Thương, nhớ lắm Sài Gòn!
1. Lai rai trên các báo, thỉnh thoảng đọc thấy dòng tin… rất lạ, tỉ như “Dân Sài Gòn cởi áo cho kẻ trộm mặc chống lạnh”, “Tủ bánh mì miễn phí của người Sài Gòn”. Tại sao lại là “người Sài Gòn”, “dân Sài Gòn”? Có gì đó rất đáng yêu, đúng kiểu chơi đẹp và có gì đó nghèn nghẹn trong tim…2. Một người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc nhớ lại buổi ban đầu đặt chân đến thành phố này lúc vẫn còn là Sài Gòn trong hơn một năm: “Sau năm 1975, có những thứ mà Sài Gòn và miền Nam làm cho hắn rất lạ và không thể quên. Một đêm, chạy xe máy về nhà (ông cậu), tới ngã tư đèn đỏ, ngó hai bên đường vắng hoe, hắn rồ ga tính vọt thẳng. Bất ngờ nghe bên tai tiếng thắng xe cái rẹt, liếc qua thấy ông lão với chiếc xích lô trống không. Quê quá, phải dừng theo!”.
“Lên xe buýt, xe đò trong Nam luôn cho hắn những cảm giác thích thú để quan sát. Đủ các hạng người, mà sao không ai chen lấn, cãi vã. Khách nhường ghế cho nhau, thăm hỏi, chỉ đường tận tình (những thứ mà cho đến hôm nay, trên xe buýt Hà Nội, người ta phải ghi lên tấm biển to đùng, thành “Nội quy”). Lơ xe lăng xăng xách, buộc đồ cẩn thận cho khách, nhảy lên mui, đeo bên thành xe la nhắc người dưới đường cẩn thận” (trích từ FB Tưởng Năng Tiến).
3. Hôm nay, khi chúng ta đi xe máy, có ai tự giác dừng xe lúc đèn đỏ khi chung quanh không một bóng người? Tôi nghĩ là không. Hôm nay, chúng ta có lẳng lặng xếp hàng, không chen lấn, nhường nhịn nhau? Tôi nghĩ là không.
Trên mặt báo, trong các cuộc hội thảo, chúng ta không ngớt ca ngợi người Nhật, người Hàn có nếp sống văn minh, rồi bình phẩm: còn lâu, thậm chí cả trăm năm, không biết người Việt có nổi ý thức tự giác, văn minh như vậy hay không.
Chúng ta tự dè bỉu mình, tắt một lời, là “tại dân trí người Việt còn thấp”.
Nghe mà đau xót. Chẳng phải vì những hội thảo gọi là khoa học đổ lỗi “tại dân trí”. Toàn hội thảo tầm phào. Mà đau xót về một ký ức Sài Gòn, chỉ mới hơn 40 năm thôi, đã gần như bị lãng quên.
Nhất là với những thế hệ mới sinh ra sau năm 1975, lại càng không biết.
4. Bác xích lô già cả, học vấn chỉ biết đọc biết viết, kéo thắng cái rẹt dừng lại đèn đỏ giữa đêm vắng, “dân trí” của bác là cao hay thấp? Các cô buôn thúng bán bưng lên xe buýt không chen lấn mà còn nhường ghế cho người già cả, họ học i tờ chỉ đủ để đọc mấy con số, “dân trí” của họ là cao hay thấp?
Những nhà nghiên cứu làm ơn tìm hiểu quá khứ của Sài Gòn, suy nghĩ cho kỹ. Nói “dân trí thấp” thì chẳng khác nào tát vào mặt ông già xích lô đêm khuya, tát vào mặt những bà mẹ buôn thúng bán bưng của một Sài Gòn 40 năm trước.
Liệu những người có ăn có học, nghĩa là “dân trí cao”, nay có dừng lại trước đèn đỏ giữa đêm vắng tanh?
Không “dân trí” gì ở đây. Lý do, quý vị tự tìm hiểu nếu đủ lòng trung thực.
5. Đọc lại dòng tin “Dân Sài Gòn cởi áo cho kẻ trộm mặc chống lạnh” mà rớt nước mắt. Thương lắm. Mấy chữ “dân Sài Gòn…” giống như một niềm kiêu hãnh còn sót lại, sau bốn mươi năm. Giữ được một chút nếp sống đàng hoàng cỡ vậy, phải mừng, mừng húm.
Kiêu hãnh Sài Gòn chẳng phải là kiêu hãnh của vùng miền cục bộ. Sài Gòn tụ hội tứ xứ, bắc trung nam đều có đủ. Sài Gòn, do vậy, là một Việt Nam thu nhỏ.
Đã từng có một Việt Nam thu nhỏ hết sức văn minh như thế.
Nguyễn Chương
Đăng bởi: Một Thế Giới
Tựa đề và nội dung bài viết thật hay. Đúng vậy: THƯƠNG,NHỚ LẮM SÀI GÒN ƠI !
Trả lờiXóaTựa đề và nội dung bài viết thật hay. Đúng vậy: THƯƠNG,NHỚ LẮM SÀI GÒN ƠI !
Trả lờiXóa