Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Trách nhiệm của trí thức trong mối quan hệ với chính quyền

TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA PHẦN TỬ TRÍ THỨC TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI CHÍNH QUYỀN
Trần Văn Chánh
Trách nhiệm của người trí thức trước các hiện tình xã hội    
     Trí thức gắn liền với tri thức và học vấn dồi dào phong phú, từ đó thông đạt thế cố và hiểu được các hiện tình xã hội. Tuy nhiên, tự bản thân tri thức, học vấn cũng không có giá trị nếu việc sử dụng nó không mang lại ý nghĩa tích cực gì cho đời sống. Do vậy, người ta thường nói đến vai trò, trách nhiệm và ảnh hưởng của người trí thức trong trường hợp xã hội còn nhiều trục trặc, nhất là khi xã hội đó đang bị đặt dưới quyền thống trị của những hôn quân bạo chúa, hoặc nhân dân phải điêu đứng vì một chế độ mị dân, độc tài nào khác. 
Trong trường hợp nầy, người trí thức không còn chỉ là người có học vấn đơn thuần, mà gắn liền với sự động não, luôn luôn đặt vấn đề và phê phán, nhằm góp phần làm thay đổi theo hướng tốt hơn đối với các hiện tình xã hội. Trong lịch sử, người trí thức luôn đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến bộ xã hội cũng như những tác động tích cực về tư tưởng nhằm chuyển hóa nhận thức của số đông thông qua những lời nói và việc làm của họ ảnh hưởng tới sự chọn lựa định hướng, quyết sách để phát triển quốc gia, dân tộc.
     Nói theo cách diễn đạt của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thì “trí thức là người không chỉ giỏi, chỉ chuyên sâu vào một nghề chuyên môn mà còn phải có trách nhiệm chung về vận mệnh nước nhà” (dẫn theo Trần Quốc Vượng, trong bài “Dám làm, dám nói… dám nghe”, Tạp chí Tia Sáng, Xuân Nhâm Ngọ 2002).

     Có thể mượn lời sau đây của Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô Dmitri Sergeievich Likhachov (1906-1999) để làm rõ thêm đôi chút về khái niệm/ yếu tính người trí thức: “Theo kinh nghiệm đường đời của tôi, trí thức là những người tự do về thế giới quan, không bị phụ thuộc vào những sức ép về kinh tế, đảng phái, nhà nước, không chịu một bổn phận nào về tư tưởng. Nguyên tắc chính của tính trí thức là sự tự do về trí tuệ, sự tự do như một phạm trù đạo đức... Tôi muốn nói rằng một nhà bác học chưa chắc đã phải là trí thức. Họ không còn là trí thức khi quá chú mục vào chuyên môn của mình mà quên mất ai sử dụng thành quả lao động của mình và sử dụng như thế nào. Khi đó, do theo đuổi những lợi ích chuyên môn, họ đã coi nhẹ lợi ích đồng loại và những giá trị văn hóa...” (“Thư gửi Tạp chí Thế giới mới, Số 2 năm 1993”, trong http://www.soup.io/everyone?).  
     Tuy nhiên, ngặt một nỗi, vì người trí thức cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt với bản năng sinh tồn như những người bình thường khác nên họ còn phải bận lo nhiều thứ, vì thế trong họ thường có sự mâu thuẫn trì kéo giữa một đằng là lý tưởng, hoài bão tốt đẹp về xã hội, với đằng khác là nhu cầu an toàn, thụ hưởng cho bản thân, gia đình mình. So với tầng lớp thống trị ở trên thì tay họ chưa dính chàm, còn với lớp bình dân ở dưới thì con cái trong nhà họ nói chung có nhiều cơ hội được ăn học giáo dục tương đối đầy đủ, không đi móc bọc, chửi thề đánh lộn hoặc tham gia các tệ nạn xã hội như con em của không ít nhà kém học thức khác trong một xã hội rối loạn bất công. Do cần tranh thủ để đạt một số điều kiện ưu tiên cho con đường thăng tiến của bản thân và gia đình, một số trí thức lần hồi bị thui chột sĩ khí, không dám phê phán hoặc nói lên sự thật; nếu có điều chi bức xúc thì họ cũng âm thầm chịu đựng cho qua, không nhận mình hèn đớn, viện dẫn rằng thời cuộc khó khăn, hoàn cảnh không cho phép, “thức thời vụ giả vi hào kiệt” (kẻ thức thời là người hào kiệt)... Nếu họ thuộc thành phần sáng tác hoặc phát minh, viết được vài ba công trình học thuật để đời thì tâm lý lại càng dễ tự mãn hơn, vui vẻ nhận sự tôn vinh của người đời mà quên buồn với những nỗi thống khổ và trục trặc của nhân sinh trong những hiện tình xã hội cụ thể. Nếu thuộc thành phần tham gia chính trị, do tự nguyện dấn thân hoặc được chính quyền cơ cấu sẵn đưa vào các loại tổ chức/ đoàn thể, thì họ lại càng an tâm hơn vì có tâm lý “cha mẹ dân” của một người cao đạo đã trả xong việc nước nợ đời, mà ít khi có dịp tự hỏi những gì mình nói và làm thực tế đã đem lại được lợi ích gì cho đám bình dân, hay tác dụng có khi chỉ là ngược lại. Bởi vì, người ta thường thấy vẫn có không ít trí thức về mặt nhận thức đối với các hiện tình chung của xã hội thì họ vẫn đủ sáng suốt, nhận ra mọi vấn đề, nhưng vì nhiều lý do thực tế của cuộc sống, họ đã chọn lựa thái độ cầu an nên thường không dám tỏ thật ý kiến phản bác, trước những nỗi bất công, thậm chí vô hình trung còn đồng lõa với một số điều tệ hại đi ngược với quyền lợi của công chúng, dần dà trở thành những phần tử thỏa hiệp nguy hiểm để hợp lý hóa cho những chủ trương chính sách sai lầm, rốt cuộc trở thành những kẻ ngụy tín ngụy biện lúc nào không hay.      
     Một số trí thức trung thực có tâm huyết muốn góp phần thúc đẩy cải cách xã hội nhưng hoàn cảnh chính trị khắc nghiệt không cho phép, lâu ngày tâm chí bị cùng mằn chán nản, vì lực bất tòng tâm. Một số người khác cho rằng mình bị bịt miệng vì không có tự do ngôn luận đầy đủ, cũng ưu thời mẫn thế và bất mãn hiện trạng. Nhưng dù thuộc lý do, hoàn cảnh nào trong số các tình huống nêu trên, thân phận người trí thức cũng có những điểm bi kịch có phần đáng được chia sẻ, vì không phải hoàn toàn tại họ, nhưng nếu cứ để vậy mà kéo dài cuộc sống dở chết dở, họ sẽ mang mãi cái tâm sự như của Tô Thức (thời Tống): “Thẹn hoài cho người nước nầy, đau xót như có gai đâm trong da thịt; bình sinh đọc đến năm ngàn quyển sách, nhưng không có một chữ nào cứu đói cho dân được”.
     Nói về vai trò, trách nhiệm của phần tử trí thức trước thời cuộc, ở Trung Quốc người ta thường nhắc tới nhân vật Lương Thấu Minh (1893-1988), một nhà nho-nhà triết học nổi tiếng, nhưng Lương không chỉ lo rị mọ sách vở và lập thuyết mà lúc nào cũng quan tâm đến những vấn đề bức xúc gắn với số phận của đất nước. Câu nói “Tam quân khả đoạt soái dã, thất phu bất khả đoạt chí dã” (Có thể [dùng sức mạnh] bắt được một vị nguyên soái, chứ chí hướng của một thường dân thì không [dùng sức mạnh mà] đoạt nổi) là của ông, và ông đã vì lương tâm, trách nhiệm mà làm đúng ý thầy: Bang vô đạo, phú thả quý yên, sỉ dã (Khi nước vô đạo nghĩa là đang ở trong tình trạng hắc ám về chính trị mà lo chạy theo lợi danh để mong được giàu và sang là điều đáng hổ thẹn- Luận ngữ, thiên “Thái Bá”); đây cũng là câu nói của Khổng Tử mà nhà văn-nhà triết học Mỹ Henry David Thoreau (1817-1862) đã có lần trích dẫn trong tác phẩm Civil Disobedience(Bất tuân dân sự/ Bất tuân chính quyền) nổi tiếng của mình.   
    
     Trí thức và chính quyền: những suy nghiệm từ lịch sử
     Các chính quyền độc tài từ cổ chí kim trên thế giới nói chung đều không ưa trí thức, vì phần tử nầy thường có đủ sự hiểu biết và óc sáng suốt để nhận ra đồng thời đưa ra ý kiến phê bình chỗ sai lầm, mị dân của các nhà đương cuộc, nên mới có chuyện như Tần Thủy Hoàng (259-210 TCN) thời xưa “phần thư khanh nho” (đốt sách chôn học trò)… Trong các chế độ độc tài thiếu dân chủ, người trí thức chân chính do luôn đứng ở vị trí bênh vực quyền lợi người dân mà đối lập với chính quyền nên các nhà cầm quyền thường tìm mọi cách hoặc vô hiệu hóa họ hoặc dùng mồi nhử lợi danh trao cho họ nhiều thứ danh dự và chức hàm để biến họ thành hạng trí thức nô dịch phụ họa cho những đường lối chính sách sai lầm của mình.      
     Nói về mối quan hệ giữa tầng lớp trí thức với giới cầm quyền, người ta thường nhắc đến câu nói rất nổi tiếng nầy của nhà chính trị sáng lập ra nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã phát biểu thẳng thừng trong một bài nói chuyện về đường lối văn nghệ vô sản ở Diên An năm 1942, đại khái : “Trí thức nếu không lao động thì chỉ đáng là một cục phân”. Câu nói nầy của Mao Trạch Đông gây sốc khá mạnh, có lẽ cũng từng làm tổn thương và mích lòng cho không ít người, nhất là đối với những người tự cảm thấy dường như mình đích thị là đối tượng đang bị nhà chính trị đầy quyền lực kia xem thường.      Mao dám miệt thị trí thức có lẽ vì trong thâm tâm cho rằng trí thức là kẻ trói gà không chặt, nhút nhát, và do cái gì cũng ham muốn như vừa muốn tiếng tốt trong sạch vừa muốn được cận kề quyền lực và sự giàu sang nên lập trường không vững, thường thiếu quyết đoán và không dám lăn xả hành động quyết liệt cho một mục tiêu lý tưởng nào đó; nếu anh ta bất mãn chính quyền đương đại mà có âm mưu “tạo phản” thì cũng chẳng làm nên cơm cháo gì (“tú tài tạo phản tam niên bất thành”)...
     Nhưng không phải chỉ có Mao, bậc tổ sư về chính trị của cả ông lẫn Tần Thủy Hoàng là nhà triết học-chính trị học Hàn Phi Tử  (281-233 TCN) cũng đã từng mạt sát trí thức. Cách nay trên hai ngàn năm, khi viết thiên “Ngũ đố” để kết tội năm loại mọt (ngũ đố) chuyên đục khoét và làm băng hoại xã hội, Hàn Phi đã đưa thành phần trí thức lên đầu sổ (trong nguyên văn ông dùng chữ “học giả”): “Các học giả chỉ biết nịnh hót xưng tụng đạo của tiên vương (các vua đời trước), mượn tiếng là trọng nhân nghĩa, trau chuốt dung mạo và y phục lời ăn tiếng nói để làm loạn pháp độ đương thời, làm mê hoặc lòng vua chúa…; bọn thị thần nịnh bợ, tích tụ tài sản, ăn hối lộ, mượn cái thế của nhà cầm quyền để chạy chọt xin xỏ cho những người mình đã nhận hối lộ… Năm hạng người đó là mối mọt của nước, bậc vua chúa không diệt trừ họ thì trong thiên hạ có quốc gia bị tàn phá suy vong, có triều đại bị tiêu diệt, cũng không có gì lạ!” (...Nhân chủ bất trừ thử ngũ đố chi dân, tắc hải nội tuy hữu phá vong chi quốc, tước diệt chi triều, diệc vật quái hĩ!).
     Một học giả-nhà văn-nhà cải cách kinh tế-chính trị nổi tiếng của Trung Quốc thời Tống là tể tướng Vương An Thạch (1021-1086) cũng không vui gì khi nhắc tới những người trí thức cùng thời với mình, trong bức thư ông trả lời Tư Mã Quang (1019-1086) về việc họ Tư Mã ngăn cản cuộc cải cách bằng “tân pháp” của ông: “Kẻ sĩ đại phu đa số không lo gì đến quốc sự, chỉ mị dân, chiều theo thị hiếu của số đông, cho như vậy là tốt...”.
     Theo truyền thống của Trung Quốc và Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ, qua phương thức tuyển chọn nhân tài hầu như cố định bằng con đường khoa cử, giới trí thức nho sĩ với tư cách văn nhân thi sĩ kiêm quan lại xuất thân bình dân hay quý tộc luôn đứng ở trong hoặc bên cạnh nhà cầm quyền, giúp nhà cầm quyền trị dân, bù lại họ cũng được hưởng một số đặc quyền đặc lợi hoặc danh dự của triều đại mình phục vụ. Nhưng một số trong họ vẫn không thiếu những ông quan thanh liêm đầy lý tưởng chọn đứng về phía những người dân thấp cổ bé miệng, như Bạch Cư Dị, Liễu Tông Nguyên (thời Đường), Tô Thức (thời Tống), Lưu Cơ (thời Minh), Lương Khải Siêu, Hồ Thích (thời Thanh mạt)…, luôn dùng tài thơ văn của mình để phê bình gay gắt chính sự đương thời. Hoặc ít nhất, nếu không gay gắt thì cũng ôn hòa nhân ái như Phạm Trọng Yêm (989 - 1052) thời Bắc Tống, ở ngôi cao trên miếu đường luôn phải nghĩ đến dân, lo trước thiên hạ vui sau thiên hạ, gọi là “tiên ưu hậu lạc” (nói trong bài “Nhạc Dương lâu ký”). Ở Việt Nam thời phong kiến, không thiếu những phần tử trí thức nhà nho trung thực như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Quý Cáp… Một số người thiếu bản lĩnh/ điều kiện đấu tranh chống lại nhà cầm quyền thối nát, đã từ chối không ra làm quan hoặc treo ấn từ quan khi tự cảm thấy mình trở nên vô dụng, bất lực trước thời cuộc.
     Còn trong thời cận hiện đại, theo nhận xét của các nhà nghiên cứu, cả ở Trung Quốc và Việt Nam, do các điều kiện mới về lịch sử, chỉ từ đầu thế kỷ 20 mới có một bộ phận độc lập nhưng chưa thật mạnh của thành phần trí thức tách ra khỏi hệ thống cầm quyền, đó là một số nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nghị viên hội đồng các tỉnh thành, dân biểu quốc hội..., nhưng tình trạng nầy diễn ra trong giai đoạn ngắn ngủi, ở Trung Quốc chỉ đến năm 1949, còn ở Việt Nam thì có thể tính đến hai mốc lịch sử 1954 và 1975 tùy theo miền.
     Ở Nga, giới trí thức hình thành sớm hơn. Họ đã có một khoảng thời gian dài đến vài ba thế kỷ được hít thở không khí tự do và có được vai trò cùng tiếng nói ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của nền văn hóa-khoa học của đất nước, nhưng sang đến thời kỳ chính quyền Xô-viết (1917) thì nền văn hóa Nga lại bắt đầu có những chuyển hướng phức tạp mà nét đặc trưng là sự thao túng của hình thái văn hóa-xã hội cực quyền cùng với bệnh giáo điều, kết quả là, theo sự ghi nhận của Từ điển bách khoa văn hóa học (Viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2002) thì “Trong suốt thời gian tồn tại của Liên bang Xô-viết, giới trí thức Nga luôn là đối tượng của các hình thức đàn áp liên tục thay đổi, nhưng tất cả đều nhằm một mục tiêu: hủy diệt tính độc lập tinh thần và bản chất riêng của giới trí thức Nga, biến họ thành kẻ phục vụ cho huyền thoại về hệ tư tưởng...”.
     Căn cứ trên kinh nghiệm thực tế chung của lịch sử các xã hội có hoàn cảnh tương tự, người ta thấy phần tử trí thức tùy theo trường hợp có khi đứng trong có khi đứng ngoài chính quyền, nhưng dù trong hay ngoài, nếu là người trí thức chân chính có lương tâm trong sáng thì họ vẫn luôn ráng giữ thái độ trung thực, độc lập hoặc tương đối độc lập về chính kiến đối với các nhà đương cuộc, để có thể mạnh dạn đặt vấn đề phê phán trước các hiện tình còn chưa tốt của xã hội mà họ đại biểu cho nhân dân có quyền đòi hỏi phải cải cách. Điều nầy có nghĩa họ sẽ có trách nhiệm chung về sự an nguy của dân chúng, và không vì sự thuận tiện của cuộc sống bản thân mà sẵn sàng phụ họa cho những điều sai trái đi ngược lại với quyền lợi của những người cùng khổ. Họ phải đấu tranh bằng cách nầy hay cách khác bất chấp cường quyền chống lại mọi hình thức ma mị độc tài nếu có, để bảo vệ dân chủ, duy trì các giá trị nhân văn, và trong khi làm như vậy, họ tâm niệm lợi ích của nhân dân là luật pháp tối thượng không một quyền lực hay siêu quyền lực nào có thể đứng trên được. Nếu vì lý do nào không thể thực hiện đúng hoài bão thì những người trí thức chân chính cũng không thể cam chịu ô danh trở thành đồng lõa tích cực cho những chính sách sai lầm nhờ hưởng được lợi lộc từ cơ chế hiện hành của xã hội. Do vậy, cho dù thật sự xứng đáng về tài năng học thuật, người trí thức chân chính sống trong các chế độ độc tài thối nát sẽ chẳng bao giờ cảm thấy hứng thú khi được nhà cầm quyền gợi ý bảo họ viết đơn xin để nhận các loại danh hiệu, huân chương hay giải thưởng nầy khác…
     Bàn về mối quan hệ giữa trí thức với chính quyền, có quan niệm cho rằng  người trí thức phải đứng ngoài chính quyền mới giữ được thái độ độc lập. Điều nầy đúng nhưng phải còn tùy, và thường không sát với thực tế cuộc sống, như chúng ta có thể thấy qua một số dẫn chứng trên kia về các mô hình  tồn tại thông thường của phần tử trí thức trong xã hội xưa và nay với chính quyền ở các điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau. Vấn đề chỉ phân biệt ở chỗ lương tâm và trách nhiệm của người trí thức chứ ít tùy thuộc vào chỗ họ có hưởng bổng lộc ít nhiều của nhà nước hay không, mặc dù chính sự tùy thuộc nầy thường phải trả giá rất đắt nếu không muốn bị rơi vào cái thế trên đe dưới búa, tiến thối lưỡng nan. Trên thực tế, chỉ một số rất ít người giữ được chỗ đứng tương đối độc lập, và trong điều kiện may mắn đặc biệt nầy họ mới có thể hưởng được cái quyền tự do nói lên một cách trung thực và thẳng thắn nguyện vọng chính đáng của đại đa số quần chúng, trong tinh thần chỉ vì quốc gia mà xây dựng chứ không một chút ý tưởng ganh ghét, đả kích hay căm thù cá nhân đối với bất kỳ người nào, cho dù đó có thể là một kẻ độc phu tham lam vô đạo.
     Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, người trí thức cũng dễ bị chán nản thất vọng trước tình trạng xã hội băng hoại thối nát khó cứu chữa mà tiếng nói phê bình của họ thường trở nên lạc lõng một cách vô vọng trong sự lơ là của các nhà chính trị cầm quyền ngoan cố. Trong trường hợp nầy, một số trí thức đành buông tay “quy ẩn” dưới hình thức im lặng, theo kiểu giữ gìn tiết tháo, ôm lấy cái tâm sự  của nhà nho xưa, “thế sự thăng trầm quân mạc vấn” (lời Cao Bá Quát: việc đời chìm nổi hỏi tới mà làm gì), hoặc “cùng tắc độc thiện kỳ thân” (lời trong Luận ngữ: lúc bế tắc thì chỉ lo trau giồi nhân cách làm trong sạch cho riêng mình). Một số khác biết rõ tình thế lực bất tòng tâm nhưng không đành im lặng trước những nỗi thống khổ, bức xúc hằng ngày trông thấy của đồng bào đồng loại, “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, nên họ vẫn tiếp tục thỉnh thoảng lên tiếng trên các phương tiện truyền thông đa dạng, nhưng không phải để can ngăn khuyên giải thuyết phục chính quyền nữa, mà chỉ để gieo mầm ý thức cho những người đồng thời, đặc biệt cho thế hệ trẻ, với hi vọng lời nói, ý kiến, tư tưởng mình gieo ra như những hạt phấn thông vàng bay đi muôn phương nhưng có thể đậu lại thành trái ngon quả đẹp hay không là “tùy lòng gió” (chữ dùng của nhà thơ Xuân Diệu trong Phấn thông vàng), trong quá trình thúc đẩy lượng biến thành chất, sẽ có lúc tích tụ thành sức mạnh, không hẳn cho ngay bây giờ mà còn cho mai sau các thế hệ con cháu.   
Cái tình cảnh lưỡng nan như vừa nêu trên của cả hai loại thái độ ứng xử, người đời thường gọi là thân phận của người trí thức, hạng “hủ nho lo việc đời”, ví như thân phận con tằm nhả tơ không dứt, trong bài thơ “Vô đề” của Lý Thương Ẩn (813-858) thời Đường: “Xuân tàm đáo tử ti phương tận/ Lạp chúc thành hôi lệ thủy can” (Thác rồi tằm mới dứt tơ/ Tàn rồi ngọn nến mới khô lệ sầu).
                                                                                                                                1.2017
         
 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 19-1-17
http://www.viet-studies.com/kinhte/TranVanChanh_TrachNhiemTriThuc.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét