Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Thi cõng vợ

Thi cõng vợ
Trần Trí Dũng - January 9, 2017 - Thể thao có thể nhiều đề tài chuyên biệt, thậm chí chỉ dành cho một số khán giả mộ điệu am hiểu. Nhưng cũng không ít những chuyện bên lề vui vui, nhẹ nhàng, giải trí, giải tỏa tò mò nhưng vẫn giàu thông tin. Ngày nay, có thể kể vài loại thể thao lạ, không chánh thức nhưng nhiều người xem như Ninja Warrior hoặc The Strongest Man, v.v… Tuần này xin giới thiệu trò chơi cõng… vợ.
Cõng đứng và cõng chúi. Ảnh Newcastle Herald
Cõng vợ trên vai. Ảnh AP
Anh ngữ gọi là Wife Carrying. Trò chơi có nguồn gốc từ xứ Phần Lan Finland, phương ngữ gọi là Akankanto. Nhưng dân Estonia lại rất giỏi trong trò này nên thuật ngữ tiếng nước họ Naisekandmine cũng rất phổ biến. Buổi đầu ở Phần Lan các hội thi cõng vợ thường diễn ra trên địa hình tự nhiên với sông suối đồi dốc cây cỏ đất đá thiên hình vạn trạng. Dần dần trò cõng vợ lan ra khắp thế giới, luật lệ trở nên nghiêm ngặt quy củ hơn, và khung cảnh cũng ít nhiều… nhân tạo hơn để phù hợp đời sống hiện đại.

Các hội thi cõng vợ có khác biệt ít nhiều tùy nơi tùy lúc, nhưng cách chung là đường dài 253.5m hay 831 feet; mặt sân đất, cát, cỏ, sỏi…; có chướng ngại vật như hàng rào và nước sâu cỡ 1m hay 3.2 feet. Tên gọi chánh thức là trò chơi cõng “vợ” vượt sông, vượt sình, nhưng thực tế không ai truy xét hôn thú, và người dự thi có thể là vợ chồng thiệt, hoặc chỉ là hàng xóm, bạn bè, đồng sự, hoặc bất kỳ ai. 

Ðiều kiện phải trên tuổi vị thành niên, và quan trọng hơn là người “vợ” cân nặng tối thiểu 49 kg hoặc 108 pound. Ðể giữ cuộc thi công bằng, nếu bà “vợ” nhẹ dưới mức yêu cầu thì phải vác theo trên người bao cát hoặc vài cục tạ miễn sao đạt đủ số 49 kg. Kết quả xác định rất đơn giản, ông “chồng” nào cõng “vợ” vượt qua đường dài 253.5m nhanh nhất thì chiến thắng. 

Mỗi lần anh nào thả vợ xuống nghỉ mệt sẽ bị phạt bằng cách cộng thêm 15 giây vào thành tích chung cuộc. Chặng đường 831 feet không phải ngắn, với các rào cản, và nhất là “chướng ngại vật” tối thiểu 108 pound trên vai, nên chuyện các anh chàng “Drop the Wife” không phải là hiếm–giải thích vì sao nhiều quý bà quý cô đội nón an toàn.

Cặp Margo Uusorg và Sandra Kullas người Estonia lập 
kỷ lục thế giới 56.9 giây từ năm 2006. Ảnh travel.news.cn/

Vác vợ trên vai kiểu “lính cứu hỏa” Fireman’s Carry. Ảnh Sunday River Resort

Phần thưởng cho người chiến thắng thường mang tính cách vui vui như chiếc điện thoại mới hay vé xem xi nê, nhưng phổ biến nhất, có lẽ để tưởng thưởng công khó của đấng mày râu, là bia–được rót tính theo cân nặng của “vợ”–hoặc với các cuộc thi lớn thì gấp… vài lần trọng lượng em yêu. 

Và cũng như mọi môn thể thao khác, trò chơi cõng vợ cũng có kỹ thuật chiến thuật hẳn hoi. Ðã thấy người ta thử nhiều tư thế khác nhau để đi tìm kiểu cõng vợ hiệu quả nhất. Các kiểu thường gặp là cõng vợ trên lưng, cõng vợ trên vai, vác vợ trên vai–ông vác bà nằm vắt ngang vai giống như lính cứu hỏa vác vòi nước nên Anh ngữ gọi là Fireman’s Carry. 

Nhưng thường thấy nhất trong các cuộc thi cõng vợ là tư thế cõng chúi bắt chước kiểu của các cặp người Estonia nên còn gọi là Estonian Carry. Bà vợ trong tư thế này treo ngược đầu xuống đất trong khi chân kẹp cổ và tay ôm eo ông chồng. Với người không quen cõng thì kiểu Estonian Carry ban đầu hơi khó. Với người không quen… mắt thì cõng kiểu này thiệt là khó coi xốn con mắt. Với bà vợ vì phải áp mặt vô mông ông chồng, nếu lỡ… bong bóng xì hơi thì chắc âm hưởng sẽ bao la. Nhưng theo đánh giá thì kiểu cõng này lợi hại nhất vì sức nặng của người vợ được chia đều và độ thăng bằng cao giúp ông chồng dễ di chuyển nhanh, quan trọng là cõng vợ kiểu này giúp người ta vô địch thế giới nhiều lần nhất.

Cầu hôn trước khi cõng. Ảnh metro.co.uk/Cõng vợ kiểu chúi, hỗn danh là Estonian Carry. Ảnh AP

Kể từ 1992, vào Tháng Bảy hằng năm, có cuộc thi Wife Carrying World Championships khá lớn tổ chức tại thị trấn Sonkajärvi xứ Phần Lan. Siêu sao banh rổ NBA một thời Dennis Rodman cũng từng mon men vào hội thi cõng vợ nhưng chỉ chạy nổi 100 thước cuối vì theo như anh chàng kể lại, cõng vợ còn… gian khổ hơn cả chơi banh rổ nhà nghề. 

Ngoài ra còn có nhiều cuộc thi cõng vợ diễn ra khắp thế giới, từ Estonia đến Thụy Ðiển, Úc Châu, Ireland, Anh Quốc, Ðức Quốc, thậm chí cả Hoa Lục, Hong Kong, và một xã hội Á Ðông khác khá bảo thủ mà mỗi năm cũng tổ chức hội thi cõng vợ gọi là Ecorun India. 

Riêng tại Hoa Kỳ, nổi tiếng nhất có cuộc thi cõng vợ tên North American Wife Carrying Championship mỗi năm diễn ra tại khu du lịch River Ski Resort ở tiểu bang Maine. Xứ cao bồi cũng có Texas Wife Carrying Championships diễn ra tại thành phố Richmond, vùng phụ cận Houston. Trong sách kỷ lục Guinness Book of Records có một phần dành riêng cho trò chơi cõng vợ. 

Một số khán giả thể thao có thể xem cõng… vợ vượt sông, vượt sình như những cuộc thi “tào lao”, nhưng ngoài những đề tài thể thao chánh thống, dẫu hay, khó tránh phần khô khan, hạn chế người đọc, chỉ dành cho những ai am hiểu. Thi cõng vợ thuộc về vài loại thể thao lạ, không chánh thức nhưng được nhiều người xem tương tự Ninja Warrior, The Strongest Man… Cũng như những cuộc đời thăng trầm cầu thủ banh rổ, football, đá banh không ít chuyện lắt léo, bi thương và thú vị.

Cõng vợ kiểu Texas . Ảnh San Antonio Express

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét