫn được tuyển dụng có phù hợp không?
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống trả lời:
Giờ càng trẻ càng tốt, miễn có tài thực sự.
Nhưng thực sự ông này có tài hay không?
Anh Hoàng có hai bằng thạc sĩ của các trường nổi tiếng thế giới, sử dụng thành thạo 4 ngoại ngữ.
Nghĩa là đã đồng nhất trò giỏi (học) với cán bộ (làm) giỏi (6). 
Trong khi “hằng đẳng thức“ này đang là nghịch lý của người Việt: Kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2015 vừa công bố, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước tham gia về Khoa học, 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu, cao hơn nhiều nước phát triển, gây bất ngờ cho cả thế giới, phá vỡ luận thuyết xưa nay “xếp hạng PISA tỉ lệ thuận với GDP của quốc gia đó”.
Học sinh Việt ở Đức cũng vậy: Khoá học 2013/2014, có tới 64,4% theo học trường chuyên Gymnasium (chỉ chiêu sinh học sinh khá giỏi; sau khi tốt nghiệp sẽ vào thẳng đại học), cao gấp rưỡi học sinh bản địa chỉ 47,2%, cao gấp gần 4 lần so với Ý, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ 14%, đứng đầu mọi sắc tộc nhập cư.
Giải học bổng Hertie-Stiftung, trao cho học sinh nhập cư học trường chuyên từ lớp 7 đạt điểm khá giỏi, tỷ lệ học sinh Việt giật giải gấp 10 lần (1000%) các sắc tộc khác.
Hầu như bất kỳ niên học nào, đều không thiếu tin hot, gương mặt học sinh Việt đứng đầu các cuộc thi vô địch thành phố, tiểu bang, liên bang, quốc tế, trở thành "hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt" được cho là bí ẩn, làm giới nghiên cứu Đức tới nay vẫn “đau đầu“ loay hoay chưa tìm được lời giải.
Trong khi đó, cả trong lẫn ngoài nước, ra trường làm việc, học sinh Việt rất hiếm nhân tài xuất chúng. 
Chuyên gia nước ngoài khẳng định: Thứ hạng PISA chỉ đánh giá một phần kỹ năng của học sinh (học) nhưng không đánh giá được các kỹ năng khác như teamwork (làm việc nhóm), kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống… vốn cùng cấu thành bản lĩnh tài năng khi ra trường (làm).
Trong khi đó, học sinh Việt giỏi được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải “cha mẹ Việt có thể hi sinh tất cả, bán hết nhà đất, ruộng vườn để lo cho con cái học tập, du học” (tất cả vì học).
Thế là đã rõ, nếu coi quỹ thời gian của học sinh là 1 hằng số, thì một khi đã dành hết cho học, sẽ không còn cho các kỹ năng khác.
Một dẫn liệu điển hình về hệ quả, thập kỷ 90 một sinh viên Việt tốt nghiệp đại học kỹ thuật ở Đức với bằng giỏi được chọn ở lại trường làm nghiên cứu sinh chuyên ngành tự động hoá, bảo vệ loại xuất sắc ở tuổi 27 như Vũ Minh Hoàng.
Đúng lúc các tập đoàn máy tính Tây Đức đi tìm tài năng ở các trường đại học, tiến sỹ Việt này lập tức được chọn, nhưng qua tập đoàn nào cũng chỉ sau 3 tháng thử việc đều bị sa thải, bởi thiếu kỹ năng teamwork (dân dã gọi là “ngố"), trong khi trường hợp Vũ Minh Hoàng được bổ nhiệm chỉ qua vỏn vẹn 2 tháng tập sự - xem điểm (4) và (5).
Chưa nói không hiếm sinh viên, nghiên cứu sinh giỏi, thậm chí ngay cả chuyên gia giỏi trở về Việt Nam làm việc mức lương cao vời vợi vẫn phải “khứ hồi“, bởi kỹ năng sống ở nước ngoài không hẳn hòa nhập ngay được trong nước, đòi hỏi phải có thời gian.

Vậy nội hàm “cán bộ giỏi thực sự“ không thể căn cứ vào mỗi học lực như ý kiến (6), cần được quy phạm hoá, bổ khuyết cho quy trình bổ nhiệm tuyển dụng hiện nay.
Thiếu chế tài này sẽ gây cho quan chức xét tuyển tâm lý e ngại, tránh, hoặc đương đầu thì lo bị vạ, còn người cơ hội hoặc kém thì dễ lạm dụng chủ ý hoặc vô thức.

2- Thước đo, chuẩn mực nào cần đưa vào nội hàm?

Năm 2014, Aida Hadzialic 27 tuổi ở Thụy Điển, năm 2013 Sebastian Kurz cũng 27 tuổi ở Áo được bầu làm Bộ trưởng.
Năm 2011, Philipp Rösler gốc Việt, con nuôi người Đức từ lúc 9 tháng tuổi, được Đại hội Đảng FDP bầu làm Chủ tịch, giữ chức Phó Thủ tướng ở tuổi 38.
Đó là những tài năng được đánh giá qua cả một quá trình làm việc chứ không phải học hàm học vị, được tín nhiệm từ dưới lên, có thể so sánh như tại điểm (3.1) ở ta, chỉ khác không theo quy hoạch mà do “chọn lọc tự nhiên“.
Điển hình như trường hợp Rösler; từ trước đã trải qua một quá trình hoạt động được tín nhiệm, khi đang còn học phổ thông từng tập hợp bạn đồng học tổ chức biểu tình chống phân biệt chủng tộc, không hề do “quy hoạch.
19 tuổi gia nhập Đảng FDP và tổ chức thanh niên JuLis, 21 tuổi được bầu làm chủ tịch tổ chức này cấp điạ phương, 23 tuổi vào Trung ương đảng FDP tiểu bang, 27 tuổi là nghị sỹ, Tổng thư ký kiêm Chủ tịch đảng đoàn FDP quốc hội tiểu bang, 32 tuổi Chủ tịch đảng FDP tiểu bang.
Bất kỳ ở vị trí nào, tài năng của ông đều được khẳng định bằng các quyết sách được thừa nhận.
Cũng sử dụng thước đo tài năng qua thành/bại này, sau 2 năm Rösler từ chức nhẹ nhàng như khi ông được bầu, bởi đảng FDP do chính ông đứng đầu bị thảm bại trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang lúc đó, phải tự gánh trách nhiệm dù vì bất kỳ lý do khách quan, chủ quan nào.
Trong khi đó, ở ta trường hợp bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng, theo điểm (3), (4), (5) chỉ cần qua tập sự 2/12 tháng, cộng thêm 17 tháng 11 ngày có tên trong biên chế, nếu ở Đức chỉ được coi là “Aushilfe - làm thêm“, không thể đánh giá năng lực làm việc; chưa nói bổ nhiệm mang động cơ thực dụng (xem điểm (2)) sai bản chất bổ nhiệm thực chất là trao trách nhiệm pháp nhân chứ không phải ích lợi cho cơ quan nhờ đó đạt được vốn chỉ là hệ quả.
Nghĩa là so với Đức, ở ta bổ nhiệm “cán bộ giỏi thực sự“ thiếu thước đo tài năng bằng thực tế thành/bại vốn phổ quát ở họ, và vượt ra cả ngoài bản chất bổ nhiệm.   
3- Phân biệt bầu cử bổ nhiệm với tuyển dụng đề bạt 
Bầu cử, bổ nhiệm ở các nước dẫn liệu trên được áp dụng trong hệ thống chính trị, tính theo lá phiếu, như: Nghị sỹ, Hội đồng nhân dân, Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban... thường theo nhiệm kỳ gắn liền với đảng thắng cử, hết nhiệm kỳ bị mãn nhiệm, thậm chí bị giới hạn như Tổng thống Mỹ chỉ được 2 nhiệm kỳ dù tài giỏi tới mấy.
Họ không phải công chức mà là chính khách, độc lập, làm việc không theo mệnh lệnh (Thủ tướng không phải cấp dưới của Chủ tịch nước hay Chủ tịch quốc hội, mặc dù trước khi nhậm chức đó phải qua họ).

Còn tuyển dụng, đề bạt, chọn lựa từ các ứng viên theo các tiêu chí về tố chất riêng cần có, khả năng, trình độ chuyên môn, được đánh giá qua quá trình làm việc hoặc/và qua thi tuyển, được áp dụng cho công chức đảm nhận vai trò lãnh đạo (công vụ) trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, làm việc theo nguyên tắc cấp bậc, mệnh lệnh/chấp hành (hành chính), mang tính nghề nghiệp có thời hạn hoặc suốt đời, không phụ thuộc nhiệm kỳ bầu cử, không phân biệt đảng phái.
Ở Đức, ngoài Bộ trưởng được bổ nhiệm theo bầu cử là lẽ tất nhiên, ngay hàm Thứ trưởng cũng được chia làm 2 dạng, dạng bổ nhiệm theo nhiệm kỳ của đảng cầm quyền, dịch sang tiếng Việt “Quốc vụ khanh“, dạng khác qua tuyển dụng, đề bạt, tức công chức, để quản lý công việc hành chính của Bộ, không phụ thuộc nhiệm kỳ.
Nhờ vậy, mỗi lần bầu cử thay đổi đảng cầm quyền ở họ không hề xáo trộn nhân sự công vụ, bộ máy hành chính, xã hội, bởi hầu như toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước vẫn giữ nguyên.

Ở họ tuyển dụng đề bạt công chức do luật chế tài, người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm pháp nhân với tuyển dụng đề bạt công chức của cơ quan đó.
Đảng chỉ quyết định chính khách theo điều lệ Đảng họ, chịu trách nhiệm chính trị với bổ nhiệm đó, được “chế tài“ bằng lá phiếu cử tri như trường hợp Rösler.
Vấn đề nhân sự chính quyền hay Đảng đều không hề gây bức xúc công luận, bởi nếu xảy ra đã được luật chế tài ngay, hoặc bị lá phiếu cử tri loại bỏ vào kỳ bầu cử.

Thành công của học sinh Việt đánh đố giới khoa học Đức


Ở ta bổ nhiệm cán bộ công chức đều có các quy trình, quyết định, từng nhân sự cụ thể từ cấp sở, vụ, được khởi đầu từ cấp cao nhất (xem điểm (3)), có căn cứ pháp lý (xem (3.2)) đúng quy trình (xem điểm (3.1)).

Hai thể chế khác nhau không thể dùng thể chế nọ làm thước đo đánh giá thể chế kia, nhưng cả 2 đều nhằm điểm chung “hiệu quả“ (“năng suất lao động là thước đo sự ưu việt của một hình thái kinh tế xã hội này với một hình thái kinh tế xã hội khác" – Các Mác).
Các thể chế có thể tham chiếu và tham khảo lẫn nhau bằng thước đo chung đó. Xét trường hợp ông Vũ Minh Hoàng cho thấy, đối với công chức dù cấp nào chỉ có thể chọn 1 trong 2:
Đảng chỉ quyết định ở chủ trương chính sách như hiến định, biến thành văn bản lập pháp và lập quy để chế tài tự động các pháp nhân (người đứng đầu cơ quan) khi tuyển dụng đề bạt, bổ nhiệm; họ phải có thẩm quyền và chịu trách nhiệm pháp lý với nhân sự họ tuyển dụng đề bạt.
Việc tiếp theo là các cơ quan tham mưu, giúp việc cho Đảng tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình bổ nhiệm cán bộ ở các vị trí nhạy cảm, dư luận quan tâm và có khả năng xảy ra tham nhũng, nhận hối lộ, chạy chức chạy quyền.
Như thế có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu vi phạm để có giải pháp ngăn chặn từ đầu, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Đó mới thực sự là hoạt động lãnh đạo của Đảng, nhưng Đảng không bao biện, làm thay Nhà nước.
Hoặc Đảng vẫn tiếp tục làm như hiện nay, nhưng luật phải quy định được cấp ký nào chịu trách nhiệm pháp nhân (nếu sai bị chế tài) với đích danh mà họ ký như đối với người đứng đầu cơ quan ở trường hợp 1, trong quy trình bổ nhiệm / đề bạt qua nhiều khâu ký hiện nay, bởi “Đảng chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. ...Hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" (Điều 4 Hiến pháp).
Với 2 cách trên, sẽ đạt được ý nghĩa như cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trước đây từng lên tiếng trước phiên họp Quốc hội “Đừng lôi Đảng vào"; tránh cho Đảng bị ảnh hưởng tới uy tín khi xảy ra tuyển dụng đề bạt sai, vốn thuộc lĩnh vực hành chính, công vụ cụ thể; người ra quyết định đó phải chịu trách nhiệm pháp lý chứ không phải Đảng chung chung.
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của tác giả.
Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Phương
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tien-sy-Nguyen-Sy-Phuong-Dung-loi-Dang-vao-loi-khong-do-Dang-post173286.gd

3 nhận xét:

  1. Sao lại KHÔNG LÔI ĐOẢNG của các ông vào trong những việc như thế này. Bởi Đoảng của các ông chủ trương: Phải những kẻ nào là Đoảng viên thì mới được trao quyền đè đầu cưỡi cổ (mà các ông ẩn dưới mỹ từ "LÃNH ĐẠO") quần chúng chúng tôi. Và, nói đến hai từ "LÃNH ĐẠO" thì, như người đẻ ra cái Đoảng này của các ông đã nói: "Đoảng ta là Đoảng cầm quyền", do đó các ông tự đẻ ra cho mình cái quyền là LÃNH ĐẠO TOÀN DIỆN bọn công dân hạng hai chúng tôi kia mà. Đổ lỗi thành "TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ" trong "LĨNH VỰC HÀNH CHÍNH" chẳng qua chỉ là TẠO CHỨNG CỨ NGOẠI PHẠM cho hàng ngũ CÁN BỘ CHỨC SẮC vốn là ĐOẢNG VIÊN các ông mà thôi.
    Kiểu lập luận thò lò sáu mặt của con súc sắc như nay chỉ NHÀ SẢN các ông mới quen xử dụng. Hết biết!...

    Trả lờiXóa
  2. Tất cả đều do cái đảng chó má nhà các ông cả mà thôi!

    Trả lờiXóa
  3. Đề nghị các bạn không nên xúc phạm họ nhà chó!

    Trả lờiXóa