Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Hỏi Vũ Huy Hoàng: Vì sao chợ xây xong bỏ hoang ?

Vì sao chợ ở miền núi xây xong không được sử dụng?
11/05/2016 - Chợ là một trong những hạng mục của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Để thực hiện Chương trình, chợ là hạng mục được đầu tư xây dựng với số vồn không nhỏ. Nhưng rất nhiều chợ ở miền núi xây dựng đều bỏ hoang. Xây dựng xong bỏ hoang khiến cho dư luận hết sức bức xúc, hoài nghi về tầm nhìn chiến lược và thể hiện sự yếu kém về cách thức quản lý của các cấp chính quyền.
Ở miền núi, chợ là trung tâm thương mại của xã, được xây dựng nhằm ổn định, phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển dịch vụ thương mại địa phương nói riêng, là một trong 19 tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, hạng mục này đã gây ra sự lãng phí ngân sách rất lớn bởi kể từ khi xây dựng hoàn thành, gần như bỏ hoang. Cũng do không được bảo quản nên toàn bộ công trình xây dựng xong chỉ ít năm đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tại huyện Con Cuông (Nghệ An), chợ Mậu Đức được khởi công xây dựng từ năm 2001 và đến năm 2003 hoàn thành với số vốn đầu tư 446.822.000 đồng, được trích từ ngân sách tỉnh Nghệ An. Chợ Thạch Ngàn cũng được đầu tư xây dựng cả tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước, nhưng cả hai chợ này bây giờ không được dân vào họp chợ, nên bỏ hoang cho trâu, bò hoặc trở thành nơi chứa chấp các tệ nạn xã hội.

Tìm hiểu về nguyên nhân chợ xây dựng nhưng không được sử dụng, một cán bộ xã Mậu Đức cho biết: “Chợ xây xong không đưa vào sử dụng vì người dân buôn bán ở đây họ không đồng ý vào chợ. Vì buôn bán ở chợ miền núi không mang tính lâu dài, bình thường họp chợ thì cũng vài tiếng là họ bán hết hàng rồi chứ không phải ngồi bán cả ngày. Nếu vào trong chợ đăng ký phải nộp thuế và các loại lệ phí gây tốn kém cho bà con nên bà con không vào họp trong chợ”. Mặt khác ở các trung tâm thị tứ các chợ cóc được hình thành từ trước khi chợ xây dựng chợ. Bà con buôn bán và kinh doanh trên đất của họ, hàng ngày khách vào đây mua là chủ yếu.

Một điều cần quan tâm là việc xây dựng chợ phải nắm chắc tâm lý và nhu cầu của bà con, nó phản ảnh nhu cầu trao đổi hàng hóa hàng ngày và yêu cầu thuận tiện. Trong khi việc xây dựng chợ vừa thể hiện việc yếu kém của đội ngũ qui hoạch thiếu tầm nhìn, chưa thực sự sâu sát với tình hình buôn bán của nhân dân, chưa nắm rõ đặc thù riêng để thiết kế chợ phù hợp với thực tế. Đặc biệt là việc buông lỏng quản lý và sự chậm trễ trong cách giải quyết, khắc phục của các cơ quan liên quan khiến chợ miền núi bỏ hoang và ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Việc đầu tư xây dựng chợ tập trung và là một trong hạng mục quan trọng để phát triển NTM là một chủ trương đúng. Nhưng trước khi xây dựng chợ cần tham khảo ý kiến nhân dân, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của bà con và phải thật sự bàn bạc dân chủ để bà con ưng thuận và cùng góp vốn xây dựng. Còn cứ xây dựng chợ bằng ngân sách nhà nước đã không mang lại được ý nghĩa như mong muốn, ngược lại còn gây lãng phí ngân sách nhà nước rất lớn.

Một công trình được đầu tư xây dựng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với vùng miền núi, dân tộc thiểu số. Nhưng xây dựng xong bỏ hoang khiến cho dư luận hết sức bức xúc, hoài nghi về tầm nhìn chiến lược và thể hiện sự yếu kém về cách thức quản lý của các cấp chính quyền là điều phải hết sức tránh.

Phùng Văn Mùi
(Thị trấn Con Cuông, Nghệ An)

http://daidoanket.vn/tieng-dan/vi-sao-cho-o-mien-nui-xay-xong-khong-duoc-su-dung/100736

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét