Thú vui lúc đọc từ điển
15/05/2016 - Những ngày này, đi như ngựa. Từ Đà Nẵng tham dự Hội sách Hải Châu lần 2, vừa về Sài Gòn, kịp tham dự chương trình đấu giá sách, qua ngày sau lại đi resort ở Hồ Tràm. Một khu resort mọc lên giữa vùng cát trắng, sát biển.
Trời nóng khiếp. Bước vào phòng, nhìn thấy ngay cánh cửa bằng gương trắng. Tuy nhiên, không thể mở bước ra ngoài ban công được. Cửa khóa kín mít, chỉ có tính trang trí. Vì thế, dù máy lạnh nhưng ở trong phòng vẫn cảm thấy ngột ngạt. Ở đây, có casino dành cho dân máu me cờ bạc, tuy nhiên, người Việt trong nước không được bén mảng vào.
Dạo một vòng quanh khu Hồ Tràm, đi xuống tận ngã tư Tứ Hải, sở dĩ gọi như thế vì nơi đây, ngay đầu đường rẽ xuống bãi biển có quán ăn cùng tên. Nhìn chung, vẫn còn vắng vẻ, biển không sạch, quán xá nhiều nhưng giá cả không thua gì trong resort. Cũng như những lần nghỉ mát trước, y thường đem theo quyển từ điển để đọc.
Và bao giờ, nàng cũng nhăn mặt: "Trời, đã bảo đem sách theo đọc mà vẫn không chịu nhớ". Ủa, vậy từ điển không phải là sách để đọc giải trí sao? Nhiều người cho rằng, từ điển là công cụ tra cứu, khi cần thiết lắm mới lật ra tìm vài trang, đọc vài dòng rồi cẩn thận gấp sách, đặt lại trên kệ. Khi đi chơi xa, ít ai cầm theo từ điển vì một phần do sách dày cộp, nặng trĩu tay cầm.
Mà này, thôi, chẳng bàn chuyện đó nữa. Đọc cái gì là sở thích của mỗi người, miễn thấy hứng thú. Dám nói rằng, cái thú đọc sách còn là khi tình cờ gặp những điều mình đang suy nghĩ trong đầu, vừa định viết ra thì đã có người khác viết rồi. Đọc nhẩn nha, thấy thích, buột miệng: "Sao đúng với suy nghĩ của mình thế?". Vừa rồi, đọc đoạn này, có thể nói nôm na là bàn về cái thú đọc từ điển, nhất là đối với những ai làm công việc viết lách.
Dạo một vòng quanh khu Hồ Tràm, đi xuống tận ngã tư Tứ Hải, sở dĩ gọi như thế vì nơi đây, ngay đầu đường rẽ xuống bãi biển có quán ăn cùng tên. Nhìn chung, vẫn còn vắng vẻ, biển không sạch, quán xá nhiều nhưng giá cả không thua gì trong resort. Cũng như những lần nghỉ mát trước, y thường đem theo quyển từ điển để đọc.
Và bao giờ, nàng cũng nhăn mặt: "Trời, đã bảo đem sách theo đọc mà vẫn không chịu nhớ". Ủa, vậy từ điển không phải là sách để đọc giải trí sao? Nhiều người cho rằng, từ điển là công cụ tra cứu, khi cần thiết lắm mới lật ra tìm vài trang, đọc vài dòng rồi cẩn thận gấp sách, đặt lại trên kệ. Khi đi chơi xa, ít ai cầm theo từ điển vì một phần do sách dày cộp, nặng trĩu tay cầm.
Mà này, thôi, chẳng bàn chuyện đó nữa. Đọc cái gì là sở thích của mỗi người, miễn thấy hứng thú. Dám nói rằng, cái thú đọc sách còn là khi tình cờ gặp những điều mình đang suy nghĩ trong đầu, vừa định viết ra thì đã có người khác viết rồi. Đọc nhẩn nha, thấy thích, buột miệng: "Sao đúng với suy nghĩ của mình thế?". Vừa rồi, đọc đoạn này, có thể nói nôm na là bàn về cái thú đọc từ điển, nhất là đối với những ai làm công việc viết lách.
"Từ điển là cuốn sách tập hợp một lượng từ ngữ khổng lồ, vào đó như vào một kho tàng. Bạn sẽ tìm thấy trong đó những từ quen thuộc, những từ ít quen thuộc, thậm chí những từ lạ lẫm đến nỗi bạn tin chắc là bạn chưa gặp qua bao giờ. Gấp cuốn từ điển lại, giống như các bà nội trợ đi ra khỏi siêu thị, bạn sẽ thu hoạch được nhiều thứ. Bạn nhớ lại được nhiều từ mà bạn đã quên từ lâu, học thêm những từ mới, hay nghĩa mới của một từ cũ, và dĩ nhiên là bạn sẽ nghĩ ra cách dùng những từ đó, mặc dù có thể không phải ngay hôm nay hay ngày mai.
Các bà nội trợ cũng thế thôi, họ ngắm nghía hàng giờ trong siêu thị rồi đi ra tay không, nhưng những món hàng hấp dẫn, thậm chí giá cả và vị trí của chúng, đã khắc sâu trong tâm trí họ. Một lúc nào đó, cần tới, họ sẽ tìm ngay được cái họ cần. Nói tóm lại, đó là một cách rèn luyện trí óc, một kiểu thể dục tinh thần, và theo tôi là vô cùng quan trọng với những ai có ý định hành nghề bằng những con chữ".
Ai viết chí lý quá vậy ta?
Đó là bài viết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đăng trên Tạp chí Kiến thức ngày nay số Xuân Ất Dậu (2002). Chuyến đi ra Hồ Tràm vừa rồi, y đem theo bộ Phương ngữ Nam bộ - ghi chép và chú giải của Nam Chi Bùi Thanh Kiên. Hai tập dày đến 1.600 trang in. Tất nhiên, chỉ tranh thủ đọc loáng thoáng. Sách do nhà văn Vũ Hồng gửi lên từ Bến Tre.
Bạn bè chơi Facebook, qua đó, có thể kịp thời nhờ cậy gửi phát chuyển nhanh, nếu không, biết bao giờ mới có sách để đọc. Cần ghi nhận lại một vài từ du nhập từ tiếng nước ngoài, pha trộn với tiếng Việt, nói nôm na, tếu táo là "tiếng Việt ba rọi". Ba rọi, xét theo một nghĩa nào đó là pha tạp một cách nhố nhăng, lộn xộn. Ông Nam Chi Bùi Thanh Kiên có ghi lại vài câu ca dao phổ biến ở Nam bộ:
Dưa leo chấm với cá kèo
Bởi con nhà nghèo, đi học noọc man.
École normale là trường đào tạo giáo viên dạy bậc tiểu học.
Chiều chiều tàu lại Bến Thành
Xúp lê (siffler) thổi vội, bộ hành lao xao.
Pha trộn với tiếng Triều Châu, Quảng Đông:
Má ơi, chú tửng vô mùng
Hầu bao lép xẹp, má đừng cho vô.
Hầu bao: túi đựng tiền đeo ở thắt lưng.
Chờ anh cho mãn kiếp chờ
Chờ cho ến xại lên bờ khui hoa.
Ến xại: rau nhút; khui hoa: trổ bông.
Gió đưa chú tửng từng tưng
Gặp chị bán gừng a nả chị ơi.
Tửng: chú nhỏ; a na: xinh đẹp; do luật bằng trắc, "a na" đọc thành "a nả". Ca dao pha tạp ngôn ngữ kiểu này còn có thể bổ sung thêm nhiều lắm. Chẳng hạn:
Từ khi vu kít tê moa
Ma lơ cũng lắm, bo nơ cũng nhiều.
Chỉ là cách "diễn nôm" của "Depuis que vous me quittez, beaucoup de malheurs et beaucoup de bonheurs". Nghĩ lại mà thấy tiếc. Thật ra, y thuộc thế hệ mù ngoại ngữ. Thời trung học, học tiếng Pháp nhưng khi vào Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp năm 1980, lại bị nhà trường buộc học tiếng Nga.
Quy chế thời đó nó thế. Biết thế nào. Cuối cùng, Pháp phọt phẹt i tờ, Nga lại càng mù tịt. Muốn đọc thơ Việt - Pháp giao duyên, có lẽ đầy đủ, phong phú nhất vẫn là từ quyển Chơi chữ của Lãng Nhân (Nam Chi tùng thư xuất bản năm 1974).
Từ ngày lấy chú tôi chẳng biết gì
Chỉ biết phán xì là củ khoai lang.Cái này mới là "độc", chỉ rặt tiếng Pháp:Cút xê đồng, mông se pơ tí
Mánh tơ nằng, phi ní pa pa.
"Couchez donc mon cher petit, maitenant fini papa". Chẳng rõ, có sinh viên nào chú tâm làm luận văn về đề tài này? Qua đó, ít nhiều sẽ thấy sự phong phú, tài tình của tiếng Việt. Mới đây, qua chơi với đồng nghiệp Nguyễn Hạnh - Phó Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay, anh tặng cho bộ Sử Địa vừa tái bản.
Trong lời nói đầu cho biết: "Tập san Sử Địa là tam cá nguyệt xuất bản được 29 số từ số 1 năm 1966 đến số 29 năm 1975, trang bìa ghi: "Do một nhóm giáo sư, sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn chủ trương" và "Nhà sách Khai Trí bảo trợ".
Ban chủ biên tập san gồm nhiều nhà khoa học có tên tuổi của miền Nam trước đây như: Nguyễn Thế Anh, Bửu Cầm, Phan Khoang, Lâm Thanh Liêm, Phạm Cao Dương, Phù Lang, Nhất Thanh, Đặng Phương Nghi, Quách Thanh Tâm, Tạ Chí Đại Trường, Thái Công Tụng, Nguyễn Huy, Trần Anh Tuấn...
Đặc biệt, tập san nhận được sự cộng tác của nhiều nhà khoa học nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài như: Hoàng Xuân Hãn, Chen Hing Ho (Trần Kinh Hòa), Nguyễn Đăng Thục, Bửu Kế, Lê Thọ Xuân, Thái Văn Kiểm, Hồ Hữu Tường, Nghiêm Thẩm, Bùi Quang Tung, Nguyễn Bạt Tụy, Vương Hồng Sển...".
Lật số đặc khảo về Nguyễn Trung Trực của Tập san Sử Địa, trong bài của nhà văn Sơn Nam có chi tiết, sau khi đàn áp cuộc kháng chiến của người anh hùng: "Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần" (câu đối của Huỳnh Mẫn Đạt), "bọn Việt gian đã tâu với "quan lớn" để trả thù địa phương bằng cách đổi tên làng. Đông Yên trở thành Đông Tặc.
Làng Tây Yên, giáp ranh với Đông Yên, ăn lên rừng U Minh Thượng cũng mang họa lây, đổi là Tây Tặc". Tất nhiên, các kỳ lão trong làng không chịu. Vậy họ dựa vào cái lý nào để phản bác? Theo nhà văn Hương rừng Cà Mau, các cụ làm đơn kêu nài quan trên, viện lý rằng: "Tây Tặc là cái tên thô tục, nếu nói lái thì trở thành... C. Tây" (tr.87).
Người Nam bộ ưa nói lái, bằng chứng là trong cuốn sách vừa ấn hành, ông Nam Chi Bùi Thanh Kiên cũng có nêu vài thí dụ. Ai thích có thể tìm đọc, chỉ chọn nhón lấy một câu nói lái cả tiếng Tây mới là oách xà lách: "Quýt xơ măng móng se, ót măn xít mơ" (= Quăng xơ mít mé sông, ăn mót xơ mít).
Ông già cổ ngoạn lừng danh khét tiếng Vương Hồng Sển cũng khoái nói lái. Bằng chứng, cũng trong số đặc khảo về Nguyễn Trung Trực, cụ Sển viết: "Ngoài Bắc có chơn tượng cụ Hoàng ấp Thái Hà ấp (cụ đặt). Vùng Huế có chơn dung Nguyễn Thân, sanh tiền “cọp miền Trung”” (cọp đặt) (tr. 123). Nhờ những chi tiết đời thường này, lúc đọc sử, cảm thấy dễ "trôi" hơn là đọc các sử liệu khô khan có tính liệt kê, câu chữ đạo mạo, hành chánh.
Lại nhớ mấy mươi năm trước, ngày đó, y còn là cậu trò mặc quần xà lỏn, thường nhảy tắm sông Hàn, chỗ gần Cổ Viện Chàm; nơi đó, ngó xéo qua, có quán bánh bèo trong khu dãy nhà Quan thuế. Ngon lắm. Vừa rồi về tham dự Hội sách Hải Châu, có đi ngang qua nhưng không tìm thấy một dấu vết gì.
Vật đổi sao dời là vậy. Mấy hôm nay, thời tiết nóng quá, ngại ra đường. Nằm nhà đọcKiến thức ngày nay, số vừa phát hành. Thích thú với tiến sĩ Lê Trung Hoa, vì lý do rằng, do đọc lại Từ điển Việt-Bồ-La (1651) do Alexandre de Rhodes soạn, ông phát hiện ra rằng: "Một số từ vốn là thành ngữ hay một số câu tục ngữ rút gọn lại:
"Tang tóc" bắt nguồn từ thành ngữ bốn tiếng mà A. de Rhodes có ghi lại "để tang để tóc", vì theo phong tục thời xưa, người ta khi để tang thì không được hớt tóc.
Còn từ "dòm dỏ" bắt nguồn từ tục ngữ "dòm giỏ ngó oi". "Dòm dỏ" là "để ý quan sát theo lối tò mò, hoặc vì có ý thèm muốn" (Từ điển tiếng Việt). Còn "oi" là "gỏi đựng cua, đựng cá đánh bắt được". Ở đây, từ "giỏ" đã bị "dòm" đồng hóa âm đầu ("giỏ" thành "dỏ")".
Lại nữa, ""Bực" là "có tang" và "áo bực" là "áo tang". Như vậy, "buồn bực" là "buồn như có tang"; Còn "nớt" trong từ điển nêu trên, có nghĩa "đẻ thiếu tháng" và "non nớt" có nghĩa "đẻ non" hay "đẻ thiếu tháng". Và "ghiếc" (gớm ghiếc) thì "ghiếc" ở thế kỷ XVII có nghĩa "buồn nôn".
Cha chả là hay. Biết bao giờ, y mới có được quyển Từ điển Việt-Bồ-La (1651) do Alexandre de Rhodes? Chẳng biết bao giờ. Có duyên thì gặp. Bằng không thì thôi. Trời đã chiều, tiếng chuông chùa đối diện nhà đã vọng sang. Ghi thêm cái từ y lần đầu tiên biết đến: "xác sống".
Sở dĩ biết là do đọc tờ ANTG số cuối tháng 4/2016, bài của đồng nghiệp Mr.Bim có câu: "Trang Thanh Niên Online thông tin "Báo Hàn ví fan Việt là "xác sống" khi đeo bám thành viên nhóm EXO””. Thử hỏi, "xác sống" nghĩa gốc của nó ra làm sao? Vậy phải tra từ điển thôi.
Từ điển vi.walkingdead.wikia.com/wiki giải thích: "Trong Anh ngữ, từ "zombie" (xác sống) lần đầu được sử dụng vào năm 1819 bởi thi sĩ Robert Southey dưới dạng một từ được ghi là "zombi". Từ điển Anh ngữ Oxford cho rằng nguồn gốc của từ này bắt nguồn từ vùng phía tây châu Phi, là một sự kết hợp giữa 2 từ trong tiếng Kongo là "nzambi" (thần thánh) và "zumbi" (mê tín).
Định nghĩa: Xác sống là phần xác của một người sau khi chết bằng một cách nào đó có thể biến đổi và sống dậy, tuy nhiên không còn đầy đủ những chức năng ở bộ não cũng như không còn bản năng sống, từ đó không được coi là một người còn sống hay người có suy nghĩ".
Hiểu thế mới biết các tay nhà báo Hàn sử dụng từ đắc địa, đểu đến cỡ nào khi đánh giá fan cuồng người Việt.
Trời đất ơi, từ này đã xuất hiện từ năm 1819, vậy mà giờ mới biết? Nghe y não nùng thốt ra ngoài cửa miệng, nàng bèn cười ruồi: "Thế lần sau đi nghỉ ngơi, thư giãn có còn đem theo từ điển nữa không anh?".
Lê Minh Quốchttp://antgct.cand.com.vn/Nhan-dam/Thu-vui-luc-doc-tu-dien-392754/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét