Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

"Thịt mình đang ăn toàn... đôla"

"Thịt mình đang ăn toàn... đôla"
TTO - Có những nghịch lý đau lòng: giá sản xuất trung bình 1kg thịt heo hiện nay tại Việt Nam cao xấp xỉ 22% so với Mỹ; ngành chăn nuôi không phát triển được, bởi thịt mình đang ăn toàn... đôla. Từ nguyên liệu thức ăn cho gia súc như bắp, bã đậu nành, cám gạo, đến các loại thuốc cho heo, gà, cá... đều phải nhập bằng ngoại tệ.
Công nghệ biến thịt lợn thành thịt bò của người Việt thời dân chủ XHCN
Thử làm một phép so sánh nhỏ, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào khoảng 2.000 USD/người/năm, trong khi GDP bình quân đầu người của Mỹ gấp hàng chục lần, nhưng giá sản xuất trung bình 1kg thịt heo hiện nay tại Việt Nam cao xấp xỉ 22% so với giá sản xuất trung bình 1kg thịt heo ở Mỹ (và một số nước khác như Mexico, Úc). “Đi bán giùm sữa cho nông dân là chưa đủ, phải làm sao cho họ sống được bằng sản xuất kinh doanh sữa có hiệu quả. Đó là trách nhiệm của Nhà nước và cả doanh nghiệp Việt Nam!”


​Theo số liệu tổng hợp của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2015 mức tiêu thụ đạm động vật (thịt + thủy hải sản) bình quân Việt Nam khoảng 84 kg/người/năm (trong đó thịt chiếm 62%), trị giá sản phẩm thịt khoảng 168 USD/người/năm. Rõ ràng, người Việt Nam đang tiêu thụ lượng thịt ít hơn, với giá cao hơn và chất lượng thì không thể bằng.

Nếu phân tích kỹ mới thấy một nghịch lý: nông nghiệp hiện chiếm hơn 18% tổng GDP cả nước nhưng ngành chăn nuôi vẫn không phát triển được, bởi thịt mình đang ăn toàn... đôla.

Từ nguyên liệu thức ăn cho gia súc như bắp, bã đậu nành, cám gạo, đến các loại thuốc cho heo, gà, cá... đều phải nhập bằng ngoại tệ.

Tổng hợp từ báo cáo thống kê cho thấy thị trường thức ăn chăn nuôi năm 2015 ước tính trị giá 6,92 tỉ USD, trong khi giá trị nhập khẩu nguyên liệu cho ngành này hơn 4,8 tỉ USD. Vì sao phải nhập? Vì giá rẻ hơn và chất lượng tốt hơn mình rất nhiều.

Thêm một ví dụ nữa, cả nước Mỹ chỉ cần vài ngàn nông trại hiệu quả cao là đủ phục vụ hơn 300 triệu dân, trong khi đó cả nước mình có đến hàng triệu hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, chi phí giá thành cao.

Để chạy theo lợi nhuận, một bộ phận nông dân sẵn sàng sử dụng chất tạo nạc, chất tăng trọng, hóa chất cấm trong trồng trọt, qua mặt người tiêu dùng về chất lượng mà vẫn tiêu thụ được.

Tất cả những vấn nạn từ thịt bẩn, rau bẩn suốt một thời gian dài đã dẫn đến hệ lụy về sức khỏe, góp phần không nhỏ trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tỉ lệ ung thư cao trên thế giới.

Nhìn qua ngành mía đường, nghịch lý nhưng vẫn tồn tại nhiều năm nay. Khi khó khăn, thiếu đường, chúng ta phải nhập khẩu đã đành, bây giờ đủ đường cũng phải nhập khẩu. Vì sao?

Vì giá đường nhập khẩu thấp hơn trong nước.
Phân tích ra mới thấy không đủ đường không phải vì thiếu mía, mà vì chữ đường trong cây mía của Việt Nam luôn thấp hơn so với Thái Lan.

Một hộp nước cam, nước thơm, nước táo... được sản xuất và đóng hộp tại Việt Nam nhưng nguyên liệu sử dụng trong đó đều được nhập khẩu từ nước ngoài!

Điểm lại chuỗi giá trị trong chế biến thực phẩm đạm động vật từ nông trại (farm), thức ăn chăn nuôi (feed) và thực phẩm (food) suốt một thời gian dài vừa qua gần như vắng bóng những doanh nghiệp Việt Nam có tầm cỡ đầu tư một cách tập trung và hoàn chỉnh.

Vì thế, cho đến nay lợi thế đã tạm thời nghiêng về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nguồn vốn lớn, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm lâu năm, họ đang dẫn dắt và kiểm soát theo đúng quy luật của kinh tế thị trường.

Vì vậy, cần phải giải bài toán làm sao tái cấu trúc mô hình, mở rộng quy mô, để dần dần tham gia chuỗi giá trị nhằm giảm chi phí trong lộ trình nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trước ngưỡng cửa hiệp định TPP và AEC đã có hiệu lực, chúng ta phải thấy đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nhìn lại, nhận ra mình trong điều kiện có thể, tìm được hiệu quả trong đầu tư nông nghiệp.

Ngay cả chính sách cho nông nghiệp phải mang tầm chiến lược và thực thi được trong hiện trạng của nền kinh tế. Khuyến khích đầu tư và nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa là bài toán cho cả Nhà nước và doanh nghiệp hiện nay.

Đặc biệt, Nhà nước phải luôn cân nhắc sự bình ổn về giá, mức độ cung cầu trong những thời điểm phải đối mặt với sự biến động của thị trường, kể cả vấn đề về an ninh an toàn lương thực thực phẩm. Vai trò này liệu có thể dựa vào doanh nghiệp FDI?

Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp Việt Nam cần gánh vác vai trò của mình, để xác lập lại “trật tự” trong quá trình hội nhập hiện nay, không chỉ Nhà nước mới có trách nhiệm bảo đảm lương thực, thực phẩm, sức khỏe cho người dân, mà doanh nghiệp trong nước cũng cần có trách nhiệm đó.

Mô hình trang trại lớn, không thể làm ăn gian dối, chính sách cho nông nghiệp phải làm sao bảo đảm sự công bằng, minh bạch, đủ để ngăn chặn những doanh nghiệp làm ăn gian dối, khuyến khích doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng... chính là những nhân tố quan trọng nhất giúp nông nghiệp chuyển mình.

PHẠM PHÚ NGỌC TRAI
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160321/thit-minh-dang-an-toan-dola/1070881.html

  • NGƯỜI DÂN 11:06 21/03/2016
    Tôi nghĩ tác giả chỉ nêu ra phần ngọn chứ không đề cập đến nguyên nhân sâu xa của vấn đề hiện nay. Vì sao nên nỗi? Có trồng cây, vun phân, tưới nước thì mới có ngày hái quả, đó là quiluật tất yếu. Mấy chục năm qua, chúng ta chỉ lo tạo thành những quả đấm thép, tập trung vào doanh nghiệp nhà nước, mặc cho doanh nghiệp tư nhân tư bươn chải hoạt động với muôn vàn khó khăn, hiện giờ họ còn sống được là hay lắm rồi. Thị trường trong nước thì buông, các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ lo xuất khẩu thôi. Bây giờ ngồi trách ai, sai lầm chính sách phát triển kinh tế thì phải chịu hậu quả như vậy.
    • Văn Minh 14:20 21/03/2016
      Bạn cố thử đào xuống phần gốc xem còn nguyên nhân gì nữa không, với cái gốc như thế thì từ thân đến cành lá đều hư héo hết là chuyện đương nhiên, khỏi bàn cãi.
    • Tao Quan 16:14 21/03/2016
      Có quá nhiều hộ làm ăn nhỏ lẻ không muốn tập hợp. Đó cũng là một khó khăn khác.
  • Công dân TP 10:15 21/03/2016
    Việt Nam đang phấn đấu để thành nước "công nghiệp hiện đại" mà, vậy nên tình hình nông nghiệp như vậy thì cũng phải thôi!
  • Bạn đọc 10:34 21/03/2016
    Đúng, không thể bằng những hô hào mang tính chính trị, phải thay đổi thể chế để người dân có thể lao động và tận hưởng thành quả từ công sức của họ. Tại sao dân ta đi lao động, làm công ở nước ngoài vẫn sống thoải mái, còn lao đông cực lực ở trong nước thì... trúng mùa rớt giá....?!
  • Tư Đốc 11:01 21/03/2016
    Rầu cho tương lai đất nước.Công nghiệp lạc hậu, nông nghiệp cũng không tới đâu. Để cho thực phẩm bẩn của TQ đầu độc người VIệt.
  • Thịt lợn 11:26 21/03/2016
    Nói mãi không tin, không nghe, giờ đây thấy rồi đấy, thấy rồi vẫn không tin, không nghe ...
  • photran 10:39 21/03/2016
    Tất cả là ở khâu quản lý nhà nước, nông dân là người chịu thiệt. Có cơ quan nào kiểm soát được chất lượng và giá thành của feed không? Ngành feed đang là ngành mang lại siêu lơi nhuận cho doanh ... [xem thêm]
  • Dương Toàn 15:08 21/03/2016
    Lỗi do nhà nước quản lý yếu kém, người dân thì hám lợi không có đạo đức trong kinh doanh. Cả 2 cộng lại = hại cho người tiêu dùng. Hết...
  • tongson 11:22 21/03/2016
    Sao nghe cái gì mình cũng thua thiệt hết vậy ?
  • Thành 10:57 21/03/2016
    Hãy tự hỏi 1 kg thức ăn gia súc bây giờ là bao nhiêu! Câu trả lời đã rõ.
  • nguyen ngoc lam 15:19 21/03/2016
    Thịt mình đang ăn là thịt đuôi của mình !
  • Minh Minh 14:43 21/03/2016
    Vậy mà bây giờ Vissan còn đi bán luôn cho nước ngoài thì hỏi làm sao mà dân chịu cho thấu...
  • vuxuanthanh0512 13:02 21/03/2016
    Nguyên nhân của việc ăn xổi ở thì, bóc ngắn cắn dài.
  • Quyết Thắng 11:52 21/03/2016
    Chính sách nông nghiệp hiện tại chỉ tập trung vào nông dân. Cứ phải theo hướng làm sao vài triệu hộ nông dân nhỏ lẻ cùng được lợi. Trong khi chính trong bài báo cũng chỉ ra, ở Mỹ chỉ có vài ngàn nông trại, tức là phải tập trung ở quy mô lớn, và tập trung vào doanh nghiệp nông nghiệp. Nếu 1 nông dân nào đó phát triển lên, thu gom được hết nguyên ruộng đất của 1 huyện (theo giá thị trường) thì điều đó cần khuyến khích. Đáng tiếc, ở VN không thể có tình trạng đó xảy ra, vì người ta sẽ nhào vào đặt câu hỏi "vậy những người nông dân còn lại được gì?". Chúng ta không muốn 1 người mạnh để kéo dần dần những người khác. Chúng ta muốn dàn hàng ngang mà đi. Nước ngoài thì họ chấp nhận có những thằng cực giàu làm đầu tàu để kéo cả toa tàu đi dần lên.
  • Nguyễn Trung HIếu 16:38 21/03/2016
    Nói về nông nghiệp các bác hãy vào mấy cái trung tâm thực nghiệm của nhà nước mà xem. Hoặc xem các bài hướng dẫn nông nghiệp trồng cây trên .gov.vn của VN mà xem họ đưa ra những công thức công nhận trồng theo thì cây trồng đẹp thật đó nhưng nếu trồng xà lách theo công thức họ đưa ra thì ôi thôi. VD: giá thành cây xà lách là 1.500-2.000 VNĐ/gốc theo công thức của họ (tầm 4 gốc được 1 Kg chưa nói là rau sạch hay không). Nhưng thực tế giá thu mua thương lái cao lắm 3.000/Kg tại vườn thậm chí nhiều khi tại chợ Sài Gòn giá xà lách có khi chỉ 5.000/Kg. Các loại rau củ khác cũng vậy, đưa ra những hướng dẫn mà nông dân không bao giờ áp dụng thì đưa ra làm gì?
    Một ví dụ khác: Nông dân trồng cà chua đầu tư xuống tầm 4.000-5.000 VNĐ/gốc thu hoạch tầm 4-5Kg/gốc còn theo hướng dẫn thì đầu tư xuống tầm 8.000-9.000/gốc thu hoạch 5-6Kg/gốc nhìn thì thấy năng suất cao nhưng thực tế lợi nhuận cực thấp nên gần như không có ai áp dụng. Nông dân luôn tự tìm cho mình công thức hợp lý nhất lợi nhuận cao nhất, năng suất tỷ lệ với đầu tư chứ không thể đầu tư max năng xuất max nhưng lợi nhuận min được.
  • Lâm Nhật Hùng 15:26 21/03/2016
    Tiền vốn sản xuất của người nông dân từ túi của họ (tiền của người nông dân) tự sản xuất và thường lỗ ... lời ít (lấy công làm lời). Trong khi đó Mỹ hoặc các nước phát triển muốn sản xuất thì các siêu thị, nhà thu mua, ngân hàng phải bỏ tiền ra cho họ sản xuất (đặt hàng trước) nên họ sản xuất ra phải có lời... giá thành sản xuất ra càng rẻ thì họ càng lời... Còn giá thu mua thì đã được ấn định sẵn ... người nông dân của mình bị bóc lột thảm thương!
  • Huy 11:48 21/03/2016
    Người dân chúng tôi chỉ biết làm, quan trọng là phải có chính sách, đường lối, đầu tư...đúng hướng thì chúng tôi mới có nhiều sản phẩm ngon rẻ được. Gia nhập TPP mà cứ như thế này thì chúng tôi sẽ từ chết tới bị thương thôi.
  • Long Trần 11:45 21/03/2016
    Có chăng nên học theo Campuchia, cái gì mình sản xuất được tốt - chất lượng cao, thì đánh thuế cao để bảo hộ sản phẩm trong nước. Cái gì làm không được, thì giảm thuế để cho nước ngoài sản xuất hoặc nhập khẩu trực tiếp luôn đi; có vậy thì giá mới rẻ. Người cuối cùng được lợi là người dân và nền phát triển tiêu dùng. Những thứ thiết yếu như sữa, thuốc thì giá cao trên trời là sao? Qua Campuchia thấy hàng hoá họ đa dạng mà lại rẻ hơn VN mình mà phát thèm. Mình làm cái gì cũng nửa vời, đến cả gạo rồi cũng từ từ thua Campuchia và Thái Lan trên sân nhà luôn là sao?
  • NVH 01:27 22/03/2016
    Sản xuất lớn mới hạ được giá thành nhưng phần lớn nông dân ta quyết ôm miếng ruộng, mãnh vườn mạnh ai nấy làm chớ không chịu hợp tác với nhau. Doanh nghiệp ta thì ít người chịu đầu tư vào nông nghiệp vì đòi hòi kỹ thuật, vốn lớn, lời chậm và không bằng đầu tư BĐS hay đi buôn. Chính tác giả cũng đi làm cho công ty nước giải khát và hiện chỉ tư vấn cho công ty khác chớ mình cũng không làm những gì mình viết. Tại sao vậy ?
    • Nguyễn Trung Hiếu 09:18 22/03/2016
      Xin lỗi bạn, giờ nông dân bán ruộng bán đất đi thì họ lấy gì ăn? Khối người học đại học, cao học kia còn thất nghiệp xin hỏi nông dân giờ ra làm gì? Làm công nhân? Xin hỏi nếu 30% nông dân hiện tại muốn đi làm công nhân liệu có đủ nhà máy cho họ làm không?
  • Nguyen Khang 12:53 21/03/2016
    Chúng ta chỉ lam giàu cho nước ngoài thôi. Mình kiếm được 1 đồng họ kiếm tới 10 đồng.
  • minh thu 12:48 21/03/2016
    Nên đổi tên Bộ Nông Nghiệp thành Bộ Nông nghiệp, thực phẩm và phát triển nông nghiệp - Bộ phải quản lý thực phẩm từ gốc.
  • b 11:11 21/03/2016
    Báo đặt ra vấn đề lớn quá, tôi nghĩ trong tương lai gần sẽ không thể giải quyết được. Tương lai xa cũng thế nếu cứ dựa trên tư duy quản lý, SX, áp dụng KHCN như hiện nay.
    Tôi nghĩ nông
     nghiệp nói riêng và hàng chục triệu nông dân, ngư dân sẽ có những bài thuốc đắng, khi hội nhập sâu và rộng. Và sau những bài thuốc đắng ấy tôi tin sẽ có chuyển biến, và đó là cách cải tổ thực tiễn và nhanh nhất.
    Tuy nhiên sẽ có những đau thương, mất mát nhưng đó là bài học để cán bộ quản lý đầu ngành thay đổi tư duy lãnh đạo chỉ đạo trong nông nghiệp.
    Dân gian có câu "sai thì sửa", làm đi mới biết sai ở đâu, thì đây rất đúng với tuy duy như thế. Tuy nhiên có những việc chỉ sai 1 lần là sai hết cả mấy năm phát triển, dẫn đến nước ta mãi là nước đang phát triển.
    Thiếu tầm nhìn, cải cách nữa vời, không triệt để, không có chiến lược, và thực tiễn đó là nguyên nhân của vấn đề.
  • Thu Lan USA 08:20 22/03/2016
    Các nước tiên tiến chăn nuôi theo khoa học kỹ thuật tiên tiến và tính đường trường, có nghĩa là vốn đầu tư máy móc - nguổn thực phẩm - chi phí khác rất cao nhưng được những chính sách của ... [xem thêm]
  • minh 15:37 21/03/2016
    Ủng hộ hàng Việt Nam dùng nguyên liệu VN, còn hàng Việt Nam nguyên liệu ngoại thì dùng hàng ngoại sướng hơn.
Xem tiếp bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét