Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Thể chế cho một chính phủ kiến tạo

Thể chế cho một chính phủ kiến tạo
Thứ Ba, 24/01/2017 Việt Nam nếu thiếu hoặc chậm tiến hành một cuộc cải cách thể chế mạnh mẽ vào lúc này thì sẽ không thể có được một chính phủ kiến tạo để dẫn dắt sự phát triển. Một chính phủ kiến tạo sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động - Ảnh: Lê Thanh Toàn
Từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết trước toàn dân về một chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính và hành động. Ngay từ đầu, Thủ tướng đã tập trung cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), lực lượng chính làm nên sự phát triển kinh tế. Thủ tướng đã tạo được dấu ấn nhất định với cộng đồng DN bằng đối thoại trực tiếp và đưa ra Nghị quyết 19 năm 2016, Nghị quyết 35 và các thông điệp liên tục về thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh.

Đưa nền kinh tế đi lên, quyết tâm của Thủ tướng đã rất rõ. Nhưng để mang lại kết quả, Thủ tướng phải được sự đồng hành mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo cấp cao khác, đặc biệt là các bộ trưởng và chủ tịch các tỉnh, thành phố. Họ phải cùng cam kết và nghiêm túc, khẩn trương thực hiện cải cách hành chính, cải cách thể chế kinh tế thì mới có thể thay đổi được tình hình.

Trên thực tế, chưa thấy sự đồng hành đó. Cả một guồng máy lớn, với biết bao cơ quan, ban ngành, bao nhiêu tầng nấc, với hàng triệu người sống bằng tiền thuế của dân, vẫn cứ ỳ ạch. Dân thì phải lo đối phó với biết bao nhiêu khó khăn cả cũ lẫn mới, cả do trời lẫn do người, cả do thiên hạ lẫn do chính ta gây ra, nhưng dường như rất nhiều "quan" vẫn chưa nghe thấu tiếng kêu của dân, vẫn cứ đủng đỉnh, đẩy qua đẩy lại công việc cho nhau và rất chậm giải quyết theo chức trách.

Ví dụ rõ nhất là một số bộ, ngành cương quyết giữ những chính sách đã lỗi thời, dù nó gây khó cho DN và một số ngành hàng trong phát triển. Theo chỉ thị của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và VCCI đã rà soát, khuyến nghị dỡ bỏ hàng trăm quy định về kinh doanh không phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần.

Mặt khác, trong rất nhiều trường hợp, từ văn bản pháp quy được cải thiện đến thực tế thi hành ở các cơ quan nhà nước vẫn là cả một khoảng cách xa vời.

Điển hình là quy định về xuất khẩu gạo, yêu cầu các DN muốn tham gia xuất khẩu gạo phải xuất hơn 5.000 tấn/năm, phải có nhà máy xay xát, vừa cứng nhắc, vừa cản trở những đổi mới đang diễn ra trong ngành hàng này. Sản xuất lúa gạo ở một số vùng đang chuyển hướng từ chạy theo số lượng sang tập trung nâng cao chất lượng, tính an toàn và dinh dưỡng để tăng giá trị hạt gạo, và đã có những DN làm được những chủng loại gạo rất tốt, có giá trị dinh dưỡng cao, có thể xuất khẩu với giá hơn 1.000USD/tấn.

>> Xuất khẩu gạo sang EU: Lấy "chất" bù "lượng"

Những sản phẩm đó ban đầu chưa thể nhiều, cũng chưa có thị trường lớn, tuy nhiên, nếu áp chuẩn 5.000 tấn theo quy định, DN sẽ không làm được, hoặc sẽ buộc phải đi vòng qua nước khác như trường hợp DN Cỏ May trước đây. Tương tự là quy định về nhập khẩu ô tô. Với cách tiếp cận lấy quy mô làm chuẩn, các cơ quan nhà nước đang gạt DN nhỏ và vừa ra khỏi một số lĩnh vực kinh doanh, để dành sân cho các "ông lớn".

Nhìn chung, mục tiêu "tháo gỡ khó khăn cho DN" được Chính phủ đưa ra đã khá lâu nhưng mới đạt một số kết quả nhất định. Tệ nhũng nhiễu DN vẫn phổ biến trong bộ máy nhà nước, cộng thêm những "sáng kiến" của các bộ ngành, địa phương tận thu của DN và người dân đang gây thêm khó khăn, tăng chi phí tiền của và thời gian và làm phức tạp thêm việc kinh doanh của DN. Số DN ngừng hoạt động đã liên tục tăng suốt từ 2010 đến 2015, tổng cộng tương đương với khoảng hơn 40% số DN đăng ký.

Năm 2016, số DN ngừng hoạt động có giảm so với năm trước, trong khi số đăng ký kinh doanh tăng cao, với hơn 100 nghìn DN, cho thấy DN và người dân đã có niềm hy vọng ở Chính phủ mới. Đồng thời, những cái mới trong quan hệ hợp tác của Việt Nam với bên ngoài, như TPP, FTA VN – EU và các FTA khác cũng tạo thêm động lực cho DN, kể cả nhiều DN đã ngưng hoạt động quay trở lại kinh doanh.

Năm 2016 cũng là năm Chính phủ phát động chương trình khởi nghiệp, kích thích tinh thần kinh doanh theo hướng đổi mới, sáng tạo của đông đảo người trẻ và khiến cho không khí làm ăn ở nước ta sôi động hơn.

Dù có một số tiến bộ, song các chỉ số đánh giá của Ngân hàng Thế giới hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề. Năm 2016, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá thứ bậc cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện một phần, nhưng xếp hạng về thể chế, chỉ số giáo dục bậc cao, độ sẵn sàng cho công nghệ và độ tinh xảo của DN vẫn rất thấp. Tất cả những yếu tố căn cơ nhất của nền kinh tế đều ở mức thấp thì chưa thể tạo được nền tảng để phát triển tốt hơn trong tương lai gần.

>> Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần "một luật sửa nhiều luật"

Hơn nữa, cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược được nêu ra từ năm 2011, tại Đại hội Đảng lần thứ 11, cho một thời kỳ 10 năm. Nhưng đến nay, 6 năm trôi qua mà chưa thấy những đột phá này mang lại thành quả rõ rệt. Có những chủ trương, chính sách về cải cách chưa đủ mạnh, đủ rõ để thực hiện, cũng có những cái chỉ dừng ở văn bản mà chưa đi được vào cuộc sống, bởi không ít tổ chức và cá nhân trong bộ máy nhà nước sợ mất quyền và lợi nên cố tình không thực hiện.

Thực tế nói trên cho thấy, để có một chính phủ kiến tạo và phục vụ, mong muốn và quyết tâm của Thủ tướng là chưa đủ. Một chính phủ kiến tạo chỉ có được trên nền tảng một thể chế đủ mạnh, trong đó xác định rõ vai trò và các chức năng của nhà nước, nhiệm vụ và quyền hạn của nhà nước và những người làm trong bộ máy nhà nước, cơ cấu tổ chức và con người trong bộ máy nhà nước, các nguyên tắc và cách thức thi hành công vụ, với những chuẩn mực minh bạch, có thể giám sát, đo lường và đánh giá được.

Thể chế đó cũng phải làm rõ quan hệ giữa nhà nước và thị trường, nhà nước và xã hội, trên nguyên tắc nhà nước tôn trọng quyền tự do của thị trường và xã hội, tôn trọng và tạo thuận lợi cho việc thực hiện sự giám sát của xã hội, của công dân.

Trên nền tảng đó, kỷ cương của nhà nước phải được thiết lập và tuân thủ, những chế tài phải được minh định rõ và thực hiện nghiêm túc đối với mọi cơ quan và cá nhân trong bộ máy nhà nước, bất kể ở vị trí nào.

Chế tài không những phải được áp dụng nghiêm minh với những cơ quan, cá nhân vi phạm các quy định, mà cả đối với những cơ quan và cá nhân chây ỳ, không chịu thực hiện nhiệm vụ, hoặc thực hiện không đúng thời hạn và mức độ cần thiết theo chức trách. Cả hai trường hợp này đều gây thiệt hại cho nhà nước, DN và dân, tổn hại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong tác phẩm Vì sao các quốc gia thất bại, các tác giả đã chứng minh thể chế luôn quyết định sự phát triển ở mọi quốc gia. Việt Nam cũng vậy, nếu thiếu hoặc chậm tiến hành một cuộc cải cách thể chế mạnh mẽ vào lúc này, thì sẽ không thể có được một chính phủ kiến tạo để dẫn dắt sự phát triển.

>> "Lợi ích nhóm” và cải cách thể chế
Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN
http://www.doanhnhansaigon.vn/van-de/the-che-cho-mot-chinh-phu-kien-tao/1102398/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét