Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Thủ tướng phê phán 'lợi ích cục bộ' trong bốn bộ

Thủ tướng VN phê phán 'lợi ích cục bộ' trong bốn bộ
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phê phán điều ông gọi là 'lợi ích cục bộ trong quy hoạch' ở bốn bộ thuộc quyền của ông. Đó là Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương.
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc thăm 
Mông Cổ dự Hội nghị Thượng đỉnh Âu - Á tháng 7/2016
"Quy hoạch" tức công tác lên đề án và kế hoạch, gồm cả nghị trình triển khai các nhiệm vụ công và chi tiêu ngân sách cho những công tác đó, là lĩnh vực được nhắc đến nhiều ở Việt Nam thời gian qua. Công tác này bị phê phán nhiều, từ chuyện quy hoạch đô thị - vụ nhà 50 tầng ở Giảng Võ - cho đến quy hoạch tuyển chọn cán bộ cho bộ máy Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền.

Nay, ông Phúc đề cao quyết tâm và nhấn mạnh: "Quy hoạch sẽ gặp nhiều va chạm".

Ông cũng nói "Không đổi mới là chết", theo lời trích trên trang Pháp luật 12/01/2017.

Có vẻ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn định hướng lại cho công tác "làm kế hoạch, quy hoạch hiện nay" mà theo ông phải theo kinh tế thị trường.

"Thị trường đã là nhà lập kế hoạch tài ba… Quy hoạch phải trên tinh thần kiến tạo chứ không phải thuận tiện cho quản lý, kiểm soát, kìm hãm sự phát triển và tạo cơ hội xin-cho."

Nhắc đến cơ chế xin- cho, ông Phúc đã nhắm thẳng vào quy trình ban phát quyền lợi, hợp đồng công từ nguồn quốc gia cho các 'nhóm lợi ích'.

Các báo Việt Nam viết tiếp rằng "Thủ tướng lấy ví dụ về quy hoạch chỉ có 10 tỉnh được làm nông nghiệp công nghệ cao".

"Tôi đã nói nhà nào, HTX nông nghiệp nào, tỉnh nào làm được nông nghiệp công nghệ cao thì làm. Đó là nguyên tắc thị trường. Không phải chỉ ngân hàng NN&PTNT mới cho vay nông nghiệp công nghệ cao mà tất cả ngân hàng đều phải có gói vay này. Phải cạnh tranh chứ. Nếu có một ngân hàng nông nghiệp cho vay thì chỉ có nước đi "lạy" ông ấy để vay, rồi chi phí phát sinh nữa. Phải theo kinh tế thị trường chứ," ông Phúc phát biểu.

Nhu cầu thay đổi


Thủ ̉tướng Phúc đón Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm John Kerry của Hoa Kỳ đến Việt Nam

Tuy nhiên, các báo Việt Nam không đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có biện pháp gì nếu những chỉ thị của ông không được cấp dưới thực hiện đến nơi đến chốn.
Hồi tháng 12 năm ngoái, ông cũng đã phát biểu nhấn mạnh đến nhu cầu 'thay đổi thể chế' chỗ nào không phù hợp trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

"Còn đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Trung ương sẽ trình cơ quan có thẩm quyền kiến nghị bãi bỏ."

Báo Việt Nam hôm 26/12 trích lời ông Phúc cũng kêu gọi chính bộ máy không nên 'sợ thể chế':

"Thể chế là do chúng ta nghĩ ra nhưng chúng ta lại sợ nó; phải bãi bỏ vì dân vì nông nghiệp, nông thôn, đừng để các cơ chế chính sách đó ảnh hưởng, đây là nội dung quan trọng số một của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền."

"Tránh quy định lạc hậu mà bắt người dân thực hiện mãi", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được trích lời nói.

Nhưng dù các báo Việt Nam chạy tựa đề rất mạnh về 'thể chế', thực ra vấn đề được đề cập không phải là cải cách hệ thống chính trị mà chỉ là chính sách hạn điền đã nêu ra từ 2003 khi bàn về Luật Đất đai.

Trang Dân Trí (19/12/2016), tường thuật về một hội nghị ngành nông nghiệp đã nêu ra ví dụ nhà đầu tư không được phép làm chủ đất cho sản xuất nông nghiệp hiện đại, buộc phải nhờ người khác đứng tên.

Trong một bài đăng trên trang của Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi tháng 12/2015, GS Đặng Hùng Võ đã nhận định:

"Trên thực tế, cũng có hai cách nhìn nhận về quy định hạn điền. Một luồng ý kiến cho rằng cần loại bỏ hạn điền nhằm khuyến khích kinh tế trang trại quy mô lớn. Một luồng ý kiến ngược lại, muốn tiếp tục quy định hạn điền để tránh xu hướng hình thành tầng lớp địa chủ mới và tầng lớp tá điền mới ở nông thôn."

"Khi chuẩn bị dự thảo Luật Đất đai 2003, quy định xóa bỏ hạn điền được nhất trí khá cao. Khi thảo luận ở Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đã có ý kiến nghi ngờ việc xóa bỏ hạn điền với luận cứ rằng cha ông ta bao nhiêu đời mà chưa ai dám bỏ hạn điền. Thế là lại phải đưa hạn điền vào quy định của pháp luật."

Tinh thần của Chính phủ là phải đổi mới, dù đổi mới không phải là dễ nhưng không đổi mới là chết - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Dấu ấn của tân thủ tướng

Trong phát biểu mới nhất, ông Nguyễn Xuân Phúc nêu quyết tâm đổi mới:

"Tinh thần của Chính phủ là phải đổi mới, dù đổi mới không phải là dễ nhưng không đổi mới là chết".

Hồi tháng 7/2016, trong bài viết đăng trên Diễn đàn của BBC Tiếng Việt, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ, từ Học viện Chính sách & Phát triển đã nhận định về các dấu ấn ban đầu của tân Thủ tướng:

"Ông Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với các bộ ngành, đi đến nhiều địa phương để nắm bắt tình hình, lựa chọn các điểm nhấn điều hành qua cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp toàn quốc nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, phát động 'phong trào khởi nghiệp', và tuyên chiến với vấn đề mất vệ sinh, an toàn thực phẩm."


Nhà máy Trina Solar, đầu tư của Trung Quốc tại Bắc Giang

"Ông đã gây ấn tượng với phát ngôn 'không hình sự hóa' trong vụ quán cà phê 'Xin chào', 'không đánh đổi môi trường lấy kinh tế' ở vụ Formosa, hay 'mong muốn nghe ý kiến' khi đối thoại với đại diện công nhân của tám địa phương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…"

Nhưng tác giả cũng nêu ra các thách thức chính trị cho ông Phúc, đến một mâu thuẫn cơ bản:

"Mâu thuẫn nêu trên cần được coi là mâu thuẫn cơ bản cần nhận thức thấu đáo trong cải cách thể chế kinh tế và chính trị hiện nay ở Việt Nam.

Cuối cùng, đổi mới, phát triển kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi thể chế, và bài học quan trọng nhất phải làm rõ nội dung dân chủ trong bối cảnh hiện nay để có nhận thức và hành động đúng của nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Các quyền cơ bản của công dân được công nhận trong Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, dường như, có thế lực 'vô hình', nhóm lợi ích 'vô hình', song rất mạnh mẽ ngăn cản cụ thể hóa Hiến pháp bằng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách để người dân được thực thi các quyền tự do ngôn luận, biểu tình, lập hội…mà không làm bất ổn chính trị xã hội và an ninh quốc gia..."

(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét