Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Hiệu trưởng là người “Ngậm máu phun người”!

Hiệu trưởng trường Đại học KTCN Cần Thơ “Ngậm máu phun người”!
Theo dõi vụ Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ kiện anh giảng viên Doãn Minh Đăng, tôi thấy cái tầm văn hoá khoa học của vị hiệu trưởng có phần thấp. Vụ kiện xoay quanh cáo buộc rằng anh Đăng xúc phạm lãnh đạo và nhà trường (1), nhưng đọc bài trả lời phỏng vấn của ông hiệu trưởng thì thấy chính ông là người xúc phạm anh Đăng. Tôi sẽ giải thích tại sao …
Ông Đăng, người bị chuyển từ giảng viên sang “ngồi bàn giấy”. Ảnh: Báo MTG
Tôi đọc hết những giải trình sự việc của anh Đăng (2) và cả trên báo (3), nhưng không thấy có chỗ nào hay câu chữ nào để nói rằng anh ấy xúc phạm nhà trường và ban giám hiệu. Các bạn có thể đọc và nói cho biết (theo quan điểm cá nhân) anh Đăng đã viết chữ gì để nói là xúc phạm trường và ban giám hiệu.

Có thể đoạn sau cùng của cái note trên fb (3) làm cho các vị lãnh đạo nhà trường không hài lòng, nhưng hai đoạn văn mà tôi trích lại dưới đây hoàn toàn không mang tính xúc phạm. Thật ra, có thể xem ngược lại: Đó là một đánh giá, giải thích, và dự báo về nguy cơ của nhà trường. Nếu là ban giám hiệu có trách nhiệm, họ nên nhìn lại mình và những gì đã xảy ra.

Nhưng người xúc phạm thì lại chính là … anh hiệu trưởng. Trong bài phỏng vấn đăng trên Vietnamnet (4) ông hiệu trưởng cho biết anh Đăng là đảng viên và được “qui hoạch” để làm phó hiệu trưởng. Nhưng đó chỉ là màn dạo đầu ngọt ngào thôi, vì đoạn sau thì mới “ác ôn”. Ông mô tả anh Đăng là người bất thường, tâm lí bất thường, và thậm chí mắc “bệnh thần kinh”! Ông còn đi xa hơn nữa, phán rằng anh Đăng còn biểu hiện nặng nề hơn, và đề nghị anh Đăng nên đi điều trị! Bác sĩ còn không dám nói bệnh nhân mình là bị tâm thần, ấy thế mà ông này ngoài ngành y lại dám nói như thế thì quả là … bất bình thường.

Trong giao tiếp hàng ngày, nói ai đó mắc bệnh thần kinh là một xúc phạm và bôi nhọ cá nhân rất nghiêm trọng. Thứ nhất, đó là một cách “gắn nhãn” lên trán của người đối thoại nhằm hạ thấp nhân cách của người ta. Ở nước ngoài, chỉ cần nói ai đó “mentally unstable” (bất ổn về thần kinh) hay schizo, psycho, insane, nut, looney bin, v.v. là một cách nói xúc xiểng và thế nào cũng bị người khác chỉnh ngay. Thứ hai, nói ai đó mắc chứng tâm thần là một kiểu kì thị. Người ít học thì có thể tha thứ được, nhưng người có học và làm hiệu trưởng mà nói kì thị như thế là không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ ông ấy nợ anh Đăng một lời xin lỗi.

Nhưng các bạn thử đọc những gì anh Đăng viết và trả lời báo chí thì sẽ thấy kiểu gắn nhãn của ông hiệu trưởng là HOÀN TOÀN vô căn cứ. Một người bị chứng thần kinh mà có khả năng diễn giải sự việc mạch lạc như thế (mạch lạc hơn hẳn ông hiệu trưởng) thì cần phải xem lại phán xét của ông hiệu trưởng.

Cách nói của ông hiệu trưởng còn thể hiện một sự công kích cá nhân (personal attack). Đó còn là một hình thức NGUỴ BIỆN tiêu biểu và phổ biến ở Việt Nam. Thay vì bàn luận một cách văn minh về những vấn đề anh Đăng nêu ra, thì ông hiệu trưởng lại dùng “võ dưới thắt lưng” để tấn công cá nhân người đối thoại. Đó là kiểu nguỵ biện hết sức phổ biến ở VN, thay vì bàn về chủ đề người ta nêu ra, thì lại moi móc và nguỵ tạo những chi tiết về đời tư cá nhân, lâm sàng, quan hệ, v.v. để đánh lạc hướng chủ đề. Đó là kiểu làm phổ biến trên báo công an và một số trang blog của dư luận viên chuyên đánh phá người có chính kiến khác. Cách hành xử như thế chẳng những không xứng đáng hiện diện trong bàn luận, mà còn nói lên một văn hoá tranh luận quá thấp. Không ngờ ông hiệu trưởng lại sử dụng đến nguỵ biện đó. Thật là đáng tiếc! Nhưng điều đó cũng chứng tỏ ông đã đuối lí và tuyệt vọng như thế nào.

Tóm lại, những chứng cứ trên giấy trắng mực đen rõ ràng cho thấy những gì ban giám hiệu cáo buộc anh Doãn Minh Đăng xúc phạm nhà trường và lãnh đạo nhà trường là vô căn cớ; ngược lại, chính ông hiệu trưởng mới là người xúc phạm anh Đăng bằng chiêu thức công kích cá nhân rất thấp. Anh Đăng đúng là nạn nhân của hiện tượng “ngậm máu phun người”!

_____

(1) Thêm một giáo viên lâm nạn vì Facebook (MTG).

(2) Thông tin về những vấn đề xảy ra với một cán bộ khoa học của trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ (ĐH KTCN).

(3) Thêm một giáo viên lâm nạn vì Facebook (MTG).

“Trong hoàn cảnh nhà trường hiện nay rất thiếu nhân lực ở trình độ cao, tôi là người phụ trách chuyên môn cho một chương trình đào tạo đại học chính quy, có thành tích và năng lực làm khoa học hàng đầu trong trường, thì những gì lãnh đạo nhà trường đã làm đối với tôi đặt ra nhiều vấn đề về cách sử dụng người, cách quản lý hoạt động khoa học và cách xây dựng tinh thần quản trị minh bạch trong một môi trường giáo dục và khoa học công nghệ.

Hiện nay, vấn đề ở Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ trở nên phức tạp hơn, khi bắt nguồn từ cá nhân các vị lãnh đạo cấp cao nhiều quyền lực trong trường, họ làm cho những cấp dưới phải ủng hộ mình. Có lẽ là người ta tìm cách lôi kéo cả tập thể sai phạm để che đi những khuyết điểm của cá nhân lãnh đạo. Cái tinh thần làm việc mập mờ thiếu minh bạch đã lan đến cả những giảng viên trẻ, làm cho không ai dám nói trái ý lãnh đạo, mọi người trong trường co mình lại và ngại lên tiếng theo suy nghĩ thật sự của mình, đây là điều rất đáng lo.

Tôi phải đưa vấn đề này ra công luận nhằm tìm một sự tác động để chặn đà lan tràn của tư duy tiêu cực trong ngôi trường này, vì nếu để nó tiếp diễn mà không được điều chỉnh thì không lâu nữa sẽ làm thui chột ý chí phát triển và nhiệt huyết cống hiến của các giảng viên trẻ trong trường. Khi đó cả xã hội cũng sẽ thấy đáng tiếc cho hoàn cảnh của hơn 50 giảng viên – nhà khoa học trẻ nhiều tiềm năng hiện đang công tác ở đây” (3).

2 nhận xét:

  1. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt : "Trí thức chân chính luôn luôn đối lập một cách tự nhiên đối với nhà cầm quyền, cho nên thay vì các tiêu chuẩn nhận diện, thì chúng ta cần nhận diện trí thức bằng thuộc tính tự nhiên của lực lượng này, đó là tính "đối lập". Những ai không có năng lực đối lập, thì dường như rất khó để trở thành trí thức. Những ai không có phản ứng về sự vô lí, về sự thiếu nhân đạo, về sự thiếu hiểu biết, thì kẻ đó dứt khoát không phải là trí thức. Trí thức là người có năng lực phản xạ một cách tự nhiên trước những sự vô lý của xã hội mà đặc trưng là nhà cầm quyền" (Đọc sách "Suy tưởng" của Nguyễn Trần Bạt) Vậy có thể thấy ông Doãn Minh Đăng, giảng viên Đại học Cần Thơ là một trí thức thực sự- người mà xã hội nào cũng rất cần.

    Trả lờiXóa
  2. Không nên lấy một vài tiêu chuẩn của ông Nguyễn Trần Bạt đưa ra để rồi lấy đó làm căn cứ để đánh giá đâu là trí thức đâu không phải là trí thức. Trên thực tế trí thức có nhiều loại, có loại như đời thường (nghĩa là có khi họ phải ẩn mình như một người bình thường để mới có cơ hội cống hiến) chứ không phải cứ là trí thức thì trở nên đặc biệt, đối lập với chính quyền, có một lối ứng xử gai góc...

    Trả lờiXóa