Phong hàm để có vị thế: Giải quyết khâu oai?
Có ý kiến cho rằng, việc bổ nhiệm chức danh "hàm" để giải quyết khâu "oai", dẫn đến sự rối loạn trong điều hành và đây là bài toán rất khó gỡ. Vai trò trợ lý về chuyên môn rất quan trọng nhưng không nên để chữ "hàm" bởi như nói ở trên, "hàm" phải có nội hàm, còn "hàm" để giải quyết khâu "oai", giải quyết chế độ thì nên lấy một tên khác", ông Thuận nói. Bộ trưởng Nội vụ thừa nhận nhiều nơi tự phong cấp hàm / Phong hàm để có vị thế: Người giỏi có cần mượn danh?
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Tuổi trẻ
Xưa và nayTrước thực tế có hàng trăm cán bộ cấp trung ương giữ "hàm vụ trưởng, vụ phó" trong khi không có văn bản pháp luật nào quy định, trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia đều nhắc lại câu chuyện phong "hàm" khi xưa.
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho biết, từ thời phong kiến, người ta phong "hàm", "vị" chủ yếu để giữ một vị trí nào đó không danh chính ngôn thuận, còn giờ đây, Việt Nam "phong" hàm để giữ vị trí cho tiện làm việc.
"Ở các vụ, nhiều người đi làm việc ở địa phương vẫn cần có một chức danh nào đó khi giới thiệu, nó còn liên quan đến chế độ, chính sách đối với người đó. Vì thế, bảo phong "hàm" để sử dụng người giỏi cũng không phải. Như thế có rất nhiều danh và nó khiến xã hội thấy không chính danh ngôn thuận. Lẽ ra phải để những người đó làm cán bộ chuyên môn và vẫn giới thiệu họ với chức danh chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính. Ở các nước không làm thế, mọi thứ phải chính danh, trừ một số bộ trưởng không bộ, nó mang tính chất vụ việc nhiều hơn chứ không thường xuyên và ổn định như một cấp trong bộ máy Việt Nam".
Trong khi đó, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ, thời kỳ ông làm việc với cương vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tại Quốc hội cũng có việc phong "hàm".
Cụ thể, một số chuyên viên giúp việc cho Phó Chủ tịch, Chủ tịch Quốc hội, Thường vụ Quốc hội được phong "hàm" vụ trưởng, vụ phó để hưởng các chế độ như nâng lương. Câu chuyện đó xảy ra cách đây chừng 17 năm và thực ra những người mang "hàm" vụ trưởng, vụ phó đó không tham gia quản lý, điều hành, nói nôm na là những người đó không có lính.
"Nhưng đến nay, người ta đã nâng cấp lên, khi phong "hàm" vụ trưởng, vụ phó như thế tức là người đó có quyền lực, có nội hàm. Ví dụ, thư ký riêng của lãnh đạo cấp cao mà giới thiệu là vụ trưởng thì tôi nghe không xuôi vì vụ trưởng phải có quyền mà người này không có quyền, gán cho ông ta "hàm" thì quyền của ông ấy là gì? Dưới vụ trưởng phải có 1 vụ để ông ta điều hành, nếu người này mang "hàm" vụ trưởng thì vụ trưởng kia làm gì? Hai lãnh đạo biết theo ông nào? Điều đó dễ dẫn đến rối loạn, trùng lặp trong chức quyền, điều hành, không thể có 2 đầu tàu.
Do đó, câu chuyện đặt ra là "hàm" thì phải có nội hàm, không trùng lặp với 1 ông vụ trưởng, vụ phó nào. Đây là bài toán khó, mà theo tôi khó mà gỡ ra được bởi đứng sau người mang "hàm" kia là một "ông to" có thể vô hiệu người có chức thật.
Ở các nước khác có chức trợ lý, còn ở Việt Nam, một số trợ lý lãnh đạo được phong "hàm" nhưng nó không có nội hàm, không có quyền lực điều hành mà chỉ tham mưu, đề xuất. Những người đó phải có chuyên môn giỏi, luôn sát cánh bên lãnh đạo. Vai trò trợ lý về chuyên môn rất quan trọng nhưng không nên để chữ "hàm" bởi như nói ở trên, "hàm" phải có nội hàm, còn "hàm" để giải quyết khâu "oai", giải quyết chế độ thì nên lấy một tên khác", ông Thuận nói.
Đằng sau chuyện "không đẹp mắt"
Nhân bàn đến chuyện phong "hàm" để có vị thế, trước đó, bên hành lang Quốc hội, có ý kiến cũng cho rằng, Thứ trưởng đi taxi, xe ôm đến cuộc họp thì không được đẹp mắt, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nhận xét, đến bây giờ nhiều người Việt Nam vẫn mang ý thức hệ phong kiến rằng đã là quan chức thì phải "võng lọng cờ đào" nên phải đi đứng đàng hoàng, xe sang này nọ, thể hiện quyền lực, nó mang tính hình thức nhiều hơn là phản ánh cái thực. Khi nền dân chủ phát triển ở mức cao, người ta sẽ coi trọng công việc, sự cống hiến hơn là hình thức, danh nghĩa.
"Tốt nhất là tính tất cả vào thù lao lương, nó sẽ tạo ra sự tiết kiệm. Không nước nào giàu có mà khong tiết kiệm. Nhiều nước quy định chỉ sử dụng xe công cho các dịp khí, lễ nhưng ở Việt Nam phần này vẫn bị ẩn giấu trong một chế độ rất cao.
Tôi cho rằng, muốn thay đổi phải từ trên xuống, trên làm nghiêm, các phương tiện đi lại cần thiết quy ra tiêu chuẩn, trả lương cho họ. Cần có tiếng nói mạnh mẽ của đại biểu quốc hội để gây áp lực trở lại cho bộ máy hành chính về cách làm việc, nhưng để được như thế là cả một giai đoạn dài".
"Một đối tượng đang tranh tụng, đang xin dự án hay chuẩn bị ký hợp đồng... mà có xe biển xanh cập vào, người ngồi trên xe xuống giới thiệu sẽ tạo một uy thế khác. Nó đem lại cái lợi khổng lồ cho người ta nhưng lại hại cho đất nước, cho đối tác đang tranh cãi với người đó dù đó chỉ là những lệnh miệng, vô hình vô dáng", nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội dẫn ví dụ.
Bản thân ông Trần Quốc Thuận lúc còn làm việc đã chấp nhận là người "thí nghiệm" đầu tiên khi Bộ Tài chính đề xuất khoán tiền tự lo phương tiện đi lại, không đi xe cơ quan hằng ngày nữa mặc dù ông có cấp hàm tương đương thứ trưởng.
Ông đã chấp nhận mức phụ cấp mà ông được hưởng 4,5 triệu đồng mỗi tháng, chỉ bằng non nửa kinh phí mà lẽ ra cơ quan buộc phải chi trả (lương lái xe, xăng dầu), chưa tính khoản tiền Nhà nước mua sắm xe và sửa chữa xe công. Song, hình như chính sách này cũng chỉ có mình ông đăng ký, chẳng một ai mặn mà.
Bây giờ, lại có ý kiến về chuyện "không được đẹp mắt" của Thứ trưởng nếu đi taxi, xe ôm, ông Trần Quốc Thuận lý giải: "Xe Uber hiện nay có cả xe Mẹc, BMW, ai muốn đi xe sang thì tự bỏ tiền túi gọi xe đó mà đi, còn sang hơn xe biển xanh nhiều, lại ích nước lợi nhà. Nhưng vì sao không mấy ai mặn mà? Là vì nhìn biển xanh người ta đâm ngài ngại, sờ sợ, từ đó nó sinh ra lợi ích vật chất, tinh thần gấp trăm, gấp vạn lần số tiền được lợi ra từ việc đi xe ôm, taxi. Nếu đi xe ôm, taxi, người ta sẽ hẫng hụt vì mất một khoản lớn. Chính cái đó tạo ra nhóm lợi ích, đặc quyền đặc lợi".
Chính vì thế, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề không phải chỉ là thay đổi tư duy mà phải hành động. "Thay vì cứ kêu gọi cần, kiệm, liêm, chính... suốt, mỗi cán bộ lãnh đạo hãy làm gương bằng việc đề ra một hay một vài việc cụ thể để thực hiện, sau đó kiểm điểm việc thực hiện ấy như thế nào. Phải đưa ra được chương trình cụ thể chứ đừng chỉ nói suông".
Thành Luân
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/phong-ham-de-co-vi-the-giai-quyet-khau-oai-3293904/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét