Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Theo chân người bẫy thú rừng

Theo chân người bẫy thú rừng
Thanh Tú - Ban đầu họ gồm 5 người, tất cả đều quê ở Hưng Trạch tỉnh Quảng Bình, một tỉnh nghèo của Việt Nam, giáp với nước Lào. Sinh ra không phải để trở thành thợ săn, những kẻ vẫn bị báo chí lên án, đặt cho họ tên gọi là lâm tặc, tận diệt thú rừng. Tự cá nhân, họ nhận thức được việc mình làm là đang góp phần hủy hoại thiên nhiên, môi trường sống. Nhưng, để tồn tại bắt buộc phải có sự đánh đổi, hoặc những con thú trên rừng, hoặc là cuộc sống của gia đình họ.

Một con hóng bị dính bẫy
Theo con đường tỉnh lộ 9 đi lên Khánh Sơn của tỉnh Khánh Hòa, chạy dọc suốt hai bên đường là những cánh rừng và đồi núi trọc. Ẩn sâu trong những cánh rừng rất khó để có thể bắt gặp dấu chân người, đó là nơi trú ẩn, sinh tồn của nhiều loài thú rừng. Nơi đó cũng là nơi của nhóm người bẫy thú rừng kiếm kế sinh nhai.

Để tiếp xúc với nhóm người này thật chẳng dễ chút nào, bởi vì họ rất hiếm khi xuất hiện chỗ đông người. Những nhu yếu phẩm như: Gạo, mắm, muối, dầu gội, xà phòng giặt quần áo… họ đều thuê những người Thượng gùi lên, sau đó trả tiền công cho họ. Chỉ thỉnh thoảng khi có việc gì cần mà chẳng thể ai khác làm thay như gửi tiền về cho gia đình ở quê thì họ mới xuống dưới đồng bằng mà thôi. Họ ngại tiếp xúc với những người làm truyền thông, báo chí. Vì thông qua các kênh truyền thông như trên truyền hình họ bị lên án, từ đó có sự mặc cảm về nghề nghiệp của mình.


Trong lán của những người bẫy thú

Hầu hết trong số họ ai cũng từng làm gỗ bên Lào, tức là làm công nhân trong những cty Việt Nam khai thác gỗ hoặc đi tìm trầm (kỳ nam) ở núi rừng bên Lào. Cuộc sống nơi đất khách với biết bao nhiêu sự khác biệt lẫn hiểm nguy rình rập khiến họ phải rời bỏ công việc bên Lào. Một người bạn của anh Vinh-người trong nhóm đã bị những người Hmong bắn chết bằng đạn của súng kíp khi đi rừng ở bên Lào. Người Hmong thường sống trong rừng và họ rất căm thù người Việt Nam. Ở Lào, dù có kiếm được tiền nhưng chẳng thể nào dư, vì là thanh niên nên thường sa đà vào chuyện tệ nạn, cờ bạc, rượu chè. Và đối với những người làm nghề đi trầm nó cần có sự may mắn… Cuối cùng, họ đành quay về Việt Nam rủ nhau lập thành hội làm nghề bẫy thú rừng, khi nhận thấy thị hiếu của những người thừa tiền thích ăn những thứ quý hiếm.

Để đến được nơi họ đặt bẫy phải đi bộ khoảng 3 tiếng đồng hồ vượt qua nhiều con dốc dựng đứng, khúc khuỷu. Thế mà họ nói với tôi như vậy là còn gần, có những nơi họ đặt bẫy mà phải đi cả buổi trời mới đến được. Những nơi mà không thể nào tìm được người Thượng, người Mán để khuân vác thực phẩm thì họ phải chia người ra để vác khoảng 40kg gạo đến lán. Bởi vì thế, ai trong số họ cũng đều lực lưỡng và vạm vỡ và đôi chân thoăn thoắt bước qua những dốc đá cao lêu nghêu.


Làm lại chiếc bẫy đã sẩy con thú.

Họ cư trú ngay tại trong rừng, dựng lên những cái lán tạm bợ để làm nơi nghỉ ngơi. Lán giống như một cái lều được che bằng 2 tấm bạt trong một khoảng đất rộng. Xung quanh lán được phát quang nhằm ngăn chặn những loại côn trùng, rắn rít. Trong lán treo những vật dụng dùng cho việc đặt bẫy như dao phát cây, bẫy, quần áo và các vật dụng linh tinh khác… Ở phía đầu lán là bếp lửa được đốt suốt cả ngày kể cả những ngày trời mưa. Khói sẽ ngăn chặn muỗi cũng như xua đẩy những loại côn trùng không mời. Tuy toàn là đàn ông nhưng cái lán của họ rất ngăn nắp.

Tiếp tôi trong sự e dè và cẩn trọng khi nhìn thấy tôi mang theo bên mình chiếc máy chụp hình, phải ra sức thuyết phục cũng như nhờ sự hỗ trợ của 2 lít rượu đế mang theo mới làm cho cuộc trò chuyện trở nên thân mật. Họ đãi tôi bằng thịt khỉ xông khô như loại khô nai, khô bò sau khi đã lấy ngũ tạng cùng với chuột rừng nhắm với rượu.

Anh Vinh, người có tiếng nói nhất trong nhóm năm nay 28 tuổi đã có vợ và 2 con gái, cho hay đã 1 năm qua anh chưa hề về nhà. Phương tiện liên lạc của anh với vợ là qua điện thoại. Và điện thoại cũng là phương tiện duy nhất mà nhóm người này liên lạc với thế giới bên ngoài. Điều đó cũng dễ hiểu vì sao họ tốn rất nhiều tiền cho việc mua card điện thoại để nạp vào tài khoản. Sống ở một nơi trong thâm sơn cùng cốc, chỉ được nghe giọng của phụ nữ thôi cũng đã là một niềm vui sướng.

Anh Vinh cùng nhóm của mình đã qua nhiều cánh rừng từ Quảng Bình đến Dak Lak rồi Khánh Hòa để đặt bẫy sau khi những nơi đã đi qua thú rừng không còn nhiều. Mùa mưa là mùa săn thú rừng. Tuy có cực nhọc trong việc đi lại nhưng lại kiếm được nhiều tiền hơn. Còn mùa khô họ phải di chuyển sang vùng khác để kiếm thú. Trước khi quyết định dừng lại dựng lán trại ở khu rừng nào đó, họ phải định chắc được lượng thú trong vùng có thể cho họ đặt bẫy trong khoảng thời gian bao lâu. Để có được điều này họ phải đi tiền trạm và căn cứ vào dấu chân, phân thú, mùi khai của nước tiểu thú rừng còn in lại trên đất. Chỉ có họ với con mắt nhà nghề thành thục mới nhận biết được điều này. Cố giải thích cho tôi hiểu làm cách nào để nhận ra đâu là dấu chân khỉ, đâu là dấu chân chồn, đâu là dấu chân nhím nhưng cho dù chỉ dẫn cặn kỹ đến đâu tôi cũng chẳng thể nào tìm ra sự khác biệt.

Sau một đêm ngủ cùng những người săn thú rừng, sáng hôm sau tôi nài nĩ họ cho tôi cùng đi theo để xem cho biết phương cách họ bẫy thú như thế nào. Anh Vinh nhiệt tình nhận lời nhưng không quên nhắc nhở sẽ rất mệt vì phải trèo trên những dốc cao dựng đứng.

Anh cũng không quên giảng cho tôi nghe sơ qua cách họ đặt bẫy, cũng như làm cách nào để biết được đâu là nơi mà con thú đi ngang qua trên đất hay trên lá cây. Tôi được họ cho phép đi theo để tận mục sở thị phương cách đặt bẫy của họ, cũng như không quên căn dặn một mớ nguyên tắc như: Không được đạp chân lên những nơi mà con thú đi ngang, phải tránh làm thay đổi những cảnh quan xung quanh nếu không con thú sẽ không còn đi ngang qua lối đó.

Loại bẫy mà họ sử dụng là loại bẫy nhỏ, chỉ có thể bẫy được những con thú nhỏ như khỉ, chồn, sóc, nhím, hóng (một loại như con nhím), gà rừng… mà thôi. Loại bẫy này dễ làm, có thể sử dụng ngay những thứ trong rừng như cây nhỏ để làm bẫy.

Một vòng tròn được cuộc bằng một sợi dây thép mỏng, ngụy trang dưới một lớp lá đặt lên trên. Bên dưới là một hố nhỏ có đường kính khoảng 10cm bắt ngang qua lối đi của con thú. Chiếc vòng tròn bằng dây thép được nối với một sợi dây thép thường sử dụng cho thắng xe đạp nối với thân cây nhỏ ven đường đi của thú. Thân cây lúc làm chức năng của một đòn bẫy, chỉ cần một cử động va chạm nhỏ là lập tức bung lên, và con thú sẽ được treo lòng thòng lên trên không.

Anh Vinh cho tôi hay, nhóm anh đặt khoảng 1200 bẫy nằm rải rác trong khu rừng. Công việc được chia ra đều cho cả nhóm, người đi khu này, người đi khu khác. Một ngày họ đi thăm bẫy 2 lần, buổi sáng khoảng 6 giờ và buổi chiều khoảng 4 giờ. Mỗi lần đi như vậy mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Thời gian còn lại họ ở lán và làm những công việc như làm bẫy mới, nấu ăn, giặt giũ quần áo…


Người thợ bẫy thú đang làm thịt một con chuột rừng

Con thú thường phải còn sống và không bị chút thương tích nào thì mới có giá trị, vì cánh thu mua thú rừng thường tận dụng việc con thú bị thương do đặt bẫy mà ép giá. Còn những con thú bị thương quá nặng hoặc bị chết họ thường làm thịt để ăn hoặc đem sấy trên lửa cho khô rồi ăn dần.

Anh Vinh than thở, chắc anh sẽ về quê vì một phần nhớ vợ con, một phần là lượng thú trong rừng không còn nhiều nữa. Có tuần, nhóm của anh chỉ bẫy được một con nhím và bán được 600 ngàn nếu so với trước đây thông thường là 2 triệu. Với số tiền ít ỏi như vậy, nó chỉ đủ để chi tiêu và mua những vật dụng hằng ngày. Họ đã ở khu rừng núi này đã hơn 3 tháng cũng như đã quá lâu chưa về thăm gia đình. Khi được hỏi, nếu khi về lại quê thì sẽ làm gì, cả nhóm đều trả lời như nhau, chắc là qua Lào đi làm gỗ hoặc đi tìm trầm tiếp. Một vòng tròn luẩn quẩn mà những con người ở vùng đất cằn cỗi, nghèo khổ như Quảng Bình rất khó có cơ hội thay đổi cuộc đời, nhất là với những người không có vốn liếng chữ nghĩa gì như anh Vinh và nhóm bạn của mình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét